Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông đã cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm - nhân vật lão Hạc - dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Với hệ thống bài soạn tóm tắt gồm 2 phần: bố cục văn bản và hướng dẫn soạn văn, Học247 hi vọng đã cung cấp cho các em một hệ thống kiến thức về văn bản này. Chi tiết bài soạn văn, các em có thể tham khảo dưới đây:
1. Bố cục văn bản
- Văn bản được chia làm 2 phần:
- Phần 1: (Từ đầu đến “một thêm đáng buồn”): Chuyện lão Hạc bán chó cùng sự day dứt và cuộc sống sau đó của lão.
- Phần 2: (Còn lại): Cái chết của lão Hạc.
2. Hướng dẫn soạn văn Lão Hạc
Câu 1: Phân tích diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán chó. Qua đó, em thấy lão Hạc là người thế nào?
- Diễn biến tâm trạng của lão Hạc quanh chuyện bán chó:
- Mối quan hệ: cậu Vàng vừa là kỉ niệm, vừa là tín vật của đứa con trai, cũng là người bạn trung thành trong cuộc sống quạnh hiu của lão.
- Lão đau khổ khi phải bán cậu Vàng: “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậc nước…Lão hu hu khóc”, lão đau đớn tuột cùng, nghẹn ngào, day dứt vì đã “trót đánh lừa một con chó”.
⇒ Người nông dân nghèo khổ, lương thiện, trái tim vô cùng nhân hậu, trong sạch.
Câu 2: Em hiểu như thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc? Qua những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy “ông Giáo” rồi sau đó tìm đến cái chết, em suy nghĩ gì về tình cảnh và tính cách của họ?
- Nguyên nhân cái chết của lão Hạc: sau trận ốm lão rơi vào sự túng quẫn kiệt quệ, phải bán đi người bạn trung thành của mình như mất đi người bạn thân thiết, không muốn làm phiền người khác dù sống khổ nhưng kiên quyết từ chối sự giúp đỡ và vì không muốn xâm phạm đến số tiền ít ỏi cũng như mảnh vườn mà lão quyết giữ cho đứa con trai đi phu xa.
- Vì lòng tự trọng, vì tình yêu thương và vì quá đỗi lương thiện mà lão Hạc đã tìm đến cái chết.
- Qua những điều lão Hạc thu xếp, nhờ cậy ông Giáo rồi sau đó tìm đến cái chết cho ta thấy được tình cảnh hết sức éo le, đáng thương của lão. Đồng thời qua đó, ta cũng thấy được lão là một người khiêm cung trong cử chỉ, tinh tế trong cách đối xử với người khác và là một con người có lòng tự trọng cao, có lòng yêu thương con vô bờ bến.
Câu 3: Em thấy thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc như thế nào?
- Thái độ và tình cảm của nhân vật tôi với lão Hạc có sự thay đổi: lúc đầu thờ ơ và dửng dưng khi nghe chuyện bán con chó. Sau đó thấu hiểu và an ủi lão. Chứng kiến cái chết của lão, nhân vật “tôi” vô cùng cảm động, kính trọng nhân cách, tấm lòng của lão.
- Ông Giáo là một người giàu lòng trắc ẩn, hiểu và đồng cảm với người khó khăn.
Câu 4: Khi nghe Tư Binh cho biết lão Hạc xin hắn bả chó để bắt một con chó hàng xóm thì nhân vạt “tôi” cảm thấy “cuộc đời quả thật…đáng buồn”, nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc, “tôi” lại nghĩ “Không! Cuộc đời chưa hẳn là đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Em hiểu ý nghĩa đó của nhân vật “tôi” như thế nào?
- Ban đầu khi nghe Tư Binh nói, ông giáo buồn vì thấy sự tha hóa trong nhân cách của con người, thất vọng vì lầm tưởng lão Hạc thật sự đánh mất lương thiện bấy lâu.
- Chứng kiến cái chết đau đớn của lão Hạc, ông giáo thấy “cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn” vì niềm tin, hi vọng ào xã hội vẫn còn khi thật sự có những con người vẫn giữ được bản chất lương thiện. Nhưng “lại đáng buồn theo một nghĩa khác” là vì số phận của những người lương thiện như lão Hạc lại phải chọn cái chết đau đớn.
Câu 5: Theo em, cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở những điểm nào? Việc tạo dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng như thế nào? Cách xây dựng nhân vật có gì đặc sắc? Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) có hiệu quả nghệ thuật gì?
- Cái hay của truyện được thể hiện rõ ở việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể.
- Tình huống truyện bất ngờ, sáng tỏ nhân cách lão Hạc trong người đọc, trong nhân vật.
- Cách xây dựng nhân vật chân thực sinh động từ ngoại hình đến nội tâm sâu sắc.
- Ngôi kể thứ nhất giúp sự dẫn dắt thêm linh hoạt, tạo sự gần gũi, chân thực. Đồng thời, nhờ kể ở ngôi thứ nhất mà nhân vật “tôi” như là nhập vào lão Hạc, tạo cho những cảm xúc trở nên chận thực và sâu sắc hơn.
Câu 6: Em hiểu thế nào về ý nghĩa của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả) qua đoạn văn sau:
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ nhận thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi … toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương… Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.
- Đó là những suy nghĩ thể hiện tính triết lí nêu lên bài học về cách nhìn đời, nhìn người và cách ứng xử trong cuộc sống.
- Thể hiện tấm lòng, tình thương sâu sắc của nhà văn đối với cuộc đời và mọi người.
Câu 7: Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu gì về cuộc sống và phẩm chất của người nông dân trong xã hội cũ?
- Cuộc sống của người nông dân trong xã hội cũ: nghèo khổ, bất hạnh, bị xã hội đè nén, áp bức.
- Phẩm chất cao đẹp: hiền lành, lương thiện, giàu tình thương, không bị hòa trong dòng nước xã hội.
Trên đây là bài soạn văn tóm tắt văn bản Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Ngoài ra, các em có tham khảo thêm bài tổng hợp kiến thức về văn bản này tại đây: Lão Hạc - Nam Cao.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm