YOMEDIA
NONE

Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh - Ngữ văn 8 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

Tiếp nối chủ đề Bài 3: Lời sông núi, HỌC247 mời các em cùng tham khảo nội dung bài soạn Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh thuộc sách Kết nối tri thức dưới đây. Với nội dung bài soạn chi tiết, rõ ràng sẽ giúp các em hiểu tinh thần yêu nước là một truyền thống quí báu của dân tộc ta, ngoài ra giúp các em nắm được nghệ thuật nghị luận chặt chẽ, sáng, gọn, có tính mẫu mực của văn bản. Để nắm vững nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm nội dung bài giảng Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh. Chúc các em học tốt!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

Văn bản ca ngợi và tự hào về tinh thần yêu nước. từ đó kêu gọi mọi người cùng phát huy truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc.

1.2. Nghệ thuật

- Xây dựng luận điểm ngắn gọn, súc tích.

- Lập luận chặt chẽ; dẫn chứng toàn diện.

- Sử dụng từ ngữ gợi hình.

2. Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh - Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

2.1. Chuẩn bị đọc

Câu 1: Qua những bài học từ môn Lịch sử hoặc qua những truyện lịch sử đã học, đã đọc, hành động yêu nước của nhân vật nào để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

Hành động yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho em ấn tượng nhất. Bởi Người đã ra đi tìm đường cứu nước suốt 30 năm, bôn ba ở nước ngoài, làm thêm đủ thứ việc để mưu sinh. Tại nước Nga, Người đã tiếp nhận được chủ nghĩa Mác vận dụng vào tình hình đất nước ta. Cộng thêm sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam giúp đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, xã hội chủ nghĩa.

 

Câu 2: Trong cuộc sống hôm nay, con người có thể thể hiện tinh thần yêu nước bằng những cách nào?

Lời giải chi tiết:

Trong cuộc sống hôm nay, con người có thể thể hiện tinh thần yêu nước bằng những cách: học tập tốt, lao động hăng say, sản xuất, làm giàu chính đáng, làm việc có trách nhiệm, mẫn cán, chí công vô tư, cống hiến hết mình vì công việc, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bảo vệ môi trường…

2.2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu 1: Những bằng chứng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ điều gì?

Lời giải chi tiết:

Tác giả chứng minh tinh thần yêu nước đã có từ lâu rồi. Điều đó đã được lịch sử ta chứng minh rằng đã có rất nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại (tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu...), chúng ta phải ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng ấy. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước (từ các cụ già đến các cháu nhi đồng, từ các kiều bào đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiến, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi...), tất cả đều giống nhau bởi cùng có lòng yêu nước nồng nàn.

Nhận xét: Những bằng chứng ấy chứng tỏ lòng tự hào và biết ơn về tinh thần yêu nước của nhân dân ta suốt chiều dài lịch sử.

 

Câu 2: Cách nêu bằng chứng ở đây có gì đáng chú ý?

Lời giải chi tiết:

Cách liệt kê dẫn chứng của tác giả phong phú, toàn diện, liên tục không rối, vừa khái quát vừa cụ thể, hệ thống rành mạch.

 

Câu 3: Cần phải làm gì để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta?

Lời giải chi tiết:

Để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta, cần phải: ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

2.3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1: Người viết văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới đối tượng cần thuyết phục. Theo em, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng tới đối tượng nào?

Lời giải chi tiết:

Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng tới đối tượng: tất cả mọi người (toàn thể nhân dân Việt Nam và những kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc)

 

Câu 2: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh?

Lời giải chi tiết:

- Các đặc điểm của phần trích:

+ Có một luận đề rõ ràng, được khái quát bằng nhan đề (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

+ Mở bài: Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta và sức mạnh vô song của tinh thần ấy

+ Thân bài: Gồm một số luận điểm, mỗi luận điểm có lí lẽ và bằng chứng lấy từ lịch sử chống ngoại xâm, từ thực tế của cuộc kháng chiến đang diễn ra

+ Kết bài: Khẳng định lại sự quý báu của truyền thống yêu nước và kêu gọi phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân trong công cuộc kháng chiến

Nhận xét: Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một văn bản nghị luận hoàn chỉnh

 

Câu 3: Bài nghị luận có mấy luận điểm? Nêu từng luận điểm và chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm, từ đó rút ra nội dung bao quát của văn bản.

Lời giải chi tiết:

- Bài nghị luận này có 3 luận điểm:

+ Luận điểm 1 (từ đầu đến “nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”): Nêu vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

+ Luận điểm 2 (từ “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại” đến “nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”): Truyền thống yêu nước của nhân dân ta thể hiện qua lịch sử đấu tranh giữ nước xưa kia và qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày nay.

+ Luận điểm 3 (còn lại): Cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước quý báu của nhân dân.

- Mối quan hệ giữa các luận điểm: luận điểm 1 có tính chất khái quát; luận điểm 2 làm sáng tỏ điều khẳng định ở luận điểm 1; luận điểm 3 nêu phương hướng hành động trên cơ sở rút ra nhận thức từ hai luận điểm trước đó.

- Nội dung bao quát của VB: Từng luận điểm nêu các khía cạnh cụ thể, ba luận điểm có quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng hướng tới nội dung bao trùm. Nội dung này được thể hiện ở nhan đề: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đây cũng là luận đề của văn bản.

 

Câu 4: Căn cứ vào những bằng chứng khách quan nào mà tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”? Vì sao lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu”?

Lời giải chi tiết:

- Căn cứ vào những bằng chứng khách quan ở đoạn 2 và 3:

+ Sử sách nói về những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, gắn với tên tuổi Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đại, Lê Lợi, Quang Trung…

+ Từ thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra (1951) (từ “Đồng bào ta ngày nay… đến “nồng nàn yêu nước”)

- Lòng yêu nước nồng nà của nhân dân được xem là “truyền thống quý báu” vì:

+ Lòng yêu nước được người Việt Nam duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác suốt trường kì lịch sử

+ Nhờ có lòng yêu nước của dân mà dân tộc Việt Nam mới giành và giữ được nền độc lập của mình

+ Truyền thống yêu nước của nhân dân là nhân tố quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi

+ Lòng yêu nước của nhân dân sẽ quyết định tương lai của đất nước

 

Câu 5: Văn nghị luận của Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng người đọc đi từ nhận thức tới hành động. Qua văn bản này, tác giả muốn người đọc nhận thức được điều gì và có hành động như thế nào? Những nhận thức và hành động đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cộng đồng?

Lời giải chi tiết:

Văn nghị luận của Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng người đọc đi từ nhận thức tới hành động. Qua văn bản này, tác giả muốn người đọc nhận thức được tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Bổn phận của mọi người là phải làm cho tinh thần yêu nước được thể hiện bằng các việc làm thiết thực (giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo) để góp phần vào công cuộc kháng chiến giữ nước và hành trình xây dựng đất nước. Những nhận thức và hành động đó sẽ góp phần đưa đất nước đi lên, phát triển đẹp giàu và sánh vai với cường quốc năm châu.

 

Câu 6: Theo em, những yếu tố nào đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận này? Vấn đề được bàn luận trong văn bản còn có ý nghĩa trong thời đại ngày nay nữa không? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

- Sức thuyết phục của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta được tạo nên bởi một số yếu tố sau đây:

+ Văn bản hội tụ đầy đủ đặc điểm để được xem là văn bản nghị luận hoàn chỉnh, mẫu mực

+ Câu văn trùng điệp, nhiều vế, có sự đăng đối, tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, truyền cảm (từ…đến; từ…đến…); nhiều hình ảnh giàu sức gợi (làn sóng, nhấn chìm, tủ kính, bình pha lên, trong rương, trong hòm…)

- Vấn đề được bàn luận trong văn bản còn có ý nghĩa thời sự trong thời đại ngày nay, vì:

+ Việc xây dựng đất nước trong thời kì hòa bình, ước mơ một Việt Nam hùng cường luôn cần đến sự đóng góp của mọi người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài

+ Vấn đề giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng, rất cần ý thức cảnh giác, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của mỗi người Việt Nam.

Để hiểu hơn về nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm:

  • Soạn văn tóm tắt Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời cho câu hỏi: Phải chăng lòng yêu nước của mỗi người chỉ cần thể hiện khi Tổ quốc bị xâm lăng?

Lời giải chi tiết:

Tình yêu đất nước đã là truyền thống lâu đòi của dân tộc. Dù ở thời đại nào, tinh thần yêu nước cũng cần phải được thể hiện ở mỗi người. Nếu mỗi người đều có lòng yêu nước, nghĩa là chúng ta tiếp nối truyền thống của dân tộc, nghĩa là chúng ta tiếp tục tiếp nhận và duy trì nguồn sức mạnh của dân tộc, sống đúng với đạo nghĩa và truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay. Hiện nay, đất nước ta đang trên đà phát triển, rất cần công sức xây dựng, đóng góp của mỗi cá nhân dành cho cộng đồng.  Hơn lúc nào hết chúng ta cần lòng yêu nước, hơn nữa còn cần biến nhận thức thành hành động. Trong thời đại ngày nay, khi nền hoà bình dân tộc và độc lập của đất nước đã được kiên cố, thể hiện tình yêu sâu đậm đối với đất nước, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn về lòng yêu nước, nuôi dưỡng tình yêu nước trong chính tâm hồn mình và thúc đẩy lòng yêu nước ở những người xung quanh. Vì thế dù là khi Tổ quốc bị xâm lăng, hay là thời bình thì lòng yêu nước luôn phải tồn tại và sục sôi trong mỗi con người.

4. Hỏi đáp về bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh - Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

5. Một số văn mẫu bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh - Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lý: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF