YOMEDIA
NONE

Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

Tiếp nối chủ đề Bài 1: Câu chuyện của lịch sử, HỌC247 xin giới thiệu đến các em nội dung bài soạn Quang Trung đại phá quân Thanh thuộc sách Kết nối tri thức dưới đây. Nội dung bài soạn được HỌC247 biên soạn và tổng hợp chi tiết, rõ ràng sẽ giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong chiến công đại phá quân Thanh. Để nắm vững nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm nội dung bài giảng Quang Trung đại phá quân Thanh. Chúc các em học tốt!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

Tác giả đã ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta, tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

1.2. Nghệ thuật

- Cốt truyện được xây dựng trên các cơ sở các sự kiện đã xảy ra nhằm thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Ngôn ngữ truyện kể và nhân vật phù hợp với thời đại được miêu tả.

- Lối văn trần thuật đặc sắc.

2. Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

2.1. Chuẩn bị đọc

Câu 1: Kể tên một số nhân vật lịch sử mà em biết. Em thích nhất nhân vật nào? Vì sao?

Lời giải chi tiết:

Nhân vật lịch sử mà em thích nhất là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc ta đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Người đã ba lần tổng chỉ huy quân dân Đại Việt cản phá quân Nguyên - Mông hung bạo, đánh cho chúng thất điên bát đảo. Trấn nam vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng có người kéo qua biên ải mới thoát chết.

 

Câu 2: Chia sẻ những hiểu biết của em về người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Lời giải chi tiết:

Nguyễn Huệ (1755 - 1792), còn gọi là vua Quang Trung, là người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai chính quyền phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỉ thứ 18.

2.2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu 1: Theo em, kết quả trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh sẽ như thế nào? Dựa vào đâu em dự đoán như vậy?

Lời giải chi tiết:

Kết quả trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh là quân Tây Sơn sẽ thắng vì họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh bất ngờ. Đặc biệt, còn dựa vào tài cầm quân của vua Quang Trung.

 

Câu 2: Em có đoán đúng kết quả trận đánh không?

Lời giải chi tiết:

Em đã đoán đúng kết quả trận đánh.

2.3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1: Đoạn trích có thể chia thành mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần.

Lời giải chi tiết:

- Phần 1 (Từ đầu đến “…ngày 25 tháng chạp năm Mậu thân 1788”): Khi nghe tin Quân Thanh đã đóng chiếm thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế rồi thân chinh cầm quân dẹp giặc.

- Phần 2 (Tiếp theo đến “….tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): Kể về cuộc hành quân thần tốc cùng chiến thắng lừng lẫy mà nghĩa quân Tây Sơn đã dành được

- Phần 3 (Còn lại): Nói đến sự thất bại của quân Thanh, tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

 

Câu 2: Em hãy liệt kê những nhân vật và sự kiện lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản.

Lời giải chi tiết:

- Nhân vật được đề cập: Quang Trung, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Ngô Văn Sở, Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị,...

- Sự kiện lịch sử: ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, chỉ huy quân tiến ra Bắc tiêu diệt quân Thanh; đêm 30 Tết, quân ta vượt sông Gián tiêu diệt gọn quân địch ở đồn tiền tiêu; đêm mùng 3 Tết, bao vây tiêu diệt đồn Hà Hồi; đêm mùng 5 Tết, quân ta tấn công và hạ đồn Ngọc Hồi; quân Thanh thất bại thảm hại, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống tháo chạy;...

 

Câu 3: Tìm những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách gì của nhân vật?

Lời giải chi tiết:

Khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta, Bắc Bình Vương giận lắm, cho họp tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay; lên ngôi hoàng đế, tiến quân ra Bắc dẹp giặc; trưng cầu ý kiến của người hiền tài; tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, yên ủi quân lính, vạch ra kế hoạch đánh giặc;... Các chi tiết đó cho thấy Quang Trung là một người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén; hành động mạnh mẽ, dứt khoát, tự tin; điều binh khiển tướng tài tình, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo trong kế sách đánh giặc; có ý chí tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng;...

 

Câu 4: Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc họa trong đoạn trích, qua đó nhận xét cảm hứng của các tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này.

Lời giải chi tiết:

- Ở phần 1, vua Quang Trung hiện lên là một người chính trực, thẳng thắn, hành động quyết đoán, sáng suốt, nhạy bén (ngay khi mấy chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị kéo vào nước ta, thế giặc đang mạnh, tình thế khẩn cấp, ông đã lên ngôi hoàng đế để trở nên chính danh khi tập hợp lực lượng; sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch, ta…)

- Ở phần 2, Quang Trung hiện lên với vẻ đẹp của người anh hùng trong chiến trận, người có tầm nhìn chiến lược, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc; có tài cầm quân, tiên đoán chính xác, dùng binh biến hóa, bất ngờ, đóng vai trò quyết định trong chiến thắng thần tốc đại phá quân Thanh…

→ Nhận xét: Cảm hứng của tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này: không giấu nổi giọng điệu ngợi ca khi nói về trí tuệ, chiến lược của vua Quang Trung. Yêu nước, tự hào dân tộc - đó là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của các tác giả khi xây dựng nhân vật người anh hùng kiệt xuất này. Dù Ngô gia văn phái là những cựu thần, chịu ơn sâu nặng của nhà Lê, nhưng là những trí thức có lương tâm, họ đã nhìn lịch sử bằng cái nhìn khách quan, trung thực. Vì thế, qua ngòi bút của các tác giả, ông vua nhà Lê trở nên hết sức hèn hạ, nhu nhược, ngược lại, hoàng đế Quang Trung hiện ra với những phẩm chất của một anh hùng dân tộc.

 

Câu 5: Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc họa rõ nét qua những chi tiết tiêu biểu nào? Phân tích một chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống, qua đó thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật này.

Lời giải chi tiết:

- Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc họa rõ nét qua những chi tiết: Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu ra ngoài; gấp rút chạy đến Nghi Tàm, thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá, vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc; đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi; cùng ăn với bọn Quýnh, Hiến ở mâm dưới; cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt…

→ Phân tích: Vua Lê Chiêu Thống và bề tôi trung thành chỉ vì lợi ích riêng của dòng họ mà mù quáng “cõng rắn cắn gà nhà”, cấu kết với nhà Thanh, để rồi đặt vận mệnh của dân tộc vào tay kẻ thù phương Bắc vốn không đội trời chung. Lê Chiêu Thống không xứng đáng với vị thế của bậc quân vương. Kết cục ông phải trả giá là chịu chung số phận thảm hại của kẻ vong quốc: “chạy bán sống, bán chết”, nhịn đói để trốn, ông cùng kẻ cầu cạnh chỉ biết “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”. Bằng một giọng văn chậm rãi tác giả đã gợi lên sự thảm bại của bọn vua tôi phản nước, hại dân Lê Chiêu Thống. Mặt khác, đó cũng là tâm trạng ngậm ngùi của người cầm bút trước hình ảnh của một bậc đế vương nhu nhược trong lịch sử nước nhà.

 

Câu 6: Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích? Hãy khái quát chủ đề đó.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh vua Quang Trung oai phong, mạnh mẽ; giàu tinh thần tự tôn dân tộc, xông pha trận mạc làm nức lòng quân sĩ, tạo niềm tin quyết chiến, quyết thắng. Ngược lại, Lê Chiêu Thống hiện ra là kẻ hèn nhát, vì sự sống của bản thân mà sẵn sàng bán nước. Hình ảnh đội quân Tây Sơn dũng mãnh, trên dưới một lòng, chiến đấu xẩ thân vì nghiệp lớn, sức mạnh vô địch, chiến thắng vang dội, đối lập với quân Thanh thất bại nhục nhã, giẫm đạp lên nhau chạy trốn…

Tác dụng: Qua đó ca ngợi người anh hùng Nguyễn Huệ với chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, đồng thời phê phán, tố cáo những kẻ cướp nước và bán nước.

 

Câu 7: Ở đoạn trích này, những yếu tố đặc trưng nào của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng? Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tác giả.

Lời giải chi tiết:

- Bối cảnh: tái hiện những sự kiện, nhân vật có thật ở một thời kì, một giai đoạn lịch sử cụ thể: chiến thắng mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789), Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh => Nhờ khả năng tưởng tượng, hư cấu và miêu tả của nhà văn, bối cảnh của một thời đại trong quá khứ trở nên sống động như đang diễn ra trước mắt

- Nhân vật: khá phong phú, tập trung khắc họa những nhân vật nổi tiếng như vua chúa, anh hùng, các vị tướng cầm quân – những con người có vai trò quan trọng đối với đời sống của cộng đồng, dân tộc, trong đó, Quang Trung, Lê Chiêu Thống là những nhân vật tiêu biểu

- Cốt truyện: được xây dựng trên cơ sở các sự kiện từng xảy ra; tuy nhiên, các tác giả đã tái tạo, hư cấu, sắp xếp theo dụng ý nghệ thuật của mình nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng.

- Ngôn ngữ: được miêu tả khá thành công, phù hợp với đặc điểm của thời đại, vị thế xã hội và tính cách của từng nhân vật.

Để hiểu hơn về nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm:

  • Soạn văn tóm tắt Quang Trung đại phá quân Thanh

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu cảm nhận về một chi tiết trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.

Lời giải chi tiết:

Có thể nói Hồi thứ mười bốn trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái đã phản ánh khá đầy đủ chân dung người anh hùng Nguyễn Huệ. Đặc biệt, người đọc đã ấn tượng rất sâu sắc với sự sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta của vua Quang Trung qua lời phủ dụ lúc lên đường ở Nghệ An. Quang Trung đã chỉ rõ “đất nào sao ấy” người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”. Ông còn vạch rõ tội ác của chúng đối với nhân dân ta: “Từ đời nhà hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”. Quang Trung đã khích lệ tướng sĩ dưới quyền bằng những tấm gương chiến đấu dũng cảm chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập của cha ông ta từ ngàn xưa như: Trưng nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành…Quang Trung đã dự kiến được việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm cho một số người Phù Lê “thay lòng đổi dạ” với mình nên ông đã có lời dụ với quân lính chí tình, vừa nghiêm khắc: “các người đều là những người có lương tri, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để dựng lên công lớn. Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai”. Tóm lại vua Quang Trung là một nhân vật xuất chúng: lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.

4. Hỏi đáp về bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

5. Một số văn mẫu bài Quang Trung đại phá quân Thanh - Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON