Trong nguồn mạch rộn ràng của phong trào "Thơ mới", không thoát lên tiên như Thế Lữ, không điên cuồng như Hàn Mặc Tử, không say đắm như Xuân Diệu,... Lưu Trọng Lư lặng lẽ tìm về quá khứ, cảm nhận những điều sâu lắng trong tâm hồn. Qua nội dung bài giảng Nắng mới - Lưu Trọng Lư thuộc sách Cánh diều do HỌC247 biên soạn và tổng hợp dưới đây sẽ giúp các em tìm về với kí ức của tác giả gắn liền với hình ảnh người mẹ và sự biết ơn sâu sắc. Mời các em cùng tham khảo
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Lưu Trọng Lư
- Lưu Trọng Lư (19/6/1911 – 10/8/1991) là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam, quê làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
- Ông xuất thân trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ 3 tại Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống.
- Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
- Năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911 - 1991)
1.1.2. Tác phẩm
a. Thể loại:
Bài thơ Nắng mới thuộc thể loại thơ bảy chữ.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ Nắng mới được trích từ tập thơ “Tiếng thu”.
c. Bố cục:
- Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên “nắng mới”.
- Khổ 2, 3: Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Bức tranh thiên nhiên “nắng mới”
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
- Âm thanh:
+ Trong tiếng gà trưa xao xác, kỷ niệm chợt ùa về, đong đầy trong nỗi nhớ.
- Hình ảnh thân quen:
+ Từ “nắng mới” trong tựa lại để một lần nữa được chọn đế mở đầu bài thơ như một sợi dây liên khúc, một nhịp cầu nối về quá khứ xa xưa.
=> Nhận xét: Dưới con mắt duyên của Lưu Trọng Lư, nắng chỉ là một ảnh hình quen thuộc, soi rọi vào tiềm thức nhà thơ, gọi về những kỷ niệm xa xưa của một thời tươi đẹp. Cộng hưởng với màu sắc mới ấy còn có một âm thanh, cũng quen thuộc và buồn không kém là tiếng gà trưa xao xác não nùng.
Hình ảnh người mẹ trong kí ức của tác giả
- Nghệ thuật:
+ Hai từ láy gợi âm nhiều hơn gợi tả “xao xác”, “não nùng”.
+ Lời thơ viết giản dị, tự nhiên, không một chút cầu kỳ, gọt
=> Tác dụng: Kỷ niệm ùa về, lung linh trong màu nắng mới, đánh thức dậy trong tâm hồn nhà thơ cả một thời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa.
Chập chờn sống lại những ngày không.
- “Những ngày không” phải chăng là những ngày ấu thơ, khi tác giả còn nhỏ, lòng chưa vướng bận điều gì.
- “Những ngày không” ấy đã in dấu một kỷ niệm hay hình ảnh một người nào?
1.2.2. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình
- Mạch thơ liên tục, trải dài sang khổ hai để chuyển hoàn toàn về quá khứ:
Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
+ Hình ảnh người mẹ thân yêu của tác giả hiện lên, lúc đầu còn mờ nhạt nhưng càng về sau càng rõ nét và choáng đầy tâm trí.
=> Nhận xét: Qua cách nói dường như đang cố nén niềm thương nhớ chỉ chực dâng trào, ta chợt hiểu ra và đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn của tác giả: người mẹ ấy không còn nữa.
+ Từ “nắng mới” là cái nắng mỗi độ xuân về, khi mẹ tác giả thường mang áo ra phơi để áo thơm mùi nắng sau những ngày đông rét mướt.
+ Cũng là “nắng mới” nhưng cái nắng của quá khứ không “hắt bên song” buồn bã mà tràn đầy sức sống, niềm vui “reo ngoài nội” vì đó là nắng của những ngày còn mẹ.
+ Từ “reo” như một nốt nhạc lảnh lót, tươi vui khiến câu thơ chợt bùng lên sức sống.
=> Nhận xét: Hình ảnh người mẹ chưa hiện lên trực tiếp mà chỉ thấp thoáng, lung linh sau màu áo đỏ, sau lưng giậu nhưng đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Đó có lẽ cũng là hình ảnh đẹp đẽ nhất, trìu mến thương yêu nhát mà nhà thơ còn lưu giữ, khắc sâu trong tâm trí.
- Mạch thơ lại quay về hiện tại, nhà thơ sực tỉnh nhưng vẫn chưa hết thổn thức, bồi hồi:
Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
+ Hình ảnh người mẹ vẫn còn đó, nơi đồng nội, giậu phơi, nơi hiên nhà, song cửa... =>Dường như đâu đâu cũng in bóng dáng mẹ, vương hơi ấm của mẹ nên nỗi nhớ lúc nào cũng chỉ chực dâng trào.
+ Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “nét cười đen nhánh”, như một nốt lặng cuối bản nhạc để dư ba, dư vị của ý thơ còn lan tỏa mãi trong lòng người đọc.
+ Hình ảnh “tay áo” đã đẩy “nét cười” ra phía sau, tạo nên độ sâu cho bức tranh, đồng thời tăng thêm sức duyên dáng, gợi cảm cho “nét cười”.
=> Nhận xét:
- Hình ảnh người mẹ quá cố của nhà thơ từ đầu đến cuối chỉ được phác họa qua ba chi tiết: “nắng mới”, “áo đỏ” và “nét cười”, trong những giây phút xuất thần của họa sĩ - thi sĩ Lưu Trọng Lư, nó đã để lại một ấn tượng đẹp và sâu sắc.
- Phải chăng là vì ta chợt bắt gặp trong hình ảnh đó một cái gì rất đỗi thân quen như của mẹ ta mà cũng là của tất cả những người phụ nữ Việt Nam thầm lắng hy sinh, thương yêu, chăm sóc chồng con suốt cả cuộc đời.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Bài thơ Nắng mới là kí ức về người mẹ gắn liền với sự biết ơn cùng tình yêu tha thiết của tác giả.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Sử dụng thể thơ thất ngôn, cùng các biện pháp tu từ linh hoạt.
- Giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết.
Bài tập minh họa
Trong kí ức tuổi thơ của nhân vật “tôi” ở bài Nắng mới, người mẹ hiện lên qua những hình ảnh được lựa chọn, để lại ấn tượng sâu đậm cho tác giả. Với em, hình ảnh, chi tiết nào về người mẹ của mình khiến em thấy yêu thương nhất? Hãy chia sẻ bằng một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng).
Lời giải chi tiết:
Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư đã mang tới cho em nhiều cảm xúc lắng đọng về tình mẫu tử, đặc biệt thông qua hình dáng mẹ và nét cười đen nhánh, rất đỗi quen thuộc. Còn đối với em, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí em mỗi khi nhớ về mẹ đó là đôi bàn tay gầy guộc, đầy vết chai sạn nhưng luôn thoăn thoắt làm mọi việc. Đôi bàn tay hằng ngày khám bệnh cho bệnh nhân, tối về lại phải chăm sóc gia đình, nấu những bữa cơm nóng hổi rồi về đêm khi ánh trăng tròn lên cao, đôi bàn tay ấy chưa được yên giấc, tiếp tục vỗ vỗ quạt quạt ru tôi chìm vào giấc ngủ. Mặc dù vất vả đến thế nhưng mẹ tôi chẳng than lấy một lời, mẹ quả thật là người cứng rắn, biết cam chịu một cách đáng khâm phục. Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai này có ra sao thì mẹ sẽ vẫn mãi ở trong trái tim tôi.
Lời kết
Học xong bài Nắng mới - Lưu Trọng Lư, các em cần nắm:
- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố hình thức của thơ sáu chữ, bảy chữ (số chữ ở mỗi dòng; vẫn, nhịp; từ ngữ, hình ảnh; bố cục, mạch cảm xúc,...).
- Nêu được tình cảm, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua bài thơ.
Soạn bài Nắng mới - Lưu Trọng Lư - Ngữ văn 8 Tập 1 Cánh Diều
Bài thơ Nắng mới nói về nỗi nhớ của chủ thể trữ tình đối với người mẹ của mình với những dòng hồi tưởng đẹp, đầy xúc động về mẹ. Để nắm được nội dung và ý nghĩa của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
- Soạn văn đầy đủ Nắng mới - Lưu Trọng Lư
- Soạn văn tóm tắt Nắng mới - Lưu Trọng Lư
Hỏi đáp bài Nắng mới - Lưu Trọng Lư - Ngữ văn 8 Tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Nắng mới - Lưu Trọng Lư
Qua bài thơ Nắng mới, tác giả thể hiện giá trị đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiếu thuận của người Việt Nam. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247