Tiếp nối chủ đề Bài 7: Tin yêu và ước vọng, HỌC247 mời các em cùng tham khảo nội dung bài giảng Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi thuộc sách Kết nối tri thức dưới đây. Với nội dung bài giảng chi tiết, bài thơ sẽ giúp các em cảm nhận được khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn và niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến. Chúc các em đạt kết quả cao trong học tập!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Nguyễn Đình Thi
a. Cuộc đời:
- Nguyễn Đình Thi (1924- 2003), sinh ra tại Thành phố Luông Pha Băng, nước Lào.
- Ông tham gia kháng chiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng.
- Nguyễn Đình Thi được xem là một nghệ sĩ đa tài, ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình, ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.
Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi (1924- 2003)
b. Sự nghiệp sáng tác:
- Thơ: Người chiến sỹ (1958); Bài thơ Hắc Hải (1958); Dòng sông trong xanh (1974); Tia nắng (1985); Đất nước (1948 - 1955); Nhớ; Lá đỏ....
- Tiểu thuyết: Xung kích, Vỡ bờ; Thu đông năm nay (1954), Bên bờ sông Lô (1957), Vào lửa (1966), Mặt trận trên cao (1967)...
- Phê bình văn học: Tiểu luận Nhận đường.
- Kịch: Con nai đen (1961); Hoa và Ngần (1975); Giấc mơ (1983); Rừng trúc (1978); Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979); Người đàn bà hóa đá (1980); Tiếng sóng (1980); Cái bóng trên tường (1982); Trương Chi (1983); Hòn Cuội (1983 - 1986).
c. Phong cách sáng tác:
- Thơ ông tự do, phóng khoáng mà vẫn hàm súc, sâu lắng, suy tư và có nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại.
- Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi là sự phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. Các tác phẩm của ông đều mang tính thời sự về các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
1.1.2. Tác phẩm
a. Thể loại:
Bài thơ Lá đỏ thuộc thể loại thơ tự do.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Bài thơ Lá đỏ được sáng tác tháng 12 năm 1974.
- Đây là thời điểm cuộc kháng chiến thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cuối, toàn quân và dân ta đang dồn sức cho tiền tuyến.
c. Bố cục:
- Phần 1: Từ đầu đến "Những buổi ngày xưa vọng nói về": Mùa thu đất nước trong hoài niệm của nhà thơ.
- Phần 2: Còn lại: Hình ảnh đất nước kháng chiến đau thương mà anh hùng tình nghĩa.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Cuộc gặp gỡ trên đỉnh Trường Sơn
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
- Cuộc gặp gỡ diễn ra trên đỉnh Trường Sơn: “lộng gió”, “rừng lạ ào ào lá đỏ”.
- Các hình ảnh vẽ lên khung cảnh rừng Trường Sơn: khoáng đạt, gợi ấn tượng vừa lãng mạn vừa hào hùng, dữ dội với những vẻ đẹp lạ lùng của rừng lá đỏ, những trận mưa lá đổ ào ào như trút trong gió lộng trên những đỉnh núi cao giữa mùa thu của đại ngàn Trường Sơn.
- Không gian gặp gỡ:
+ Đó là một nơi đẹp đẽ, thoáng đãng, đứng từ trên cao nguyên lộng gió ta cảm nhận được một khoảng không vô tận, bao la.
+ Giữa khung cảnh bầu trời xanh mát mẻ, nổi bật lên là hình ảnh là đỏ, màu lá đỏ như tô điểm thêm cho bầu trời Trường Sơn giữa lúc khói lửa mịt mù, do bom đạn thả xuống đất Trường Sơn.
Cuộc gặp gỡ trên đỉnh núi Trường Sơn lộng gió
- Hình ảnh “em gái tiền phương”:
“Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc, quàng súng trường”
+ Hình ảnh so sánh: em gái tiền phương – quê hương: Em là giao liên, em là TNXP và em chính là hình ảnh quê hương dịu hiền, gần gũi, thân thương, chính là nơi để trở về sau trận chiến này.
+ “em gái tiền phương”: nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai, mà lẽ ra họ sinh ra để được sống yên bình.
+ Hình ảnh “vai áo bạc, quàng súng trường”: thật giản dị, thân thương. Đó là chứng tích sau biết bao tháng ngày dầm mưa dãi nắng; cũng là hình ảnh nổi bật giữa núi rừng Trường Sơn “ào ào lá đỏ”.
1.2.2. Trường Sơn trở thành trân địa thiêng liêng và niềm tin tất thắng
- Trường Sơn đã trở thành trận địa thiêng liêng:
“Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”
- Con đường hành quân đầy gian khổ, khốc liệt:
+ "Đoàn quân vẫn đi vội vã”: với những bước chân hối hả, trùng điệp, rung chuyển đất trời.
+ “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”: khung cảnh hào hùng, không khí sử thi hào tráng ở những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Cuộc hành quân đầy gian khổ mà hào hùng trên dãi núi Trường Sơn
- Những đoàn quân cứ thế, nối tiếp nhau không ngừng nghỉ:
“Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.”
+ "Sài Gòn": cái đích của cuộc hành quân, cuộc tiến công đã thật gần, con đường chạm tới chiến thắng, độc lập, tự do không còn xa.
+ Lời chào, lời hẹn ước ấy chưa đựng biết bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao, lý tưởng cao đẹp.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Bài thơ đã khắc họa hình ảnh sống động: lá đỏ, cô em gái tiền phương, đoàn quân - có sức gợi tả, khái quát cao cho vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Nhịp điệu thơ mang tính dồn dập, vững bền, chắc khoẻ.
- Hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ gần gũi, có sức khái quát cao.
- Ngôn ngữ thơ rất chân thực.
Bài tập minh họa
Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh “em gái tiền phương" trong bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, không biết bao nhiêu con người đã ngã xuống. Hình ảnh “em gái tiền phương" thật nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió. Nhưng đồng thời lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi qua vai áo bạc, quàng súng trường - như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ. Hình ảnh ấy là một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân. Hình ảnh “em gái tiền phương” là những nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Họ không tiếc tuổi xuân, không sợ nguy hiểm mà đã ra trận. Họ ra đi với tinh thần:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó nhưng những cô gái ấy vẫn trung kiên không sợ gì hết, những lúc nghỉ ngơi họ vẫn không ngới tiếng cười vang.
Lời kết
Học xong bài Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi, các em cần:
- Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc.
- Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản.
Soạn bài Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi Ngữ văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Bài thơ Lá đỏ của tác giả Nguyễn Đình Thi tái hiện lại quá khứ về những năm tháng hành quân hào hùng, vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường Trường Sơn năm 1974 khi vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để nắm được nội dung và ý nghĩa của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi
- Soạn bài tóm tắt Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi
Hỏi đáp bài Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi Ngữ văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi
Qua bài thơ Lá đỏ, tác giả nói về khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc, vẻ đẹp của thiên nhiên rừng Trường Sơn; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn và niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247