YOMEDIA
NONE

Bài 6: Những vấn đề chung về tín dụng đầu tư


Nội dung bài giảng Bài 6: Những vấn đề chung về tín dụng đầu tư sau đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu về sự cần thiết và ý nghĩa của tín dụng đầu tư, nguồn vốn để cho vay trung dài hạn, các nguyên tắc của tín dụng đầu tư, điều kiện cho vay, đối tượng cho vay,...

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Sự cần thiết và ý nghĩa của tín dụng đầu tư

  • Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa ở nước ta cần rất nhiều vốn đầu tư. Để thỏa mãn nhu cầu vốn đầu tư to lớn đó cần phải khai thác tối đa nguồn vốn trong nước và nguồn vốn bên ngoài.
  • Bên cạnh đầu tư trực tiếp từ Ngân sách nhà nước cho những công trình lớn, trọng điểm có ý nghĩa toàn quốc thì đầu tư qua tín dụng ngân hàng có vị trí thật lớn. Thông qua tín dụng đầu tư mà góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, khuyến khích các ngành, các thành phần tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động, làm ra ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội.

2. Nguồn vốn để cho vay trung dài hạn

Để có thể đáp ứng nhu cầu vay đầu tư trung và dài hạn của nền kinh tế, các ngân hàng cần có kế hoạch về nguồn vốn cho vay trung và dài hạn. Các nguồn vốn này gồm:

  • Nguồn vốn huy động có kỳ hạn ổn định từ một năm trở lên.
  • Vốn vay trong nước thông qua việc phát hành trái phiếu ngân hàng.
  • Vốn vay ngân hàng nước ngoài.
  • Một phần vốn tự có và quỹ dự trữ của ngân hàng.
  • Vốn tài trợ ủy thác của nhà nước và các tổ chức quốc tế.
  • Một phần nguồn vốn ngắn hạn được phép sử dụng để cho vay trung dài hạn theo tỷ lệ cho phép.

3. Các nguyên tắc của tín dụng đầu tư

Tín dụng đầu tư phải bám sát phương hướng mục tiêu của kế hoạch Nhà nước và có hiệu quả

  • Đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và tín dụng đầu tư nói riêng đều nhằm mục đích tăng cường cơ sở vật chất của nền kinh tế xã hội, làm tăng năng lực sản xuất của xí nghiệp, tổ chức kinh tế nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
  • Trong điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì đầu tư của Nhà nước và đầu tư qua tín dụng phải là đầu tư định hướng cho các ngành, các vùng miền trong cả nước cùng phát triển. Vì vậy có thể coi đây là nguyên tắc quan trọng của tín dụng đầu tư.
  • Mặt khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có ý nghĩa quan trọng cho đối tượng sử dụng vốn đầu tư, sự tồn tại phát triển của các ngân hàng và cho toàn xã hội. Hiệu quả được thể hiện trên hai mặt hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

Hiệu quả kinh tế có thể được tính toán thông qua các chỉ tiêu:

  • Khối lượng sản phẩm, dịch vụ được tạo ra
  • Lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn đầu tư.
  • Thời gian hoàn vốn (thời hạn thu hồi vốn đầu tư)

Hiệu quả xã hội được thể hiện qua một số điểm:

  • Tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế. Có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu cho Ngân sách nhà nước.
  • Tạo thêm việc làm cho người lao động, thu hút được nhiều lao động đang dư thừa.

Tránh rủi ro, đảm hảo khả năng thanh toán

Thực hiện nguyên tắc này, tín dụng đầu tư cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, kiểm tra đánh giá từng hồ sơ tín dụng để tránh rủi ro và đảm bảo khả năng thanh toán, cần phải tổn trọng các yêu cầu sau:

  • Đầu tư phân tán: Không nên tập trung đầu tư tín dụng vào một số ít công trình nhằm tránh độ rủi ro cao.
  • Phải dự đoán được khả năng tồn tại và hoạt động của công trình trên cơ sở nghiên cứu phân tích tình hình thực tế.
  • Chỉ đầu tư tín dụng vào những công trình hay dự án đầu tư mang tính khả thi cao, hiệu quả kinh tế lớn, thời gian hoàn vốn nhanh.

Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng cho vay

Đây là nguyên tắc cơ bản, vì có sử dụng vốn vay đúng mục đích thì khách hàng mới có thể đảm bảo thực hiện phương án sản xuất kinh doanh nhằm đạt được lợi ích theo dự kiến. Nguyên tắc này nhằm hạn chế khả năng khách hàng dùng vốn vay để thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm.

Hoàn trả nợ gốc và lãi vay đúng hạn

Trong tín dụng đầu tư, việc thực hiện nguyên tắc hoàn trả đòi hỏi người sử dụng vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả tiền vay. Từ đó mới có thể thu hồi được vốn để hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.

Nguyên tắc này đảm bảo phương châm hoạt động của ngân hàng là “đi vay để cho vay” và thực hiện nguyên tắc trong hạch toán kinh doanh lấy thu bù chi và có lãi.

4. Điều kiện cho vay

Tổ chức tín dụng cho các bên đi vay được vay vốn khi đủ các điều kiện sau đây:

  • Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
  • Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.
  • Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời gian cam kết.
  • Dự án đầu tư là dự án có tính chất chất khả thi, tính toán được hiệu quả trực tiếp.
  • Thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay như thế chấp, cầm cố, bảo lãnh của bên thứ ba hoặc được tín chấp theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN Việt Nam.

5. Đối tượng cho vay

Đối tượng cho vay trung hạn, dài hạn là các công trình, hạng mục công trình hay dự án đầu tư có thể tính toán được hiệu quả kinh tế trực tiếp, nhanh chóng phát huy tác dụng, đảm bảo thu hồi vốn nhanh, cụ thể:

  • Giá trị máy móc thiết bị
  • Công nghệ chuyển giao
  • Sáng chế phát minh
  • Chi phí nhân công và vật tư
  • Chi phí mua bảo hiểm cho tài sản thuộc dự án đầu tư
  • Chi phí khác
  • Các công trình xây dựng cơ bản mới
  • Công trình xây dựng cải tạo, hay mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh
  • Công trình khôi phục, thay thế tài sản cố định
  • Cải tiến kỹ thuật, hợp lý.

Các đối tượng cho vay trên được ưu tiên thứ tự nhất định trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

  • Ưu tiên theo ngành kinh tế
  • Ưu tiên theo yêu cầu mở rộng và phát triển thị trường
  • Ưu tiên theo tính chất đầu tư
  • Ưu tiên theo khả năng thu hút lực lượng lao động

6. Mức cho vay và thời hạn cho vay

6.1 Mức cho vay (hạn mức tín dụng trung, dài hạn)

  • Khái niệm: Hạn mức tin dụng trung, dài hạn là số dư nợ cao nhất đồng thời là doanh số cho vay ấn định cho một dự án đầu tư.
  • Ý nghĩa: Hạn mức tín dụng trung, dài hạn thế hiện số vốn tín dụng của ngân hàng tham gia vào công trình hay dự án đầu tư. Do đó giúp cho đơn vị chủ đầu tư có đủ vốn để thực hiện dự án hay chủ đầu tư thực hiện kế hoạch đã đề ra.
  • Mức cho vay: Theo điều 12 Quyết định 1627/2001 ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của tổ chức để quyết định mức cho vay.

Giới hạn tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng thực hiện như sau:

  • Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng (quy định tại điểm a Điều 79 Luật các Tổ chức Tín dụng đã được sửa đổi bổ sung năm 2010) trừ trường hợp đối với những khoản vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tố chức và cá nhân.
  • Trường hợp nhu cầu vay vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn, thì tổ chức tín dụng cho vay hợp vốn theo quy định của thống đốc NHNN Việt Nam.
  • Trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay vượt mức giới hạn cho vay quy định trên khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đôi với từng trường hợp cụ thể.
  • Tổng dư nợ cho vay đối với các đối tượng sau không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
  • Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, Thanh tra viên.
  • Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng
  • Doanh nghiệp có một trong những đối tượng sau sở hữu trên 10% vốn Điều lệ của doanh nghiệp đó
  • Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đô'c (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng.
  • Người thẩm định, xét duyệt cho vay.
  • Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc).

Phương pháp xác định:

HMTD trung hạn = Tổng dự đoán chi phí - [Nguồn vốn tự có + Nguồn vốn khác]

Hạn mức tín dụng phải thực hiện đúng giới hạn cho vay đã được quy định trong Luật các Tổ chức Tín dụng (xem thêm Điều 12 QĐ 1627/2001 ngày 31/12/2001).

Nếu vượt quá giới hạn hạn mức tín dụng sẽ có ba cách xử lý như sau:

  • Lập tờ trình kèm theo toàn bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng gửi lên NHNN để NHNN trình Chính phủ xin cấp cho vay vượt hạn mức tín dụng. Đối với những công trình, dự án quan trọng Chính phủ sẽ quyết định cho vay vượt hạn mức.
  • Nếu Chính phủ không duyệt thì áp dụng phương thức đồng tài trợ để phân tán hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng.
  • Giảm hạn mức tín dụng với điều kiện chủ đầu tư sẽ tăng nguồn vốn tự có hoặc khai thác nguồn vốn khác để đảm bảo yêu cầu.

Mức bảo lãnh, chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá khác đối với một khách hàng không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của tổ chức tín dụng do thông đốc NHNNVN quy định.

Mức cho thuê tài chính đôi với một khách hàng của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6.2 Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay là thời gian từ ngày phát sinh khoản vay đầu tiên để thực hiện việc thi công công trình, dự án đầu tư trải qua giai đoạn thi công, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến khi bên vay trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Thời hạn cho vay = Thời hạn chuyển giao tín dụng (giải ngân) + Thời hạn ưu đãi tín dụng + Thời hạn hoàn trả tín dụng (thời gian trả nợ)

Hoặc:

Thời hạn cho vay = Thời hạn ân hạn + Thời hạn trả nợ

Trong đó:

  • Thời hạn chuyển giao tín dụng kế từ ngày phát sinh khoản vay đầu tiên cho đến ngày công trình và dự án đầu tư hoàn thành. Đây là thời gian mà vốn tín dụng được chuyển giao từ chủ thể cho vay sang chủ thể đi vay để thi công công trình. Thời hạn này dài hay ngắn phụ thuộc vào thời gian thi công công trình, dự án đầu tư.
  • Thời hạn ưu đãi tín dụng là thời gian kể từ khi công trình, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cho đến khi bên vay bắt đầu trả nợ cho ngân hàng (ân hạn).
  • Thời hạn trả nợ kể từ ngày bên vay bắt đầu trả nợ cho đến ngày toàn bộ số nợ được trả hết cho ngân hàng.
  • Thời hạn giải ngân và ân hạn không vượt quá 1/2 thời hạn cho vay.
  • Thời hạn trả nợ bao giờ cũng > = 1/2 thời hạn cho vay.

Thời hạn hoàn trả = Hạn mức tín dụng (gốc) /  Thu nhập ròng bình quân (năm, quý, tháng)

Hình 1: Quan hệ giữa giá trị và thời gian tín dụng

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON