YOMEDIA
NONE

Bài 2: Nền văn minh Andes ở Nam Mĩ


Bài giảng Bài 2: Nền văn minh Andes ở Nam Mĩ dưới đây có nội dung trình bày về vương quốc của người Inca và thành tựu của nền văn minh Inca. Mời các bạn cùng tham khảo và học tập.

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Vương quốc của người Inca

Vào thời kì trước khi C. Columbo đến châu Mĩ, ở Nam Mĩ đã từng tồn tại một nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ của thổ dân được gọi là Nền văn minh Andes. Nền văn minh này phát triển trên một phạm vi rộng lớn, nằm giữa bờ biển Thái Bình Dương và đãy núi Andes ở Nam Mĩ và trải dài từ vĩ độ 2 đến vĩ độ 34 Nam bán cầu, thuộc lãnh thổ của các nước Peru, Bolivia, Colombia, Ecuador và Chile ngày nay. Ở đây có đãy núi Andes với nhiều ngọn núi cao quanh năm tuyết phủ chạy xuyên suốt từ Bắc xuống Nam. Vì thế, nền văn minh này được gọi là Nền văn minh Andes hay Nền văn minh Inca.

Rải rác giữa các núi đồi trùng điệp là những hồ nước mênh mông như Poopa, Uyuni và rộng nhất là hồ Titicaca ở độ cao trên 3.800 m. Dưới chân núi là vùng duyên hải và một vài đồng bằng nhỏ chạy dọc theo ven biển, thuận lợi cho việc trồng trọt. Khí hậu vùng Andes thay đổi tùy theo độ cao và khá thất thường: buổi sáng có thể ấm áp nhưng trưa nóng như mùa hè và tối đến lại giá buốt như mùa đông. Nơi đây cũng có nhiều núi lửa và thường xuyên xảy ra động đất. Tuy vậy, ở vùng Andes có rất nhiều mỏ kim loại quý như: đồng, chì, thiếc, bạc, vàng... và nhiều loại đá quý.

Chủ nhân của nền văn minh Andes là người Inca - một trong những tộc người da đỏ ở Nam Mĩ. Inca cũng là danh hiệu của người thống trị vương quốc tồn tại từ khoảng thế kỉ XIII đến thế kỉ XVI. Trong thời kì cực thịnh, ảnh hưởng của vương quốc này trải dài từ Ecuador ngày nay cho đến Chile và Argentina. Trung tâm văn hóa, kinh tế và tế lễ là Thủ đô Cuzco nằm trên lãnh thổ nước Peru ngày nay.

Tuy nhiên, trước khi người Inca xây dựng vương quốc của mình, các nhà khảo cổ đã phát hiện ở đây dấu vết của một nền văn minh cổ xưa mà có người gọi là nền văn minh Tiền Inca. Đó là di tích thành phố cổ Tiahuanaco, nằm giữa hồ Titicaca.

Những dấu tích còn lại cho thấy ở đây đã từng tồn tại những công trình kiến trúc đồ sộ và tuyệt đẹp như các đài tế lễ và các kim tự tháp. Trong đó lớn nhất là Đền thờ thần Mặt trời Kalasasaya bằng đá khối lớn và Kim tự tháp Acapana. Kim tự tháp Acapana có 3 hoặc 4 tầng đài, mỗi tầng là một khối kiến trúc gồm nhiều phòng, ở tầng 3 hiện vẫn thấy được di tích một cổng Mặt Trăng rất lớn.

Cùng với thành phố Tiahuanaco, ở cao nguyên Nazca (Peru), hiện nay người ta vẫn còn thấy những đường rãnh kì lạ trên mặt đất. Những đường rãnh này rộng chừng 20 cm, sâu khoảng 35 cm và chạy dài hàng km. Các bức ảnh chụp từ trên máy bay cho thấy, đây là những hình vẽ khổng lồ các hình chim, thú và các hình học kỉ hà khác nhau.

Hiện nay, các nhà khảo cổ học chưa xác định được chính xác niên đại của thành phố Tiahuanaco và các di tích ở Nazca. Một số học giả thì cho rằng: những di tích này có niên đại vào khoảng 14.000 đến 10.000 năm cách ngày nay. Một số khác thì phỏng đoán chúng có niên đại sớm hơn nhiều.

Như vậy, người Inca xây dựng nền văn minh của mình trên cơ sở kế thừa những thành tựu văn minh đã có từ trước. cả người Inca và tộc người ở Tiahuanaco đều xem hồ Titicaca với nhiều đảo như Đảo Mặt Trăng và Đảo Mặt Trời là linh thiêng. Từ “Titi” trong tiếng Aymara của tộc người ở Tiahuanaco có nghĩa là "mèo núi”, còn “Caca” trong tiếng Quechua của người Inca là “trứng đá”. Có lẽ người Inca đến sau đã ghép cả hai từ đó làm một.

Theo truyền thuyết, trị vì vương quốc Inca có 13 vị vua, 8 vị vua đầu là trong huyền thoại, còn 5 vị vua cuối cùng đã được lịch sử biết đến. Vương quốc Inca bắt đầu bành trướng, mở rộng lãnh thổ dưới triều vua thứ 9 - Pachacuti Yupanqui (1438 - 1471), một vị vua dũng mãnh và nổi tiếng trong lịch sử Nam Mĩ. Ong đã mở rộng lãnh thổ Inca từ hồ Titicaca đến Hunin. Con trai ông Tupac Yupanqui (1471 - 1493) trở thành vị vua thứ 10 và đã thâu tóm được vùng đất giữa Quito ở Ecuador và Santiago của Chile, làm cho lãnh thổ của vương quốc đạt đến độ rộng lớn nhất.

Huayna Cacpa, vua Inca thứ 11, kế vị vào năm 1493. Dưới thời ông trị vì, người Inca đã mắc phải bệnh dịch sỏi và đậu mùa lan truyền từ Trung Mĩ xuống Nam Mĩ với hậu quả chết người mà họ chưa từng gặp. Chính Huayna Cacpa cũng bị chết vì bệnh dịch vào năm 1527. Vương quốc của ông được chia làm hai cho 2 người con trai: Atahualpa (1527 - 1533) được hưởng vùng đất phía Bắc, còn Huascar (1527 - 1532) ở vùng đất phía Nam. Sau những xung đột dữ dội giữa hai anh em, năm 1532, Huascar bị bắt và bị xử tử. Atahualpa trở thành người thống trị toàn vương quốc.

Đúng lúc đó, đạo quân người Tây Ban Nha do Franciseo Pizarro cầm đầu đã đố bộ vào bờ biển Peru tháng 4 -1532. Họ được vua Inca chào đón một cách thân thiện, nhưng Franciseo Pizarro và 168 binh lính của ông đã lợi dụng tình huông đó để bắt giữ Atahualpa vào ngày 15-11-1532 và gây ra cuộc tàn sát đẫm máu 20.000 người lính Inca trong trận Cajamarca. Atahualpa muốn mua lại tự do của mình bằng một số vàng chất đầy căn phòng đang giam giữ ông cùng 2 lần số bạc. Để đáp ứng đủ số vàng bạc này, tất cả các đền thờ và kho báu của vương quốc đều bị cướp đoạt. Tuy nhiên, cuối cùng, người Tây Ban Nha vẫn xử tử ông bằng cách xiết cổ cho đến chết vào ngày 29-8-1533. Cuộc chiến đấu của người Inca còn kéo dài cho đến năm 1572 thì bị đánh bại hoàn toàn. Nền văn minh Inca sụp đổ.

2. Thành tựu của nền văn minh Inca

Sự phát triển các ngành kinh tế

Định cư trên địa bàn có khí hậu hết sức khắc nghiệt, đất đai hạn hán, cằn cỗi, người Inca phải rất vất vả để khắc phục điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế.

  • Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu. Ngô và khoai tây là cây lương thực chính. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những hạt giống, những củ khoai tây có niên đại gần 5.000 năm. Vì vậy, cao nguyên Andes được coi là quê hương của khoai tây. Khoai tây và một số loài cây thực phẩm quý khác được đưa sang châu Âu và trở thành món ăn phổ biến rộng rãi.

Để trồng trọt có hiệu quả, người Inca đã xây dựng một hệ thống ruộng bậc thang men theo các sườn đồi, hệ thống thủy lợi với những kênh mương dày đặc hàng ngàn dặm. Các nhà khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu gần hồ Titicaca (Bolivia) và đã tìm thấy một hệ thống thủy lợi cổ đại. Hệ thống này giúp sản xuất nhiều lương thực hơn so với kĩ thuật tiên tiến hiện nay ở đó.

Gần đây, các nhà khảo cổ học đã phục chế kĩ thuật thủy lợi mà người Tianucanaco đã sử dụng 1.500 năm trước trên hồ Titicaca. Kết quả thu được thật đáng kinh ngạc: năng suất thu được tăng khoảng 7 lần so với phương pháp hiện nay. Họ xây dựng các cánh đồng trồng trọt xen kẽ các kênh đào thủy lợi cách nhau khoảng 10 m. Bùn đất của kênh đào được dùng làm phân bón ruộng. Nước ở các kênh vừa để tưới ruộng, vừa để sưởi ấm vào ban đêm và chống sương muối. Phân chim được sử dụng làm phân bón.

  • Bên cạnh việc chăm lo phát triển trồng trọt, người Inca còn biết chế biến thực phẩm như ướp lạnh thịt khô để làm thức ăn dự trữ trong những ngày mưa lũ hay những khi có chiến tranh.

Trong thời kì Inca, chăn nuôi ít phát triển, họ chỉ nuôi vịt và lợn bé. Nguồn thực phẩm chính là săn bắn tự nhiên.

Ngược lại, thủ công nghiệp rất phát triển. Người Inca đã khám phá và áp dụng kĩ thuật dệt đến mức độ cao. Những mảnh vải được dệt từ gần 5.000 năm trước nay tìm thấy được đã minh chứng cho điều đó.

  • Người Inca còn là những nhà mĩ nghệ tài giỏi về đồ vàng bạc, đồ thiếc, đồ gỗ, đồ đá quý... Họ biết dùng hợp kim đồng thiếc để cắt gọt kim loại, đá quý. Quan hệ buôn bán nảy sinh. Người Inca dùng Kipu làm đơn vị đo lường để tính chiểu dài hoặc trọng lượng hàng hóa trao đổi.
  • Người Inca nổi tiếng về sự giàu có bởi họ có một số lượng lớn tiền, vàng bạc và các loại đá quý được chế tạo tinh xảo và đa dạng. Quan niệm của người Inca về vàng như mồ hôi của thần Mặt Trời và bạc là nước mắt của thần Mặt Trăng.
    • Nhờ biết luyện kim loại từ quặng nên người Inca đã biết chế ra nhiều loại nhạc cụ từ kim loại. Ví như, một loại nhạc cụ giống trumpet và các loại chuông, các loại nhạc cụ từ đồng và đàn đá. Âm nhạc của các cư dân Inca chủ yếu phục vụ các nghi lễ trang trọng.
    • Nghề gốm của lnca đạt đến trình độ thẩm mĩ cao. Những di vật còn lại cho đến ngày nay gây kinh ngạc các nhà khảo cổ bởi giá trị nghệ thuật cũng như tín ngưỡng của họ.
    • Nghề dệt vải và thảm của người Inca đạt đến trình độ cao so với thời bấy giờ với những hoa văn sặc sỡ và chất liệu tân tiến.
  • Để phát triển giao thông, đi lại dễ dàng, người Inca rất chú ý hệ thống đường bộ. Những con đường lát đá được xây dựng. Những chỗ trũng đường được đắp cao. Ở các sườn núi có bậc thang lên xuống, qua sông, qua vực thì được bắc cầu. Dọc hai bên đường còn có các trạm để chuyển tin tức.

Các kiến trúc sư, nhà xây dựng cầu đường đã có nhiều công trình độc đáo, thể hiện rất ấn tượng như chiếc cầu treo dài 60 m bắc ngang sông Rio Apurimac, con đường dọc bờ biển dài 4.000 km, rộng 8 m và con đường dọc theo núi Andes dài 5.200 km, rộng 6 m. Những người chạy tiếp sức (Chaski) theo những con đường này để truyền tin tức quan trọng, đến 400 km một ngày. Toàn bộ mạng lưới đường sá có chiều dài khoảng 40.000 km.

Những thành tựu văn hóa

  • Như bất cứ một dân tộc nào từng xây đắp nền văn minh cổ đại, người Inca sáng tạo ra chữ viết của mình. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy ở người Inca có tới 2 hệ thống chữ viết.
    • Một loại thường được gọi là “Văn tự thắt nút” Kipu. Đó là loại văn tự nhằm ước lệ những kí hiệu và truyền đạt tri thức. Kipu gồm có dây thừng và miếng da gắn vào đó. Màu của miếng da dùng để chỉ đối tượng mà người ta muốn truyền đạt. Số lượng các nút trên miếng da chỉ số lượng các đối tượng, hoặc chỉ đơn vị đo lường hay năm tháng...
    • Các loại văn tự khác thì thuộc vào hệ thống chừ tượng hình. Loại chữ viết này bao gồm các kí tự đặc biệt và thường được viết trên những chiếc cốc bằng gỗ hay được thêu trên những tấm vải thô và vải liệm người chết nên lúc đầu người ta tưởng lầm là hoa văn trang trí. Về sau, một nhà ngôn ngữ học là Victoria Posahara đã đọc được chữ tượng hình đó của người Inca. Nhờ vậy chúng ta được biết rằng, người Inca dùng văn tự tượng hình để ghi lại những sự kiện lịch sử. Tuy nhiên thứ chữ tượng hình này không được phổ biến rộng rãi. Nó được bảo vệ một cách bí mật trong các cung điện, đền đài, miếu mạo, là độc quyền của những người có quyền thế và tầng lớp tăng lữ. Các văn bản được giữ lại trong các miếu mạo, cung điện đã bị thực dân Tây Ban Nha thiêu hủy khi xâm lược Peru.
  • Về khoa học, người Inca đã đạt được sự hiểu biết đáng kể. Những tri thức khoa học được sàng lọc, phát triển và tích lũy qua nhiều thế hệ, đã trở thành tài sản quý báu trong di sản văn hóa của người Inca, đồng thời cũng đóng góp to lớn vào di sản văn hóa chung của nhân loại.
  • Ngành Thiên văn học của người Inca sớm được phát triển. Họ biết quan sát sự chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh khác trong vũ trụ bao la để dự đoán thời tiết hoặc tiên đoán về số phận của vua chúa và định ra ngày, giờ chính xác cho các buổi tế lễ, dự đoán sự di chuyển của các loài động vật và định ra thời gian thích hợp đề gieo trồng.

Những quan niệm về vũ trụ của người Inca được thể hiện rõ trong kiến trúc của họ. Ở những thành phố này, nhà cửa, đường phố đều được đặt trên những đường thẳng tương ứng với sự vận động của vụ trụ, tất cả đều đạt đến mức độ chính xác của Thiên văn học hiện nay. Trên một vách núi của hoang mạc Nazco có hình một người khổng lồ được gọi là ông Ô. Một tay của ông Ô chỉ lên trời, nơi ngôi sao sáng Areturus đi qua vào tháng 5, còn tay kia chỉ xuống đất. Thật khó lí giải một cách đầy đủ và chính xác về ý nghĩa của hình người trên nhưng có thể người Inca xưa muốn nói lên quan niệm của họ về vũ trụ và mối quan hệ giữa vũ trụ với trái đất và cuộc sống con người.

Người cổ xưa ở đây coi những chuyển động của Mặt trời, Mặt Trăng là những chuyển động của thần thánh. Bằng chính đôi mắt của mình, người cổ xưa quan sát chuyển động của vũ trụ bao la, các kiến thức đó được tích lũy dần từ thế hệ này qua thế hệ khác và được lưu truyền cho đời sau trên các lịch bằng gỗ hay bằng đá. Trình độ xây dựng đó đạt đến mức độ chính xác không kém thiên văn học hiện nay.

  • Trong tri thức khoa học của người Inca, Toán học được hình thành từ rất sớm do nhu cầu của việc đo đạc ruộng đất, tính toán, xây dựng các công trình thủy lợi, nhà cửa, đền đài... Những đường rãnh kì lạ trên các cao nguyên Nazco, những đền đài to lớn và những kim tự tháp đồ sộ được xây dựng bằng đá và được lắp ghép với độ chính xác, độ bền vững cao đã xác nhận sự hiểu biết về số học và hình học của người Inca.
  • Người Inca có nhiều kiến thức trong Y khoa. Họ đã có thể mổ thành công trên đầu. Lá cây coca được dùng để giảm đói và giảm đau, nó vẫn còn được dùng phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay tại vùng núi Andes. Những người Casqui đã nhai lá coca để có thêm năng lượng nhằm hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chạy đưa tin trong khắp vương quốc. Một phương thức trị liệu khác là dùng vỏ cây tiêu Peru được nấu lên để đắp lên vết thương.
  • Về tôn giáo, người Inca đặc biệt tôn thờ thần Mặt trời và trong nhiều trường hợp đã dùng người để làm vật hiến tế thần khi vua lên ngôi. Ngôi đền thờ thần Mặt Trời ở Cusco là ngôi đền thờ sớm nhất. Nó được xây dựng bằng những phiến đá to, nặng 200 tấn, lắp ghép với trình độ chính xác cao. Mái của ngôi đền được lợp bằng vàng, các bức tường và trần ngôi đền đều được trang trí bằng những tấm vàng. Còn mặt phía Đông, bộ mặt của thần Mặt Trời được thể hiện giống như một cái đĩa tròn bằng vàng tỏa ra hào quang với đôi mắt làm bằng ngọc quý. Trong đền thờ, người Inca cất giấu nhiều vàng bạc. Bên cạnh ngôi đền là một khu vườn, trong đó cây cối, chim chóc đều được làm bằng vàng rất khéo. Trong vườn còn có những chiếc ngai vàng, các pho tượng của các vị “Inca vĩ đại” - con của thần Mặt Trời, ngự tọa trên đó.

Kim tự tháp cũng là một loại hình kiến trúc phố biến trong các nền văn minh cổ đại châu Mĩ nói chung và ở Inca nói riêng. Nhưng nếu ở Ai Cập, xây dựng kim tự tháp để đặt xác ướp của Pharaon, thể hiện quyền lực to lớn của nhà vua thì ở Inca có lẽ kim tự tháp được xây dựng để thờ thần, thể hiện lòng thành kính tôn giáo.

Đặc điểm chung trong kiến trúc kim tự tháp của người Inca là nó được xây dựng theo lối nhiều tầng và có kích thước khá đồ sộ. Kim tự tháp El, Paraíso (Peru) được xây dựng bằng 200.000 tấn các khối đá vuông, ước tính phải cần tới 1.000.000 ngày công lao động. Còn kim tự tháp Secchin Al Tô cao 12 tầng và có cạnh đáy dài chừng 100 feet. Các cuộc khai quật khảo cổ học còn phát hiện cả di tích của nhiều kim tự tháp khổng lồ có niên đại cách ngày nay khoảng 5.000 năm, nghĩa là tương đương với thời gian xây dựng kim tự tháp ở Ai Cập.

  • Gần đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện được di tích của những lăng tẩm có hình dáng chữ U, cao trên 10 tầng, những trụ, ngách với nhiều màu sắc và những quảng trường rộng nằm giữa khu dân cư. Những lăng tẩm này lớn hơn, hiện đại hơn lăng tẩm tổ tiên của họ. Đặc biệt ở Peru, trong lăng của vua Kinhtul vẫn còn giữ lại thi hài của ông đã chết cách đây 1.500 năm cùng với hàng trăm đồ vật bằng vàng bạc có giá trị.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hầm mộ của hoàng tộc Sipan, dòng tộc vua chúa của nước Peru cổ đại. Họ đã khai quật hầm mộ một người đàn ông được chôn cất trong kim tự tháp làng Peruvitan, tỉnh Sipan. Tất cả các vật dụng được chôn theo cho phép các nhà khoa học kết luận rằng, ông ta là một vị tướng, chết trận vào tuổi 40, cách đây 300 năm. Biên bản khai quật tử thi có ghi: “Một chiến binh hung dữ, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ lông chim xung quanh gắn đầy những viên ngọc lấp lánh. Trên bộ trang phục nhà binh rực rỡ điểm thêm những đồ trang sức bằng kim loại quý, hầu hết chúng được sắp xếp xung quanh thắt lưng...”.

Khi khám phá ra bí mật kho báu của dòng tộc Sipan, bao gồm đồ trang sức, vật dụng... trang trí hình con nhện, con quỷ, người ta còn thấy một chuỗi đeo cổ có 20 hạt kim loại quý đúc thành hình hạt lạc. Trong đó, có 10 hạt bằng vàng xếp về một bên, có lẽ tượng trưng cho Mặt Trời, còn 10 hạt bằng bạc nằm bên kia có lẽ tượng trưng cho Mặt Trăng. Mặt Trăng và Mặt Trời hiện hữu như vị chúa tể, như dâng linh thiêng soi rọi cho nhân gian, cả hai vị thần này cùng song song cai quản cõi trần, được thể hiện trong chuỗi cườm đeo cổ mà mỗi hạt là hình một con nhện đầu người đang ngồi trên một mạng nhện tuyệt đẹp.

Như vậy, nền văn minh cổ đại Andes trong thời kì Inca đã đạt đến trình độ phát triển khá cao. Xét về mặt thời gian, nền văn minh Andes tương đương với nền văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà, văn minh sông Ấn. Nhưng từ sau năm 1533, đế quốc Inca bắt đầu suy yếu, người Tây Ban Nha đã biến xứ sở này thành thuộc địa và tàn phá nền văn minh của người dân bản địa.

NONE

Bài học cùng chương

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON