YOMEDIA
NONE

Bài 1: Các nền văn minh Trung Mĩ


Cung tìm hiểu về các nền văn minh Olmec, Teotihuacan, nền văn minh của người Maya, Aztec... qua bài giảng Bài 1: Các nền văn minh Trung Mĩ dưới đây các bạn nhé. Chúc các bạn học tốt!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Văn minh Olmec (khoảng 1500 TCN - 300 SCN)

Nền văn minh Olmec được thiết lập với sự phát triển của người Olmec trong thời kì tiền sơ khai (khoảng từ 1500 TCN đến năm 300) ở miền duyên hải vịnh Mexico (ngày nay là đãy đất miền nam của bang Veracruz và miền giáp ranh của Tabasco). Tên gọi Olmec tương ứng với tên gọi của một tộc người mà theo ngôn ngữ bản địa có nghĩa là: người dân xứ cao su. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Olmec chỉ đơn giản là tên của một làng ở Trung Mĩ tồn tại trong khoảng thiên niên kỉ I TCN. Văn minh Olmec được xem là một trong những nền văn minh đầu tiên hình thành sớm nhất ở Châu Mĩ. Nó bắt nguồn từ Mexico và mở rộng tói Guatemala, El Salvador và một số khu vực ở Honduras. Nhiều yếu tố văn hóa của các nền văn minh cổ nổi tiếng như Maya, Aztec đều bắt nguồn từ Olmec, đặc biệt là các lĩnh vực tôn giáo, chữ viết, toán học và điêu khắc.

  • Về mặt nhân chủng, thông qua những tác phẩm điêu khắc, những tượng đầu người độc đáo còn để lại cho đến ngày nay cho thấy thổ dân Olmec có thân hình thấp và chắc nịch, hơi mập, dầu tròn, mặt bầu bĩnh, mắt xếch và híp, rất rõ là có nguồn gốc Mông cổ. Mũi của họ ngắn và tẹt, môi dày, mép sâu và có quai hàm chắc khỏe.

Olmec là nền văn minh Châu Mĩ đầu tiên có sự phân chia giai cấp và có sự phân công xã hội khá rõ rệt. Có những người chuyên về chế tác đá hoặc ngọc, những người chuyên về xây dựng những công trình kiến trúc và tượng đài, những người chuyên về buôn bán hoặc chinh chiến. Đặc biệt họ có han một đội ngũ chuyên chăm lo đời sống tín ngưỡng.

  • Thật đáng ngạc nhiên là mặc dù được hình thành khá sớm, nhưng văn minh Olmec đã để lại một thiết chế chính trị khá hoàn chỉnh và đạt trình độ phát triển cao mà những nền văn minh sau đó phải ngưỡng vọng và học hỏi. về đại thể, thể chế chính trị của người Olmec được hình thành theo kiểu quốc gia thành thị - thành bang mà người Hi Lạp cổ phải gần một thiên niên kỉ sau mới đạt tới. Các quốc gia thành thị này thống nhất với nhau ở một mức độ, hình thức nhất định mặc dù không phải không tồn tại những xung đột thù nghịch hay đấu tranh nội bộ. Các nhà khảo cổ học đã khai quật những địa điểm quan trọng thuộc nền văn minh Olmec như La Venta, San Lorenzo và Tres Zapotes. Mặc dù giữa ba nơi này có sự khác biệt nhất định, nhưng vẫn có sự tương đồng và những hiện vật tương tự nhau cho phép khẳng định chúng thuộc về thời kì hưng thịnh của người Olmec vào khoảng 1200 - 500 TCN. Tại ba địa điểm này đã xuất hiện những công trình tôn giáo và hoàn toàn được qui hoạch có chủ ý.

La Venta là một ví dụ điển hình. Trung tâm thành phố của nó được xây dựng chạy dài theo một đường trục từ Bắc xuống Nam, ở hai bên đường có những tượng đài khá đối xứng. Cách xây dựng của La Venta tạo dấu ấn của một kiểu qui hoạch đô thị mà về sau những thành phố lớn thuộc nền văn minh Maya hay Aztec đều tiếp thu. Chính thành phố cổ Teotihuacan (ngày nay thuộc Mexico) cũng bắt đầu xây dựng theo một trục từ Bắc xuống Nam, có lẽ xuất phát một cách gián tiếp từ ý tưởng của người Olmec.

Trên cơ sở một tổ chức xã hội và chính trị khá phát triển, người Olmec đã sáng tạo những tác phẩm tuyệt vời và để lại một nền văn minh rực rỡ, chiếm lĩnh một địa bàn rộng lớn. Họ phát minh ra chữ viết, cách tính lịch và phép toán dùng số không (0); đây được xem là những đóng góp quan trọng đối với lịch sử văn minh nhân loại.

  • Đến khoảng thế kỉ V TCN, văn minh Olmec bắt đầu có dấu hiệu suy tàn. Cho đến nay vẫn chưa xác định được lí do nào đã dẫn đến sự suy vong của nền văn minh này. Có thể do áp lực của những khu vực khác mới nổi lên và đang trên đà phát triển, làm lực lượng của họ ngày càng suy yếu. Hoặc có thể những nhóm người đóng vai trò sáng tạo văn hóa đã trở thành tầng lớp bóc lột trong xã hội, gây ra những mâu thuẫn nội bộ. Tình trạng này kéo dài dẫn đến sự suy vong, chấm dứt thời kì văn minh huy hoàng đầu tiên ở Trung Mĩ.

Thành tựu văn minh Olmec

  • Kiến trúc - điêu khắc

Điêu khắc Olmec xuất hiện rất sớm và nhanh chóng đạt tới sự hoàn hảo về cả kĩ thuật lẫn mĩ thuật mà ở Trung Mĩ chưa ai có thể vượt qua. Có lẽ chỉ một vài dân tộc như Maya hoặc Aztec mới có thể sánh ngang được, nhưng chính các dân tộc này cũng không thể phủ nhận rằng, họ đã kế thừa những thành tựu điêu khắc tuyệt mĩ từ những người Olmec trước đó.

Thật đáng ngạc nhiên khi những người Olmec sinh sống ở một vùng không có đá nhưng họ đã làm cho mình trở thành bất tử bằng những tượng đài bằng đá khối do chính bàn tay khéo léo của họ tạc nên. Những khối đá đồ sộ được họ vận chuyển từ xa đến đế những nghệ sĩ Olmec tài ba tạc nên những đầu người khổng lồ, bàn thờ, tấm bia và biết bao dụng cụ khác mà đến nay vẫn còn lưu giữ được một số lượng đáng kể. Điều này khiến chúng ta nhớ đến những người Ai Cập cổ xưa bằng sự thông minh và sức mạnh của mình đã vận chuyển những khố đá khổng lồ đến nơi xây dựng các kim tự tháp bất tử, điều mà cho đến nay nhân loại vẫn không hết ngạc nhiên và khâm phục.

Những tác phẩm điêu khắc được biết đến và gây ấn tượng nhiều nhất có lẽ là 3 tượng đầu người khổng lồ được tìm thấy. Tượng đầu to nhất có chiều cao 3 m. Đó không phải là những bức tượng chưa hoàn chỉnh mà chúng được quan sát và tạo tạc ra hình tượng đầu người hoàn toàn có chủ ý. Người Aztec, 2.000 năm sau đó, đã tạc ra tượng đầu của Mặt Trăng có lẽ cũng theo ý tưởng này. Người ta cho rằng, đó là chân dung của những thủ lĩnh hoặc những chiến binh, hoặc tượng đài được dựng lên để ca ngợi các nhân vật đã khuất, hoặc có thể là hình tượng các vị thần. Trên thực tế, chúng ta chưa thể biết rõ ý nghĩa thật sự của những bức tượng đó ra sao.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện có ít nhất 9 chiếc bàn thờ bằng đá khối cũng gây ấn tượng đặc sắc không kém những tượng đầu người. Tất cả đều có hình chữ nhật với những hình người hoặc những cảnh được khắc trên các mặt đá. Điều đặc biệt, một chủ đề được lặp đi lặp lại là cảnh một nhân vật hình như vừa từ trong một cái ổ hoặc một hang đá đi ra với một đứa con nhỏ bế trên tay. Bên cạnh đó, một số bàn thờ khác lại được trang trí ngay trên mặt trước những cột chạm nổi hình người. Người ta thấy những hình người đội trên đầu bàn thờ hoặc mái nhà. Hình tượng này được lặp lại rất phổ biến ở những nền văn minh sau đó. Tuy nhiên những cột người của người Olmec không to tròn như những cột người sau này ở Chichén Itza hoặc Tula.

Những tấm bia được tìm thấy của người Olmec đều là những phiến đá lớn, phẳng, có những hoa văn chạm chìm. Những tấm bia ở Tres Zapotes mang rất nhiều hình người, hình như kể lại những cảnh tượng chiến tranh. Nhưng những tấm bia đẹp nhất chủ yếu được tìm thấy ở thành phố La Venta cổ. Trên những tấm bia này, người ta bắt gặp hình ảnh một nhân vật có vẻ uy nghiêm, trang phục cao sang, đầu đội một chiếc mũ lông cao giống như hình ảnh của những vị giám mục hoặc vua chúa của người Maya sau này. Hay một tấm bia nữa có khắc hai hình người ở giữa, một trong hai khuôn mặt đó miêu tả một nhân vật có những nét giống người da trắng (?). Phải chăng đó là hình ảnh của một vị khách quý của người Olmec? Các nhà nghiên cứu cho rằng, rất có thể những hình ảnh được chạm khắc trên những tấm bia đó nhằm miêu tả những thần hoàng, những linh hồn thể hiện cái thiện và cái ác vẫn thường xuất hiện trong dân gian địa phương.

Một trong những thành tựu điêu khắc đặc sắc đáng chú ý của người Olmec là những bức tượng hình cột tròn thể hiện những người đàn ông khỏa thân, trừ một vài bức mặc khô hoặc thắt lưng, một số đội mũ và đeo vòng cổ. Tất cả có khoảng 20 bức tượng, đều bằng đá. Nói chung những bức tượng đều ở tư thế ngồi, hai bàn tay thả trên đầu gối hoặc trên đùi, ở một vài tượng lại khoanh trước ngực hoặc ở hai bên sườn. Nhưng có lẽ đáng kể nhất là bức tượng mang tên Người chiến binh ở Santa Maria Uzpanapa, một trong những tác phẩm lớn của nghệ thuật Olmec mặc dù tượng khá nhỏ. Về tổng thể, những bức tượng này có những điểm khác biệt rõ rệt nhưng chúng đều mang một phong cách thống nhất. Điểm độc đáo ở đây là người Olmec đặc biệt quan tâm đến những con người bệnh tật, lùn, gù, ốm đau. Do đó họ thích sáng tạo ra những dị tật nhân tạo ở đầu và răng của con người. Những ý tưởng này vẫn còn tiếp diễn và chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi của miền Trung Mĩ.

Bên cạnh những tác phẩm diêu khắc lớn bằng đá, thổ dân Olmec còn để lại những tác phẩm nhỏ được chế tác bằng ngọc hoặc bằng những loại đá mịn đẹp. Chúng thể hiện một sự tinh tế vượt bậc, nhưng chắc chắn là có phong cách đồng nhất với phong cách của tượng đá khối. Điều đó không những chỉ ra rằng, tất cả những bức tượng đó đều xuất xứ từ một nền văn hóa (dù chúng không nhất thiết được chế tác cùng niên đại) mà còn thể hiện tính đặc sắc, đa dạng, phong phú của nghệ thuật điêu khắc Olmec, cả về hình thức lẫn chất liệu. Một sự nhất quán trong đa dạng. Về đồ ngọc cũng vậy, người Olmec đã làm nên vô số đồ trang sức và nhiều vật dụng mà cho đến nay vẫn được coi là độc nhất.

Có thể nói, nghệ thuật điêu khắc Olmec đã để lại những tuyệt tác đặc sắc mà không phải có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kì nền văn minh nào. Miguel Covarrubias đã nói "... Nghệ thuật Olmec có sự đơn giản và tính hiện thực truyền cảm trong hình thức, có sự mạnh mẽ và tính ngẫu hứng trong quan niệm tạo hình. Nghệ sĩ Olmec say mê thể hiện con người thông qua những hình khối to lớn, rắn chắc, tròn trĩnh...”.

Ngược lại với thành tựu rực rỡ của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của người Olmec rất khiêm tốn. Vì không có đá nên các công trình của họ chủ yếu được xây dựng bằng đất. Họ sử dụng những mỏ đất có màu sắc khác nhau để xây dựng những kim tự tháp có hình dáng chưa được định rõ. Ở La Venta người ta đã sử dụng đá bazan lấy từ những đãy núi Tuxtlas đế dựng những cây cột lớn, tạo thành khuôn viên chính của một cái sân và ở đó họ xây lên một ngôi mộ đồ sộ, giống như một ngôi nhà làm bằng thân cây. Tuy nhiên, với khả năng hạn chế về chất liệu xây dựng, kiểu kiến trúc này đã không phổ biến và tiếp tục xây dựng ở những nơi mà sau này người ta đã tìm được đá.

  • Tôn giáo

Người Olmec sớm có những ý niệm về tôn giáo. Thông qua những tác phẩm điêu khắc còn để lại, người ta nhận thấy, có một yếu tố có mặt phổ biến và không thay đổi, đó là con báo hình người, hoặc đúng hơn là sự phối hợp giữa người và con vật. Hình tượng này được xem là biểu hiện của ý niệm tôn giáo rất sớm của người Olmec. Người Olmec dâng hiến tất cả sự sùng kính hay sự sợ hãi của mình cho con báo hình người - nó xuất hiện ở khắp mọi nơi như một con vật hoặc một nhân vật nửa người nửa thú. Điều này có thể khiến chúng ta nhớ đến hình tượng nhân sư - một hình tượng kết hợp giữa người và sư tử của người Ai Cập cổ đại.

Sự gắn kết giữa con người với một con thú là quan niệm cơ bản trong tư tưởng của người Trung Mĩ. Có thể nói đây là sự quần hợp thân mật, cần thiết giữa con người và con vật. Con vật thần là một thứ ma lực tôn giáo với một niềm tin cho rằng đời sống của một cá nhân luôn có sự thống nhất với số phận một con vật nào đó được xem là thần vật biểu tượng của họ. Nhưng chính bản thân con vật cũng được thần thánh hóa một phần, vì vậy nó cũng là con vật biểu trưng của một vị thần, hoặc có thể vị thần cũng có một con vật biểu trưng để hiện thân trong đó. Các vị thần Siva hay Visnu của Ấn Độ đều có các con vật thần biểu trưng cho mình như chim thần, hay bò thần. Cho nên đã xuất hiện người báo hoặc thần báo trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Olmec trong khi người Quetzaccoatl ở Teotihuacan có thần chim rắn, và khá lâu sau đó người Tezctlipoca có vị thần đại bàng, tức thần Mặt Trời.

Những dân tộc khác đã cho rằng, sự phát triển khá sớm của người Olmec có thể là do quyền năng của những vị thần của họ, nhất là vị thần người - báo. Vì vậy, trên thực tế, người Olmec không chỉ truyền bá đức tin của mình ra bên ngoài mà nhiều nhóm người thuộc các tộc khác xung quanh cũng bị cuốn hút tới xứ sở Olmec, tiến hành những cuộc hành hương để dâng lên những vị thần Olmec hùng mạnh.

  • Khoa học tự nhiên

Người Olmec đạt được những thành tựu khá sớm về toán học và lịch pháp mà cho đến nay còn nhiều vấn đề cần được làm rõ để đánh giá đúng những đóng góp của họ.

Khảo cổ học đã phát hiện một tấm bia rất đặc biệt ở thành phố cổ Tres Zapatos. Tấm bia gồm hai mảnh. Điều kì lạ là hai mảnh đó nằm tại hai nơi, không ghép lại với nhau được do tập tục địa phương. Tuy nhiên, tầm quan trọng của tấm bia này là ở chỗ nó có ghi đầy đủ ngày tháng - có thể đây là một thứ lịch cổ xưa nhất được biết đến trên toàn Châu Mĩ, mà về sau người Maya tiếp tục kế thừa. Hệ thống lịch cổ này đã đạt trình độ phát triển rất cao. Nó chỉ ra cách tính ngày tháng ngược lại trước đó gần 3.000 năm.

Người Maya còn đạt được thành tựu toán học phi thường khi họ tìm ra và sử dụng khái niệm số 0 trong hệ số đếm. Công lao này trước nay vẫn coi là của người Maya hay của người Ấn Độ. Trên thực tế nó là thuộc về nền văn minh Olmec.

2. Teotihuacan - nền văn hóa đô thị (khoảng thế kỉ I - X)

Trên nền tảng của nền văn minh Olmec, khắp khu vực Trung Mĩ đã bắt đầu xuất hiện một loạt những nền văn hóa có quan hệ thân thuộc với nhau. Những nền văn hóa đó đã đưa cả miền Trung Mĩ phát triển tới đỉnh cao hơn. Toàn bộ giai đoạn này kéo dài từ Công nguyên cho đến những năm 900. Tiêu biểu trong số đó là nền văn hóa Teotihuacan, tập trung chủ yếu ở thung lủng Mexico và Puebla, mà sức ảnh hưởng của nó cho đến ngày nay người Mexico vẫn có thể nhận thấy rõ. Nó không chỉ tiếp thu di sản của người Olmec (và cả của văn minh Toltec), mà nền văn hóa này còn đi xa hơn nhiều và trên nền tảng đó đã xây dựng nên những công trình vĩ đại, một nền văn minh đô thị độc đáo.

Teotihuacan cho thấy, chúng ta đang đứng trước một xã hội đô thị thực sự, có sự phân chia giai cấp và nhóm nghề nghiệp khác nhau, với một nền kinh tế phức tạp và thống trị bởi một nhà nước mà chúng ta chưa biết nhiều về tổ chức của nó. Tuy nhiên, có thể nói đây là một nền văn minh hoàn chỉnh.

  • Khu đô thị Teotihuacan được hình thành vào khoảng thế kỉ II TCN với diện tích chừng 20 km2 và dân số khoảng 50.000 người. Từ những năm 350 đến 650 sau CN, đô thị này đạt đến sự hưng thịnh đỉnh cao với số dân lên đến vài trăm nghìn người - một đô thị khá đông đúc so với các đô thị cổ cùng thời như Constantinopla ở châu Âu hay kinh đô Tràng An thời nhà Đường ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tại châu Mĩ và cả châu Phi thì đây là đô thị đông dân nhất vào thời đó. Đô thị Teotihuacan được qui hoạch theo trục hướng Bắc - Nam, gợi nhớ đến đô thị La Venta của tổ tiên họ trước đó.

Qui mô và mật độ dân sô như vậy buộc Teotihuacan phải có một tổ chức nhà nước rõ ràng, không thể tiếp tục cai quản theo kiểu xã hội thị tộc, bộ lạc. Hơn nữa, khi đó xã hội Teotihuacan đã được hợp thành bởi những tầng lớp cư dân khác nhau và phân chia thành ba cấp theo hình tháp mà đỉnh cao nhất là xã hội đế chế - nơi nắm giữ quyền lực, kiến thức và uy tín tôn giáo. Bên dưới là ba nhóm người có vị trí nhất định trong xã hội gồm thương gia, chiến binh và tăng lữ.

  • Nền văn hóa này nổi bật lên với những công trình kiến trúc, tiêu biểu là việc xây dựng Kim tự tháp Mặt Trời và hoàn thiện Kim tự tháp Mặt Trăng. Ngoài ra, cư dân Teotihuacan còn xây dựng một trong số những quảng trường đẹp nhất thế giới, trong đó nổi bật nhất là ngôi đền thờ thần Quetzalcoatl. Ngoài tính chất là một công trình tôn giáo, ngôi đền còn mang dáng dấp của một tòa lâu đài lộng lẫy. Rất có thể đó chính là cung điện của giai cấp thống trị. Họ đã để lại một thành công rực rỡ trong kiến trúc nghi lỗ kiểu Trung Mĩ. Một thành công tương tự nữa của họ chính là công trình điêu khắc toàn bộ mặt trước của ngôi đền Quetzalcoatl.

Những công trình kiến trúc này mang phong cách kiến trúc hoàn toàn mới. Phần bên ngoài của bệ các kim tự tháp được thay đối với những vách nghiêng và những tấm thẳng, cái nọ liên tiếp cái kia, số lần tùy theo mỗi kim tự tháp cho đến khi nào đạt tối độ cao mong muốn. Tất cả những tượng đài ấy đều được xây bằng đá, bên ngoài trát một lớp vữa vôi để có thể vẽ trên đó những bức tranh tường hoặc phủ những lốp màu nhẵn bóng. Vì vậy người ta khó có thể nhìn thấy đá, ngày nay chúng ta chỉ có thể thấy những dííu tích màu đất son, nhưng vào thời đó nó lại là một đô thị đầy màu sắc mà không phải nền văn minh nào cũng có thể đạt được. Từ bên trong cho đến bên ngoài các công trình có rất nhiều bức bích họa mô tả những cảnh rất đẹp như cảnh "thú vật thần thoại”. Ý tưởng về nghệ thuật bích họa trên tường này vẫn tiếp tục được thừa hưởng và phát triển rộng trong những thế kỉ tiếp theo.

Tại Mexico, trong thời kì nền văn hóa Teotihuacan, còn có những công trình điêu khắc bằng đá khối đặc như tượng Nữ thần hoặc tượng mang tên Tláloc, hiện nay được đặt trước Bảo tàng Nhân chủng học quốc gia của Mexico.

Với tất cả những công trình xây dựng theo qui hoạch như thế, Teotihuacan thể hiện rõ một tham vọng trở thành trung tâm tôn giáo. Vì vậy Teotihuacan mang sức quyến rũ mà không một đô thị nào có thể sánh kịp. Nó đã trở thành một huyền thoại. Giống như các Kim tự tháp của người Ai Cập cổ, nhiều truyền thuyết cho rằng, không phải bàn tay con người đã xây dựng nên đô thị đồ sộ này mà chính những người khổng lồ và những vị thần đã làm nên việc ấy. Có lẽ vì vậy mà Teotihuacan còn có nghĩa là nơi thần thánh ở hoặc nơi thần thánh sinh ra.

  • Người Teotihuacan có một hệ thống tôn giáo khá phát triển và hoàn chỉnh. Trong xã hội của họ, tầng lớp tăng lữ có vị trí và uy danh rất lớn vì theo họ, Chúa Trời mới là người giành chiến thắng. Ngoài tính chất tôn giáo, họ còn là tầng lớp có học vấn cao. Do đó, họ chỉ huy xây cất những công trình, quyết định những ngày lễ hội. Họ còn là những chuyên gia về chiêm tinh và toán học để sắp xếp niên lịch, tính toán thời gian. Rất có thể họ là những người duy nhất biết viết và có khả năng sáng tạo nghệ thuật, vì vậy những tác phẩm điêu khắc, những bức bích họa đều thể hiện đề tài tôn giáo. Tôn giáo lúc đó là trung tâm của tất cả mọi hoạt động. Nhân dân từ các nơi kéo về Teotihuacan không chỉ vì lợi ích buôn bán, mà còn bởi tính đồ sộ, hoành tráng đầy ấn tượng của thành phố này. Nói cách khác, thành phố này không chỉ có sức hấp dẫn thẩm mĩ mà còn tạo nên xúc cảm tôn giáo rất mạnh. Tất cả đều có ấn tượng sâu sắc bởi những vị thần đầy quyền năng, rất nhiều khách hành hương đến đây để cầu xin đặc ân của những vị thần này.

Đến thế kỉ IX, gần như với sự suy tàn của nền văn minh Maya, Teotihuacan cũng kết thúc thời đại huy hoàng của nó, xuất phát từ rất nhiều lí do. Người ta nói nhiều đến những nguyên nhân tự nhiên như sự biên đổi thời tiết đã làm cho khí hậu khô nóng hơn, không có nước để trồng trọt. Hoặc rất có thể do những bộ tộc du mục xung quanh đã vươn lên, có đủ lực lượng để đánh thắng nhà nước hùng mạnh và có tổ chức như Teotihuacan. Nhưng vì bất cứ lí do nào, Teotihuacan cũng đã tàn lụi và kết thúc một nền văn hóa lớn. Nhưng nó đã để lại một di sản đồ sộ, có tác động mạnh mẽ đến lịch sử Mexico nói riêng và cả khu vực Trung Mĩ nói chung trong giai đoạn sau này. Nó đã tạo ra một huyền thoại mà âm hương của nó còn vang mãi cho đến khi người Tây Ban Nha đến chinh phục.

Mặc dù bị lụi tàn nhưng Teotihuacan xứng đáng tự hào là đô thị đầu tiên và thật sự văn minh. Sau đó người Toltec đã kế thừa để xây dựng nên một nền văn minh mới ngay trên lãnh thổ Mexico - văn minh Toltec. Thực tế, họ đã mang nhiều nét văn hóa của Teotihuacan chuyển giao cho người Mexico sau này, làm nên một nền văn minh Aztec vĩ đại.

3. Nền văn minh của người Maya (khoảng thế kỉ III - XVI)

Người Maya là một bộ tộc thổ dân châu Mĩ có mặt từ rất sớm ở bán đảo Yucatan của Trung Mĩ (ngày nay là xứ Honduras, đông nam Mexico và bắc Guatemala). Vào khoảng thế kỉ V TCN người Maya đã đạt tới một nền văn minh phát triển cao, đến thế kỉ I sau CN các quốc gia cổ đại của người Maya được thành lập. Thể chế chính trị của người Maya theo hình thức các vương quốc nhỏ với truyền thống cha truyền con nối. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa Maya. Rất nhiều tấm bia được phát hiện ở Trung Mĩ cho thấy, phụ nữ Maya có quyền lực rất lớn.

  • Nến kinh tế của người Maya chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như đất đai, nguồn nước và thời tiết. Họ trồng ngô, đậu, cà chua, bí đỏ, cacao và nuôi chó, gà, hươu, nai, chim, ong mật... Do đó, văn minh Maya mang tính chất nền văn minh nông nghiệp, họ đã đem đến cho nhân loại một trong những mô hình trồng cây lương thực đặc trưng sớm nhất trong lịch sử. Họ biết sáng tạo những sản phẩm thủ công mĩ nghệ với trình độ tinh xảo. Đặc biệt thổ dân Maya còn biết làm muối, sản vật độc đáo của người Maya lúc bấy giờ.

Người Maya cổ xưa thường sống trong những túp lều nằm bên ngoài thị trấn. Các thị trấn thực chất là những quần thể các công trình tôn giáo nên chỉ đông đúc vào những ngày lễ.

Văn minh Maya ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển từ những thành tựu văn minh của người Olmec - một nền văn minh xuất hiện rất sớm ở Trung Mĩ, được xem là mẹ đẻ của nền văn hóa Trung Mĩ, là cội nguồn của các nền văn minh cổ Maya và Aztec.

Đến khoảng năm 300 sau CN, người Maya đã kiến tạo được một nền văn minh riêng biệt với hai thời kì phát triển khác nhau.

  • Thời kì đầu (khoảng từ năm 200 đến 900) được gọi là Kỉ nguyên cổ điển hay Đế chế cổ. Trong thời kì này, người Maya hoàn thiện nền nghệ thuật, khoa học và chữ viết. Họ còn xây dựng được các thị trấn, hình thành hơn 100 thành phố, lớn nhất là Tican, Copán, Ushman, Chichén Itza. Đến khoảng thế kỉ VIII - IX, văn minh Maya có dấu hiệu suy tàn với nhiều thị trấn bị bỏ hoang do chiến tranh, xung đột cộng với khí hậu thay đổi dẫn đến hạn hán, đói kém. Hoặc có thể chỉ đơn giản vì phương pháp canh tác lạc hậu đã làm độ phì nhiêu của đất bị cạn kiệt, do đó không thể tiếp tục định cư, phát triển sản xuất được nữa. Duy chỉ có quốc gia thành thị trên đảo Yucatan (thuộc Mexico) tiếp tục tồn tại cho đến khi thực dân Tây Ban Nha đến xâm chiếm vào thế kỉ XVI. Tại đây đã xuất hiện các thành bang giống Hi Lạp cổ đại, dưới quyền cai trị của các chính phủ thần quyền do các giáo sĩ đảm trách. Thời kì này được gọi là Đế chế mới hay thời kì Mexico.

Văn minh Maya đạt trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ trong lĩnh vực kiến trúc, toán học, chữ viết, thiên văn và lịch pháp. Những thành tựu này khiến họ trở thành bộ tộc phát triển nhất ở châu Mỉ.

Thành tựu của nền văn minh Maya

  • Tôn giáo

Người Maya tin tưởng vào một chu kì tự nhiên của thời gian. Do đó những nghi thức và nghi lễ của tôn giáo luôn gắn liền với chu kì của trái đất, của vũ trụ. Các thầy pháp Maya có nhiệm vụ phân tích các chu kì này và đưa ra những tiên đoán cho tương lai hay lí giải về quá khứ.

Họ tin rằng, vũ trụ có ba mặt phẳng chính: địa ngục, thiên đường và trần gian. Địa ngục của người Maya, cũng giống như quan niệm của các cư dân phương Đông khác, là khoảng không gian đi xuyên qua các hang động và bên dưới mặt đất, được cai quản bởi một vị thần cao niên đại diện cho sự chết và thối rữa. Mặt trời và Itzamna là hai vị thần rất quan trọng trong tiềm thức của người Maya, tượng trưng cho thiên dường.

Đặc biệt, thần của người Maya không riêng biệt như trong quan niệm của người Hi Lạp cổ. Không có thần Tình yêu, thần Chiến tranh hay những vị thần cai quản từng lĩnh vực riêng biệt mà hợp nhất lại, có cùng diện mạo, là một lực lượng có sức mạnh siêu nhiên trong quan niệm tín ngưỡng của người Maya. Đặc biệt thần của người Maya không phải lúc nào cũng “tốt” tuyệt đối hoặc "xấu” tuyệt đối. Tôn giáo Maya đặc biệt coi trọng thần mưa và thần gió.

  • Chữ viết

Chữ viết của người Maya xuất hiện khá muộn so với các quốc gia cổ đại Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ. Nó được hình thành trên cơ sở hệ thống chữ viết của người Olmec trước đó. Những nét chạm khắc được xem là dấu hiệu chữ viết sớm nhất của người Maya xuất hiện rất sớm, vào khoảng năm 600 TCN. Tuy nhiên, hệ thống chữ viết hoàn chỉnh của người Maya chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỉ III TCN. Đó là hệ thống chữ viết duy nhất mà thời kì Tân Thế giới vẫn còn sử dụng như một thứ ngôn ngữ của cư dân bản địa.

Về tổng thể, hệ thống chữ viết của người Maya có hơn 1.000 kí hiệu khác nhau. Hầu hết đều là những kí tự tượng hình. Cho đến nay, dù chưa giải mã được hết hệ thống chữ viết của họ, các nhà khoa học vẫn có thể nhận ra những chữ tượng trưng cho thần linh, các vì sao và ngày tháng. Người Maya còn đóng nhiều loại sách bằng giấy làm từ vỏ cây, hay từ thớ của cây xương rồng. Khi thực dân Tây Ban Nha đến, họ đã cho hủy tất cả những sách vở của người bản xứ, chỉ còn sót lại ba cuốn. Do đó, hầu hết các bản văn tự của người Maya mà chúng ta biết được đến nay đều là các bản văn khắc trên đá.

  • Nghệ thuật

Người Maya đã sáng tạo những tuyệt tác nghệ thuật độc đáo và hiếm có về kiến trúc và điêu khắc. Đó thường là những kiến trúc tôn giáo được trang hoàng tỉ mỉ bao gồm đền đài, tháp, cung điện, đài thiên văn... Điều đáng ngạc nhiên là: giống như những công trình kiến trúc, điêu khắc của người Ai Cập cổ đại, tất cả những công trình nghệ thuật của người Maya đều được xây dựng mà không sử dụng các công cụ bằng kim loại.

Những công trình đầu tiên của người Maya là những ngôi mộ đơn lẻ trên các đồi cao, tiền để cho những kiến trúc kiểu kim tự tháp được xây dựng sau này.

Loại hình kiến trúc tiêu biểu nhất, độc đáo nhất và là đỉnh cao nghệ thuật của người Maya là các Kim tự tháp. Đây được xem là một loại hình kiến trúc tôn giáo, được xây dựng phổ biến trong các trung tâm quyền lực của người Maya. Kiến trúc này có phần đỉnh là một mặt phẳng nằm ngang, trên đó người ta dựng đền thờ. Đền được trang trí bằng tượng các vị thần thường bằng đất nung hoặc đá quý.

Rất nhiều tác phẩm điêu khắc trên các phiến đá còn lại cho đến ngày nay mà người Maya thường gọi là tetun hay cây - đá, thường được chạm khắc những chữ tượng hình mô tả về sự cai trị theo phả hệ hay các chiến thắng vĩ đại. Tại Bonampak - một công trình kiến trúc nổi tiếng của người Maya vẫn còn lưu giữ những bức phù điêu, bích họa trên tường thể hiện đề tài lịch sử hay thần thoại mang một dáng vẻ tinh tế, yêu kiều với vẻ đẹp trường tồn. Những điêu khắc này đạt trình độ mĩ thuật cao đến mức nhiều người cho rằng, điêu khắc của người Maya ở một chừng mực nào đó đã vượt xa cả người Ai Cập cổ.

  • Toán học

Trong lĩnh vực toán học, người Maya có những cống hiến rất quan trọng. Khoảng thế kỉ IV TCN họ đã tìm ra chữ số 0, sớm hơn cả người Ấn Độ.

Người Maya sử dụng bộ đếm ngũ phân và nhị thập phân. Hệ ngũ phân trên cơ sở so sánh với số 5 ngón tay của bàn tay, còn hệ nhị thập phân là toàn bộ số ngón tav và ngón chân (tức hệ số 20).

Do hệ thống số của người Maya được xây dựng theo hệ số 20, thay vì số 10 nên số 0 nằm sau một số sẽ làm tăng giá trị số đó lên 20 lần, thay vì 10 lần như hệ số thập phân mà chúng ta đang sử dụng.

  • Thiên văn và lịch pháp

Người Maya sớm có những kiến thức về thiên văn vô cùng chính xác. Trên cơ sở tính toán, họ đã vẽ được bản đồ vận động của Mặt trăng và các hành tinh với độ chính xác vượt xa các nền văn minh khác.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của người Maya là lịch. Họ đã sáng tạo ra lịch vào khoảng thời gian từ năm 400 đến 200 TCN. Lịch của người Maya dựa trên cơ sở năm mặt trời với 365 ngày. Tuy nhiên, do sử dụng phổ biến hệ số đếm 20 nên một năm theo lịch của người Maya được chia thành 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày, 5 ngày còn lại được đưa vào cuối năm. Theo lịch này, các năm nối tiếp nhau không ngừng và không có năm nhuận. Như vậy, kết quả là lịch sẽ bị sai lệch lùi về một ngày trong vòng 4 năm. Tuy vậy, lịch của người Maya vẫn được đánh giá là có độ chính xác hơn rất nhiều so với lịch của người châu Âu sử dụng thời đó, mà mãi đến thế kỉ XVI người châu Âu mới đạt đến trình độ này.

  • Khoa học kĩ thuật

Văn minh Maya đạt được nhiều thành tựu độc đáo trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngay từ thời đại đồ đá, họ đã biết chế tạo và sử dụng thành thạo các công cụ cắt gọt từ đá núi lửa.

Thổ dân Maya còn gây ngạc nhiên đối với các nhà khoa học khi họ biết chế biến cao su để phục vụ việc chế tạo công cụ sinh hoạt và giải trí hằng ngày. Họ sử dụng cao su để bọc lót cho các dụng cụ có tay cầm như dao, vũ khí... và còn biết làm những đôi giày cao su không thấm nước. Thực dân Tây Ban Nha khi đặt chân đến Trung Mĩ đã vô cùng kinh ngạc khi thấy người Maya chơi bóng bằng những quả bóng cao su rất lạ mắt, một thành tựu mà người châu Âu chưa hề được biết đến trước đó.

Người Maya còn biết kĩ thuật làm muối từ rất sớm. Khảo cổ học đã phát hiện những di chỉ làm muối với qui mô rất lớn thuộc cơ tầng văn hóa Maya. Họ còn sử dụng muối như một thứ hàng hóa để trao đổi với các cư dân khác trong vùng.

4. Nền văn minh của người Aztec (khoảng thế kỉ XIII - XVI)

  • Văn minh Aztec được hình thành chủ yếu trên phần lãnh thổ của Mexico ngày nay, gần như vào giai đoạn cuối của nền văn minh bản địa trước khi thực dân Tây Ban Nha đặt chân đến vùng đất này. Do đó, nền văn minh Aztec được xây dựng trên nền tảng vô cùng phong phú của các nền văn hóa trước đó và trở thành một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ nhất ở châu Mĩ. Chủ nhân của nền văn minh này là người Aztec vốn là những thổ dân da đỏ thuộc bộ tộc Nahuatl.

Nơi người Aztec xây dựng văn minh vốn là địa bàn cư trú của bộ tộc Toltec - chủ nhân của nền văn minh Toltec. Bộ tộc Toltec bắt đầu phát triển văn minh của họ trong phần lãnh thổ trung bộ Mexico, gần thành phố Mexico hiện nay. Có lẽ người Toltec từ miền Bắc tràn xuống vào khoảng thế kỉ I sau CN. Đến khoảng thế kỉ VIII, người Toltec bắt đầu tạc một số tượng có trình độ mĩ thuật cao và xây dựng kim tự tháp lớn. Trong khoảng thời gian từ thế kỉ X - XII, họ đạt đến đỉnh cao văn minh của mình và có ảnh hưởng đến người Maya. Một số học giả tin rằng, người Toltec đã di cư đến vùng đất của người Maya, sinh sống ở đó và truyền bá văn minh. Đến thế kỉ XIII, một bộ tộc thổ dân còn trong thời kì hoang đã từ phía Tây bắc tràn vào Mexico. Đó là bộ tộc Aztec. Khi đến Mexico, họ đã đánh bại người Toltec vốn đã suy yếu từ lâu.

  • Người Aztec đã biết cách học tập những thành tựu văn hóa của người Toltec và của cả cư dân Maya láng giềng để dựng nên nền văn minh đặc sắc của mình. Lịch của họ cũng chính xác như người Maya. Dù không có được hệ chữ viết tương đối tốt như của người Maya, họ vẫn tạo ra được những chữ viết tượng hình. Trong lĩnh vực y học, họ có những bệnh viện với các thầy thuốc có trình độ cao.

Văn minh Aztec mang tính chất là một nền văn minh đô thị phát triển ở trình độ cao. Tổ chức kinh tế vào đầu thế kỉ XVI của họ có thể cao hơn tổ chức kinh tế của người châu Âu đương thời. Kinh đô của người Aztec là thành phố Tenochtitlan. Đó là sự kết hợp hai hòn đảo Tenochtitlan và Tlatelolco nhưng chỉ gọi đơn giản với cái tên Tenochtitlan. Kinh đô này được bắt đầu xây dựng từ năm 1325 trên các ốc đảo giữa hồ Texcoco nhằm tránh sự xâm nhập, cướp phá của kẻ thù từ đất liền. Thủ đô Mexico ngày nay được xây dựng ngay tại địa điểm của kinh đô Tenochtitlan ngày xưa. Theo truyền thuyết, ngưòi Aztec quyết định nơi đặt kinh đô của họ là chỗ họ nhìn thấy con phượng hoàng ngậm một con rắn ở mỏ, đậu vào cây xương rồng mọc trên một tảng đá giữa hồ. Tenochtitlan không phải là đô thị phát triển một cách ngẫu nhiên mà trái lại, nó được quy hoạch cẩn thận, có trật tự, trên một khuôn viên hình vuông, giống như qui hoạch xây dựng của người Tây Ban Nha sau này. Rất nhiều đường phố chính là những dòng kênh mà người ta đi lại bằng thuyền nhỏ. Tuy nhiên vẫn có hè phố để dành riêng cho người đi bộ. Do đó, từ đất liền, khách có thể viếng thăm kinh đô bằng ghe thuyền hay men theo các vỉa hè được xây bằng đá. Sự cân đối hài hòa một cách có quy hoạch khiến cho những kẻ chinh phục nó phải ngỡ ngàng khâm phục. Đến đầu thế kỉ XVI, dân số của kinh đô khoảng 80.000 người khiến cho Tenochtitlan trở thành một trong những đô thị đông dân nhất lúc bấy giờ, sánh ngang với các đô thị nổi tiếng khác ở châu Âu như Paris, Venice hay Milan. Năm 1519, một toán lính Tây Ban Nha đã đổ bộ lên lãnh thổ của đế chế Aztec, dưới sự chỉ huy của Hernando Cortez. Khi tìm đến được Tenochtitlan, tất cả họ đều sững sờ trước vẻ tráng lệ và sự giàu có của thành phố này, còn thổ dân Aztec thì lại tôn thờ họ như những vị thần linh: họ đã dâng tặng đám người Tây Ban Nha vô số vàng bạc trong khi nhà vua Montezuma - vị vua cuối cùng của đế chế Aztec, tiếp đón họ rất lễ độ để rồi sau đó, ông bị chính những “vị khách quý” của mình bắt giam và hãm hại, chấm dứt một thời huy hoàng của Đế chế Aztec.

Ngoài qui mô hoành tráng, “thành phố Venice của châu Mĩ” này còn thực sự lộng lẫy đầy ấn tượng. Những kim tự tháp đồ sộ được xây dựng ở mọi phía, kim tự tháp cao nhất dành để thờ thần Tláloc và Huitzilopochtli. Cuối cùng là những đền thờ cao vút. Những nỗ lực và sáng tạo nghệ thuật đã được dành cho những ngôi đền này. Trong thành phố có rất nhiều đền, nổi bật lên và chê ngự tất cả là khu Đền Chính nằm ở trung tâm thành phố. Những công trình kiến trúc này đều có tường bao xung quanh, trên tường có trang trí hình rắn, hình thần rắn nổi tiếng Coatepantli.

  • Tôn giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người Aztec. Nó được xem là sứ mệnh cứu thế của người Aztec, là đức tin vào số mệnh, điều mà hình như đã tạo ra cho người Aztec một dấu ấn khác biệt so với những dân tộc ở xung quanh.

Người Aztec tôn thờ những vị thần quan trọng: thần Quetzalcoatl, thần Huitzilopochtli, thần Tlaloc, thần Mưa... Trong đó, thần Quetzalcoatl là vị thần được tôn thờ từ thời người Teotihuacan, sau đó được người Ttoltec rồi đến người Aztec thờ phụng như một trong những vị thần quan trọng nhất của họ. Quetzalcoatl là một biểu hiện của tín ngưỡng vua - thần, được thể hiện dưới hình dáng khi là một ông già đeo mặt nạ, khi thì giống một con rắn mình có lông. Hình tượng của vị thần này thường được cư dân bản địa liên tưởng để lí giải cho những biến cố lịch sử của họ. Sự suy tàn và buộc phải chuyển dịch về phương Nam của nền văn minh Toltec được lí giải một cách huyền thoại là do sự ra đi của thần Quetzalcoatl. Về sau, khi quân Tây Ban Nha đổ bộ vào Mexico, người Aztec lại tưởng rằng thần Quetzalcoatl đã trở về, do đó từ vua tới dân đã đôi xử với những kẻ đi xâm lược này bằng một thái độ ngưỡng mộ và kính trọng đến mức khó hiểu. Đó là một trong những lí do khiến cho đế chế Aztec nhanh chóng bị tê liệt trước những kẻ xâm lược đầy mưu mô.

Thần Huitzilopochtli - thần Chiến tranh và thần Mặt Trời, được xem là vị thần quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Aztec và cả Đế chế của họ. Niềm tin sâu sắc vào lời hứa của thần Huitzilopochtli từ lúc lập nghiệp trong quá khứ còn âm u rằng: chính họ là dân tộc được Chúa trời chọn để trao lời hứa thiêng liêng. Nghĩa là Chúa trời vĩ đại Huitzilopochtli đến đây để giúp người Aztec trở thành những lãnh chúa, những ông hoàng thống trị khắp mọi nơi và đó chính là nhiệm vụ của Ngài, vì điều đó mà Ngài đến đây... Đó chính là cơ sở cho thế giới quan của họ.

Người Aztec đã phải trả giá cho lời hứa về một tương lai xán lạn, vẻ vang bằng vô vàn sự đau đớn. Sau khi xây dựng được một đế chế huy hoàng, họ vẫn phải tiếp tục chịu đựng gánh nặng phải gìn giữ Chúa và Mặt Trời trong cuộc sống của mình, nếu không cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa. Mỗi buổi chiều, khi Mặt Trời lặn, nỗi sợ hãi và hoài nghi ghê gớm trong họ lại trỗi dậy. Họ sợ không thể thắng được kẻ thù trong đêm tối, không thể chống lại được hổ dữ và biết bao nhiêu nỗi khiếp sợ đang rình rập tấn công họ... Do đó, họ thấy cần thiết phải duy trì và tăng thêm sức mạnh cho Mặt Trời, đảm bảo cho Ngài trong việc giúp họ thắng được kẻ thù. Thức ăn duy nhất mà Ngài thích là máu của con người. Vì vậy, máu trở nên cần thiết đối với sự tồn vong của thế giới Aztec. Đây chính là nguồn gốc tục hiến tế, tuy còn mang nét tàn bạo nhưng nó vẫn thể hiện sự tinh tế trong đòi sống tinh thần của người Aztec. Để đạt được mục đích ấy, chiến tranh trở thành một nhu cầu cần thiết, vì máu của những kẻ bại trận là giá trị nhất và hiển nhiên tù binh là những nạn nhân thích hợp để dâng lên Thần thánh. Thế là chiến tranh trở nên cần thiết không chỉ với nhu cầu kinh tế mà đồng thời còn là một nhu cầu tôn giáo.

Cùng với thời gian và những cuộc chinh phạt thành công mỗi ngày một lớn hơn, thần Huitzilopochtli dường như đã hài lòng với những cơn lũ máu từ những tù binh hiến dâng cho Ngài. Lúc đó, thần Huitzilopochtli rất hùng mạnh, ngôi đền của Ngài thật đồ sộ: ở phía trên cao linh thiêng, Thần hiện diện trong một bức tượng đồ sộ, mình đeo đầy trang sức, tay phải cầm con rắn lửa Xiuhcoatl - thứ vũ khí thần thánh đảm bảo sự bách chiến bách thắng của quân đội Aztec. Thần Huitzilopochtli sinh ra cùng thần rắn và cùng với thần rắn Người đã tiêu diệt hết kẻ thù của mình.

Tôn giáo không chỉ ảnh hưởng lớn đối với đời sống của người Aztec mà còn chiếm vị trí vô cùng quan trọng đối với nền Đế chế của họ. Đó là một thể chê quân phiệt thần quyền. Chính hoàng đế cũng vừa là giáo chủ vừa là thống lĩnh quân đội, người có uy quyền tuyệt đối và là giáo sĩ tối cao của thần Huitzilopochtli. Người lính có thể là cánh tay, hay cái đầu nhưng vị linh mục là linh hồn. Họ mang trong mình thứ vũ khí tối cao: người đại diện của Chúa Trời trên trần thế. Nhờ thế, vị linh mục Aztec không còn chỉ đơn thuần là một giáo sĩ của bộ lạc mà là một giáo chức với hàng loạt cấp bậc cùng bổng lộc được quy định. Những người có chức sắc ở khu Đền Lớn, đặc biệt là những người phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng của hoàng gia, được hưởng tô tức từ ruộng đất chinh phục được, và đương nhiên cả những lễ vật của giáo dân. Một quyền lực khác nữa mà các giáo sĩ chi phối là văn hóa. Vị linh mục có thể nắm giữ tất cả mọi sự hiểu biết của người Aztec: y học, thiên văn học, phương pháp tính toán lịch, chữ viết, lịch sử, văn chương và cả triết học. Trong trường học Calmecac, một trường học của quý tộc, các vị linh mục dạy tất cả các môn học và tất nhiên cả luật pháp, cách cai trị và nghệ thuật quân sự. Điều này khiến chúng ta nhớ đến nền giáo dục của Tây Âu thời trung cổ, khi mà nhà thờ là trường học, còn các vị linh mục là những người thầy duy nhất có thể giảng dạy tất cả mọi môn học.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON