Mời các em cùng HOC247 tham khảo nội dung Ôn tập chủ đề 8 và 9 trong chương trình Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều để củng cố kiến thức về các nhân tố sinh thái và hệ sinh thái lớn nhất trái đất là sinh quyển. Nội dung chi tiết các em tham khảo bài giảng dưới đây!
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Sinh thái
1.1.1. Môi trường và các nhân tố sinh thái
- Môi trường sống của sinh vật bao gồm tất cả những gì bao quanh sinh vật, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới các hoạt động sống của sinh vật. Có bốn loại môi trường sống chủ yếu: môi trường trên cạn, môi trường dưới nước, môi trường trong đất và môi trường sinh vật.
- Nhân tố sinh thái là các nhân tố của môi trường có tác động tới sinh vật, gồm nhóm nhân tố sinh thái vô sinh và nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh.
- Giới hạn chịu đựng của sinh vật đối với một nhân tố sinh thái nhất định gọi là giới hạn sinh thái, ngoài giới hạn này sinh vật sẽ không tồn tại được.
1.1.2. Quần thể sinh vật
- Quần thể là tập hợp các cá thể cùng loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời điểm nhất định, có khả năng sinh sản tạo thành những thế hệ mới.
- Mỗi quần thể có những đặc trưng sau:
+ Kích thước của quần thể sinh vật là số lượng các cá thể (hoặc khối lượng hoặc năng lượng tích luỹ trong các cá thể) phân bố trong khoảng không gian nhất định của quần thể.
+ Mật độ cá thể của quần thể là số lượng cá thể trên một đơn vị diện tích hay thể tích của quần thể.
+ Tỉ lệ giới tính là tỉ lệ giữa số lượng cá thể đực và số lượng cá thể cái trong quần thể.
+ Quần thể sinh vật gồm nhiều nhóm tuổi: nhóm tuổi trước sinh sản, nhóm tuổi sinh sản và nhóm tuổi sau sinh sản.
+ Có ba kiểu phân bố cá thể của quần thể: phân bố theo nhóm, phân bố đồng đều và phân bố ngẫu nhiên.
- Có thể thực hiện một số biện pháp bảo vệ quần thể sinh vật như: bảo tồn các sinh vật trong môi trường tự nhiên mà chúng đang sống; chuyển các sinh vật đến nơi có điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại, phát triển và được bảo vệ;...
1.1.3. Quần xã sinh vật
- Quần xã sinh vật là một tập hợp các quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian và thời gian nhất định, có mối quan hệ gắn bó với nhau.
- Độ đa dạng của quần xã được thể hiện qua sự phong phú về số lượng loài và số lượng cá thể của mỗi loài trong quần xã.
- Loài ưu thế là loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã, ảnh hưởng quyết định tới các nhân tố sinh thái của môi trường do có số lượng cá thể và sinh khối lớn. Loài đặc trưng là loài chỉ có ở một quần xã hoặc có số lượng cá thể nhiều hơn hẳn các loài khác trong quần xã.
- Một số biện pháp bảo vệ đa dang sinh học trong quần xã như: tuyên truyền về ý thức bảo vệ đa dạng sinh học; xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; bảo vệ rừng, nghiêm cấm khai thác, săn bắt, buôn bán trái pháp luật các loài sinh vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng.
1.1.4. Hệ sinh thái
- Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và môi trường sống của quần xã. Các sinh vật trong quần xã luôn tương tác với nhau đồng thời tác động qua lại với các nhân tố sinh thái vô sinh của môi trường tạo nên một hệ thống sinh học hoàn chỉnh và tương đối ổn định.
- Một chuỗi thức ăn gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau, mỗi loài là một mắt xích của chuỗi. Lưới thức ăn là tập hợp các chuỗi thức ăn, có những mắt xích chung. Một lưới thức ăn hoàn chỉnh bao gồm sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ, sinh vật phân giải
- Trao đổi vật chất và năng lượng trong hệ sinh thái được thực hiện giữa các sinh vật trong quấn xã và giữa quần xã với môi trường.
- Hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển và ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp là những hệ sinh thái điển hình của Việt Nam. Các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái được thực hiện nhằm duy trì, bảo vệ và cải tạo hệ sinh thái.
1.1.5. Cân bằng tự nhiên và bảo vệ môi trường
- Cân bằng tự nhiên là trạng thái ổn định tự nhiên của quần thể, quần xã, hệ sinh thái hướng tới sự thích nghi của quần xã với điều kiện sống. Để bảo vệ cân bằng tự nhiên, cần bảo vệ và kiểm soát các loài sinh vật, bảo vệ các hệ sinh thái, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn chất thải gây ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học,...
- Việc bảo vệ động vật hoang dã trong tự nhiên là vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng vì bảo vệ động vật hoang dã gắn với bảo vệ đa dạng sinh học.
- Qua các thời kì phát triển xã hội, khai thác tài nguyên bất hợp lí là tác động lớn nhất của con người làm suy thoái môi trường tự nhiên. Để bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên, con người cần thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm sức ép lên môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên,...
- Ô nhiễm môi trường là hiện tượng khi các tính chất vật lí, hoá học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống con người và các sinh vật khác.
- Biến đổi khí hậu là những thay đổi của các yếu tố khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỉ hoặc dài hơn. Một số biện pháp chủ yếu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu như: hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hạn chế nạn phá rừng, hạn chế sự gia tăng dân số, sử dụng năng lượng mới, ứng dụng công nghệ mới,...
1.2. Sinh quyển
- Tập hợp sinh vật và các nhân tố môi trường vô sinh trên Trái Đất tạo nên hệ sinh thái lớn nhất gọi là Sinh quyển. Trong Sinh quyển, sinh vật và các nhân tố vô sinh liên quan chặt chẽ với nhau qua các chu trình sinh địa hoá, hình thành nên hệ thống tự nhiên trên phạm vi toàn cầu.
- Các hệ sinh thái rất lớn đặc trưng cho đất đai và khí hậu của một vùng địa lí xác định gọi là các khu sinh học. Sinh quyển được chia thành các khu sinh học trên cạn và các khu sinh học dưới nước.
- Một số khu sinh học trên cạn như đồng rêu đới lạnh, rừng lá kim phương bắc, rừng rụng lá theo mùa ôn đới, thảo nguyên, savan, hoang mạc, sa mạc, rừng nhiệt đới. Một số khu sinh học dưới nước như khu sinh học nước ngọt (đầm, ao, hồ, sông, suối,...) và khu sinh học nước mặn (đầm phá, rừng ngập mặn, biển,...).
Bài tập minh họa
Ví dụ 1: Giới hạn sinh thái là
A. khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà ở đó sinh vật có thể tồn tại, phát triển ổn định theo thời gian
B. khoảng xác định mà ở đó loài sống thuận lợi nhất hoặc sống bình thường nhưng năng lượng bị hao tổn tối thiểu
C. không chống chịu mà ở đó đời sống của loài ít bất lợi
D. khoảng cực thuận mà ở đó loài sống thuận lợi nhất
Hướng dẫn giải
Giới hạn sinh thái là khoảng giá trị xác định của một nhân tố sinh thái mà ở đó sinh vật có thể tồn tại, phát triển ổn định theo thời gian.
Đáp án A
Ví dụ 2: Động vật sinh sống ở khu sinh học thảo nguyên là:
A. Động vật chủ yếu là các loài như linh dương, ngựa vằn, hươu cao cổ, đà điểu, sư tử, báo, ...
B. Động vật thích nghi với đời sống ở tuyết như: thỏ tuyết, linh miêu, chó sói, gấu, ...
C. Động vật chủ yếu là các loài chạy nhau và thích nghi với sự thay đổi khí hậu theo mùa rõ rệt như ngựa, sóc, sói, ...
D. Động vật đa dạng và phong phú, có các loài như khỉ, rùa, rắn, báo đốm, dơi, hổ, côn trùng, ...
Hướng dẫn giải
Động vật sinh sống ở khu sinh học thảo nguyên chủ yếu là các loài chạy nhau và thích nghi với sự thay đổi khí hậu theo mùa rõ rệt như ngựa, sóc, sói, ...
Đáp án C
Luyện tập Ôn tập chủ đề 8 và 9 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Học xong bài này các em cần biết:
- Phát biểu được khái niệm sinh thái. Lấy được ví dụ về các nhân tố sinh thái.
- Khái quát về sinh quyển và các khu sinh học
3.1. Trắc nghiệm Ôn tập chủ đề 8 và 9 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm KHTN 8 Cánh diều Ôn tập chủ đề 8 và 9 cực hay có đáp án và lời giải chi tiết.
Câu 4-10: Mời các em đăng nhập xem tiếp nội dung và thi thử Online để củng cố kiến thức về bài học này nhé!
3.2. Bài tập SGK Ôn tập chủ đề 8 và 9 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Các em có thể xem thêm phần hướng dẫn Giải bài tập KHTN 8 Cánh diều Ôn tập chủ đề 8 và 9 để giúp các em nắm vững bài học và các phương pháp giải bài tập.
Đang cập nhật câu hỏi và gợi ý làm bài.
Hỏi đáp Ôn tập chủ đề 8 và 9 Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều
Trong quá trình học tập nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì thì các em hãy comment ở mục Hỏi đáp, Cộng đồng Khoa học tự nhiên HOC247 sẽ hỗ trợ cho các em một cách nhanh chóng!
Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!