YOMEDIA
NONE

Thuyết minh về cách làm bánh chưng

thuyết minh về cách làm bánh chưng(nguồn gốc,nguyên liệu, cách làm,yêu cầu thành phẩm,cách sử dụng,cảm nhận,.....)

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng một lần được nghe kể về sự tích “Bánh chưng, bánh dày”, hai loại bánh mà Lang Liêu đã sáng tạo ra để dâng lên vua cha, và nhờ hai loại bánh này mà Lang Liêu đã được vua cha tin tưởng và nhường lại ngôi báu cho chàng. Cũng từ đó mà hai loại bánh này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, người dân thường làm bánh vào các dịp lễ hội, trong những ngày tết thì càng không thể vắng mặt. Ngày nay, ngay cả khi xã hội đã vô cùng phát triển, đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, song vào những ngày tết, chiếc bánh chưng vẫn là một loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ Tổ tiên, trong bữa ăn ngày Tết.

    Đã từ rất xa xưa, người ta cho rằng trong bữa cơm ngày Tết thì không thể thiếu “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Phong tục này không biết có từ bao giờ nhưng xưa kia ông cha ta quan niệm, nếu thiếu một trong số những món ăn, vật dụng trên thì không khí tết sẽ không thể trọn vẹn. Phong tục này đến nay vẫn còn được người dân kế thừa và sử dụng trong những dịp Tết. Tuy nhiên, ngày nay tùy theo sở thích, khẩu vị của từng người, từng gia đình mà bữa cơm có thể có hoặc không có câu đối, dưa hành, thịt mỡ nhưng bánh chưng là món ăn cố hữu trong ngày Tết ở Việt Nam mà không một gia đình nào là không có.

    Bánh chưng là loại bánh được ngon dẻo, thơm bùi được làm từ gạo nếp- một sản phẩm nông sản độc đáo của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Để làm ra một chiếc bánh chưng, cần những nguyên liệu chính như: gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ và các nguyên liệu khác như: hạt tiêu, lá dong, nạt tre hoặc nạt giang. Trong đó, gạo nếp được ngâm cho nở, cho dẻo; đỗ xanh được đãi cho xạch lớp vỏ xanh bên ngoài; thịt sẽ được trộn gia vị như: mắm, tiêu… sao cho phù hợp với khẩu vị của mỗi gia đình.

    Sau khi chuẩn bị trong nguyên liệu thì những chiếc bánh chưng sẽ được gói bằng những chiếc lá dong xanh mướt và được buộc lại bằng những thanh nạt dẻo dai. Trong chiếc bánh chưng, thứ tự của nguyên liệu cũng cần đảm bảo một thứ tự nhất đinh, trong đó lớp bánh đầu tiên sẽ là gạo nếp, bên trên gạo nếp là đỗ xanh và thịt lợn, sau đó chiếc bánh lại được phủ lên một lớp gạo nếp nữa. Những chiếc bánh chưng sẽ được những bàn tay khéo léo gói lại vuông vức, đều nhau.

    Một trong những việc làm mang đậm phong cách ngày Tết, đó chính là công việc luộc bánh chưng. Thông thường, để những chiếc bánh đủ độ dẻo, tơi, bùi thì cần phải được luộc trong khoảng thời gian từ năm đến tám tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian ấy, những người trong gia đình sẽ cùng nhau ngồi bên bếp lửa hồng, vừa trông nồi bánh chưng, cắn hạt dưa đỏ và cùng chia sẻ với nhau câu chuyện năm cũ. Không khí xum vầy, đoàn tụ của những người trong gia đình gợi cho không khí ngày Tết trong mỗi gia đình thêm đầm ấp, vui tươi.

    Sau khi chiếc bánh chưng đã chín, nó sẽ được vớt ra để nguội, sau đó mang lên bàn thờ ngày tết. Có những gia đình cẩn thận hơn thì sẽ dùng những chiếc lá dong tươi gói lại bên ngoài chiếc bánh để có được màu xanh hút mắt của lá dong. Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc, vì theo sự tích Lang Liêu khi xưa thì bánh chưng có hình vuông là biểu tượng cho mặt đất. Vì vậy, đặt những chiếc bánh chưng trên bàn thờ tổ tiên như cách để ghi nhớ, tôn kính, biết ơn của mình đối với những người thân đã khuất của mình.

    Ngoài ra, những chiếc bánh chưng còn được dùng làm quà để đi biếu, làm quà mỗi dịp Tết. Đây cũng là một phong tục của người Việt Nam. Tết đến, mọi người sẽ đi tết những người thân trong gia đình, những người bạn bè những món quà chúc Tết, và trong món quà ấy, nếu có những chiếc bánh chưng thì người nhận sẽ cảm thấy rất vui. Bởi không phải giá trị vật chất mà người nhận ở đây đã cảm nhận được một món quà tinh thần đầy ý nghĩa, nó gần gũi và rất mực thân quen như chính mối quan hệ gắn bó giữa người tặng và người nhận vậy. Trong bữa cơm ngày Tết, những miếng bánh chưng thơm dịu hương vị của lúa nếp, vị ngọt thanh của đỗ xanh, vị đậm đà của những miếng thịt mỡ khiến cho bữa cơm ngày tết thêm ấp áp, chan hòa không khí xum vầy, đoàn viên.

    Như vậy, chiếc bánh chưng không chỉ là một loại bánh truyền thống của dân tộc, không chỉ được kích thích vị giác bởi sự thơm ngon, đậm đà mà từ rất lâu rồi, chiếc bánh chưng cùng với cành đào hồng đã trở thành những biểu tượng, những vật không thể không có trong mỗi gia đình khi Tết đến, xuân sang. Nhắc đến Tết ắt hẳn hình ảnh chiếc bánh chưng xanh vuông vức sẽ ngay lập tức xuất hiện trong sự liên tưởng của mỗi người.

      bởi chuột hạnh 14/11/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON