YOMEDIA
NONE

Bài 2: Phân tầng xã hội


Phân tầng là một khái niệm cơ bản của xã hội học. Tuy nhiên, để hiểu được khái niệm về phân tầng xã hội, mời các bạn cùng tham khảo các định nghĩa liên quan, lý thuyết và các hệ thống phân tầng xã hội trong lịch sử qua bài học Bài 2: Phân tầng xã hội dưới đây.

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Khái niệm

Phân tầng là một khái niệm cơ bản của xã hội học. Tuy nhiên, để hiểu được khái niệm phân tầng xã hội, trước hết chúng ta cần thiết phải nghiên cứu khái niệm tầng xã hội.

  • Tầng xã hội: Là tổng thể, là tập hợp các cá nhân có cùng hoàn cảnh xã hội, họ giống nhau hay bằng nhau về địa vị kinh tế, chính trị, địa vị xã hội và cả khả năng thăng tiến cũng như giành được những ân huệ hoặc vị trí cao trong xã hội.
  • Phân tầng xã hội: Có nhiều quan niệm khác nhau về phân tầng, M.Weber khi nói về phân tầng đã đưa ra nguyên tắc tiếp cận ba chiều hay ba khía cạnh là địa vị kinh tế, địa vị chính trị, địa vị xã hội, cấu thành các tầng lớp xã hội.

P. A. Solokhin nhà xã hội học người Mỹ gốc Nga, coi phân tầng xã hội là sự phân hóa của tổng thể các cá nhân thành những giai cấp trong thang bậc của đẳng cấp. Phân tầng xã hội thể hiện rõ nhất trong sự tồn tại của tầng lớp cao nhất và tầng lớp thấp nhất.

Tony Bilton cho rằng, phân tầng xã hội là một cơ cấu bất bình đẳng ổn định giữa các nhóm xã hội và được duy trì bền vững qua các thế hệ. Đồng thời ông cũng chỉ ra những điều kiện dẫn đến sự phân phối lợi ích không đồng đều giữa các thành viên hay nhóm xã hội, đó là những cơ hội trong cuộc sống, là địa vị xã hội và sự ảnh hưởng chính trị.

John J. Macionis trong cuốn Xã hội học, coi phân tầng xã hội là đặc điểm xã hội, không phải đơn thuần là đặc điểm của cá nhân. Phân tầng xã hội là hệ thống rộng khắp xã hội phân bổ không đều tài nguyên xã hội trong các nhóm người.

Cũng theo John J. Macionis, phân tầng xã hội mang tính phổ biến, gắn bó chặt chẽ với gia đình và đặc biệt luôn có sự ủng hộ của niềm tin.

Trên cơ sở tập hợp và phân tích chúng ta có thể nói ngắn gọn về phân tầng xã hội như sau:

  • Phân tầng xã hội là sự phân chia xã hội thành các tầng lớp khác nhau về địa vị kinh tế, địa vị chính trị, học vấn, kiểu dáng nhà ở, nơi cư trú, phương cách sinh hoạt, cách ứng xử, sở thích nghệ thuật
  • Đặc điểm của phân tầng xã hội:
    • Phân tầng xã hội diễn ra ở nhiều khía cạnh như chính trị, kinh tế, địa vị xã hội, học vấn.
    • Phân tầng xã hội có tính phổ quát trên phạm vi toàn cầu.
    • Nó tồn tại theo lịch sử, theo các thể chế chính trị khác nhau.
    • Nó tồn tại trong các nhóm dân cư, giai cấp, tầng lớp xã hội.
  • Nguyên nhân dẫn đến sự phân tầng xã hội, có thể tổng hợp thành 2 nguyên nhân chính sau:
    • Thứ nhất: do sự tồn tại của hiện tượng bất bình đẳng mang tính cơ cấu của tất cả các xã hội loài người, trừ giai đoạn đầu của công xã nguyên thủy.
    • Thứ hai: do sự phân công lao động xã hội đã dẫn đến sự phân tầng một cách tự nhiên.

2. Lý thuyết phân tầng xã hội

Lý thuyết phân tầng xã hội được hình thành từ rất lâu ở phương Tây, nhìn chung có thể chia lý thuyết và đặc điểm phân tầng xã hội thành hai loại sau:

  • Lý thuyết chức năng: Theo lý thuyết này, phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội là những hiện tượng xã hội phổ biến, không tránh khỏi. Hiện tượng này đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại như một nét nổi bật hiện nay và trong tương lai. Những người theo lý thuyết này cho rằng, phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội thực hiện một chức năng cần thiết và tích cực trong đời sống xã hội. Đại diện tiêu biểu cho lý thuyết này là Davis và Moore tin rằng, sự bất bình đẳng xã hội là một di sản mà nhờ vào đó xã hội bảo đảm những vị trí xã hội quan trọng nhất phải do những người có tài năng nhất đảm nhiệm một cách có ý thức, trên cơ sở đó dẫn đến sự khác nhau về uy tín, địa vị và thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội. Vì vậy, cần thiết chế hóa bất bình đẳng xã hội.

Tóm lại, phân tầng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, tức là mỗi tầng xã hội có chức năng xã hội riêng. Việc phân tầng xã hội là tất yếu. Các tầng xã hội với các chức năng khác nhau mới có thể đảm bảo được các yêu cầu của xã hội, đảm bảo được sự tồn tại và phát triển của xã hội. Ví dụ: nông dân có chức năng cung cấp nông sản, thợ may có chức năng cung cấp áo quần... Hạn chế của lý thuyết chức năng là đã đặt sự phân tầng có tính tiêu chuẩn và văn hóa trong một cái khung bất bình đẳng vật chất cụ thể.

  • Lý thuyết xung đột: Những người theo lý thuyết này cho rằng, phân tầng xã hội là do nguyên nhân từ bất bình đẳng giai cấp tạo nên, nó liên quan đến địa vị của họ trong kinh tế, mà cốt lõi là chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến phân tầng xã hội và đấu tranh giai cấp, nhằm xóa bỏ những mâu thuẫn, xung đột trong những quan hệ sở hữu, từ đó tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển, đồng thời là nguồn gốc, động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử trong xã hội có giai cấp.

Những người theo thuyết xung đột đã phê phán gay gắt thuyết chức năng về phân tầng xã hội. Theo họ, việc thuyết chức năng cho rằng phân tầng xã hội là tích cực sẽ hủy hoại tài năng to lớn và hạn chế sự phát triển tiềm năng của những thành viên ở tầng lớp bên dưới.

Lý thuyết xung đột xã hội đề xướng việc lấy giai cấp và đấu tranh giai cấp làm động lực chủ yếu cho sự phát triển của nhân loại trong các xã hội có giai cấp (K.Marx).

3. Các hệ thống phân tầng xã hội trong lịch sử

Phân tầng xã hội xuất hiện từ rất sớm trong xã hội loài người. Ở nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử xã hội loài người và những nền văn hóa, thì phân tầng xã hội cũng xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau. Dựa vào quá trình phát triển của xã hội, chúng ta có thể chỉ ra hai hệ thống phân tầng cơ bản sau: Hệ thống phân tầng đóng và hệ thống phân tầng mở.

  • Hệ thống phân tầng xã hội đóng: theo K. Marx xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến là hệ thống phân tầng đóng, nhất là xã hội chiếm hữu nô lệ được coi là đóng hoàn toàn. Ở xã hội này được chia ra làm hai đẳng cấp cơ bản là chủ nô và nô lệ, hai đẳng cấp này tạo nên hệ thống phân tầng đóng, vách ngăn giữa hai đẳng cấp này trở nên chết cứng và đóng kín. Ranh giới giữa các tầng xã hội hết sức rõ rệt và được duy trì một cách nghiêm ngặt, địa vị của mỗi người bị ấn định ngay từ đầu, khi mới sinh ra bởi nguồn gốc, chủng tộc. Một người được sinh ra ở đẳng cấp nào và vị thế mà người đó có sẽ đi theo người đó suốt cuộc đời, khó để thay đổi cho dù người đó có tài giỏi và thông minh hơn người. Sự liên kết giữa các đẳng cấp bị nghiêm cấm, nhất là vấn đề hôn nhân. Điều này được thể hiện trong câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”.

Trong xã hội phong kiến vách ngăn giữa các đẳng cấp về cơ bản đã có những khe hở để cho một số người có thể len lỏi từ đẳng cấp thấp lên đẳng cấp cao và ngược lại. Tuy nhiên, số người như thế không đáng kể, đến mức trở thành hiện tượng hiếm hoi. Trong lịch sử từng tồn tại nhiều hệ thống phân tầng như vậy, chẳng hạn Ấn Độ, Nam Phi và cho đến nay vẫn còn tồn tại một số vùng ở Ấn Độ, mà biểu hiện rõ nhất là trong hôn nhân.

  • Hệ thống phân tầng xã hội mở: Đặc trưng chủ yếu của phân tầng này là địa vị của con người phụ thuộc vào địa vị của họ trong hệ thống kinh tế. Như vậy, từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, nhân loại đánh dấu một cột mốc mới, đó là sự chuyển dịch từ xã hội đóng sang xã hội mở. Trong hệ thống mở vẫn tồn tại sự phân tầng xã hội, vẫn còn giai cấp và sự bất bình đẳng xã hội, nhưng đã có sự mềm dẻo, uyển chuyển hơn về vách ngăn giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Thậm chí ở một số quốc gia vấn đề này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Xã hội tạo ra các điều kiện để các cá nhân tự khẳng định tài năng của mình. Địa vị của cá nhân phụ thuộc vào nghề nghiệp và thu nhập của họ. Phân tầng xã hội này giải phóng sức lao động xã hội, do vậy tăng tính năng động xã hội, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ.

Hiện tượng một cá nhân vươn lên tầng trên hay tụt lại phía sau là bình thường, có thế trong một thời gian ngắn và không gian hẹp. Cá nhân ngoài vị thế có sẵn do giới tính hoặc chủng tộc... thì còn có những vị thế xuất phát học vấn, tài năng, ý chí... và thậm chỉ sử dụng đến cả thủ đoạn và mánh khóe.

4. Các tháp phân tầng

Hiện nay các nhà xã hội học đã khái quát và đưa ra năm loại phân tầng cơ bản sau:

  • Phân tầng xã hội hình chóp nón: tháp phân tầng loại này phản ánh một thực trạng xã hội với sự bất bình đẳng cao. Phần lớn các xã hội nông nghiệp trước đây và các nước phát triển hiện nay. Trong đó, nhóm người quyền lực, người giàu chỉ một phân nhỏ, nhóm trung lưu chiếm đa số và một phần không nhỏ nhóm người nghèo nằm dưới đáy xã hội. Mỹ là nước thuộc tháp phân tầng này. Đây là loại tháp phân tầng phản ánh sự bất bình đẳng xã hội cao.
  • Tháp phân tầng xã hội hình thoi (hình quả trám): tháp phân tầng xã hội loại này, phần lớn là nhóm người trung lưu, còn nhóm người giàu, quyền lực và nghèo chiếm tỷ lệ nhỏ. So với tháp phân tầng hình chóp thì tháp phân tầng hình thoi có tiến bộ hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt về mặt xã hội, giàu nghèo vẫn còn rất cao. Nhật Bản những thập niên cuối của thế kỷ 20 thuộc tháp phân tầng loại này.
  • Tháp phân tầng xã hội hình quả trứng: đây là tháp phân tầng, mà tầng lớp trung lưu chiếm đa số nằm ở giữa phần quả trứng. Trong xã hội nhóm những người giàu, nhóm những người nghèo và bất bình đẳng xã hội vẫn còn. So với hai tháp phân tầng trên thì tháp phân tầng này tiến bộ hơn nhiều, vì không còn nhóm người quá nghèo hoặc nắm toàn bộ tài sản của xã hội. Na Uy, Thụy Sỹ, Thụy Điển hay Đan Mạch là những nước thuộc tháp phân tầng hình quả trứng.
  • Tháp phân tầng xã hội hình giọt nước: các nước Đông Âu phát triển trước đây thuộc tháp phân tầng xã hội loại này. Phần lớn các thành viên trong xã hội có mức sống trung bình, khá và một bộ phận nhỏ người trong xã hội rơi vào cảnh đói nghèo.
  • Tháp phân tầng xã hội hình đĩa bay: Đây là mô hình xã hội đáng mơ ước, biểu hiện của tháp phân tầng loại này là, tầng lớp trung lưu, khá chiếm đại đa số bộ phận trong xã hội, song vẫn còn sự khác biệt về mức sống nhưng sự khác biệt đó rất nhỏ, không đáng kể.
NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON