YOMEDIA
NONE

Bài 1: Xã hội học đô thị


Bài học có nội dung trình bày về định nghĩa của đô thị, cách phân loại đô thị, những vấn đề về đô thị hóa và một số nét về đô thị hóa tại Việt Nam. Để tìm hiểu sâu hơn về các nội dung trên, mời các bạn cùng tham khảo Bài 1: Xã hội học đô thị dưới đây.

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Đi tìm một định nghĩa về đô thị

Xã hội học đô thị là một trong những chuyên ngành của xã hội học (xã hội học nông thôn, xã hội học tội phạm, xã hội học pháp luật, xã hội học gia đình...), cho đến nay nó vẫn được xem là chuyên ngành ra đời sớm nhất của xã hội học. Đó vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, nó ra đời gắn liền với quá trình công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa.

Do sự phát triển của đô thị và quá trình đô thị hóa nhanh ở các nước tư bản phương Tây, nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề đô thị xuất hiện và trên cơ sở đó xã hội học đô thị đã ra đời với tên gọi xã hội học về đời sống đô thị (sociology urban life) hay xã hội học đô thị (urban Sociology).

Hiện nay, mọi người phần lớn đều nhận biết được khi nào họ đang ở trong đô thị hay không, vì đô thị đã và đang xuất hiện ở khắp các khu vực. Tuy nhiên, để có sự thống nhất giữa các quốc gia, khu vực cùng một cách hiểu như thế nào là một đô thị thì hiện nay vẫn chưa có. Ở Mỹ, tiêu chí nói đến đô thị là số dân, trong khi ở Brazil nói đến chức năng chính trị, Việt Nam nói đến các tiêu chí như dân cư, mật độ cư trú và số lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp...

Tổng hợp các cứ liệu trên, chúng tôi tiếp cận định nghĩa xã hội học về đô thị là một chỉnh thể không gian xã hội, biểu hiện sự tập trung thống nhất của một kiểu tổ chức xã hội đặc biệt với những điều kiện địa lý tự nhiên và môi trường do con người tạo ra, được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

  • Là nơi dân cư tập trung đông trên một lãnh thổ hạn chế
  • Phần lớn dân cư hoạt động trên lĩnh vực phi nông nghiệp
  • Là trung tâm của khu vực về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục...
  • Là nơi mà các thiết chế xã hội luôn tỏ ra chặt chẽ

2. Phân loại đô thị

Như đã trình bày ở trên mỗi quốc gia, khu vực có cách nhìn khác nhau về đô thị, vì vậy cũng có rất nhiều tiêu chí phân loại đô thị khác nhau. Dưới đây chúng tôi đưa ra một vài cách phân loại cơ bản nhất:

  • Phân loại theo cấp quản lý hành chính, trước hết là thủ đô nơi tập trung các cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia, thủ phủ của một bằng hay một nước cộng hòa. Tiếp đến là thành phố trực thuộc trung ương, thành phố khu vực, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã trực thuộc tỉnh, thị trấn.
  • Phân loại theo đặc trưng tiêu biểu, dựa vào một đặc trưng cụ thể nào đó nổi bật nhất (là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một khu vực) để phân thành các loại đô thị, như thành phố công nghiệp, thành phố du lịch, thương mại, nghệ thuật...
  • Phân loại theo số lượng dân cư, tùy thuộc vào số lượng dân số của một đô thị người ta phân ra các loại đô thị sau: Đô thị nhỏ có số lượng dân cư từ 100 ngàn dân đến dưới 500 ngàn dân, đô thị trung bình từ 500 ngàn dân đến dưới 1 triệu, đô thị lớn từ 1 triệu đến dưới 5 triệu, đô thị siêu lớn từ 5 triệu đến dưới 10 triệu và từ 10 triệu trở lên là đô thị cực lớn.

Trên đây là những phân loại chung, riêng Việt Nam có sự phân loại theo tiêu chuẩn Việt Nam. Việt Nam hiện có 6 loại đô thị, đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 90% trở lên, mật độ dân số bình quân từ 15.000 người/km2

  • Đô thị loại 1, với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế có vài trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 85% trở lên, mật độ dân số bình quân từ 12.000 người/km2 trở lên.
  • Đô thị loại 2, với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh hoặc cả nước. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 80% trở lên, mật độ dân số bình quân từ 10.000 người/km2 trở lên.
  • Đô thị loại 3, với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh hoặc vùng liên tỉnh, có vài trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với vùng liên tỉnh. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 75% trở lên, mật độ dân số bình quân từ 8.000 người/km2 trở lên.
  • Đô thị loại 4, với chức năng là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành về chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh, có vài trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng trong tỉnh. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 70% trở lên, mật độ dân số bình quân từ 6.000 người/km2 trở lên.
  • Đô thị loại 5 (640), với chức năng là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành về chính trị, kinh tế, văn hoá và dịch vụ, có vài trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của một huyện hoặc một cụm xã. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 65% trở lên, mật độ dân số bình quân từ 2.000 người/km2 trở lên.

3. Đô thị hóa

3.1 Lịch sử về quá trình đô thị hóa trên thế giới

Lịch sử nhân loại đã và đang trải qua ba cuộc cách mạng đô thị. Cuộc cách mạng đô thị lần thứ nhất diễn ra vào thời kỳ đồ đá mới, thật khó để xác định chính xác về niên đại nhưng theo các nhà sử học thì vào khoảng 8 nghìn năm trước công nguyên. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuất hiện một kiểu cư trú mới khác với kiểu cư trú truyền thống đã tồn tại hàng chục nghìn năm trước, lúc đó là một thị trấn nhỏ, nghèo nàn và có khoảng 6 trăm người, thành phố với tên gọi là Jericho, nằm ở phía bắc Biển Chết thuộc Israel ngày nay.

Cuộc cách mạng đô thị lần hai, khởi đầu ở Châu Âu và sau đó lan sang các nước Bắc Mỹ. Cuộc cách mạng công nghiệp từ giữa thế kỷ XVIII đánh dấu sự xuất hiện các đô thị cực lớn, các trung tâm công nghiệp khổng lồ, các thành phố vệ tinh. Bên cạnh đó, nó còn làm cho các đô thị phong kiến với hình thức cát cứ trở thành một hệ thống liên hoàn phụ thuộc vào nhau, đây trở thành một hiện tượng xã hội đặc biệt nổi bật trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Cuộc cách mạng đô thị lần thứ ba đã và đang diễn ra trên thế giới, được bắt đầu từ khoảng những năm 60 của thế kỷ XX ở các nước chậm phát triển (các nước thuộc thế giới thứ ba) mà tập trung chủ yếu ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà hiện nay dân số đô thị chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng số dân. Các nước này là các nước nông nghiệp lạc hậu, họ muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mong đuổi kịp các nước tiên tiến.

3.2 Những vấn đề về đô thị hóa

3.2.1 Khái niệm đô thị hóa

Khi bàn về khái niệm đô thị hóa, có thể nhận thấy rằng, đây là một khái niệm khá rộng, vì vậy khái niệm này được mô tả theo hai phương diện sau:

  • Thứ nhất, đô thị hóa là quá trình chuyển đổi từ tam nông sang phi tam nông. Nghĩa là quá trình chuyển đổi hình thức cư trú từ nông thôn nghèo nàn sang nơi cư trú mới có đời sống văn minh, đó còn là sự chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
  • Thứ hai, quá trình đô thị hóa là một quá trình chuyển đổi liên tục. Tức là, những nơi vốn đã là đô thị thì quá trình đô thị hóa vẫn tiếp tục diễn ra nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, diện mạo của đô thị.

3.2.2 Các khuynh hướng của quá trình đô thị hóa

Từ giữa thế kỷ XVIII cho tới nay, quá trình đô thị hóa chủ yếu diễn ra theo chiều rộng. Tuy nhiên, do đặc thù của phát triển đô thị ở mỗi quốc gia, mỗi vùng có sự khác nhau, song về cơ bản thì có ba khuynh hướng sau: Khuynh hướng theo chiều rộng, khuynh hướng theo chiều sâu và khuynh hướng tích hợp.

  • Đô thị hóa theo chiều rộng, là quá trình, trong đó làm tăng số lượng đô thị, tăng diện tích và quy mô dân số. Các nước thuộc thế giới thứ ba theo khuynh hướng này là chính, nơi đây đang diễn ra cuộc cách mạng đô thị lần thứ ba và có nhu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển cũng như nhịp độ đô thị hóa.
  • Đô thị hóa theo chiều sâu, với đô thị hóa theo chiều rộng thì nói đến các dấu hiệu định lượng, ngược lại ở đây các dấu hiệu định tính được tập trung. Mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, đa dạng và phong phú các kiểu mẫu văn hóa. Các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người dân. Quá trình này diễn ra ở các nước phát triển.
  • Khuynh hướng thứ ba - tích hợp, đó là sự kết hợp của cả hai khuynh hướng trên trong cùng một đô thị, nghĩa là kết hợp các dấu hiệu định lượng và định tính vào cùng một thời gian và không gian. Một số nước đang phát triển đi theo khuynh hướng này, trong đó có Việt Nam.

3.2.3 Lối sống đô thị

Đô thị là nơi hội tụ của nhiều nhóm người, nhiều nguồn gốc xuất cư khác nhau, do vậy đô thị có lối sống phức hợp, đa chủng. Vì vậy, có thể nói lối sống đô thị là lối sống không thuần nhất. Chúng ta dễ dàng nhận thấy trên địa bàn đô thị luôn có sự đa dạng về lối sống của những nhóm người sau:

  • Nhóm những người là dân bản địa (dân gốc).
  • Nhóm những người là dân nhập cư mới từ các vùng miền khác nhau.
  • Nhóm những người có nguồn gốc là quốc gia khác.
  • Nhóm những người khác nhau về tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp...

Cho nên trên địa bàn đô thị khó tìm ra một lối sống thuần nhất như ở nông thôn. Tuy nhiên, các nhà khoa học quan sát và nhận thấy rằng, mặc dù các nhóm dân cư này có nhiều điểm khác nhau nhưng do họ cùng sống trong một môi trường như nhau, nên họ có một số khuôn mẫu hành vi xã hội giống nhau và các nhà xã hội học gọi đó là tính quốc tế hóa của lối sống đô thị.

3.2.4 Những hệ quả từ quá trình đô thị hóa

Đô thị hóa là tiến trình tất yếu khi một quốc gia hay khu vực muốn đẩy nhanh sự phát triển và để có thể hòa nhập vào nền kinh tế chung của thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực chúng ta không thể phủ nhận thì quá trình này cũng đã mang đến những vấn đề tiêu cực.

  • Những mặt tích cực:
    • Nguồn lao động dồi dào và đa dạng. Quá trình đô thị hóa kéo theo sau đó là các luồng di dân, đây là nguồn cung cấp lao động đa dạng cho môi trường đô thị. Với trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề - kỹ năng khác biệt nhau. Vì vậy, dưới góc độ khai thác thì đây là “mỏ”.
    • Góp phần hình thành nên phương cách sống năng động, tích cực. Quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến quá trình chọn lọc, ngoài những chọn lọc về sức khỏe, tuổi tác, giới tính, nguồn gốc nhập cư... thì còn có sự chọn lọc về trình độ, kỹ năng... cho nên buộc các cá nhân luôn nỗ lực học tập, tiếp thu, sáng tạo... Tất cả góp phần tạo nên sự cạnh tranh trong cuộc sống, qua đó hình thành nên phương cách sống năng động và tích cực.
    •  Góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa đô thị. Như đã nói ở trên, quá trình đô thị hóa hình thành nên nhiều nhóm dân cư, mỗi nhóm lại có sự khác biệt về sắc thái văn hóa. Sự phức hợp, đa chủng này sẽ tạo nên một nền văn hóa đa dạng về vật chất và tinh thần.
    • Góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng. Quy hoạch đô thị, đường sá, trường học, bệnh viện, công trình phục vụ dân sinh... bắt buộc phải được thực hiện.
  • Những mặt tiêu cực:
    • Trong một thời gian dài nữa, cũng có thể là mãi mãi, thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn nhất: tắc nghẽn giao thông và ngập nước. Đó chính là hai tử huyệt, hai điểm nhạy cảm nhất của thành phố này trong tương lai. Đây là vấn đề không riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là vấn đề của nhiều đô thị đang trong tiến trình đô thị hóa và cũng không chỉ là hai vấn đề trên.
    • Ô nhiễm môi trường đô thị. Quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến công nghiệp hóa. Các trung tâm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, do vậy ô nhiễm rác thải, nước thải ngày càng trở nên trầm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh. Bên cạnh đó là ô nhiễm nguồn nước, ánh sáng, tiếng ồn, bụi bẩn với nồng độ cao. Đây là hồi chuông cảnh báo cho các nước đang trong tiến trình đô thị hóa.
    • Tắc nghẽn huyết mạch giao thông. Dân số tăng nhanh, đồng thời phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng cao, trong khi đó cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ. Bên cạch đó, cũng cần phải nói tới ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân đô thị còn quá thấp và hành lang pháp lý còn nhiều vấn đề bất cập.
    • Bệnh đầu to. Đó là sự tập trung mất cân đối giữa các vùng trong quá trình phát triển, tất cả mọi nguồn lực chỉ tập trung cho một vùng, trong khi đó các đô thị khác rơi vào kiệt quệ. Đơn cử như Mexico City, Jakarta, Sao Paulo Brasil... phát triển rất mạnh nhưng những vùng xung quanh đó thì nghèo nàn và lạc hậu.
    • Bên cạnh đó còn là vấn đề nhà ở, việc làm, sự gia tăng vô tổ chức các tế bào xã hội. Các khu dân cư tồi tàn cũng sẽ mọc lên, các tệ nạn xã hội và phân hóa giàu nghèo.

4. Một vài nét về đô thị hóa ở Việt Nam

Đô thị Việt Nam từ khi hình thành và phát triển cho đến nay về cơ bản đã trải qua năm giai đoạn.

  • Giai đoạn đầu từ 1858 trở về trước (thời kỳ phong kiến).

Thời kỳ này đã xuất hiện một số đô thị, song do nền kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp, tiểu nông đã không tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa ra đời, thêm vào đó là do chính quyền phong kiến có chính sách là “trọng nông, ức thương”, vì vậy làm chậm sự ra đời và phát triển của đô thị.

  • Giai đoạn Pháp thuộc (1858-1954). Nhằm phục vụ cho mục đích cai trị và thuộc địa, thực dân Pháp buộc lòng phải xây dựng cơ sở hạ tầng và các đô thị. Mặc dù què quặt nhưng có thể xem đây là cơ sở cho sự khởi đầu quá trình đô thị hóa tại Việt Nam.
  • Giai đoạn 1955- 1975. Đây là giai đoạn đặc biệt, khi đất nước bị chia làm hai miền Nam - Bắc. Miền Nam đế quốc Mỹ xây dựng một hệ thống đô thị hiện đại bậc nhất trong khu vực lúc bấy giờ. Một vấn đề được đặt ra đối với các đô thị miền Nam thời kỳ này là sự quá tải về dân số.

Miền Bắc thì được chia làm hai giai đoạn, thứ nhất từ 1955 đến 1964, đây là thời kỳ hòa bình và được sự giúp đỡ của một số nước, chúng ta đã xây dựng một hệ thống đô thị khá tốt. Tuy nhiên, sau đó Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đô thị bị tổn thất rất nặng nề.

Sau hòa bình đến nay cũng được chia làm hai giai đoạn, từ 1975 đến 1986 đô thị bị xuống cấp, tiến trình đô thị hóa gần như đứng yên. Do suy thoái kinh tế, bao vây - cấm vận, đất nước đã rơi vào tình trạng trì trệ nghiêm trọng. Từ 1986 đến nay đã có nhiều biến đổi trong đời sống xã hội, kinh tế tăng trưởng. Do vậy quá trình đô thị hóa đã được đẩy với tốc độ nhanh.

NONE

Bài học cùng chương

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON