YOMEDIA
NONE

Bài 1: Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh


Cùng tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, tiền đề tư tưởng - lý luận và các nhân tố chủ quan hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua bài giảng Bài 1: Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh dưới đây các bạn nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Cơ sở khách quan

1.1 Bối cảnh lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

  • Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
    • Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước và thế giới có nhiều biến động.
    • Trong nước, chính quyền triều Nguyễn đã từng bước khuất phục trước cuộc xâm lược của tư bản Pháp, lần lượt ký kết các hiệp ước đầu hàng, thừa nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam.
    • Cho đến cuối thế kỷ XIX, các cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới khẩu hiệu "Cần vương" do các sĩ phu, văn thân lãnh đạo cuối cùng đã thất bại. Hệ tư tưởng phong kiến tỏ ra lỗi thời trước các nhiệm vụ lịch sử.
    • Các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp khiến cho xã hội nước ta có sự biến chuyển và phân hóa, giai cấp công nhân, tầng lớp tiểu tư sản và tư sản bắt đầu xuất hiện, tạo ra những tiền đề bên trong cho phong trào yêu nước giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
    • Cùng vào thời điểm lịch sử đó, các "tân thư", "tân văn", "tân báo" và những ảnh hưởng của trào lưu cải cách ở Nhật Bản, Trung Quốc tràn vào Việt Nam, phong trào yêu nước của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản.
    • Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, các sĩ phu Nho học có tư tưởng tiến bộ, thức thời, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã cố gắng tổ chức và vận động cuộc đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp theo mục tiêu và phương pháp mới. Song, chủ trương cầu ngoại viện, dùng bạo lực để khôi phục độc lập của Phan Bội Châu đã thất bại. Chủ trương "ỷ Pháp cầu tiến bộ", khai thông dân trí, nâng cao dân trí trên cơ sở đó mà lần lần tính chuyện giải phóng... của Phan Châu Trinh cũng không thành công. Còn con đường khởi nghĩa của người anh hùng Hoàng Hoa Thám thì vẫn mang nặng "cốt cách phong kiến", chưa phải là lối thoát rõ ràng, hướng đi đúng đắn. Phong trào cứu nước của nhân dân ta muốn giành được thắng lợi phải đi theo một con đường mới.
  • Bối cảnh thời đại
    • Trong khi con thuyền Việt Nam còn lênh đênh chưa rõ bờ bến phải đi tới, việc cứu nước như trong đêm tối "không có đường ra" thì lịch sử thế giới trong giai đoạn này cũng đang có những biến chuyển to lớn.
    • Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn cạnh tranh tự do chuyển sang giai đoạn độc quyền đã xác lập quyền thống trị của chúng trên phạm vi toàn thế giới. Chủ nghĩa đế quốc đã trở thành kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa.
    • Có một thực tế lịch sử là trong quá trình xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân tại các nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, sự bóc lột phong kiến trước kia vẫn được duy trì và bao trùm lên nó là sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh các giai cấp cơ bản trước kia, đã xuất hiện thêm các giai cấp, tầng lớp xã hội mới, trong đó có giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.
    • Từ cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân các nước tư bản chủ nghĩa vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã dẫn đến một cao trào mới của cách mạng thế giới với đỉnh cao là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Chính cuộc cách mạng vĩ đại này đã làm "thức tỉnh các dân tộc châu Á".
    • Cách mạng Tháng Mười Nga đã lật đổ nhà nước tư sản, thiết lập Chính quyền Xôviết, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử loài người.
    • Cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga thành công đã nêu một tấm gương sáng về sự giải phóng các dân tộc bị áp bức, "mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc".
    • Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, nhiều dân tộc vốn là thuộc địa của đế quốc Nga đã được tự do, được hưởng quyền dân tộc tự quyết, hình thành nên các quốc gia độc lập và dẫn đến sự ra đời của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (1922).
    • Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, với sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (tháng 3-1919), phong trào công nhân trong các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phương Đông càng có quan hệ mật thiết với nhau hơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

1.2 Những tiền đề tư tưởng - lý luận

  • Giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
    • Lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời đã hình thành nên những giá trị truyền thống hết sức đặc sắc và cao quý của dân tộc Việt Nam, trở thành tiền đề tư tưởng, lý luận xuất phát hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, là tinh thần tương thân tương ái, lòng nhân nghĩa, ý thức cố kết cộng đồng, là ý chí vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, là trí thông minh, tài sáng tạo, quý trọng hiền tài, khiêm tốn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa dân tộc...
    • Trong những giá trị đó, chủ nghĩa yêu nước truyền thống là tư tưởng, tình cảm cao quý, thiêng liêng nhất, là cội nguồn của trí tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm của người Việt Nam, cũng là chuẩn mực đạo đức cơ bản của dân tộc.
    • Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước đã thúc giục Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, tìm kiếm những gì hữu ích cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
    • Chủ nghĩa yêu nước sẽ biến thành lực lượng vật chất thực sự khi nó ăn sâu vào tiềm thức, vào ý chí và hành động của mỗi con người. Chính từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh đã đúc kết chân lý: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
  • Tinh hoa văn hóa nhân loại
    • Kết hợp các giá trị truyền thống của văn hóa phương Đông với các thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây - đó chính là nét đặc sắc trong quá trình hình thành tư tưởng, nhân cách và văn hóa Hồ Chí Minh.
    • Đối với văn hóa phương Đông, cùng với những hiểu biết uyên bác về Hán học, Hồ Chí Minh biết chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất trong các học thuyết triết học, hoặc trong tư tưởng của Lão Tử, Mặc Tử, Quản Tử... Người tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo. Đó là các triết lý hành động, tư tưởng nhập thổ, hành đạo, giúp đời, đó là ước vọng về một xã hội bình trị, hòa mục, hòa đồng,triết lý nhân sinh, tu thân dưỡng tính, đề cao văn hóa lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học. Người dẫn lời của V.I.Lênin: "Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu thái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại".
    • Về Phật giáo, Hồ Chí Minh tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu sắc các tư tưởng vị tha, từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người như thể thương thân; là nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm việc thiện; là tinh thần bình đẳng, dân chủ, chống phân biệt đẳng cấp; là việc đề cao lao động, chống lười biếng "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực"; là chủ trương sống không xa lánh việc đời mà gắn bó với dân, với nước, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân chống kẻ thù dân tộc... Đến khi đã trở thành người mácxít, Hồ Chí Minh lại tiếp tục tìm hiểu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn vì thấy trong đó "những điều thích hợp với điều kiện của nước ta".
    • Cùng với những tư tưởng triết học phương Đông, Hồ Chí Minh còn tiếp thu nền văn hóa dân chủ và cách mạng phương Tây. Người sớm làm quen với văn hóa Pháp, tìm hiểu các cuộc cách mạng ở Pháp và ở Mỹ. Người trực tiếp đọc và tiếp thu các tư tưởng về tự do, bình đẳng, bác ái qua các tác phẩm của các nhà Khai sáng như Vonte (Voltaire), Rútxô (Rousso), Môngtexkiơ (Montésquieu). Người tiếp thu các giá trị của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Đại cách mạng Pháp, các giá trị về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của Tuyên ngôn độc lập ở Mỹ năm 1776.
    • Nói tóm lại, trên hành trình cứu nước, Hồ Chí Minh đã tự biết làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, Đông và Tây, vừa tiếp thu, vừa gạn lọc để từ tầm cao tri thức nhân loại mà suy nghĩ, lựa chọn, kế thừa và đổi mới, vận dụng và phát triển.
  • Chủ nghĩa Mác - Lênin
    • Chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh.
    • Việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin ở Hồ Chí Minh diễn ra trên nền tảng của những tri thức văn hóa tinh túy được chắt lọc, hấp thụ và một vốn chính trị, vốn hiểu biết phong phú, được tích lũy qua thực tiễn hoạt động đấu tranh vì mục tiêu cứu nước và giải phóng dân tộc.
    • Bản lĩnh trí tuệ đã nâng cao khả năng tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo ở Người khi vận dụng những nguyên lý cách mạng của thời đại vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
    • Quá trình đó cũng diễn ra một cách tự nhiên, chân thành và giản dị. Điều này đã được Hồ Chí Minh cắt nghĩa trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin: "Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên... Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình... Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các "ông bà" ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thê) - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu".
    • Quá trình tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin ở Hồ Chí Minh thực chất "là chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt".
    • Thực tiễn trong gần 10 năm đi tìm đường cứu nước, nhất là sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin (1920), Nguyễn Ái Quốc đã "cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng... vui mừng đến phát khóc..." vì đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Như vậy, chính Luận cương của V.I. Lênin đã nâng cao nhận thức của Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc. Nó phù hợp và đáp ứng những tình cảm, suy nghĩ, hoài bão được ấp ủ từ lâu, nay đang trở thành hiện thực. Người viết: "Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba".
    • Từ những nhận thức ban đầu về chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh đã tiến dần tới những nhận thức "lý tính", trở lại nghiên cứu chủ nghĩa Mác sâu sắc hơn, để rồi tiếp thu học thuyết của các ông một cách có chọn lọc, không rập khuôn máy móc, không sao chép giáo điều. Người tiếp thu lý luận Mác - Lênin theo phương pháp mácxít, nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất. Người vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam, chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở.
    • Thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh tổng kết kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để tìm ra con đường cứu nước: "trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới"; "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"; "Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được thắng lợi to lớn".

2. Nhân tố chủ quan

  • Khả năng tư duy và trí tuệ Hồ Chí Minh
    • Những năm tháng hoạt động trong nước và bôn ba khắp thế giới để học tập, nghiên cứu, Hồ Chí Minh đã không ngừng quan sát, nhận xét thực tiễn, làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình, đồng thời hình thành những cơ sở quan trọng để tạo dựng nên những thành công trong lĩnh vực hoạt động lý luận của Người về sau.
    • Các nhà yêu nước tiền bối và cùng thời với Hồ Chí Minh tuy cũng đã có những quan sát, nhưng họ chưa nhận thấy, hoặc nhận thức chưa đúng về sự thay đổi của dân tộc và thời đại. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh khám phá các quy luật vận động xã hội, đời sống văn hóa và cuộc đấu tranh của các dân tộc trong hoàn cảnh cụ thể để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn và được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Nhờ vào con đường nhận thức chân lý như vậy mà lý luận của Hồ Chí Minh mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.
  • Phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn
    • Mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, sự tác động mạnh mẽ của thời đại và sự nhận thức đúng đắn về thời đại đã tạo điều kiện để Hồ Chí Minh hoạt động có hiệu quả cho dân tộc và nhân loại.
    • Có dược điều đó là nhờ vào nhân cách, phẩm chất và tài năng trí tuệ siêu việt của Hồ Chí Minh.
    • Phẩm chất, tài năng đó dược biểu hiện trước hết ở tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, cộng với đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt trong việc nhận xét, đánh giá các sự vật, sự việc chung quanh.
    • Phẩm chất, tài năng đó cũng được biểu hiện ở bản lĩnh kiên định, luôn tin vào nhân dân; khiêm tốn, bình dị, ham học hỏi; nhạy bén với cái mới, có phương pháp biện chứng, có đầu óc thực tiễn. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã khám phá ra lý luận cách mạng thuộc địa trong thời đại mới, trên cơ sở đó xây dựng một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc và sáng tạo về cách mạng Việt Nam, kiên trì chân lý và định ra các quyết sách đúng đắn, sáng tạo để đưa cách mạng đến thắng lợi.
    • Phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở sự khổ công học tập để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức nhân loại, là tâm hồn của một nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái tim yêu nước thương dân, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của đồng bào.
    • Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tổng hòa của những điều kiện khách quan và chủ quan, của truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.
    • Từ thực tiễn dân tộc và thời đại được Hồ Chí Minh tổng kết, chuyển hóa sắc sảo, tinh tế với một phương pháp khoa học, biện chứng, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng Việt Nam hiện đại.
NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON