Câu hỏi Tự luận (5 câu):
-
Câu 1: Mã câu hỏi: 96048
Hãy trình bày bản chất giai cấp của Đảng cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xem đáp ánThực chất đây là quan điểm của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng. Để cập đến bản chất giai cấp của Đảng, Hồ Chí Minh có hai cách thể hiện:
Cách thứ nhất, thể hiện trong sách lược vắn tắt, chương trình vắn tắt, điều lệ tóm tắt. Trong sách lược vắn tắt, Hồ Chí Minh viết: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp.”22 Trong chương trình vắn tắt: “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản.”23. Trong điều lệ tóm tắt: “Tôn chỉ: Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp đấu tranh để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa làm cho thực hiện xã hội cộng sản"24. Cách diễn đạt này của Hồ Chí Minh trùng với quan điểm của Lê nin: Đảng cộng sản Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân.
Cách thể hiện thứ hai, trong báo cáo chính trị Đại hội II của Đảng (2/1951).
Khi cả nước đang tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. “Trong giai đoạn này quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc là một. Chính vì Đảng lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". Hồ Chí Minh khẳng định như vậy về bản chất giai cấp của Đảng, nó không phải là Đảng của toàn dân mà vẫn mang bản chất giai cấp công nhân vì: đây vẫn là giai cấp duy nhất gánh vác đựơc sứ mệnh lịch sử đại diện cho hiện tại và tương lai của đất nước.
Vấn đề quan trọng chi phối nhất là nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng đó là cơ sở để xác định bản chất giai cấp công nhân.
Về thành phần, Đảng lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng.
Về lý luận, Đảng lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác Lênin.
Về tổ chức, Đảng lao động Việt Nam theo chế độ tập trung dân chủ.
Về kỷ luật, Đảng lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt đồng thời là kỷ luật tự giác.
Về luật phát triển, Đảng lao động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục Đảng viên, giáo dục quần chúng.
Năm 1953, Hồ Chí Minh viết: “Đảng lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc”25. Năm 1957 Hồ Chí Minh lại chỉ rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc.
Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1961 Người lại khẳng định: “Đảng ta là Đảng của giai cấp đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, không thiên vị.
Năm 1965 Hồ Chí Minh một lần nữa chỉ rõ: Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Mặc dù có nhiều cách thể hiện khác nhau nhưng quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng là mang bản chất giai cấp công nhân. Điều này cũng giống như tên gọi của Đảng không phải lúc nào cũng mang tên Đảng cộng sản nhưng bản chất của Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân. Luận điểm của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng định hướng cho việc xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam thành một Đảng gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ cách mạng Việt Nam. Tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam đều là Đảng viên hay không đều cảm thấy Đảng cộng sản là Đảng của mình, của Bác Hồ.
-
Câu 2: Mã câu hỏi: 96049
Phân tích: Đảng Cộng Sản Việt Nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Xem đáp ánNguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới đã được Lê Nin xây dựng để phân biệt với các Đảng cơ hội trong quốc tế II. Hồ Chí Minh khẳng định và phát triển các nguyên tắc đó như sau:
Một là, Nguyên tắc tập trung dân chủ Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên tắc này theo quan điểm của Lê Nin, Người khẳng định đây là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, bao trùm quá trình tồn tại và phát triển của Đảng. Tập trung và dân chủ là hai mặt của nguyên tắc, có quan hệ khăng khít: Tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”
Rõ ràng để đạt được dân chủ phải từ hai phía: người chủ trì và người tham gia bàn bạc.
Tập trung: Đảng phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động. “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”29.
Hai là, Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh đã phân tích nguyên tắc này trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc”.
Tập thể lãnh đạo vì:
Một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thấy hết mọi mặt của một vấn đề, không thấy hết mọi việc, không hiểu biết mọi chuyện.
Vì vậy cần nhiều người tham gia lãnh đạo vì: nhiều người thì nhiều kiến thức, người hiểu mặt này, người hiểu mặt kia, người hiểu việc này, người hiểu việc khác. Ý nghĩa của việc lãnh đạo tập thể rất đơn giản “Dại bầy hơn khôn độc”.
Cá nhân phụ trách vì: việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần: giao cho một người phụ trách, nếu giao cho một nhóm thì cũng cần có người phụ trách. Như thế công việc mới chạy, mới tránh dựa dẫm. ý nghĩa cũng đơn giản: nếu không giao cho cá nhân phụ trách thì giống: nhiều sãi không ai đóng cửa chùa.
Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận: Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng hỏng việc. Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung.
Đây là nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng phải chú ý khắc phục tệ độc đoán, chuyên quyền, đồng thời phải chống dựa dẫm tập thể, không quyết đoán, sợ trách nhiệm.
Ba là, Nguyên tắc tự phê bình và phê bình
Đây là nguyên tắc do Lê Nin nêu ra, đó là nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Hồ Chí Minh gọi là luật phát triển của Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu bị mất dần đi để hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.
Sở dĩ phải thực hiện nguyên tắc này vì Đảng từ trong dân lập nên, Đảng bao gồm những người ưu tú nhất, kiên quyết nhất, tiên tiến nhất nhưng trong Đảng cũng không tránh khỏi khuyết điểm, không phải mọi cá nhân đều hoàn thiện mà đều có cái thiện cái ác. Mặc khác những căn bệnh ngoài xã hội cũng ngấm vào Đảng. Do vậy phải thường xuyên tự phê bình và phê bình.
Người đã chỉ rõ: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”30. Mục đích của phê bình và tự phê bình là làm cho Đảng mạnh về chính trị - tư tưởng – tổ chức.
Đề cập tới thái độ, phương pháp phê bình – tự phê bình Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phải được tiến hành thường xuyên như người ta rửa mặt hàng ngày, phải kiên quyết, thẳng thắn, không nể nang, phải trung thực, thành khẩn, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Người cũng phê phán hiện tượng bao che, lảng tránh khuyết điểm hoặc dĩ hòa vi quý hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, vùi dập người khác.
Bốn là, Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác.
Sức mạnh vô địch của Đảng là tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức nghiêm minh của cán bộ, đảng viên.
Nghiêm minh là thuộc về tổ chức Đảng vì: đó là kỷ luật đối với mọi cán bộ, đảng viên, không phân biệt cán bộ lãnh đạo cao hay thấp, hay là cán bộ, đảng viên thường…tất cả đều phải bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, Pháp luận nhà nước.
Tự giác là thuộc về mỗi cán bộ, đảng viên: tuân thủ kỷ luật Đảng cũng phải tự giác, tự giác về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
Yêu cầu cao nhất của kỷ luật Đảng là chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt của Đảng. Mỗi đảng viên phải trở thành kiểu mẫu về chấp hành kỷ luật Đảng, kỷ luật của đoàn thể và cơ quan chính quyền nhà nước, có như vậy uy tín của Đảng mới cao, sức mạnh của Đảng mới được tăng cường.
Năm là, Nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng không những tăng cường sức mạnh của Đảng mà còn là cơ sở đoàn kết thống nhất trong toàn dân. Đoàn kết trong Đảng dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lê Nin, cương lĩnh đường lối, quan điểm và điều lệ Đảng, nghị quyết của tổ chức Đảng các cấp. Đoàn kết thống nhất trong Đảng còn trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng Đảng: Mở rộng dân chủ, tập trung, tự phê bình.
Đảng viên phải tu dưỡng đạo đức thường xuyên, chống chủ nghĩa cá nhân. Nhiệm vụ cách mạng càng phát triển thì sự đoàn kết thống nhất ngày càng quan trọng, càng phải được tăng cường.
-
Câu 3: Mã câu hỏi: 96050
Phân tích những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xem đáp ánHồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Yêu cầu tổng quát của người về đội ngũ này là vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc, đội ngũ đó phải được tổ chức, sử dụng hợp lý, có hiệu quả.
Hồ Chí Minh nêu lên những yêu cầu cụ thể:
Một là, tuyệt đối trung thành với cách mạng.
Đây là yêu cầu đầu tiên và cao nhất đối với đội ngũ này. Nó đòi hỏi cán bộ công chức phải có tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, vì lợi ích chung mà hy sinh lợi riêng của mình. Đội ngũ này phải là những người trung thành nhất bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, phải thể hiện bằng công việc cụ thể hàng ngày trên các lĩnh vực công tác. Nếu thiếu phẩm chất này thì năng lực có tốt đến mấy cũng không dùng được.
Hai là, Hăng hái thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ:
Cán bộ, công chức nhà nước phải có chuyên môn, nghiệp vụ đó là yêu cầu tối thiểu. Cụ thể: cán bộ quản lý nhà nước phải biết quản lý nhà nước, do vậy phải được đào tạo, và tự đào tạo nâng cao trình độ. Công chức nhà nước phải được sàng lọc, thi tuyển (sắc lệnh 76 về quy chế công chức, sắc lệnh 197 thành lập khoa pháp lý thuộc Đại học Việt Nam).
Đội ngũ này phải được sử dụng công bằng dân chủ, phải tẩy sách óc bè phái: Hồ Chí Minh mạnh dạn sử dụng đội ngũ công chức được đào tạo dưới chế độ cũ, đăng báo “tìm người tài đức” ra quản lý điều hành đất nước.
Ba là, Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân.
Đây là mối quan hệ được Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng. Theo Người đội ngũ này là những người ăn lương từ nguồn ngân sách của nhà nước do dân đóng góp, do vậy họ:
Không được lãng phí của công, phải sẵn sàng phục vụ nhân dân, nêu cao đạo đức cách mạng. Phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Đội ngũ này phải đi đầu trong khó khăn, đi sau trong hưởng thụ, phải thân dân, gần dân, trong dân.
Bốn là: Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn.
Đó là yêu cầu với những người là “công bộc”, “đầy tớ” cho dân. Để đáp ứng được yêu cầu đó, họ phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có chí tiến thủ, thắng không kiêu, bại không nản. Đội ngũ này phải học tập thường xuyên để nâng cao trình độ mọi mặt, thường xuyên tự phê bình và phê bình.
-
Câu 4: Mã câu hỏi: 96051
Trình bày: Bản chất giai cấp công nhân của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Xem đáp ánTrong tư tưởng Hồ Chí Minh nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân không phải là một nhà nước siêu giai cấp, hay phi giai cấp vấn đề ở chỗ nó mang bản chất giai cấp nào? Lợi ích giai cấp đó có phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động và cả dân tộc hay không? Nhà nước ta là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân vì:
Một là, Nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, thể hiện.
Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân.
Theo Hồ Chí Minh, tính chất của nhà nước là vấn đề cơ bản của hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Hiến pháp 1959 khẳng định: nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Như vậy, bản chất của nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân phục vụ lợi ích giai cấp công nhân và nhân dân lao động phương thức, hoạt động theo đường lối của giai cấp công nhân.
Mặt khác, Đảng cộng sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ khi chưa có chính quyền, đến lúc giành được chính quyền xây dựng đất nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị tất yếu phải lãnh đạo nhà nước. Đảng lãnh đạo nhà nước bằng phương thức thích hợp.
Trong mọi giai đoạn cách mạng, từ khi có nhà nước Đảng luôn lãnh đạo nhà nước bằng phương thức mà Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:
Đảng lãnh đạo nhà nước bằng chủ trương, quan điểm, đường lối để nhà nước cụ thể hóa bằng pháp luật.
Đảng lãnh đạo nhà nước bằng hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên của mình trong bộ máy, cơ quan nhà nước.
Đảng lãnh đạo nhà nước bằng công tác kiểm tra.
Hai là, Bản chất nhà nước thể hiện ở tính định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước.
Thể hiện trong tuyên ngôn độc lập 2/9/1945: Trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội Đảng đặt mục tiêu phát triển kinh tế quốc dân theo xã hội chủ nghĩa, biến nền kinh tế lạc hậu thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Ba là, Bản chất của nhà nước thể hiện ở nguyên tắc, tổ chức và hoạt động cơ bản theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh tính dân chủ của bộ máy. Người chỉ rõ nhà nước ta phải phát huy dân chủ đến cao độ để động viên tất cả các lực lượng nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời cũng phải tập trung cao độ để thống nhất quyền lực đảm bảo tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên nếu dân chủ mà không đi liền với chuyên chính thì khó duy trì được dân chủ, tập trung được sức mạnh nhưng vấn đề chuyên chính với ai, chuyên chính với những hành động phá hoại chế độ dân chủ.
-
Câu 5: Mã câu hỏi: 96052
Trình Bày : Bản chất giai cấp công nhân thống nhất với tính nhân dân, tính dân tộc.
Xem đáp ánSự hài hòa, thống nhất giữa bản chất giai cấp với tính nhân dân, tính dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở các quan điểm sau:
Một là, Nhà nước dân chủ mới của ta là kết quả đấu tranh gian khổ, lâu dài với sự hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Kế tục truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập của dân tộc, các phong trào đấu tranh bảo vệ độc lập của dân tộc, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ. Các phong trào cứu nước dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo tiền bối tô thắm truyền thống dân tộc nhưng không giành được độc lập dân tộc vì không có đường lối cứu nước đúng đắn. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, đã lãnh đạo phong trào đi đúng hướng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa đến sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là kết quả của sự hy sinh, đấu tranh gian khổ của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Hai là, Nhà nước ta bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích dân tộc làm nền tảng.
Trong nhà nước đó lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc thống nhất làm một. Nhà nước không chỉ thể hiện ý chí của giai cấp công nhân mà thể hiện ý chí của nhân dân và của toàn dân tộc, chính phủ luôn là chính phủ đại đoàn kết.
Ba là, Nhà nước mới vừa ra đời đã đảm nhận nhiệm vụ lịch sử giao phó: tổ chức cuộc kháng chiến của toàn dân tộc bảo vệ thành quả cách mạng, tiến tới thống nhất nước nhà, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh góp phần tích cực vào sự phát triển tiến bộ của thế giới.