YOMEDIA
NONE

Bài 3: Văn minh Arập


Nền văn minh Arập rất rực rỡ và toàn diện, cũng như đã đóng góp vào kho tàng của nhân loại nhiều sáng tạo có giá trị. Cùng tham khảo bài giảng Bài 3: Văn minh Arập để tìm hiểu chi tiết về lịch sử và thành tựu nổi bật của nền văn mình này nhé!

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

1. Sơ lược về lịch sử Arập

1.1 Tình hình bán đảo Arập trước khi lập nước

Arập là bán đảo lớn nhất thế giới ở Tây Á, diện tích lớn hơn 1/4 châu Âu. Tuy vậy trên cả bán đảo chỉ có vùng Yêmen ở phía Tây Nam có nguồn nước phong phú, đất đai có thể trồng trọt được. Hơn nữa, nhờ nằm trên con đường buôn bán giữa Tây Á và Bắc Phi, nên Yêmen có điều kiện phát triển về thương nghiệp. Vì vậy, từ thế kỉ X đến thế kỉ VI TCN, ở đây đã thành lập nhiều nhà nước cổ đại.

Ngoài Yêmen, vùng Hegiadơ (Hejaz) nằm dọc ven bờ biển Đỏ ở phía Tây bán đảo cũng tương đối phát triển. Vùng này từ xưa vốn là cái cầu nối liền việc buôn bán giữa vùng Địa Trung Hải với phương Đông. Vì vậy, ở đây từ sớm đã xuất hiện một số thành phố, trong đó quan trọng nhất là Mécca và Yatơrip.

Đến đầu thế kỉ VII, cư dân các thành phố này, vẫn đang sống thành từng thị tộc hoặc bộ lạc. Tuy nhiên, trong các bộ lạc đó, sự phân hóa giai cấp đã hết sức rõ rệt. Tầng lớp quý tộc thị tộc đã trở thành những kẻ có nhiều đặc quyền và của cải.

Ở trung tâm Mecca có một ngôi đền gọi là Caaba (nghĩa là "khối lập phương"), trong đó thờ nhiều tượng thần của các bộ lạc và đặc biệt có một phiến đá đen dài khoảng 20 cm được coi là biểu tượng sùng bái chung của các bộ lạc.

Ngoài Yêmen và vùng Hegiadơ, phần lớn đất đai còn lại là sa mạc và bãi cỏ, khí hậu khô, nguồn nước hiếm. Vì vậy cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi mà súc vật được nuôi nhiều nhất là dê và lạc đà. Tuy lạc hậu hơn hai vùng nói trên nhưng đến đầu thế kỉ VII, ở đây cũng đã diễn ra sự phân hóa giàu nghèo.

1.2 Sự thành lập và diệt vong của nhà nước Arập

Nhà nước Arập mãi đến thế kỉ VII mới thành lập. Quá trình thành lập nhà nước Arập gắn liền với quá trình ra đời đạo Hồi do Môhamet (còn đọc là Muhamat) truyền bá.

Môhamet xuất thân từ một bộ lạc có thể lực ở Mecca. Năm 610, ông bắt đầu truyền bá đạo Hồi. Năm 622, bị tầng lớp quý tộc Mecca phản đối và hãm hại, Môhamet cùng tín đồ của mình phải chạy lên thành phố Yatơríp ở phía Bắc (cách Mecca 400 km). Năm xảy ra sự kiện này (622) được coi là năm thứ nhất của kỉ nguyên Hồi giáo.

Môhamet tự xưng là tiên tri, nên từ đó thành phố Yatơríp đổi tên thành Mêdina nghĩa là "thành phố của Tiên tri". Tại đây, Môhamet dần dần thành lập được một lực lượng chính trị kết hợp với tôn giáo do ông cầm đầu. Để duy trì lực lượng, Môhamet thường xuyên tập kích các đội buôn của Mecca, do đó chiến tranh giữa Mêdina và Mecca đã diễn ra nhiều lần. Năm 628, Môhamet kí hòa ước ngừng chiến 10 năm với Mecca. Năm 629, Môhamet dẫn 2.000 tín đồ ở Mêdina đến Mecca và đến thăm dền Caaba. Nhiều người ở Mecca và vùng xung quanh cũng theo Hồi giáo.

Năm 630, nhận thấy mình đã đủ thế lực để chiếm Mecca, Môhamet đem 10.000 người tiến xuống thành phố này. Mecca không dám chống cự. Môhamet trở thành người đứng đầu nhà nước Arập mới thành lập. Các tượng thần bộ lạc trong đền Caaba bị vứt bỏ. Đền Caaba trở thành thánh thất chính của Hồi giáo và Mecca trở thành thánh địa chủ yếu của tôn giáo này.

Năm 632, Môhamet chết. Từ đó, người đứng đầu nhà nước và tôn giáo ở Arập gọi là Calipha (nghĩa là người kế thừa của nhà tiên tri).

Để mở rộng đất đai và truyền bá dạo Hồi, Arập tích cực thi hành chính sách xâm lược bên ngoài. Kết quả Arập đã lần lượt chinh phục được Xiri (636), Palextin (638), Ai Cập (642), Ba Tư (651).

Sau khi Môhamet chết, từ năm 632 đến năm 661, các Calipha đều do giới quý tộc bầu ra. Năm 661, Calipha Ali vốn là em con chú và là con rể của Môhamet bị giết chết, viên tổng đốc ở Xiri thuộc họ Ômayát được lập lên làm Calipha. Từ đó ngôi Calipha trở thành cha truyền con nối. Như vậy, vương triều đầu tiên ở Arập - vương triều Ômayát (661-750) được thành lập. Đamát ở Xiri được chọn làm kinh đô của vương triều này.

Triều Ômayát tiếp tục thi hành chính sách chinh phục bên ngoài, kết quả Arập chiếm được một dải ở miền Bắc châu Phi và bán đảo Tây Ban Nha, do đó đến giữa thế kỉ VIII, Arập trở thành một đế quốc rộng lớn, lãnh thổ bao gồm đất đai của 3 châu là châu A, châu Phi, châu Âu. Phía đông đến lưu vực sông An, phía tây giáp Đại Tây Dương.

Năm 750, phong trào khởi nghĩa của nhân dân đã lật đổ triều Ômayát. Nhân đó, một địa chủ ở Irắc được lập lên làm Calipha, triều Abát thành lập. Năm 762, triều Abát dời kinh đô đến Bátđa.

Đến thế kỉ X, đế quốc Arập không duy trì được sự thống nhất nữa, thế lực ngày càng suy yếu. Năm 1258, kinh đô Bátda bị quân Mông Cổ chiếm. Đế quốc Arập diệt vong.

2. Đạo Hồi

Đạo Hồi tiếng Arập gọi là Ixlam nghĩa là "phục tùng", về sau dân tộc Hồi ở Trung Quốc theo tôn giáo này nên ta quen gọi là đạo Hồi.

Đạo Hồi là một tôn giáo nhất thần tuyệt đối. Vị thần duy nhất mà đạo Hồi tôn thờ là chúa Ala. Tín đồ Hồi giáo tin rằng ngoài chúa Ala không có vị thần nào khác. Tất cả những gì ở trên trời dưới đất đều thuộc về Ala. Ala đã dựng nên vòm trời mà không dùng cột, chê ngự được mặt trời, mặt trăng, tạo ra mặt đất rồi đặt trên đó, dây là núi, kia là sông. Ala cũng sinh ra loài người và biết linh hồn mỗi người ra sao. Ala có một số thiên thần giúp việc làm thư kí ghi chép những hành vi thiện ác của mỗi người và làm sứ giả.

Còn Môhamet là người được Ala giao cho sứ mệnh truyền bá tôn giáo nên chỉ là sứ giả của Ala và là tiên tri của tín đồ. Môhamet cũng công nhận rằng trước ông đã có nhiều vị tiên tri như Ađam, Nôê, Môidơ, Kitô, nhưng ông là vị tiên tri cuối cùng và vĩ đại nhất.

Đạo Hồi cũng tiếp thu nhiều quan niệm của các tôn giáo khác, nhất là của đạo Do Thái như truyền thuyết về sáng tạo thế giới, thiên đường, địa ngục, cuộc phán xét cuối cùng, thiên thần, quỷ Satăng. Dạo Hồi còn bắt chước một số nghi thức và tục lệ của đạo Do Thái như trước khi cầu nguyện phải rửa mặt và tay chân; khi cầu nguyện phải hướng về thánh địa Mecca và phải phủ phục trán chạm đất; cấm ăn thịt heo, thịt chó, thịt các con vật bị chết vì bệnh, thịt đã cúng thần và cấm uống rượu.

Đạo Hồi chỉ có một điều quan trọng không giống các tôn giáo khác là tuyết đối không thờ ảnh tượng vì họ quan niệm rằng Ala tỏa khắp mọi nơi, không có một hình tượng nào có thể thể hiện được Ala. Bởi vậy trong thánh thất Hồi giáo chỉ trang trí bằng chữ Arập chứ không có tượng và tranh ảnh. Chỉ riêng trong đền Caaba ở Mecca có thờ một phiến đá đen từ xưa để lại mà thôi.

  • Về quan hệ gia đình, đạo Hồi thừa nhận chế độ đa thê nhưng chỉ cho lấy nhiều nhất là 4 vợ. Đàn ông Hồi giáo cũng có thể lấy người theo đạo Do Thái hoặc đạo Kitô làm vợ nhưng không được cưới người theo đa thần giáo. Tuy cho lấy nhiều vợ nhưng đạo Hồi lại cấm việc lấy nàng hầu. Riêng Môhamet thì ngoại lệ: Ông có 10 vợ và 2 nàng hầu.
  • Về nghĩa vụ của tín đồ, đạo Hồi quy định:
    • Thừa nhận chỉ có chúa Ala, không có chúa nào khác, còn Môhamet là sứ giả của Ala và là vị tiên tri cuối cùng.
    • Hàng ngày phải cầu nguyện 5 lần vào sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Thứ sáu hàng tuần phải đến thánh thất làm lễ một lần.
      Vì không có hàng giáo phẩm nên hướng dẫn các buổi cầu nguyện là một người thế tục gọi là imam. Mỗi khi sắp đến giờ cầu nguyện, imam leo lên tháp ở thánh thất để kêu gọi tín đồ cầu nguyện. Ông đọc ba lần những càu "Tôi nhận rằng người Ala không có chúa nào khác". "Tôi nhận rằng Môhamet là sứ giả của Ala". Khi nghe những lời đó, các tín đồ phải ngừng công việc, rửa ráy rồi quay mặt hướng về đền Caaba để cầu nguyện. Nêu ai muốn đến thánh thất cũng được vi thánh thất mở cửa suốt ngày. Riêng trưa thứ sáu các tín đồ phải tới thánh thất. 
    • Mỗi năm đến tháng Ramađan phải trai giới 1 tháng, tháng Ramađan là tháng 9 lịch Hồi, nhưng vì Môhamet thay đổi lịch cũ, bỏ tháng nhuận nên tháng Ramađan cứ lùi dần, không tương ứng với một thời gian cố định nào của dương lịch.
      Trong suốt 29 ngày của tháng Ramađan, từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, tín đồ phải nhịn ăn uống, hút thuốc và những ham muốn khác. Nhưng trẻ con, người già, người ốm, phụ nữ có thai hoặc đang cho con hú, người đi đường xa thì được miễn.
      Ngày đầu tiên sau tháng Ramađan là ngày phá giới. Tín đồ mặc quần áo mới, gặp nhau thi ân cần chào hỏi, tặng quà làn nhau, bố thí cho người nghèo và đi tảo mộ.
    • Phải nộp thuế cho đạo. Số thuế ấy dùng để xây cất thánh thất, bù đắp các khoản chi tiêu của chính quyền và bố thí cho người nghèo.
      Ôma, một chiến hữu thân cận của Môhamet và là Calipha thứ 2 của Arập nói: "Nhờ cầu nguyện chúng ta đi được nửa đường tới Chúa, nhờ trai giới chúng ta tới được cửa thiên cung của ngài, nhờ bố thí chúng ta vào được thiên cung".
    • Trong suốt đời người, nếu có khả năng phải đi hành hương đến Caaba một lần.
      Những người hành hương khi đến chỗ đã nhìn thấy Mecca thì dừng lại để cắm trại. Họ tắm rửa, khoác một áo choàng trắng không có đường may rồi đi vào Mecca. Đầu tiên họ dừng lại ở giếng Zemzem để uống một ngụm nước. Nước ở đây sở dĩ được coi là thiêng liêng vì theo truyền thuyết, Ixmaen (Ismael), con trai của Abraham đã giải khát ở giếng này. Tiếp đó họ tiến vào đền Caaba, đi quanh đền 7 lần, hôn hoặc sờ phiến đá đen. Cuộc hành hương kéo dài trong 10 ngày. Trong thời gian ấy, những người hành hương còn có nhiều hoạt động khác. Đến ngày thứ 10, họ cúng một con cừu hoặc một con vật có sừng khác hoặc một con lạc đà. Cúng xong thi mổ ra để ăn và bố thí. Sau đó họ cắt tóc, móng tay móng chân đem chôn.
      Khi mọi nghi lễ của cuộc hành hương đã hoàn tất, họ lại mặc quần áo bình thường, lòng đầy hân hoan vì hoàn thành một bổn phận quan trọng của tín đồ Hồi giáo và lên đường trở về quê hương của mình.

Kinh thánh của đạo Hồi là kinh Coran, tiếng Arập viết là "Qur’an" nghĩa là "bài đọc", "bài giảng", trong đó ghi lại những lời nói của Môhamet mà theo tín đồ Hồi giáo, đó là những lời phán bảo của chúa Ala.

Khi Môhamet còn sống, những lời nói của ông được các môn đồ ghi lại trên lá chà là, trên đá trắng và học thuộc lòng. Năm 633, trong một trận chiến đấu, các môn đồ ấy chết gần hết. Những người kẽ thừa Môhamet là các Calipha Abu Bekr và Ôtaman thu thập, sắp xếp, chỉnh lí những tài liệu ấy thành kinh Coran.

Kinh Coran đưực chia thành 114 chương sắp xếp theo nguyên tắc dài để trên, ngắn để dưới. Như vậy, kinh Coran đã sắp xếp ngược vì những lời nói của Môhamet trong thời kì đầu thường ngắn hơn những lời nói trong thời kì sau.

Kinh Coran đề cập đến nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực, do đó, đối với người Arập, kinh Coran ngoài những nguyên tắc tôn giáo còn là một bản tổng hợp mọi tri thức khoa học, mọi nguyên tắc pháp luật và đạo đức. Lúc đầu ở Arập chưa có pháp luật nào khác ngoài kinh Coran, về sau tuy đã đặt ra pháp luật nhưng vẫn lấy giáo lí của kinh Coran làm nguyên tắc.

Tóm lại, "Hồi giáo là gì?" theo truyền thuyết, thiên thần Gabrien đã hỏi Môhamet như vậy. Môhamet đáp:

"Hồi giáo là tin vào Ala và vị tiên tri của ngài, đọc những kinh cầu nguyện đã chi định, bố thí cho người nghèo, nhịn ăn trong tháng Ramađan và hành hương đến thánh địa Mecca.

Cầu nguyện, bô thi, nhịn ăn và hành hương là 4 bon phận của Hồi giáo. Thêm lòng tin vào Ala và vị tiên tri nữa thành 5 cái trụ cột của Hồi giáo.

Thời Môhamet, đạo Hồi chỉ mối truyền bá ở bán đảo Arập. Sau đó cùng với quá trình chinh phục của Arập, đạo Hồi đã truyền bá khắp Tây Á, Trung Á, Bắc Phi và Tây Ban Nha. Trong quá trình này, đạo Hồi đã chia thành hai giáo phái chính là phái Sânny (Sunny) và phái Si-ai (Shiite).

Sau khi Mohamet chết, từ năm 632 đến 661, ở Arập có 4 Calipha được lần lượt bầu ra là Ahu Bekr (632-634), Ôma (634-644), Ôman (644-656) và Ali (656 - 661). Một số tín đồ cho rằng chỉ có Ali, em con chú và là con rể của Môhamet, mới xứng đáng được cử làm Calipha, còn những người khác là không hợp pháp vi không phải là dòng dõi của tiên tri. Như vậy bộ phận tín đồ ấy đã tạo thành một phe phái chính trị gọi là Si-ai (Shiite nghĩa là đảng phái).

Năm 661, Ali bị ám sát. Đến năm 680, con trai của ông là Huxen cũng bị sát hại. Phái Si-ai hết sức thương tiếc cha con Ali và coi họ như những vị thánh. Vì vậy, phái này coi nơi thờ hai người này là nơi thiêng liêng thứ ba sau Caaba và lăng Môhamet. Thế là từ một phái chính trị, Si-ai biến thành một giáo phái quan trọng của đạo Hồi. Phái này còn tin rằng, dòng dõi của Ali sẽ là những người rất sáng suốt, là hóa thân của Chúa (gọi là Imam). Đặc biệt, Imam thứ 12 là Môhamet Ibơn Haxan mói 12 tuổi đã chết, nhưng tín đồ phái Si-ai tin rằng vị đó chỉ tạm ẩn, đợi đến một lúc nào đó sẽ tái hiện đẽ dẫn dắt họ tới chỗ hạnh phúc vĩnh viễn. Phái Si-ai chủ yêu truyền bá ở Irắc, Iran, Yêmen, Azecbaigian, Tajikixtan.

Phái Sânny là phái Hồi giáo chính thống, họ thừa nhận cả 4 Calipha đầu tiên đều là những người kế thừa hợp pháp của Môhamet. Đa số tín đồ Hồi giáo theo phái này.

Ngày nay đạo Hồi được truyền bá rộng rãi trên thế giới, đã thành quốc giáo của 24 nước như: Inđônêxia, Malaixia, Ápganixtan, Bãnglađét, Pakixtan, Iran, Irắc, các nước Arập, Thổ Nhĩ Kì, Xiri, Ai Cập, Libi, Angiêri, Marốc...

3. Văn học nghệ thuật, khoa học, giáo dục

3.1 Văn học

Văn học Arập có những thành tựu rất xuất sắc, chủ yếu biểu hiện ở hai mặt: Thơ và truyện.

Trước khi nhà nước ra đời, ở Arập đã có rất nhiều thơ ca truyền miệng. Lúc bấy giờ trong dân gian đã có nhiều thi sĩ. Họ thường ngâm thơ cho các bộ lạc du mục nghe. Từ nửa thế kỉ VII về sau, thơ ca chép bằng chữ viết ra đời. Kế thừa truyền thống thơ ca đời trước, các bài thơ trong thời kì này tập trung thê hiện tinh thần lạc quan yêu đời mà phần lớn là ca ngợi chiến công, tình yêu, rượu ngon...

Thời kì phát triển rực rỡ nhất của thơ ca Arập là từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XI. Trên cơ sở nền thơ ca đời trước, giữa thế kỉ IX, hai thầy trò Abu Tarnmam đã SƯU tầm và hiệu đính thành một tác phẩm gồm hai tập lấy đề là Anh dũng ca trong đó bao gồm tác phẩm của hơn 500 thi sĩ Arập thời xưa. Đến thế kỉ X Abu Lơ Pharagiơ (Abu Lơ Faraj) lại soạn một tuyển tập thơ lớn gồm gần 20 cuốn lấy đề là Thi ca tập, trong đó đưa vào rất nhiều thơ của các tác giả thời trước.

Trong thời kì này, ở Arập xuất hiện nhiều nhà thơ nổi tiếng, tiêu biểu nhất là Abu Nuvát, Abu lơ Ala Maari.

Abu Nuvát (nghĩa là ông Tóc quăn) vốn tên là Haxan Ibơn Havi được coi là nhà thơ xuất sắc nhất lúc bấy giờ. Ông tính tình phóng túng, thích rượu, đàn bà và thơ, nhưng lại thiếu thành kính đối với Hồi giáo. Ông đã từng viết muốn mình biến thành con chó ngồi ở cổng thành phố Mecca để cắn khách hành hương. Ông còn viết:

Lại đây, Xulâyman! Hát cho anh nghe nào,

Và đem rượu lại đây mau...

Rót cho anh một li để anh quên sầu,

Khỏi phải nghe tiếng nhắc đến giờ cầu nguyện.

Về sau ông cải hối, không phóng đãng nữa, đi đâu cũng mang theo một chuỗi hạt và kinh Coran.

Abu lơ Ala Maari là một nhà thơ mù vì hồi mới bốn tuổi ông bị bệnh đậu mùa. Tuy vậy, ông vẫn siêng năng học tập và đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng vào đầu thế kỉ XI. Khác với Abu Nu vát, ông theo chủ nghĩa khắc kỉ. Ông hoàn toàn ăn chay, kiêng cả sữa, trứng và mật ong vì cho rằng ăn những thứ đó là ăn cắp của các loài vật. Ông không dùng đồ da, khuyên mọi người không nên mặc áo lông và chỉ nên đi guốc. Không giống các nhà thơ khác, thơ ông không ca ngợi phụ nữ và tình yêu, cũng không nói đến chiến tranh mà thường bàn về những vấn đề triết lí như có Chúa không, có kiếp sau không, đời có đáng sống không, có nên theo những lời phán bảo của Chúa không?

Ông ngang nhiên phủ nhận cả Imam, hóa thân của Chúa:

Có kẻ nghi rằng Imam có tài tiên tri,

Sẽ xuất hiện và làm mọi người ngạc nhiên im lặng.

Nghĩ sai đấy! Chỉ có mỗi một Imam là lí trí

Chỉ đường cho ta sáng sáng chiều chiều.

Ông còn lên án các nhà thần học Hồi giáo đã lừa bịp các tín đồ trong khi thuyết giáo:

Vì những mục tiêu để tiện, nó đăng đàn, và mặc dầu nó không tin ở sự phục sinh,

Nó cũng làm cho người nghe run sợ khi nó tả những cảnh hãi hùng ngày tận thế.

Ông còn phê phán cả xã hội đương thời vì cho rằng trong đó đầy rẫy những điều xấu xa do con người tạo nên và do đó cho rằng giá đừng sinh ra ở đời thì tốt hơn. Do tư tưởng và khuynh hướng sáng tác của ông như vậy nên ông được gọi là "Nhà triết học trong nhà thơ và nhà thơ trong nhà triết học".

Như vậy, tuy Arập là nơi tinh thần Hồi giáo bao trùm tất cả, nhưng các nhà thơ, bằng khuynh hướng này hoặc khuynh hướng khác, đã thoát khỏi sự ràng buộc của tôn giáo. Ngược lại, tình hình ấy cũng chứng tỏ rằng, lúc bấy giờ Hồi giáo cũng còn tương đối khoan dung chứ chưa khắt khe như sau này.

Về văn xuôi, nổi tiếng nhất là tập Nghìn lẻ một đêm hình thành từ thế kỉ X đến thế kỉ XII. Những truyện trong tác phẩm này bắt nguồn từ tập "Một nghìn câu chuyện" của Ba Tư ra đời từ thế kỉ VI, dần dần được bổ sung bằng các truyện thần thoại của Ấn Độ, Ai Cập, Hi Lạp... rồi cải biên và gắn lại với nhau thành một truyện dài xảy ra trong cung vua Arập. Tập truyện li kì, hấp dẫn này phản ánh cuộc sống, phong tục, tập quán và ước nguyện của nhân dân các dân tộc trong đế quốc Arập, đồng thời thể hiện sức tưởng tượng phong phú của họ.

Năm 1700, một người ở Xiri đã gửi một bản chép tay tác phẩm này cho nhà Phương Đông học người Pháp Angtoan Galăng (Artoine Galland), ông đã dịch tác phẩm này ra tiếng Pháp, lấy nhan đề là Nghìn lẻ một đêm và xuất bản lần đầu tiên ở Pari năm 1704. Sau đó tác phẩm này được dịch ra các tiếng châu Âu khác và rất được người đọc ưa thích.

Ngoài Nghìn lẻ một đêm, ở Arập còn có một tập truyện được lưu hành rất rộng, dó là tập "Ngụ ngôn". Tập truyện này vốn là của Ấn Độ, viết bằng tiếng Phạn, được truyền sang Ba Tư từ thế kỉ VI, đến thế kỉ VIII thì được dịch ra tiếng Arập. Sau đó nguyên bản tiếng Phạn đã mất, chỉ còn bản tiếng Arập và nhờ vậy đã được dịch ra 40 thứ tiếng.

3.2 Nghệ thuật

Khi nhà nước Arập mới ra đời, vốn thoát thai từ kinh tế du mục và buôn bán, cơ sở nghệ thuật Arập rất nghèo nàn. Thêm vào đó, Môhamet lại cấm điêu khắc và hội họa vì hai môn này có thể dẫn đến sự sùng bái ảnh tượng. Môhamet cũng cấm dùng tơ lụa dẹp, các đồ trang sức đẹp bằng vàng bạc, để nhân dân khỏi phải vì ham muốn các thú vui mà sinh ra đồi bại. Tuy vậy, về sau những cấm đoán ấy được nới lỏng, đồng thời đã học tập nghệ thuật của Ai Cập, Lưỡng Hà, Ba Tư, Bizantium, Ấn Độ nên nghệ thuật cũng có những tiến bộ đáng kể. Thành tích về kiến trúc chủ yếu biểu hiện ở cung điện và thánh thất Hồi giáo. Tương truyền rằng các cung điện của các Calipha Arập rất tráng lệ nhưng ngày nay không còn nữa.

Ví du thời Ômayát, người Arập đã xây một tòa cung điện có tới 360 phòng để mỗi phòng dành cho một ngày, ơ đây còn có một thư viện 2 tầng. Có người nói: "Không có một quyển sách gì về một đề tài gì mà ở đó không có bản sao".

Thánh thất được xây cất rất công phu và trang hoàng rất rực rỡ. Trước thánh thất có một cái săn vuông, có một cái hồ nước để tín đồ tẩy uế trước khi cầu nguyện, ở góc sân hướng về Mécca là thánh thất. Thánh thất xây theo hình vuông có mái tròn. Phía trong thánh thất củ khám thờ, giảng đàn, giá đặt kinh Coran. Trong thời kì đầu, thánh thất chỉ được trang trí bằng hình hoa lá và các hình kỉ hà. Về sau, khi lệnh cấm vẽ hình người và động vật được nới lỏng thí thánh thất cũng được trang trí bằng các hình chim, thú và các động vật tường tượng nửa chim nửa thú.

Tuy luật của Hồi giáo thì như vậy nhưng một số Calipha Arập bất chấp những điều cấm đoán đó. Trong cung điện mùa hè của Valit I đầu thế kỉ VIII được trang hoàng bằng những bích họa, trong đó vẽ người đi săn, vũ nữ, phụ nữ đang tắm và chân dung của ông ngồi trên ngai vàng. Trong cung điện các vua triều Abát thì treo tranh vẽ cảnh săn bắn, tu sĩ, vũ nữ khỏa thân...

Do Hồi giáo cấm điêu khắc và hội họa nên địa vị của họa sĩ rất thấp, chỉ được coi ngang với thợ thủ công mà thôi. Trái lại môn thư pháp rất được coi trọng, do đó những người viết chữ được đề cao và được tặng những số tiền lớn.

Âm nhạc lúc đầu cũng bị cấm vì truyền thuyết nói Môhamet cho rằng lòi ca, điệu vũ của phụ nữ cũng như tiếng các nhạc cụ là tiếng dụ dỗ của quỷ sứ để đày con người xuống địa ngục, về sau người ta cho rằng, rượu như thể xác, âm nhạc như linh hồn, nhờ hai thứ đó mà cuộc sống con người mới được vui vẻ. Vì vậy âm nhạc dần dần được thịnh hành.

Trong quá trình ấy, từ thế kỉ VII, ở Arập đã biết "âm nhạc có thể đo được". Tư liệu này nói lên rằng lúc bấy giờ ở Arập đã biết kí âm thể hiện độ cao và độ dài của các nốt nhạc. Trong khi đó, ở châu Âu, mãi đến cuối thế kỉ XII mối biết vấn đề đó. Người Arập cũng đã phát minh ra rất nhiều loại nhạc cụ như đàn lút (luth), đàn lia (lyre), sáo, trống, chũm chọe, tù và... Đàn lút giống như đàn măngđôlin, đàn lút lớn gọi là Kitara. Tương truyền rằng, cũng chính người Arập là người đầu tiên sử dụng cây đũa nhạc trưởng. Sau khi âm nhạc trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được thì Hồi giáo cũng phải dùng nó trong các buổi lễ. Tuy vậy, cũng như họa sĩ, địa vị của nhạc sĩ rất thấp kém. Nhạc và vũ thường dành cho nô tì, vì vậy có một số người cho rằng sự làm chứng của nhạc sĩ là không có giá trị. Về sau, do chịu ảnh hưởng của Hi Lạp và Ba Tư nên mới bớt thái độ khinh thường nhạc sĩ.

3.3 Khoa học tự nhiên

Là một nước thành lập rất muộn, lúc đầu Arập tương đối lạc hậu về các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhưng nhờ học tập được các thành tựu của các nền văn minh xung quanh như Ấn Độ, Trung Quốc, Hi Lạp nên khoa học của Arập đã phát triển nhanh chóng.

Sau khi thành lập nước không lâu, Arập đã cho dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Hi Lạp, Xiri, Phạn... Năm 830, triều Abát xây dựng một trung tâm khoa học bao gồm một Viện khoa học, một đài thiên văn và một thư viện. Cơ quan này đã tuyển dụng một đội ngũ phiên dịch viên đông đảo. Người đứng đầu đội ngũ phiên dịch này là Hunai Ibơn Isac (Hunai Ibn Ishak). Ông nói rằng, riêng ông đã dịch hơn 100 tác phẩm ra tiếng Arập, trong đó có kinh Cựu ước và nhiều tác phẩm của Arixtôt, Platôn, Ptôlêmê... Ông được trả thù lao rất hậu: các dịch phẩm cân nặng bao nhiêu thì được trả bấy nhiêu vàng. Đến giữa thế kỉ IX, hầu hết các tác phẩm về toán học, thiên văn, y học của Hi Lạp đã được dịch sang tiếng Arập.

Trên cơ sơ tiếp thu các thành tựu văn hóa bên ngoài, các học giả Arập đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển, do đó đã có nhiều công hiến mới, nhất là về các mặt toán học, thiên văn học, địa lí học, y học, hóa học...

a. Về toán học: Người Arập đã tiếp tục phát triển các môn đại số học, lượng giác học, hình học và hoàn thiện hộ thống chữ số. Nhà Đại số học Arập nổi tiếng nhất là Môhamét Ibơn Muxa tức An Khoaridơmi (780-855). Tác phẩm Đại số học của ông là quyển sách đầu tiên về môn khoa học này. Chính vì vậy chữ Algèbre trong tiếng Pháp và Algebra trong tiếng Anh (Đại số học) là bắt nguồn từ chữ Alfabr (có nghĩa là phục hồi nguyên trạng) trong tiếng Arập.

Nhà toán học Abu Apđala al-Battani (850-929) thì lại có nhiều đóng góp về môn Lượng giác học. Các khái niệm sin, cosin, tang, cotang mà ngày nay chúng ta sử dụng là do ông đặt ra.

Người Arập còn có công lớn trong việc cải tiến và truyền bá hệ thống chữ số. Từ thế kỉ VIII, Arập đã dịch sách Xitđanta (Siddhantas), tác phẩm thiên văn học của Ấn Độ viết từ thế kỉ V TCN. Có lẽ do công việc này mà người Arập đã học tập được 10 chữ số của Ấn Độ. Năm 813, An Khoaridơmi (Al-Khwarizmi) đã dùng chữ số Ấn Độ trong môn thiên văn học. Khoảng năm 825 ông viết một cuốn sách nhan đề là “An Khoaridơmi viết về con sô Ấn Độ". Năm 976, Môhamét Ibơn Amát nói khi làm toán nếu không có số nào xuất hiện ở hàng chục thì phải dùng một vòng tròn nhỏ thay vào để giữ hàng. Người Arập gọi vòng tròn ấy là Sifr nghĩa là trống không, tiếng Latinh đổi thành Zephyrum, người Ý gọi tắt là Zero.

b. Về thiên văn học: Người Arập cũng rất chú ý quan sát các tinh tú và nghiên cứu các vết trên Mặt trời. Họ cũng cho rằng Trái Đất tròn, hơn nữa, Al-Biruni, học giả tiêu biểu nhất của Arập cuối thế kỉ X đầu thế kỉ XI còn biết rằng vật gì cũng bị hút về phía trung tâm Trái Đất. Tuy nhiên ông lại không dứt khóat khi nói: Hoặc Trái Đất mỗi ngày quay xung quanh địa trục một vòng và mỗi năm quay xung quanh Mặt Trời một vòng, hoặc ngược lại, Mặt Trời mỗi ngày quay xung quanh nhật trục một vòng và mỗi năm quay xung quanh Trái Đất một vòng, cả hai cách giải thích đều đúng.

Cuối thế kỉ XI, người Arập đã làm được một thiên cầu bằng đồng thau đường kính 209 mm, trên đó có 47 chòm sao gồm 1.015 ngôi sao.

c. Về địa lí học: Người Arập đã dùng phương pháp cùng một lúc lấy vị trí của Mặt Trời ở hai điểm trên mặt đất và tính được 1° của Trái Đất dài hơn 90 km và chu vi của Trái Đất là 35.000 km như vậy là gần đúng.

Do thương nghiệp phát triển sớm, người Arập có điều kiện đi đây đi đó nên từ thế kỉ IX, Arập đã có một số tác phẩm mô tả về Trung Quốc, Ấn Độ, Xri Lanca. Đến cuối thế kỉ X, Arập còn có một tác phẩm địa lí rất quan trọng, đó là quyển Địa chí đế quốc Hồi giáo của Môhamet Al-Mucađaxi.

Vào thế kl XII, Arập có hai nhà địa lí học nổi tiếng là Al-Iđrixi và Abu-Apđala Yacút. Theo yêu cầu của vua Xiri Rôgiê II (Roger), Iđrixi đã viết một tác phẩm nhan đề là Sách của Rôgiê. Trong sách này, ông chia Trái Đất làm 7 miền khí hậu, mỗi miền lại chia làm 10 phần, mỗi phần có vẽ một bản đồ tương đối chi tiết.

Abu Apđala Yacút mặc dầu cuộc đời trải qua nhiều gian truân nhưng đã hoàn thành được một bộ sách địa lí rất dày. Trong đó tập hợp hầu hết những hiểu biết về Trái Đất của thời bấy giờ.

d. Về vật lí học: Nhà khoa học tiêu biểu nhất là AI Haitơham sinh năm 965 và lĩnh vực ông có nhiều cống hiến là quang học. Tác phẩm Sách quang học của ông được đánh giá là tác phẩm có tính chất khoa học nhất thòi trung đại. Ông giải thích được rằng: "Hình thể của vật và con mắt người ta nhờ một vật trong suốt tức là ông muốn nói đến thủy tinh thể. Ông cũng đã biết sự khúc xạ của ánh sáng trong không khí và nước, chính vì sự khúc xạ ấy mà Mặt Trời và Mặt Trăng khi ở gần chân trời thì nhìn thây lớn hơn khi đã lên cao. Cũng do sự khúc xạ ánh sáng trong không khí mà chúng ta vẫn nhìn thấy tia sáng Mặt Trời khi Mặt Trời đã xuống tới 19° dưới chân trời. Căn cứ vào đó, ông tính được lớp khí quyên xung quanh Trái Đất dày đến 15 km. Ông còn nghiên cứu tác động của ánh sáng chiếu trên các gương lồi, gương lõm và các thấu kính hội tụ.

Những ý kiến của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà khoa học châu Âu. Chính nhờ sự gợi ý của ông mà các nhà vật lí học phương Tây đã chế ra được kính hiển vi và kính viễn vọng.

e. Về hóa học: Đóng góp của người Arập cũng rất quan trọng. Chính người Arập đã chế tạo ra nồi cất trước tiên và đặt tên là alambik, do đó, nay tiếng Pháp gọi là alambic. Họ cũng đã phân tích được nhiều chất hóa học, đã phân biệt được bazơ và axít, lại còn bào chê được nhiều loại thuốc.

Người Arập còn quan niệm rằng, kim loại nào phân tích tới cùng đều có những nguyên tố như nhau, do đó có thể làm cho loại này biến thành loại khác. Vì vậy, họ cho rằng, từ sắt, đồng, chì có thể tạo thành vàng, bạc, nhưng muốn thực hiện được thì phải có một chất xúc tác mà họ chưa tìm thấy.

g. Về sinh vật học: Từ thế kỉ IX, Ôtman Am an-Giahip đã nêu ra thuyết tiến hóa, cho rằng từ khoáng vật tiến hóa thành thực vật rồi đến động vật, đến người. Trong sinh học, lĩnh vực được người Arập quan tâm nhiều nhất là thực vật học. Từ sớm, họ đã biêt ghép cây, tạo ra các giống cây mới. Nhà thực vật học tiêu biêu nhất đầu thế kỉ XIII là Baita. Ông đã tổng hợp các kiến thức về thực vật học của người Arập thành một tác phẩm lớn, một tác phẩm được coi là cơ sở của môn thực vật học và được sử dụng đến thế kỉ XVI. Một nhà thực vật học khác là Avan trong tác phẩm Sách của nông dân đã hướng dẫn cách trồng 585 loại cây và 50 giống cây ăn quả, hướng dẫn cách ghép cây, chỉ rõ các triệu chứng và cách chữa một số bệnh của cây.

h. Về y học: Tuy bị cấm giải phẫu và mổ tử thi nhưng Arập vẫn là nước có nền y học rất phát triển. Các thầy thuốc Arập đã biêt cách chữa trị rất nhiều loại bệnh thuộc nội ngoại khoa, đặc biệt giỏi là khoa mắt. Có lẽ vì xứ Arập nhiều cát gió nhiều người bị đau mắt nên các thầy thuốc quan tâm nhiều đến bệnh này. Thành tựu y học của Arập còn thể hiện ở chỗ nhiều tác phẩm y học đã được biên soạn như: Mười khái luận về mắt của Isác, Sách chỉ dẫn cho các thầy thuốc khoa mắt của Ixa, Bệnh đậu mùa và bệnh sởi của Radi, Tiêu chuẩn y học của Xina... Nhiều tác phẩm trong số này được dịch ra tiếng Latinh và được dùng trong các trường Y khoa ở Tây Âu trong nhiều thế kỉ.

Arập có một đội ngũ thầy thuốc rất đông đảo, trong đó tiêu biểu nhất là Radi (người châu Âu gọi là Khadét), Xina (người châu Âu gọi là Avixen), Zuhr (người châu Âu gọi là Arendoa). Danh tiếng những người này vang tận Tây Âu, do vậy ngày nay ở Đại học y khoa Paris vẫn treo chân dung của Radi và Xina.

Để chữa bệnh cho nhân dân, nhà nước Ảrập đã thành lập trong toàn đế quốc rất nhiều bệnh viện để chừa bệnh miễn phí cho mọi tầng lớp nhân dân. Lớn nhất trong số bệnh viện đó là bệnh viện Manxua xây ở Cairô vào cuối thế kỉ XIII. Bệnh viện này gồm 4 tòa nhà, trong đó có phòng khám bệnh, phòng phát thuốc, phòng thí nghiệm, phòng bệnh nhăn, phòng họp, thánh thất, thư viện, phòng tắm, nhà bếp. Những người bị bệnh mất ngủ được ru ngủ bằng một thứ nhạc êm ái và được nghe những người chuyên môn kể chuyện. Bệnh nhăn nghèo khi xuất viện còn được tặng một số tiền để khỏi làm việc ngay.

Ngoài các bệnh viện, nhà nước còn tổ chức các đoàn thầy thuốc đến các thị trấn để chữa bệnh cho dân. Một số thầy thuốc còn được thường xuyên cử đến các nhà lao để khám bệnh cho tù nhân.

Như vậy, có thể nói, trong thời Trung đại, Arập là nước có những thành tựu rất lớn về y học và là nước đứng hàng đầu thế giới về sự nghiệp y tế.

3.4 Giáo dục

Arập sở dĩ có nền văn hóa cao như vậy, một phần quan trọng là do sự nghiệp giáo dục. Theo truyền thuyết, Môhamèt rất khuyến khích việc mở rộng kiến thức. Ông nói: "Kẻ nào từ biệt gia đình đô đi tìm hiểu thêm và mở mang trĩ thức là kẻ đó đang đi trên con đường của Chúa. Mực của nhà bác học còn linh thiêng hơn máu của người tử vì đạo".

Tuy không có tổ chức chặt chẽ nhưng chế độ giáo dục của Arập cũng bao gồm 3 cấp tiểu học, trung học và đại học.

Trẻ em từ 6 tuổi, kể cả một số con gái bắt đầu vào học ơ trường sơ học. Môn học chính là tập đọc, còn tập viêt và toán thì lên các lớp trên mới học. Nội dung học tập là kinh Coran vì trong đó không hững chỉ có thần học mà còn có cả lịch sử, đạo đức và pháp luật. Nơi học thường là ở trong các thánh thất hoặc ở ngoài trời.

Trường trung học cũng đặt trong các thánh thất. Ngoài thần học, học sinh còn được học các môn văn học, ngôn ngữ, ngữ pháp, toán, thiên văn... Trong đó môn ngữ pháp được đặc biệt coi trọng vì người ta cho rằng tiếng Arập là ngôn ngữ hoàn hảo nhất và ai nói đúng thứ tiếng này thì được coi là thuộc hạng thượng lưu.

Ở bậc đại học, trong toàn đế quốc có ba trung tâm là Bátđa, Cairô (Ai Cập) và Coócđôba (Tây Ban Nha).

Trường đại học Cairô bắt đầu thành lập năm 988. Lúc đầu chỉ mới là một lớp học mở trong thánh thất gồm 15 sinh viên. Sau đó, sinh viên khắp đế quốc Arập đều về đây học tập, do đó số sinh viên lên đến 10.000 người. Họ được vua chúa, quan lại và các nhà hảo tâm cấp học bổng. Nhà trường có một đội ngũ giáo sư khoảng 300 người thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn. Sinh viên ở đây được học các môn ngữ pháp, tu từ học, thần học, luật, thơ, logic, toán... Đây là trường đại học cổ nhất Arập.

Ngoài ra, ở Cairô còn có một trung tâm khoa học để nghiên cứu và giảng dạy thần học, thiên văn, y học.

Bên cạnh hệ thống trường học, trong toàn đế quốc đã xây dựng rất nhiều thư viện. Đến đầu thế kỉ VIII, người Arập học được cách làm giấy của Trung Quốc. Từ đó sách xuất hiện ngày càng nhiều. Cuối thế kỉ IX, ở Bátđa có đến trên 100 hiệu sách. Trên cơ sở ấy trong các thánh thất và ở các thị trấn đều thành lập thư viện. Thành phố Bátđa khi bị quăn Mông Cô đánh chiếm có đến 36 thư viện công cộng. Các thư viện này thường mở cửa đón mọi người đến đọc sách, thậm chí có thư viện còn cung cấp giấy cho sinh viên đến đó đọc sách. Nhờ vậy mà việc học tập trong toàn đế quốc không ngừng phát triển. Hơn nữa trong khi ở Tây Âu, văn hóa đang suy thoái thi các trung tâm đại học của Arập, nhất là Coócđôba đã thu hút nhiều lưu học sinh các nước Tây Âu đến học tập.

Tóm lại, nền văn minh Arập rất rực rỡ và toàn diện. Nhân dân Arập đã đóng góp vào kho tàng của nhân loại nhiều sáng tạo có giá trị. Đồng thời họ còn có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn nhiều di sản văn hóa của Hi Lạp cổ đại. Trong khi ở Tây Âu, giáo hội Kitô hủy hoại các tác phẩm cổ điển thì nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Arập, do đó vẫn được bảo tồn. Ví dụ người châu Âu lần đầu tiên biết đến Arixtốt là nhờ các bản dịch các tác phẩm của ông bằng tiếng Arập. Chính các sinh viên Tây Âu du học ở Arập đã dịch lại các tác phẩm ấy từ tiếng Arập ra tiếng Latinh.

Ngoài ra, người Arập cũng là kẻ trung gian truyền bá nhiều phát minh quan trọng của phương Đông như chữ số của Ấn Độ, giấy, nghề in, thuốc súng, la bàn của Trung Quốc sang Tây Âu.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF