YOMEDIA
NONE

Bài 2: Những thành tựu chủ yếu của văn minh Hi-La cổ đại: văn học, sử học, nghệ thuật


Nền văn minh Hi-La phát triển rất toàn diện và mỗi mặt đều có những thành tựu rực rỡ, mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài giảng Bài 2: Những thành tựu chủ yếu của văn minh Hi-La cổ đại: văn học, sử học, nghệ thuật để cùng tìm hiểu về một số thành tựu nổi bật của nền văn minh này nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt lý thuyết

Hi Lạp và La Mã là hai quốc gia riêng biệt do các tộc khác nhau lập nên. Mãi đến thế kỉ II TCN, Hi Lạp mới bị La Mã chinh phục, nhưng trước đó rất lâu, La Mã đã tiếp thu nhiều thành tựu văn minh của Hi Lạp. Sau khi Hi Lạp bị nhập vào đế quốc La Mã, ảnh hưởng của văn minh Hi Lạp đối với La Mã càng mạnh mẽ hơn nữa. Chính nhà thở La Mã Hôratiút đã nói: "Người Hi Lạp bị người La Mã chinh phục, những người bị chinh phục ấy lại chinh phục trở lại kẻ đi chinh phục mình. Văn học nghệ thuật Hi Lạp tràn sang đất Latinh hoang đã...". Vì vậy văn minh Hi Lạp và La Mã có cùng một phong cách và thường được gọi chung là văn minh Hi-La.

Nền văn minh Hi-La phát triển rất toàn diện và mỗi mặt đều có những thành tựu rực rỡ, trong đó quan trọng nhất là các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, sử học, khoa học tự nhiên, triết học.

1. Văn học

Nền văn học Hi Lạp bao gồm ba bộ phận chủ yếu và có liên quan chặt chẽ với nhau là thần thoại, thơ và kịch

1.1 Thần thoại

Ở Hi Lạp, trong giai đoạn từ thế kỉ VIII-VI TCN, nhân dân đã sáng tạo ra một kho tàng thần thoại rất phong phú, bao gồm những truyện về khai thiên lập địa, về các thần thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội, về các anh hùng dũng sĩ. Đến thế kỉ VIII TCN, cùng với sự phát triển của gia đình phụ quyền, các thần được sắp xếp lại thành một hệ thống có tôn ti trật tự.

Theo tác phẩm Gia phả các thần của Hêdiốt, nhà thở Hi Lạp sống vào thế kỉ VIII TCN thì đầu tiên chỉ có Caôt (Chaos) là một khối hỗn mang mờ mịt, rồi Caôt sinh ra thần đất Gaia, rồi sinh ra thần ái tình Erốt. Gaia sinh ra Uranút tức là trời, được nhân cách hóa. Uranút lại lấy Gaia làm vợ, sinh được 12 thần gồm 6 nam và 6 nữ, gọi chung là thần tộc Titanút. Trong số các thần ấy, Crônút đã lấy Rêa rồi sinh ra các thần. Người con út của Crôút và Rêa là Dớt đã lật đổ cha mình và trở thành chúa tể của các thần. Dớt có nhiều vợ như Hêra, Đêmêtê và sinh được nhiồu con như Atêna, Apôlô, Aphrôđít... Một người anh em con chú, con bác với thần Dớt là thần Prômêtê đã dùng đất sét nặn thành người rồi lấy trộm lửa ở lò rèn của thần thợ rèn Hêphaixtốt đem đến cho loài người. Do vậy Dớt sai Hêphaixtốt xiềng Prômêtê ử núi Côcadơ và cho một con diều hâu mô lá gan của chàng, về sau Prômêtê được thần Hêraclét, con của thần Dớt giải thoát. Do công lao đó, trong thần thoại Hi Lạp, Prômêtê được coi là kẻ sáng tạo nền văn minh của nhân loại.

Bên cạnh hệ thống các thần đó, người Hi Lạp cổ đại còn sáng tạo ra các thần bảo hộ các ngành nghề và các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Ví dụ:

Đêmêtê là hóa thân của đất và là nữ thần của nghề nông.

Điônixốt là thần của nghề trồng nho và nghê làm rượu nho.

Apôlô là thần ánh sáng và nghệ thuật.

Ơtecpô là thần âm nhạc.

Tali là thần hài kịch.

Pôlimni là thần thơ trữ tình.

Urani là thần thiên văn.

Cliô là thần lịch sử v.v...

Như vậy thần thoại Hi Lạp phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong việc giải thích và đấu tranh với tự nhiên, đồng thời phản ánh cuộc sống lao động và hoạt động xã hội. Do được tạo nên từ thực tế cuộc sống, các thần của Hi Lạp không phải là những lực lượng xa vời, có quyền uy tuyệt đối và đáng sợ như các thần ở phương Đông mà là những hình tượng rất gần gũi với con người. Thần của Hi Lạp cổ đại còn có tình cảm yêu ghét vui buồn, thậm chí cũng có ưu điểm, khuyết điểm như có khi thì rộng lượng, có khi thì hẹp hòi, cũng đa tình ghen tuông v.v..

Ví dụ thần Dớt là vị thần cao nhất, có nhiều vợ nhưng còn lén vợ có quan hệ với nhiều nữ thần khác. Nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrôđit đã kết hôn với thần thợ rèn Hêphaixtốt chân thọt, nhưng không chung thủy với chồng mà ngoại tình với thần chiến tranh Arét, con trai của Dớt và Hêra. Thần thợ rèn đã dùng lưới sắt chụp bắt được quả tang. Sau đó, Aphrôđit lấy Arét và sinh được 5 con. Ngoài ra Aphrôđit còn có những mối tình với thần rượu nho Điônixốt, với thần thương nghiệp Hécmét.

Thần thoại Hi Lạp có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nền văn học nghệ thuật Hi Lạp, vì nó đã cung cấp một kho đề tài và nguồn ảnh hưởng cho thơ, kịch, điêu khắc và hội họa của Hi Lạp cổ đại.

Người La Mã hầu như tiếp thu hoàn toàn kho tàng thần thoại và hệ thống các thần của Hi Lạp. Chỉ có một điều khác là người La Mã đặt lại tên cho các vị thần đó.

Ví dụ:

Thần Dớt của Hi Lạp trở thành thần Giupite của La Mã.

Thần Hêra, vợ thần Dớt thành thần Giunông vợ của Giupite.

Thần Đêmête, thần nghề nông của Hi Lạp trở thành thần Xêrét, thần ngũ cốc, thần  bảo vệ mùa màng của La Mã.

Thần Aphrôđit, thần sắc đẹp và tình yêu của Hi Lạp thành thần Vênút của La Mã.

Thần Pôdêidông, thần biển của Hi Lạp thành thần Néptun của La Mã.

Thần Hécmét, thần buôn bán của Hi Lạp thành thần Mécquya của La Mã.

Thần Hêraclét của Hi Lạp, biểu tượng của sức mạnh thành thần Héccun của La Mã v.v….

1.2 Thơ

  • Nói về thơ ca của Hi Lạp cổ đại trước hết phải kể đến hai tập sử thi nổi tiếng: IliátÔđixê. Tương truyền rằng tác giả của hai tác phẩm này là Hôme, một nhà thơ mù sinh ở một thành phố thuộc Tiểu Á vào khoảng giữa thế kỉ IX TCN. Tuy nhiên các vấn đề như tác giả, quê hương của tác giả, thời gian sáng tác tập thơ... đều chưa được xác định. Chính vì thế ngay từ thời cổ đại, ở Hi Lạp đã có 7 thành phố tranh nhau cái vinh dự là quê hương của Hôme.

Đề tài của Iliát Ôđixê đều khai thác từ cuộc chiến tranh giữa các quốc gia ở Hi Lạp với thành Tơroa ở Tiểu Á.

Nguyên là vào đầu thế kỉ thứ XII TCN, vì muốn chiếm của cải của thành Tơroa, vua Mixen ở Hi Lạp đã tấn công Tơroa. Cuộc chiến tranh này kéo dài 10 năm (1194-1184 TCN), kết quả là Tơroa bị thất bại, thành Tơroa bị hủy diệt.

Tuy sự thực lịch sử là như vậy, nhưng theo thơ Hôme, nguyên nhân của cuộc chiến tranh này đã được gắn liền với những huyền thoại rất diễm lệ.

Trong tiệc cưới của nữ thần Têtit và Pêlê, vua của Tetxali tổ chức ở thiên đình, các thần đều được mời tới dự. Riêng nữ thần bất hòa Irít không được mời. Tức giận vì việc đó, Irít đã ném vào giữa bàn tiệc một quả táo bằng vàng trên đó có dòng chữ: "Tặng người đẹp nhất".

Ba nữ thần Hêra, Atêna và Aphrôđit tranh nhau danh hiệu người đẹp nhất và đến nhờ thần Dớt phân xử. Dớt bảo họ đi gặp chàng trai đẹp nhất châu Á là Parít, con thứ hai của Priam vua của Tơroa. Khi gặp Parít, Aphrôđit hứa sẽ giúp Parít lấy được Hêlen, người phụ nữ đẹp nhất châu Âu nếu xử cho mình thắng cuộc. Parít đã thỏa mãn yêu cầu của Aphrôđit. Giữ lời hứa, Aphrôđit cho Parít mượn chiếc thắt lưng của mình. Đây là chiếc thắt lưng nếu ai thắt vào mình thì sẽ làm cho người mình thích yêu mình say đắm. Nhờ vậy Parít đã lấy dược Hêlen đem về thành Tơroa. Nhưng Hêlen lúc bấy giờ đã là vợ của Mênêlát; vua của Xpác. Vì vậy Mênêlát đã nhờ anh mình là Agamennông, vua của Mixen tấn công thành Tơroa để cứu vợ.

Trải qua 10 năm, quân Hi Lạp vây đánh thành Tơroa không có kết quả. Trong một trận chiến đấu, quân Hi Lạp bắt được cô Cridêit, con gái của người coi việc tế thần Apôlô rồi dành cho Agamennông. Ông già chuộc con gái không được nên xin thần Apôlô trừng trị quân Hi Lạp. Bệnh dịch đã giáng xuống. Sau khi được nghe ông già tiên tri nói rõ nguyên nhân, quản Hi Lạp buộc phải trả Cridêit. Agamennông không muốn chịu thiệt, đã tước cô Cridêit mà trước đó đã thưởng cho Asin.

Vì việc làm sai trái đó của Agamennông, Asin tức giận không chịu tham chiến, quân Hi Lạp bị thất bại, người bạn thân của Asin là Patơrôclơ bị tử trận. Vì thương bạn Asin phải tham gia chiến đấu để trả thù cho Patơrôclơ. Kết quả, Asin đã giết chết Hécto, con vua Priam của Tơroa rồi buộc xác Hécto dưới cỗ xe kéo khắp chiến trường và quanh mộ của Patơrôclơ.

  • Tập Iliat dài 15.683 câu, chủ yếu miêu tả giai đoạn gay go nhất tức là năm thứ 10 của cuộc chiến tranh ấy.
  • Tập Ôđixê dài 12.110 câu miêu tả cảnh trở về của quân Hi Lạp. Sau chiến thắng quân Tơroa, vua Ôđixê (còn có tên là Ulixơ) phải trải qua 10 năm đầy gian nan nguy hiểm mới về đến quê hường của mình là đảo Itác và được gặp lại người vợ chung thủy đã một lòng chờ đợi suốt 20 năm là Pênêlôp.

Hai tập Iliat Ôđixê không những là hai tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học thế giới mà còn là những tác phẩm có giá trị về lịch sử. Chính những tư liệu chứa đựng trong hai tập thơ này đã giúp các nhà sử học khôi phục một thời kì lịch sử gọi là thời kì Hôme.

Tiếp theo Hôme là nhà thơ Hêđiốt với các tập thơ Gia phả các thần, Lao động và ngày tháng. Trong tập thơ thứ hai, tác giả đã nói lên sự phá sản của nông dân dưới sự thống trị của tầng lớp quý tộc, ca ngợi cuộc sống lao động, "không có thứ lao động nào là nhục nhã, chỉ có ăn không ngồi rồi là xấu xa", đồng thời đã đúc kết nhiều kinh nghiệm lao động.

  • Đến thế kỉ VII, VI TCN, thơ trữ tình bắt đầu xuất hiện. Các thi sĩ tiêu biểu là Parốt, Acsilôcút, Xôlông, Têônít, Xaphô, Panhđa, Anacrêông...
    • Acsilôcút được coi là người đặt cơ sở cho thơ trữ tình Hi Lạp. Ông phải sống trong nghèo túng lại bị bất hạnh trong tình yêu nên thơ ông đượm vẻ sầu não chua chát, về sau thì chuyển sang ca ngợi các lạc thú của cuộc sống.
    • Đến nữ sĩ Xaphô, thơ trữ tình Hi Lạp đã đạt đến trình độ rất điêu luyện. Xaphô được gọi là "nàng thơ thứ mười" của thơ ca Hi Lạp sau chín nàng thơ trong thần thoại vì thơ của bà dịu dàng uyển chuyển lại có cốt cách phong nhã, thanh tao và thường đượm vẻ buồn vì phần lớn đề tài đều có tính chất thương cảm. 
      Ví dụ, trong bài thơ "Tặng nữ thần sắc đẹp", tác giả đã cầu xin nữ thần giúp mình thoát khỏi sự khổ não, được toại nguyện trong tình yêu.

      Hỡi Aphrôđit, lệnh nữ của thần Dớt,

      Ngài là vị nữ thần đầy trí tuệ.

      Với nỗi u buồn, con cầu xin ngài

      Hãy cứu vớt con, cứu vớt con thoát khỏi buồn đau.

      Trên không trung của mặt đất âm u

      Ngài ngự chiến xa vùn vụt bay xuống

      Một con bồ câu bay trên chiến xa

      Dẫu chiến xa bay qua các tầng mây

      Trong chốc lát ngài đã xuống đây

      Bốn môi ngài nở nụ cười bất hủ

      Ngài hỏi tôi vì sao đau khổ?

      Vì sao mắt tôi đẫm lệ khẩn cầu?
       

      Ngài bảo tôi: "hãy nói đi không cần giấu giếm.

      Con đã yêu ai? Ai đã làm con khổ nào?

      Hỡi Xaphô, con thân yêu của ta!

      Chàng lạnh lùng ư? Chàng sẽ yêu nồng cháy Chàng từ chối ư? Chàng sẽ đến tìm con.

      Chàng không hôn con ư? Chàng sẽ quay trở lại

      Và càng nồng nàn tìm đôi môi của con".

    • Anacrêông cũng là một nhà thơ trữ tình lớn. Thơ của ông chủ yếu ca ngợi sắc đẹp, tình yêu và hoan lạc, tuy nhiên ông rất ghét tiền tài, vì theo ông đó là lực lượng phá hoại sự hài hòa của cuộc sống.
      Vì nó mà không có anh em.

      Vì nó mà người thân không hòa mục,

      Vì nó mà sinh ra chiến tranh sát phạt.

      Vả lại, đáng sợ nhất là

      Chúng ta, những người thương yêu lẫn nhau

      Cũng vì nó mà sinh ra thù ghét.

    • Nhà thơ trữ tình cuối cùng là Panhđa (522-422 TCN). Ông là đại biểu của văn học quý tộc. Thơ của ông chủ yếu ca ngợi đời sống hào phóng xa hoa của giới quý tộc, tán dương những kẻ thắng cuộc trong đại hội điền kinh Ôlempích.

Thơ trữ tình của Hi Lạp có ảnh hưởng lớn đối với thơ ca của phương Tây sau này về phong cách sáng tác cũng như hình thức và đặt cơ sở cho một hình thức văn nghệ mới ở Hi Lạp là kịch.

  • Ngoài thơ trữ tình ở Hi Lạp có một số nhà thơ còn sáng tác về chủ đề chính trị, trong đó, bài Hành khúc của Tiếctê ca ngợi sự anh dũng của người Xpác được coi là mẫu mực của loại thơ ca chiến đấu.

Người La Mã vốn từ sớm đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp. Đặc biệt sau khi đánh chiếm thành phố Tarentơ của Hi Lạp ở trên bán đảo Ý vào năm 272 TCN, La Mã bắt đầu tiếp xúc với văn học Hi Lạp, do đó đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Hi Lạp.

Văn học La Mã cũng bao gồm nhiều thể loại như sử thi, thơ trữ tình, thơ trào phúng, văn xuôi, kịch.

  • Thời cộng hòa, La Mã đã có nhiều thi sĩ và nhà soạn kịch, ví dụ, Anđrônicút đã dịch Ôđixê ra tiếng Latinh, Nơviút viết sử thi Cuộc chiến tranh Puních, Catulút đã sáng tác nhiều bài thơ trữ tình.

Nói về tình yêu của ông với nàng Clôđia, em quan bảo dân Côđiút, nhà thơ viết:

"Anh vừa giận vừa yêu,

Có thể em sẽ hỏi vì sao anh như vậy

Anh chẳng biết nhưng anh cảm thấy

Đau khổ vô cùng vì vừa giận vừa yêu."

  • Thời kì phát triển nhất của thơ ca La Mã là thời kì thống trị của Ôctavianút. Để phục vụ cho chế độ chính trị của Ôctavianút, nhóm tao đàn Mêxen được thành lập. Mêxen là một người thân cận của Ôctavianút, là Mạnh Thường Quân của La Mã đã đứng ra bảo trợ các thi nhân văn sĩ. Trong nhóm này có những nhà thơ nổi tiếng như Viếcgiliút, Hôratiút, Ôviđiút.
    • Viếcgiliút (70-19 TCN) là nhà thơ lớn nhất của La Mã, sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả ở miền Bắc Ý.
      • Tác phẩm đầu tiên, đồng thời là tác phẩm làm ông bắt đầu có tiếng tăm là tập Những bài ca của người chăn nuôi. Với những bài thơ rất đẹp, tác phẩm này được Mêxen chú ý, và qua Mêxen, được Ôctavianút chú ý.
      • Tác phẩm tiếp theo là Khuyến nông. Tác phẩm này được sáng tác thể theo ý muốn của Mêxen. Mục đích chính trị của tác phẩm là tuyên truyền cho sự phát triển nông nghiệp đã bị nội chiến làm cho suy tàn.
        Tập thơ này có bốn phần: phần 1, nói về nông nghiệp. Phần 2, nói về nghề trồng vườn. Phần 3, nói về nghề chăn nuôi ong. Tác giả đã bỏ ra 7 năm để hoàn thành tập thơ này. Thế nhưng ông đã được đền đáp xứng đáng: Ôctavianút rất thích tập Khuyến nông, đến nỗi, năm 31 TCN, sau khi đánh bại Antôniút ở Hi Lạp trở về, ông đã nghe ngâm bài thơ này trong 14 ngày liền.
      • Với những tác phẩm trên, thiên tài thơ ca của Viếcgiliút đã được xác nhận. Nhưng tác phẩm ưu tú nhất làm ông trở thành ngôi sao sáng nhất trong số các nhà thở La Mã là Ênêit (Eneide). Đó là một tập thơ tự sự gồm 12 bài thơ. Viếcgiliút đã sáng tác tập thơ này trong 10 năm, nhưng cho đến khi ông chết, tác phẩm này vẫn chưa hoàn thành. Hơn nữa, ông đã dặn lại sau khi ông chết thì hủy tập thơ này, nhưng Ôctavianút đã ra lệnh công bố tập thơ và giữ nguyên văn bản như khi ông bị chết bất ngờ.
      • Về chủ đề, kết cấu, tình tiết, ngôn ngữ của tập thơ Ênêit đều phỏng theo sử thi Hôme. Mục đích của tác phẩm là ca ngợi sự anh dũng của nhân dân La Mã và dòng họ Ôctavianút.
      • Nội dung của tập sử thi Ênêit như sau:
        Thành Tơroa bị quân Hi Lạp thiêu hủy. Ênê mang xác cha mình cùng với một số cư dân thành Tơroa sống sót chạy sang đất Ý. Nhưng khi đoàn thuyền sắp đến nơi thì vì thần Giunông ghét người Tơroa nên nổi giông bão. Đoàn thuyền bị giạt sang Cáctagiơ. Ở đây, Ênê được nữ hoàng Điđông góa chồng ân cần đón tiếp. Cuộc gặp gỡ đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương trong trái tim cô đơn của nàng Điđông góa bụa. Thế nhưng số phận đã bắt Ênê phải từ biệt nàng để sang Ý thành lập một vương quốc mới. Trong cơn đau khổ giày vò, Điđông đã tự sát bằng thanh kiếm do Ênê tặng. Ênê đến Xixin và tại đây, chàng đã mai táng cha mình. Tiếp đó, nhờ có một nhà nữ tiên tri đưa đường, Ênê đã xuống âm phủ để gặp cha và được cha cho biết một trong những người thuộc dòng dõi của chàng là Ôgút (tức Ôctavianút) sẽ tạo ra thời đại hoàng kim cho thế giới và lập nên một đế quốc rộng lớn mà biên giới kéo dài đến tận Ấn Độ. Đến Ý, người Tơroa được vua Latinh vui mừng đón nhận, hơn nữa còn hứa gả con gái của mình là Lavini cho Ênê. Nhưng trước đó Lavini đã được hứa gả cho vua Tuốcnút của người Rutun, vì vậy, chiến tranh giữa người Tơroa và cư dân địa phương đã nổ ra. Kết quả Ênê giành được thắng lợi... Tập thơ đến đây bị bỏ dở.
      • Qua Ênêit, Viếcgiliút đã ca ngợi sự phồn vinh của La Mã dưới thời thống trị của Ôtavianút, khẳng định sứ mệnh của người La Mã là thống trị cả thế giới.
      • Với Ênêit, tên tuổi của Viếcgiliút đã trở thành bất hủ. Ngay lúc sinh thời ông đã được mọi người kính trọng. Tương truyền rằng, khi ông xuất hiện ở nhà hát, khán giả đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng chính vì vậy, sau này, đến thời Phục hưng, trong tác phẩm Thần khúc của Đantê, Viếcgiliút đã được chọn làm người dẫn đường cho nhà thơ đi xem địa ngục và tĩnh thổ.
    • Hôratiút (65-8 TCN), vốn là con một người nô lệ được giải phóng, được nhận một mảnh đất ở Nam Ý, ông đã từng được sang học tại Aten, chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học và thơ trữ tình Hi Lạp. Về sau, với tư cách là quan Bảo dân, ông tham gia quân đội, nhưng trong một trận chiến đấu, vì sợ chết, ông đã vứt thuẫn, chạy trốn khỏi chiến trường. Mảnh đất của ông bị tịch thu, bản thân ông phải sống lưu vong ngoài đất Ý.
      • Sau khi được ân xá, ông mới trở về La Mã làm một viên thư kí. Những bài thơ đầu tiên của ông đã làm cho Mêxen chú ý nên được Mêxen mời gia nhập nhóm Tao đàn Mêxen và được Mêxen tặng một trang viên nhỏ.
      • Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tập Thơ ca ngợi gồm 103 bài thơ. Tập thơ này đã thể hiện chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời cũng thể hiện thái độ của ông đối với cuộc sống là chủ nghĩa hưởng lạc. Hơn nữa, đến Hôratiút, vần luật thơ tiếng Latinh đã đạt đến chỗ hoàn mĩ. Đánh giá sự nghiệp thơ ca của mình đối với đời sau, Hôratiút đã viết bài Bia kỉ niệm, trong đó có câu:

        Tôi dựng lên một cái bia kỉ niệm

        So với đông còn vững bền hơn,

        Và cũng cao hơn kim tự tháp của quốc vương... 

      • Ngoài ra, Hôratiút còn có những đóng góp quan trọng về lí luận thơ ca và nghệ thuật kịch. Đặc biệt qua bài “Nghệ thuật thơ”, ông đã tổng kết lí luận mĩ học của Hi Lạp mà chủ yếu là dựa vào ý kiến của Arixtốt.

    • Ôviđiút (43 TCN-17 CN) xuất thân trong một gia đình kị sĩ giàu có. Sau khi hoàn thành việc học tập, ông đã đi du lịch ở Hi Lạp và Tiểu Á. Tuy mộng làm quan không được thực hiện nhưng nhờ có người vợ xuất thân quý phái, ông được tiếp xúc với giới thượng lưu của La Mã.

      • Hoạt động văn học của Ôviđiút chia làm ba thời kì.
        • Thời kì thứ nhất: bao gồm các tập thơ nói về yêu đương tình ái, thậm chí có một số mang tính chất sắc tình dâm dục quá phóng túng. Các tác phẩm tiêu biểu của thời kì này là:
          • Tình ca (3 tập).
          • Nữ anh hùng: Tập thư tình của các nữ anh hùng trong thần thoại gửi người yêu của họ.
          • Nghệ thuật yêu đương: Phương pháp quyến rũ người yêu.
        • Thời kì thứ hai: Trong thời kì này, thi nhân ngày càng trở nên nghiêm túc, hơn nữa Ôctavianút không thích lôi văn đầy sắc tình của ông, vì vậy ông đã chuyển hướng sáng tác. Các tác phẩm thời kì này là:

          • Các ngày lễ: nói về các ngày lễ và nguồn gốc của nó.

          • Biến hình là tác phẩm xuất sắc nhất của ông, gồm 15 chương. Nội dung nói về sự biến đổi từ người thành cây cối, thành động vật và phi sinh vật theo thần thoại. Kết thúc tập thơ là nói về Xêda biến thành ngôi sao theo truyền thuyết lúc bấy giờ. Trong tập thơ này có nhiều truyện thú vị như:

            • Con trai của mặt trời yêu cầu cha giao xe ngựa lửa cho mình quản lí nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên suýt nữa thì đốt cháy cả trái đất.

            • Nhà điêu khắc yêu bức tượng cô gái bằng ngà voi của mình.

            • Bay lên trời lần đầu tiên bằng đôi cánh do mình chế tạo v.v

          • Tập thơ Biến hình đã nêu ra được những hình tượng phong phú, sinh động biểu hiện trí tuệ và óc tưởng tượng tuyệt vời của tác giả. Chính vì vậy, ngay từ khi Ôviđiút còn sống, tác phẩm này đã rất nổi tiếng.

        • Thời kì thứ ba: năm 8 CN, theo mệnh lệnh của Ôctavianút, Ôviđiút bị đày đến vùng Hắc Hải. Nguyên nhân của việc đi đày này tới nay chưa rõ. Căn cứ theo một vài điều do Ôviđiút lộ ra có thể đoán rằng Ôviđiút có liên quan đến những chuyện tình với cháu gái của Ôctavianút. Cô này từ năm 7 CN đã bị trục xuất ra khỏi La Mã.

          • Trong cơn tuyệt vọng, Ôviđiút đã đốt bản thảo của tập Biến hình. Tuy vậy, nguyên tác của tập thơ này nhờ có các bản sao để truyền nhau lúc bấy giờ, nên tác phẩm vẫn được giữ lại.

          • Sau khi bị đi dày, bản thân ông, vợ con và bè bạn đều xin Ôctavianút ân xá cho ông nhưng không được, vì vậy ông phải ở chỗ lưu đày cho tới khi chết.

          • Trong thời kì này ông có viết hai tập thơ: Những bài thơ buồnThư về kinh. Tuy trong những tập thơ này cũng có những bài hay như: Đêm cuối cùng ở La Mã, Cảnh giống bão trên đường đi đày v.v... nhưng nói chung cảnh lưu đày đã làm tài năng của ông giảm sút nhiều. Mặc dù vậy Ôviđiút vẫn là nhà thơ có địa vị cao trong các thi nhân La Mã.

1.3 Kịch

Nghệ thuật kịch của Hi Lạp bắt nguồn từ các hình thức ca múa hóa trang trong các ngày lễ hội, nhất là lễ hội thần Rượu nho Điônixốt. Trong những ngày lễ hội này, người ta múa hát hóa trang, khoác da cừu, đeo mặt nạ diễn lại những sự tích trong thần thoại. Lúc đầu chỉ có những đội đồng ca hát những bài ca ngợi thần Rượu, sau thêm một diễn viên hát đế, như vậy bắt đầu có đối đáp. Cơ sở của kịch bắt đầu xuất hiện.

Sau khi hình thức kịch ra đời, người ta đã xây dựng những sân khấu ngoài trời rất lớn, ví dụ sân khấu ở Aten chứa được 17.000 người, sân khấu ở Mêgalôpôlit (ở trung tâm bán đảo Pêlôpônedơ) chứa được 44.000 người. Đồng thời chính quyền thường tổ chức những cuộc thi diễn kịch, có thời kì còn phát tiền cho công dân mua vé xem kịch, do đó nghệ thuật kịch càng phát triển.

  • Kịch Hi Lạp có hai loại: bi kịch và hài kịch. Những nhà soạn kịch tiêu biểu nhất là Etsin, Xôphôclơ và Ơripít.
    • Etsin (525-426 TCN) xuất thân trong một gia đình quý tộc, ông đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Ba Tư. Mặc dầu từ thế kỉ VI TCN, ở Aten đã trình diễn vở bi kịch đầu tiên, nhưng thông thường người ta cho rằng chính Etsin mới thật sự là người sáng lập bi kịch Hi Lạp.
      Etsin đã sáng tác 70 vở kịch nhưng chỉ có 5 vở truyền đến ngày nay. Hầu hết tác phẩm của ông đều lấy đề tài trong thần thoại Hi Lạp, nhưng chất liệu của tác phẩm lại là tình hình xã hội đương thời. Chủ đề tư tưởng của bi kịch Etsin là vấn đề số phận, đó là yếu tố chi phối không thể cưỡng được. Những vở kịch tiêu biểu của ông là Ôrextê, Prômêtê.

      Nội dung chủ yếu của vở Ôrextê là:

      Vua Agôt là Atơrớt phạm một tội lớn: y làm cho em mình là Tyextơ ăn thịt con mình đã nấu chín. Sở dĩ Atơrớt làm như vậy là vì Tyextơ dụ dỗ vợ của Atơrớt.

      Con của Atơrớt là Aganmennông có vợ là Clytaemnextơra lại có quan hệ ám muội với con của Tyextơ là Egixtơ. Khi Agamennông ở thành Tơroa quay về thì bị vợ giết chết để báo thù vì Agamennông giết chết con gái của thị là Iphigiênia. Nhưng Clytaemnextơra và tình nhân lại bị con trai mình là Ôrextê giết chết để báo thù cho cha.

      Sau đó, trong phần nữ Thần giáng phúc. Ôrextê bị đưa ra xét xử ở tòa án do nữ thần Atêna tổ chức. Kết quả Òrextê được trắng án.

      Vở kich Prômêtê gồm ba phần: Prômêtê trộm lửa, Prômêtê bị xiềng và Prômêtê được tha. Nay chỉ còn phần thứ hai nội dung như sau:

      Prômêtê lấy lửa của thần Dớt ban cho người trần, bị thần Dớt đóng đinh vào vách núi Côcadơ và bị thần thợ rèn Hêphaixtốt dùng búa sắt đánh vào ngực nhưng thần Prômêtê vẫn không khuất phục.

      Etsin không những là người sáng tác kịch bản đầu tiên, đồng thời cũng là đạo diễn và là người cải tiến đạo cụ như bố trí cảnh sân khấu, trang trí cách bay, làm tiếng sấm sét, dùng mặt nạ v.v... Do đó ông được mệnh danh là "người cha của kịch Hi Lạp".

    • Xôphôclơ (497-406 TCN) là người được mệnh danh là "Hôme của nghệ thuật kịch" vì tác phẩm của ông đã phản ánh thời đại hoàng kim của Hi Lạp - thời Pêriclét.
      Cũng như Etsin, các vở kịch của ông cũng thường xoay quanh quan niệm về số phận, nhưng ông kết hợp số phận với việc ca ngợi tài năng của con người. Tương truyền rằng, Xôphôclơ đã sáng tác 123 vở bi kịch, nhưng truyền lại ngày nay chỉ còn 7 vở. Ngoài ra còn có một vở kịch trào phúng.
      Trong số các vở kịch còn lại của Xôphôclơ, nổi tiếng nhất là vở Ơđíp làm vua. Vở kịch này dựa theo truyền thuyết về Ơđíp, con vua Laiút và hoàng hậu Giôcaxta ở Tépbơ:
      Nội dung như sau:
      Laiút được thần Đenphơ báo mộng cho biết sau này con trai của ông ta sẽ giết cha và lấy mẹ. Vì vậy khi Laiút và Giôcaxta sinh ra Ơđíp, Laiút bèn sai người dùi thủng bàn chân của đứa bé và đem vứt vào núi. Người chăn súc vật của vua Coranh thấy đứa bé tàn tật bèn thương hại đem về cho chủ. Vua Coranh giữ đứa bé lại trong cung nuôi nấng và nhận đứa bé làm con. Sau đó Ơđíp lại được thần Đenphơ báo cho biết số của chàng là giết cha rồi lấy mẹ. Sợ hãi trước số phận ấy, chàng bỏ nhà ra đi từ giã bố mẹ nuôi mà chàng tưởng là bố mẹ đẻ. Trên đường, chàng đụng phải một người lạ mặt, do đó cãi nhau và chàng nhỡ tay giết chết người đó. Người đó chính là Laiút, cha đẻ của chàng. Chàng đến Tépbơ và đã trả lời được mấy câu đố của con Xphanh, trừ được mối họa cho thành Tépbơ, do đó để cảm ơn chàng, nhân dân đã lập chàng lên làm vua. Thế là Ơđip trở thành chủ nhân của cung điện cha chàng và lấy hoàng hậu của vua trước tức là mẹ chàng. Sau 15 năm, Ơđíp đã có 4 con, chàng mới biết được sự thật đau lòng ấy, do đó mẹ Ơđíp tự sát, Ơđíp gục lên vai mẹ, lấy kim tự đâm vào mắt mình để khỏi thấy mọi người trên đời nữa. Sau đó ông già mù này lang thang phiêu bạt và bị lương tàm giày vò. Cuối cùng, ông cùng với cô con gái Angtigôn về sống trên núi Côlônốt ở ngoại ô Aten. 

      Như vậy chủ đề của kịch Xôphôclơ là con người không thể tránh được số phận nhưng con người trong kịch của ông là con người có trách nhiệm với sai lầm của mình. 

    • Ơripít (480-406 TCN) đã soạn 92 vở kịch, nay chỉ còn lại 18 vở bi kịch hoàn chỉnh và 1 vở hài kịch. Kịch của Ơripít cũng xoáy vào chủ đề số phận, nhưng số phận ở đây không đồng nhất với thế lực thần linh hoặc một thế lực trừu tượng tồn tại ở ngoài loài người như Etsin và Xôphôclơ mà là kết quả của sự thôi thúc tình cảm, sự đấu tranh giữa tình cảm cao thượng và thấp hèn. Chính vì thế, có thể nói Ơripít là người sáng tạo ra kịch tâm lí xã hội, là bậc tiền bối và là người thầy của Sếchxpia. Vở kịch tiêu biểu nhất của Ơripít là vỏ Mêđê.
      Nội dung như sau:
      Nàng Mêđê bị chồng ruồng bỏ để yêu một người con gái trẻ đẹp. Vì ghen, Mêđê thề phải giết chồng, người yêu của chồng và hai đứa con của mình với chồng để báo thù. Mêđê bị giày vò bởi những tỉnh cảm mâu thuẫn: một bên là lòng ghen tuông và sự thù ghét với tất cả những gì thuộc về người chồng phụ bạc, một bên là tình thương sâu sắc đối với con. Mêđê nói:
      ... Khi mà hai đứa con không còn nữa
      Mẹ sống cuộc đời cay đắng khổ đau
      Các con sẽ sang một thế giới khác, và còn đâu
      Đôi mắt đáng yêu để nhìn mẹ nữa!
      *
      Này con sen, ta không thể. Thôi đi ta không thể
      Ta bỏ hẳn âm mưu. Ta sẽ đem lũ trẻ đi xa
      Việc gì phải dùng sự bất hạnh của chúng để làm khổ bố chúng
      Vì như thế sẽ tăng gấp đôi sự bất hạnh của ta
      Ta quyết không! Hãy cút đi hỡi lòng tàn nhẫn.
      Nhưng ngay lúc đó, lòng căm giận vì cơn ghen lại nổi lên. Mêđê điên cuồng, muốn tự tay giết chết con mình:
      Chúng nó phải chết, nếu đã là tất yếu
      Thế thì ta, kẻ đã cho chúng cuộc đời
      Sẽ tự tay ta giết chết chúng.
      Tất cả đều do số phận khiến xui.
      *
      Ôi! Chúc các con được tốt lành
      Nhưng là ở thế giới bên kia.
      Cha các con đã cướp mất hạnh phúc của các con...

      Sự căm phẫn đã chi phối đầu óc tỉnh táo. Đó là cội nguồn sự bất hạnh lớn của người đời.

Trên đây là ba nhà soạn kịch tiêu biểu của Hi Lạp cổ đại, trong đó Ơripít là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với loại hình văn học này của thế giới.

Bên cạnh bi kịch là chủ yếu, ở Hi Lạp cổ đại còn có hài kịch.

  • Hài kịch tiếng Hi Lạp là Komoidia gồm hai chữ là Komos nghĩa là du hành cuồng hoan và oide nghĩa là hát. Như vậy komoidia nghĩa là vừa du hành vui nhộn vừa hát. Về sau, qua gia công, đã xuất hiện một loại văn học mới là hài kịch.

Đề tài của hài kịch thường là những chuyện lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày. Khi trình diễn thì cách dùng từ, đặt câu, chia màn, bối cảnh... đều tự do hơn bi kịch nhiều. Vì vậy phụ nữ và trẻ con không được xem hài kịch.

  • Nhà sáng tác hài kịch tiêu biểu của Hi Lạp cổ đại là Arixtôphan (450-388 TCN). Ông đã sáng tác 44 vở hài kịch, nay còn 11 vở, trong đó có các vở: Những kị sĩ, Đàn ong bò vẽ, Đàn chim, Đàn nhái.

Vở kịch Đàn nhái viết về cuộc tranh cãi giữa hai nhà viết kịch nổi tiếng là Etsin và Ơripít. Hai ông cãi nhau ồn ào làm cho thần Rượu Điônixốt phải kêu lên rằng: "Các nhà bi kịch cãi nhau như những người bán hàng, chẳng còn ra thể thống gì cả". Thái độ của Arixtôphan là đứng về phía Etsin bảo thủ và không đồng tình với phái cách tân Ơripít.

Ở La Mã, các nhà thơ Anđrônicút, Nơviút, Enniút, Plantút, Têrexiút cũng là những nhà soạn bi kịch và hài kịch. Năm 240 TCN, ở La Mã bắt đầu diễn kịch. Anđrônicút là người đầu tiên được giao nhiệm vụ chuẩn bị kịch bản cho các buổi biểu diễn ấy. Từ đó, các nhà soạn kịch La Mã thường dịch bi kịch và hài kịch Hi Lạp, đồng thời phỏng theo kịch Hi Lạp để soạn những vở kịch lịch sử của La Mã hoặc cải biến các vở kịch Hi Lạp thành các vở kịch La Mã.

2. Sử học

2.1 Sử học Hi Lạp

Trước kia người ta biết được lịch sử xa xưa của Hi Lạp chủ yếu nhờ truyền thuyết và sử thi. Đến thế kỉ V TCN, Hi Lạp mới chính thức có lịch sử thành văn.

Những nhà sử học nổi tiếng của Hi Lạp là Hêrôđốt, Tuxiđít, Xênôphôn.

  • Hêrôđốt (484-425 TCN) là nhà sử học đầu tiên của Hi Lạp, là người được gọi là "người cha của nền sử học phương Tây". Ông vốn là người ngoại kiều đến ngụ cư ở Aten. Để viết sử, ông đã đi du lịch nhiều nơi, sang tận Ai Cập, Babilon, Tiểu Á. Mục đích viết sử của ông là "để cho công lao của con người không bị phai nhạt trong kí ức của chúng ta".
    • Tác phẩm của Hêrôđốt gồm có 9 quyển, viết về lịch sử Hi Lạp và các nước phương Đông như Atxiri, Babilon, Ai Cập, nhưng trong đó quan trọng nhất là bộ "Lịch sử cuộc chiến tranh Hi Lạp - Ba Tư". Trong tác phẩm này ông đã chứng minh tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Ba Tư của Hi Lạp và hết sức ca ngợi những chiến công oanh liệt của người Hi Lạp ở Maratông, Técmôpin.
    • Tuy nhiên, tác phẩm của Hêrôđốt còn hạn chế ở chỗ là ông đã ghi chép tất cả những chuyện ông được nghe kể lại, thậm chí có khi còn tự tạo ra sự kiện lịch sử. Mặc dầu vậy, tác phẩm của ông vẫn đáng được trân trọng vì nó có nhiều tài liệu lịch sử quý giá, và bản thân ông vẫn xứng đáng với tư cách là người đặt nền móng cho nên sử học phương Tây.
  • Tuxiđít (460-395 TCN) cũng là một nhà sử học có vị trí quan trọng của Hi Lạp cổ đại. Năm 431 TCN, khi cuộc chiến tranh Pêlôpônedơ bùng nổ, ông là một nhà chỉ huy quân sự trong quân đội Aten. Vì vậy bản thân ông đã từng thấy thắng lợi cũng như thất bại của Aten. Bằng những điều mắt thấy tai nghe và bằng việc điều tra nghiên cứu nghiêm túc, ông đã viết tác phẩm Cuộc chiến tranh Pêlôpônedơ nhằm mục đích để cho đời sau "biết rõ ràng về quá khứ".
    • Nếu như Hêrôđốt là người đầu tiên đặt nền móng cho sử học phương Tây thì Tuxiđít là người đầu tiên ở phương Tây đã viết sử một cách nghiêm túc. Ông nói: "Tôi không đồng ý với nhiệm vụ của mình là ghi chép lại cái tôi biết khi bắt gặp lần đầu hay là cái mà tôi có thể giả thiết được, mà chỉ ghi chép những sự kiện mà chính tôi mục kích hay là cái mà tôi nghe ở người khác sau khi đã nghiên cứu chính xác đến một chừng mực nào đó từng sự kiện riêng biệt".
    • Ông còn chú ý phê phán, nhận định các sự kiện lịch sử và giải thích các sự kiện bằng bối cảnh của nó như điều kiện tự nhiên, điều kiện vật chất, chế độ xã hội... Đồng thời ông cho rằng tác phẩm lịch sử phải có tác dụng giáo dục. Ông nói: "Phải giương cao ngọn đuốc lịch sử lên để hướng dẫn loài người đang dò dẫm con đường đi".
    • Do phương pháp chép sử cẩn thận như vậy nên tác phẩm của ông có giá trị rất quý báu, đúng như ông nói, ông viết sử "không phải để mong được một tiếng khen nhất thời mà là để tạo thành một kho tài liệu muôn đời quý báu của loài người".
    • Dự định của Tuxiđít là viết toàn bộ cuộc chiến tranh Pêlôpônedơ, nhưng ông chỉ viết đến năm 411 TCN tức là năm 20 của cuộc chiến tranh thì cái chết của ông đã làm tác phẩm bị bỏ dở.
  • Xênôphôn (430-359 TCN) xuất thân từ một gia đình giàu có ở Aten. Trong số các tác phẩm của ông, quyển "Lịch sử Hi Lạp" là quan trọng nhất. Để viết tiếp lịch sử Hi Lạp mà Tuxiđít đang bỏ dở, Xênôphôn đã ghi thêm những sự kiện xảy ra từ năm 411-362 TCN, tuy mong muốn kế tục sự nghiệp của Tuxiđít nhưng về phương pháp khảo cứu cũng như về bút pháp, Xênôphôn kém xa Tuxiđít.
    • Ngoài lịch sử Hi Lạp, Xênôphôn còn có một số tác phẩm khác như Nền chính trị của Xpác, Hồi ức về Xôcrát, v.v... Tuy tác phẩm của Xênôphôn có nhiều hạn chế nhưng trong đó đã ghi lại những tư liệu quý giá.

2.2 Sử học La Mã

Từ khoảng giữa thế kỉ V TCN, ở La Mã đã có những tài liệu tương tự như lịch sử biên niên gọi là Niên đại kí (Annales), nhưng nền sử học thật sự của La Mã đến cuối thế kỉ III TCN mới xuất hiện, và người được coi là nhà sử học đầu tiên của La Mã cũng là nhà soạn kịch Nơviút. Ông đã tham gia cuộc chiến tranh Puních lần thứ nhát, nhờ đó ông đã viết tập sử thi Cuộc chiến tranh Puních, nhưng tác phẩm này chỉ còn lại một số đoạn.

  • Người đầu tiên viết lịch sử La Mã bằng văn xuôi là Phabiút (sinh năm 254 TCN). Ông viết lịch sử La Mã từ thời thần thoại cho đến thời kì của ông. Ngôn ngữ ông sử dụng trong tác phẩm này là tiếng Hi Lạp, điều đó chứng tỏ rằng lúc bấy giờ văn xuôi La Mã chưa xuất hiện.
  • Người đầu tiên dùng văn xuôi Latinh để viết sử là Catông (234-149 TCN). Tác phẩm của ông nhan đề là Nguồn gốc, gồm 7 chương, trong đó 3 chương đầu ghi chép các truyền thuyết của Hi Lạp và các địa phương khác nói về La Mã. Các chương tiếp theo viết lịch sử La Mã cho tới thời kì của ông. Phương pháp viết sử của ông là không theo niên đại mà trình bày theo vấn đề. Vì vậy có thể coi ông là nhà sử học thực sự đầu tiên của La Mã. Tác phẩm của ông nay chỉ còn một số đoạn.

Từ Catông về sau, La Mã có nhiều nhà sử học xuất sắc, Pôlibiút, Titút Liviút, Taxitút, Plutác.

  • Pôlibiút (205-125 TCN) là người Hi Lạp, bị đưa sang La Mã làm con tin. Tác phẩm của ông là bộ Thông sử gồm 40 quyển viết về lịch sử Hi Lạp, La Mã và các nước phía Đông Địa Trung Hải từ năm 264-146 TCN. Trong tác phẩm của mình, ông có ý thức chú ý đến tác dụng giáo dục của sử học đối với cuộc sống. Ông nói: "Sử học là một thứ triết học lấy sự việc thật để dạy người đời". Ngày nay tác phẩm của Pôlibiút không còn giữ lại được đầy đủ.
  • Titút Liviút (59 TCN - 17 CN) là nhà sử học xuất sắc của La Mã trong thời kì trị vì của Ôctavianút. Tác phẩm sử học lớn nhất của ông là "Lịch sử La Mã từ khi xây thành tới nay". Sách này gồm 142 chương, trình bày lịch sử La Mã từ đầu đến năm 9 TCN
    • Đặc điểm của phương pháp sử học của Liviút là:
      • Nêu cao chủ nghĩa yêu nước trong việc viết sử, đề cao quá khứ vinh quang của La Mã, ca ngợi sự anh dũng của nhân dân La Mã.
      • Chú ý đến tác dụng giáo dục của sử học: nhấn mạnh các phong tục tốt đẹp ngày xưa, đem những tập quán tốt đẹp ấy so sánh với hiện tượng đồi phong bại tục lúc bấy giờ.
    • Tác phẩm của Liviút nay chỉ còn lại 35 chương, trong đó có giá trị lớn là 10 chương đầu, vì nhờ phần này mà đời sau biết được lịch sử liên tục của La Mã.
  • Taxitút sống vào cuối thế kỉ I đầu thế kỉ II. Tác phẩm của ông là Lịch sử biên niên viết về lịch sử thời kì đầu của đế quốc La Mã. Trong tác phẩm này, tác giả đã vạch trần sự thối nát của chính thể chuyên chế ở La Mã.
  • Plutác, người Hi Lạp, sống cùng thời với Taxitút. Tác phẩm quan trọng của ông là Tiểu sử so sánh, trong đó ông đã so sánh từng đôi một các danh nhân Hi Lạp và La Mã.
    • Phương pháp sử học của ông là làm cho độc giả có thể tìm thấy những chỗ đáng học tập và những chỗ đáng tránh trong các truyện kí của ông. Khi đánh giá con người ông cho rằng không phải dựa vào địa vị xã hội mà phải dựa vào phấm chất và hành động của họ. Chính vì vậy, trong tác phẩm của mình ông đề cao Xpactacút, thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa của nô lệ ở La Mã.
    • Tác phẩm của Plutác viết theo thể truyện kí vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học.

Những thành tựu nói trên của sử học Hi Lạp và La Mã đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền sử học thế giới.

3. Nghệ thuật

Nghệ thuật Hi Lạp và La Mã bao gồm ba mặt chủ yếu là kiến trúc, điêu khắc, hội họa.

Lúc đầu vào khoảng thế kỉ VIII, VII TCN, người Hi Lạp cũng học tập nghệ thuật cổ của người Ai Cập và của người Crét. Nhưng đến thế kỉ V, IV TCN, do những điều kiện về kinh tế xã hội chi phối, nghệ thuật Hi Lạp đã khắc phục được tính chất tượng trưng chủ nghĩa, công thức, vươn tới chủ nghĩa hiện thực và đã đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ.

3.1 Kiến trúc

  • Trong các thành bang Hi Lạp, Aten là nơi có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu: đền miếu, rạp hát, sân vận động...

Trong các công trình ấy tiêu biểu nhất, đẹp nhất là đền Páctênông xây dựng vào thời Pêriclét (thế kỉ VI CN). Ngôi đền này xây băng đá trắng, xung quanh có hành lang với 46 cột tròn trang trí rất đẹp. Trên có bức tường dài 276 m có những bức phù điêu dựa theo các đề tài thần thoại và sinh hoạt xã hội của Aten lúc bấy giờ. Trong đền có tượng nữ thần Atêna, vị thần phù hộ của Aten. 

Đền Páctênông được xây dựng dưới sự chỉ đạo kĩ thuật của kiến trúc sư Ichtinút và nhà điêu khắc Phiđiát. Trước thế kỉ thứ XVII, ngôi đền này còn được bảo toàn tương đối hoàn chinh, nhưng đến cuối thế kỉ XVII, trong thời chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kì và Vênêxia, ngôi đền này bị cướp đi rất nhiều hiện vật. Những công trình điêu khắc còn lại bị Engin (người Anh) nhặt nhạnh đưa về để ở viện Bảo tàng Đại Britên ở Luân Đôn.

  • Ngoài Aten, ở các nơi khác cũng có những công trình kiến trúc đẹp như đền thần Dớt ở Ôlempi, các đền thờ ở một số thành phố Hi Lạp trên đảo Xixin.
  • Thành tựu về kiến trúc của La Mã lại càng rực rỡ. Về mặt này, người La Mã đã có rất nhiều sáng tạo. Các công trình kiến trúc của La Mã bao gồm tường thành, đền miếu, cung điện, rạp hát, khải hoàn môn, cột kỉ niệm, cầu đường, ống dẫn nước... Những công trình này từ thời Cộng hòa đã có, nhưng đặc biệt phát triển từ thời Ôctavianút. Chính Ôctavianút đã tự hào nói rằng ông đã biến La Mã bằng gạch thành La Mã bằng đá cẩm thạch.
  • Trong số các công trình kiến trúc ở La Mã nổi tiếng nhất là đền Păngtênông, rạp hát, các khải hoàn môn.
    • Đền Păngtênông bắt đầu xây dựng từ thời Ôgút. Đền xây hình tròn, mái tròn, hết sức mĩ quan và hùng vĩ.
    • Nhà hát hình tròn, xây xong năm 80, chu vi khoảng 400 m, chứa được 50.000 người. Phía ngoài nhà hát có 3 tầng, mỗi tầng có 80 cột kiểu Hi Lạp, giữa hai cột có vòm tròn.
    • Khi nhà hát này xây xong, ở đây đã tổ chức "Lề hội 100 ngày". Năm 106, ở đây còn tổ chức lễ hội kéo dài 123 ngày. Trong những lễ hội này thường có các trò đua xe, đâu thú, người đâu với thú, hải chiến (nhà hát được dẫn nước vào thành hồ).
    • Các khải hoàn môn do các hoàng đế La Mã xây để ăn mừng chiến thắng, cũng xây theo kiểu cửa vòm. Để đời sau nhớ mãi công trạng của mình, hoàng đếTôragian (92-117) đã xây một cột trụ cao 27 m. Trên trụ có bức phù điêu dài đến 200 m, trên đó phần ánh cuộc chiến tranh chinh phục người Đaxi ở Đông Âu.

​3.2 Điêu khắc

Nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp đến thế kỉ V TCN có nhiều kiệt tác gắn liền với tên tuổi những nghệ sĩ tài năng như Mirông, Phiđiát, Pôliclét.

  • Mirông chuyên mô tả người đang vận động mà tác phẩm thành công nhất là lực sĩ ném đĩa sắt.
  • Phiđiát không những là nhà điêu khấc mà còn là một kiến trúc sư, một nhà đúc tượng và một nhà trang trí. Chính ông đã chỉ dạo việc trang hoàng mĩ thuật ở Aten. Đặc biệt ông nổi tiếng thế giới nhờ các pho tượng nữ thần Atêna - như tượng đồng Atêna, tượng Atêna đồng trinh đặt trong đền Păngtênông. Pho tượng này tạc bằng gỗ khảm vàng và ngà voi, cao 12 m, tay phải cầm tượng thần thắng lợi, tay trái chông vào cái thuẫn.
    Ngoài ra, Phiđiát còn có các tượng "Người chỉ huy chiến đấu" đặt ở quảng trường Aten, tượng thần Dớt khảm vàng và ngà ở đền Ôlempi.
    Tất cả những tác phẩm trên nay không còn nữa, chỉ dựa vào tài liệu ghi chép và sự bắt chước của người đời sau mà biết.
  • Pôliclét sổng đồng thời với Phiđiát. Tài năng của ông thể hiện ở chỗ mô tả rất tinh vi và chính xác cơ thể con người, những tác phẩm nổi tiếng của ông là: "Người cầm dáo", "Nữ chiến sĩ Amadông bị thương", đặc biệt là tượng thần Hêra khảm vàng và ngà.

Nghệ thuật điêu khắc La Mã cùng một phong cách với nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp. Chủ yếu thể hiện ở hai mặt: tượng và phù điêu.

Để làm đẹp đường phố, quảng trường, đền miếu, La Mã đã tạo rất nhiều tượng. Tượng của Ôgút được dựng ở khắp nơi.

Các bức phù điêu thường khắc trên các cột trụ kỉ niệm chiến thắng của các hoàng đế và trên vòm các khải hoàn môn. Nội dung các bức phù điêu thường mô tả những sự tích lịch sử, ví dụ trên vòm khải hoàn môn của hoàng đế Titút (79-81) khắc cảnh đoàn quân thắng trận trở về, các binh lính mang theo chiến lợi phẩm lấy dược trong đền miếu ở Giêrudalem. Trên các cột trụ của Tơragian có những hình vẽ mô tả cuộc chiến tranh với người Đaxi.

3.3 Hội họa

Nghệ thuật hội họa của Hi Lạp và La Mã rất đẹp, nhưng tiếc rằng các tác phẩm về lĩnh vực này truyền lại đến ngày nay rất ít. Những họa sĩ tiêu biểu của Hi Lạp cổ đại là Pôlinhốt (Polygnote), Apôlôđo (Apollodore). Tác phẩm của Pôlinhốt còn lại đến ngày nay chỉ là một số hình trang trí trên đồ gốm mà thôi. Tuy vậy, đó là những mẫu mực mà người đời sau thường bắt chước. Còn Apôlôđo thì tương truyền chính ông là người đã sáng tác ra luật sáng tối và viễn cận trong hội họa.

Các tác phẩm hội họa của La Mã cổ đại còn được giữ lại chủ yếu là các bích họa, trên đó vẽ phong cảnh, các công trình kiến trúc, đồ trang sức, tĩnh vật... Còn chân dung người tuy cũng có nhưng rất ít. Đặc biệt ở vùng sa mạc Arập đã giữ lại được mấy bức chân dung vẽ bằng màu trên gỗ rất đẹp. Đó là hình của người chết dùng để đặt lên mặt của xác ướp.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON