YOMEDIA

Đề cương ôn thi hết học phần môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có đáp án - ĐH Khoa Học Huế

Tải về
 
NONE

Với mong muốn giúp các bạn sinh viên đạt kết quả cao trong kì thi hết học phần, HOC247.Net đã sưu tầm và chọn lọc gửi đến các bạn Đề cương ôn thi hết học phần môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có đáp án - ĐH Khoa Học Huế. Hy vọng với tài liệu này sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn trong quá trình ôn tập nâng cao kiến thức trước khi bước vào kì thi của mình.

ADSENSE
YOMEDIA

ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HẾT HỌC PHẦN MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC HUẾ

 

Câu 1: Trình bày quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư tưởng Hồ Chí Minh và nêu định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh

a) Khái niệm tư tưởng

  • Khái niệm tư tưởng
    • Hiểu theo nghĩa phổ thông, tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là biểu hiện quan hệ của con người với thế giới xung quanh (thông thường người ta cũng quan niệm tư tưởng là suy nghĩ hoặc ý nghĩ).
    • Khái niệm “tư tưởng” trong “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không phải dùng với nghĩa tinh thần - tư tưởng, ý thức tư tưởng của một cá nhân, một cộng đồng, mà với nghĩa là một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm được xây dựng trên một nền tảng thế giới quan và phương pháp luận (nền tảng triết học) nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của một giai cấp, một dân tộc, được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực.
    • Khái niệm “tư tưởng” thường liên quan trực tiếp đến khái niệm “nhà tư tưởng”.
  • Theo từ điển tiếng Việt, “nhà tư tưởng” là những người có những tư tưởng triết học sâu sắc.
  • Lênin cũng đã lưu ý rằng: Một người xứng đáng là nhà tư tưởng khi nào biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát.
  • Như vậy, nhà tư tưởng là người có tư tưởng (hiểu theo nghĩa khoa học) và tư tưởng của họ được thể hiện bằng tác phẩm, cùng với hoạt động thực tiễn của họ phải gây được ảnh hưởng đối với một bộ phận dân cư nhất định.
  • Với hai khái niệm trên chúng ta có thể khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng thực thụ và tư tưởng của Người có vị trí, vai trò và tầm quan trọng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

b) Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh

  • Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời từ rất sớm (1919 với tác phẩm “Yêu sách của nhân dân An Nam”, 1927 với tác phẩm “Đường Kách mệnh”, 1930 với “Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam”), nhưng vì bối cảnh quốc tế và trong nước chưa thuận lợi mà môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được triển khai.
  • Ở Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh được định nghĩa tại Đại hội VII và được hoàn chỉnh thêm ở Đại hội IX. Kể từ 1991, thời điểm chín muồi về bối cảnh quốc tế và trong nước, môn Tư tưởng Hồ Chí Minh mới được triển khai nghiên cứu, học tập ở Việt Nam.
  • Định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta chỉ rõ:
    • Bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống lý luận phản ánh những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam.
    • Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những vấn đề có liên quan đến quá trình phát triển từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. 
    • Chỉ ra nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh: đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống dân tộc, trí tuệ thời đại.
    • Mục tiêu của tư tưởng Hồ Chí Minh là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
  • Từ đó (1991) cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về tư tưởng Hồ Chí Minh ở các góc độ của mỗi khoa học cụ thể. Tuy nhiên, từ định hướng của Đại hội IX, ở góc độ khoa học lý luận thì định nghĩa sau đây của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh được in trong Giáo trình “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, dùng trong các trường Cao đẳng và Đại học, năm 2003 (dù đang vận động), năm 2009, 2010 được coi là khá hoàn thiện nhất cho đến ngày nay:

 “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một  hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng XHCN; là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển CNMLN vào điều kiện cụ thể của nước ta; đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người”. 

  • Dù định nghĩa theo cách nào, thì tư tưởng Hồ Chí Minh đều được nhìn nhận với tư cách là một hệ thống lý luận. Hiện đang tồn tại hai phương thức tiếp cận hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh:
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống tri thức tổng hợp gồm: tư tưởng triết học, tư tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự, tư tưởng đạo đức-văn hóa-nhân văn.
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm về cách mạng Việt Nam: tư tưởng về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam; về Đảng Cộng sản Việt Nam; về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về dân chủ và Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về văn hóa và đạo đức...
  • Giáo trình này (GTTTHCM dùng trong các trường CĐ và ĐH xuất bản năm 2009, 2010) tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh theo phương thức thứ 2, nhằm giới thiệu với người học những nội dung sau:
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc.
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam.
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, đạo đức và xây dựng con người mới.
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta vượt qua muôn trùng khó khăn để đi đến những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử vĩ đại và có tính thời đại sâu sắc.
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận, có cấu trúc lôgic chặt chẽ và có hạt nhân cốt lõi, đó là tư tưởng về độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
  • Không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới, nhiều chính khách, nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận và khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, một nhà lý luận cách mạng độc đáo.

Câu  2: Tại sao nói đến năm 1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản

Thời kỳ 1921 – 1930: là thời kỳ hình thành tư tưởng cơ bản về cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh. Thời kỳ này Hồ Chí Minh có những hoạt động rất tích cực và đầy hiệu quả cả trên bình diện thực tiễn và lý luận.

  • 1921-1923: Nguyễn Ái Quốc hoạt động với cương vị Trưởng tiểu ban Đông Dương trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp; tham dự Đại hội I, II của đảng này, phê bình Đảng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa; Thành lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, mục đích của báo là đấu tranh “giải phóng con người”. Tư tưởng về giải phóng con người xuất hiện từ rất sớm và sâu sắc ở Nguyễn Ái Quốc.
  • 1923-1924: Người sang Liên Xô tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân, tận mắt chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của nhân dân Liên Xô. Năm 1924, Người tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản và các Đại hội Quốc tế thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ. Thời gian ở Liên Xô tuy ngắn nhưng những thành tựu về kinh tế-xã hội trên đất nước này đã để lại trong Người những ấn tượng sâu sắc.
  • Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu thực hiện một số nhiệm vụ do Đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân giao phó.
  • Khoảng giữa 1925, Người sáng lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, ra báo Thanh niên, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Năm 1925, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được xuất bản tại Pa-ri. Năm 1927, Bác xuất bản tác phẩm “Đường Kách Mệnh”.
  • Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người trực tiếp thảo văn kiện “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” và “Chương trình vắn tắt” của Đảng.

 Những tác phẩm lý luận chủ yếu của Người thời kỳ này như Báo cáo Trung kỳ, Nam kỳ và Bắc kỳ; Bản án chế độ thực dân Pháp; Đường Kách mệnh; Cương lĩnh đầu tiên của Đảng;… cho thấy những luận điểm về cách mạng Việt Nam được hình thành cơ bản. Có thể tóm tắt nội dung chính của những quan điểm lớn, độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam như sau:

  • Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
  • Cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có quan hệ mật thiết với nhau. Phải đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế.
  • Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mạng”, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do.
  • Giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng; phải tập hợp lực lượng dân tộc thành một sức mạnh to lớn chống đế quốc và tay sai. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải đoàn kết dân tộc, phải  tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, bằng hình thức và khẩu hiệu thích hợp.
  • Cách mạng trước hết phải có đảng lãnh đạo, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Đảng có vững cách mạng mới thành công…

Những quan điểm, tư tưởng cách mạng trên đây của Hồ Chí Minh  trong những năm 20 của thế kỷ XX được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu mác-xít khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo một xung lực mới, một chất men kích thích, thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của thời đại. Nội dung cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với CNXH được Hồ Chí Minh xác định trong “Đường Kách mệnh” và “Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng” đã quy định sự vận động, phát triển của dân tộc Việt Nam từ 1930 đến nay và mãi về sau này. Chính vậy mà khẳng định đến 1930 tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được hình thành về cơ bản.

Câu 3: Phân tích vai trò của chủ nghĩa Mác–Lênin đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

  • Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp, quyết định bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tư tưởng của Người góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác-Lênin ở thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, tự do.

Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta… là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội…”.

Sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Hồ Chí Minh nổi lên một số điểm đáng chú ý:

  • Một là, khi ra đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã có một vốn học vấn chắc chắn, một năng lực trí tuệ sắc sảo, Người đã phân tích, tổng kết các phong trào yêu nước Việt Nam chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; Người tự hoàn thiện vốn văn hoá, vốn chính trị, vốn sống thực tiễn phong phú, nhờ đó Bác đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin như một lẽ tự nhiên “tất yếu khách quan và hợp với quy luật”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là bộ phận văn hoá đặc sắc nhất của nhân loại: tinh tuý nhất, cách mạng nhất, triệt để nhất và khoa học nhất
  • Hai là, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là tìm con đường giải phóng cho dân tộc, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn Việt Nam chứ không phải từ nhu cầu tư duy. Người hồi tưởng lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa Lênin, “khi ấy ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng: hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.
  • Ba là, Người vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương pháp mác-xít và theo tinh thần phương Đông, không sách vở, không kinh viện, không tìm kết luận có sẵn mà tự tìm ra giải pháp riêng, cụ thể cho cách mạng Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ:

  • Quyết định bản chất thế giới quan khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
  • Quyết định phương pháp hành động biện chứng của Hồ Chí Minh.
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, là tư tưởng Việt Nam thời hiện đại. Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho “CNXH đặc sắc Việt Nam”.

Câu 4: Trình bày nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh

a) Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa

Tư tưởng Hồ Chí Minh không đề cập đến các vấn đề dân tộc nói chung mà là vấn đề dân tộc thuộc địa. Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là:

  • Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc.
    • Hồ Chí Minh giành sự quan tâm đến đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, xoá bỏ ách thống trị, áp bức, bóc lột của nước ngoài; giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập Nhà nước dân tộc độc lập.
    • Nếu Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống CNTB, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống CNĐQ, thì Hồ Chí Minh tập trung bàn về cuộc đấu tranh chống CN Thực dân. Mác và Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước TBCN, thì Hồ Chí Minh bàn nhiều về đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
  • Lựa chọn con đường phát triển của dân tộc.
    • Từ thực tiễn của phong trào cứu nước của dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong bối cảnh mới của thời đại là CNXH.
    • Hoạch định con đường phát triển của dân tộc thuộc địa là một việc làm hết sức mới mẻ: từ nước thuộc địa lên CNXCH phải trải qua nhiều giai đoạn chiến lược khác nhau.
    • Con đường đó, như trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người viết: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Thực chất là con đường ĐLDT gắn liền với CNXH.
    • Con đường đó phù hợp với hoàn cảnh của các nước thuộc địa, nó hoàn toàn khác biệt với các nước đã phát triển đi lên CNXH ở phương Tây. Đây là nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

b) Độc lập dân tộc - nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa

  • Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề độc lập dân tộc từ quyền con người.
  • Trên con đường tiếp cận chân lý cứu nước, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu và tiếp nhận những nhân tố có giá trị trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ quyền con người ấy, Người đã khái quát nên chân lý về quyền cơ bản của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Nội dung của độc lập dân tộc

  • Là người dân mất nước, nhiều lần được chứng kiến tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân đối với đồng bào mình và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, Hồ Chí Minh thấy rõ một dân tộc không có quyền bình đẳng chủ yếu là do dân tộc đó mất độc lập. Vì vậy, theo Người, các dân tộc thuộc địa muốn có quyền bình đẳng thực sự phải tự đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn cho dân tộc mình.
  • Nền độc lập hoàn toàn, độc lập thật sự của một dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải được thể hiện đầy đủ ở những nội dung cơ bản sau đây:
    • Độc lập tự do là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô cùng quý giá và bất khả xâm phạm của dân tộc. Độc lập của Tổ Quốc, tự do của nhân dân là thiêng liêng nhất. Người đã từng khẳng định: Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập.
    • Trong Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Vec-xay năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đòi quyền bình đẳng về pháp lý cho dân tộc và quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
    • Nội dung cốt lõi trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 là: độc lập, tự do cho dân tộc tạo tiền đề xây dựng CNXH ở Việt Nam.
    • Trực tiếp chủ trì Hội nghị TW 8 (5/1941), Người viết thư Kính cáo đồng bào và chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết thảy”.
    • Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”.
    • Trong  “Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Người long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy”. v.v.
    • Độc lập dân tộc phải gắn liền với sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
    • Trong các thư và điện văn gửi tới Liên hợp quốc và Chính phủ các nước vào thời gian sau CMT8, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và chủ quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.
    • Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền được thể hiện rõ: “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Và khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hồ Chí Minh đã đưa ra một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
    • Chính bằng tinh thần, nghị lực này cả dân tộc ta đứng dậy đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Và chính phủ Mỹ phải cam kết: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
    • Dân tộc độc lập trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia do dân tộc đó tự quyết định. Người khẳng định: Nước Việt Nam là của người Việt Nam, do dân tộc Việt Nam quyết định, nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đòi quyền bình đẳng, tự do cho dân tộc Việt Nam:

  •  Một là, đòi quyền bình đẳng về chế độ pháp lý cho người bản xứ Đông Dương như đối với châu Âu, xoá bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh, thay thế bằng chế độ đạo luật.
  •  Hai là, đòi quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, tự do cư trú...
  • Bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc rút ra bài học: Muốn bình đẳng thực sự phải đấu tranh giành độc lập dân tộc - làm cách mạng, muốn giải phóng dân tộc chỉ có thể trông cậy vào chính mình, vào lực lượng của bản thân mình.
  • Trong nền độc lập đó, mọi người dân đều ấm no, tự do, hạnh phúc, nếu không độc lập chẳng có nghĩa gì. Nghĩa là độc lập dân tộc phải gắn liền với hạnh phúc, cơm no, áo ấm của nhân dân.
  • Suốt đời Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” 
  • Người nói: “Chúng ta đã hy sinh, đã giành được độc lập, dân chỉ thấy giá trị của độc lập khi ăn đủ no, mặc đủ ấm”. Tư tưởng này thể hiện tính nhân văn cao cả và triệt để cách mạng của Hồ Chí Minh.

Tóm lại, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam, đồng thời là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chủ nghĩa dân tộc chân chính - một động lực lớn của đất nước

  • Cùng với sự kết án chủ nghĩa thực dân và cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng dậy đấu tranh, Hồ Chí Minh khẳng định: Đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. Vì thế, “người ta sẽ không làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Người kiến nghị về cương lĩnh hành động của QTCS là: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”.
  • Sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa yêu nước chân chính của các dân tộc thuộc địa. Đó là sức mạnh chiến đấu và thắng lợi trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào.
  • Xuất phát từ sự phân tích quan hệ giai cấp trong xã hội thuộc địa, từ truyền thống dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính (có cơ sở nền tảng là CNQTVSTS, có nội dung cốt lõi là CNYNTTVN). Muốn cách mạng thành công thì người cộng sản phải biết nắm lấy và phát huy.


{-- Xem đầy đủ nội dung tại Xem online hoặc Tải về--}

Trên đây là trích dẫn một phần Đề cương ôn thi hết học phần môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có đáp án - ĐH Khoa Học Huế, để xem đầy đủ nội dung đề thi và đáp án chi tiết các em vui lòng đăng nhập website hoc247.net chọn Xem online hoặc Tải về máy tính. Chúc các em học tốt và thực hành hiệu quả!

 

NONE

Tư liệu nổi bật tuần


ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF