Thời tự chủ của quốc gia Đại Việt kéo dài suốt gần một thiên niên kỉ, từ năm 938 cho đến năm 1858. Giai đoạn này có nhiều biến đổi tự thân trong nội bộ quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng lại là thời kì có biến đổi nhiều từ ngoại cảnh.
-
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Đại Việt bước vào thời kì xây dựng quốc gia độc lập. Mở đầu là nhà Ngô, năm 939, Ngô Quyền không xưng là Tiết độ sứ nữa mà xưng là Ngô Vương và định đô ở Cổ Loa.
-
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn tan 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, đặt kinh đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xây dựng quốc gia, củng cố chính quyền.
-
Năm 981, Lê Hoàn kế thừa quốc gia của nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê.
-
Năm 1010, nhà Lý lên ngôi, dời đô về Đại La, đổi tên thành này là thành Thăng Long
-
Năm 1054, đổi tên nước là Đại Việt. Năm 1226, nhà Trần thay nhà Lý.
-
Năm 1400, nhà Hồ thay thế nhà Trần để rồi đất nước Đại Việt rơi vào tay quân xâm lược nhà Minh.
-
Năm 1428, sau một thời gian dài kháng chiến, Lê Lợi giành lại độc lập cho đất nước, lên ngôi vua, lập ra nhà Lê.
-
Năm 1527, nhà Mạc giành ngôi của nhà Lê, sau đó là thời kì Nam Bắc triều và xung đột Lê–Mạc.
-
Từ năm 1570 đến năm 1786, Đàng Trong và Đàng Ngoài xung đột, giữa một bên là nhà Lê – Trịnh và một bên là chúa Nguyễn.
-
Năm 1771, anh em Tây Sơn khởi nghĩa, lập lại nền thống nhất đất nước vào năm 1786.
-
Năm 1802, nhà Nguyễn thắng thế, đặt nền cai trị của mình trên toàn bộ đất nước
-
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam.
Như vậy, diễn trình lịch sử của Việt Nam từ năm 938 đến năm 1858 diễn ra với những đặc điểm sau:
- Các vương triều liên tục thay thế nhau xây dựng một quốc gia tự chủ. Sự thay thế các vương triều không làm đứt đoạn lịch sử mà vẫn khiến cho lịch sử là một dòng chảy liên tục.
- Đất nước được mở rộng dần về phương Nam, đến giữa thế kỉ XVIII, việc khai phá miền Nam Bộ đã cơ bản hoàn thành. Sau năm 1786 và năm 1802, đất nước Việt Nam đã có một lãnh thổ thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Mặt khác, thời kì này cũng có khá nhiều biến đổi từ ngoại cảnh, chủ yếu là các cuộc xâm lược liên tiếp của phong kiến phương Bắc và những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của cư dân Việt.
Như thế, liên tục chống xâm lược là một nét đặc biệt của lịch sử Việt Nam thời tự chủ. Người dân cũng như các vương triều đều phải tiến hành cuộc chiến đấu tự bảo vệ mình và cộng đồng. Đó là thời kì lịch sử biến động dữ dội, đầy bão táp. Bọn xâm lược, dù được màu áo của vương triều nào, dù đến từ chân trời nào đều có chung một ý tưởng: hủy hoại nền văn hóa của cộng đồng cư dân bị chúng xâm lược. Thế nhưng, người dân Việt mỗi lần bị xâm lăng là một lần trỗi dậy, chứng tỏ lòng yêu nước bất khuất của mình. Văn hóa Việt lại trỗi dậy, vươn lên, đạt đến những đỉnh cao. Do đó, khi nhìn nhận văn hóa Việt Nam thời tự chủ, các nhà nghiên cứu thường khẳng định rằng có ba lần phục hưng văn hóa dân tộc:
- Lần thứ nhất vào thời Lý–Trần. Sự phục hưng này diễn ra sau khi đất nước được giải phóng khỏi ách Bắc thuộc.
- Lần thứ hai vào thế kỉ XV, sau khi giặc ngoại xâm bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, thì văn hóa dân tộc bước vào thời kì phục hưng từ đời Lê Thái Tổ đến đời Lê Thánh Tông.
- Lần thứ ba vào cuối thế kỉ XVIII, một lần nữa văn hóa dân tộc lại có sự phục hưng mãnh liệt. Mỗi lần phục hưng văn hóa dân tộc như thế, văn hóa Việt Nam lại có những thay đổi cả về lượng lẫn về chất, mà chúng ta chỉ có thể nhìn rõ khi xem xét từng giai đoạn văn hóa.