YOMEDIA

Tổng ôn lý thuyết Tập tính của động vật Sinh học 11

Tải về
 
NONE

Tổng ôn lý thuyết Tập tính của động vật Sinh học 11 là tài liệu được HỌC247 tổng hợp và biên soạn dựa trên các kiến thức ôn tập. Nội dung tài liệu bao gồm lý thuyết cần nhớ và những câu hỏi cơ bản và nâng cao, hỗ trợ các em lớp 11 trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới.

ATNETWORK

1. Lý thuyết

   * Khái niệm :

   Tập tính là chuỗi phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường (bên trong hoặc bên ngoài cơ thể), nhờ đó mà động vật thích nghi với môi trường sống và tồn tại.

   * Phân loại :

   Dựa vào nguồn gốc, tập tính được phân chia thành hai loại : tập tính bẩm sinh và tập tính học được.

   + Tập tính bẩm sinh là loại tập tính sinh ra đã có, được di truyền từ bố mẹ và đặc trưng cho loài.

   + Tập tính học được là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua hoạt động và rút kinh nghiệm.

   * Cơ sở thần kinh của tập tính :

   Cơ sở thần kinh của tập tính là phản xạ. Bản chất của tập tính bẩm sinh là một chuỗi các phản xạ không điều kiện mà trình tự của chúng trong hệ thần kinh đã được gen quyy định sẵn từ khi sinh ra. Bản chất của tập tính học được là một chuỗi các phản xạ có điều kiện được hình thành trong đời sống cá thể.

   * Các hình thức học tập chủ yếu của động vật :

   Các hình thức học tập chủ yếu của động vật bao gồm :

   + Quen nhờn (đơn giản nhất)

   + In vết

   + Điều kiện hoá

   + Học ngầm

   + Học khôn (chỉ có ở động vật Linh trưởng)

   * Các dạng tập tính phổ biến ở động vật :

   Các dạng tập tính phổ biến ở động vật bao gồm :

   + Tập tính kiếm ăn

   + Tập tính bảo vệ lãnh thổ

   + Tập tính sinh sản

   + Tập tính di cư

   + Tập tính xã hội

   * Ứng dụng :

   Con người thường ứng dụng những hiểu biết về tập tính trong nuôi dạy thú làm xiếc, dạy chim ưng và chó đi săn, dạy chó đánh hơi phát hiện ra ma tuý, tội phạm, …

2. Bài tập vận dụng

Câu 1: Tại sao người và động vật có vú lại có thể hình thành nên rất nhiều tập tính học được ?

Hướng dẫn giải:

    Sự phát triển vượt bậc trong tổ chức thần kinh (đặc biệt là não bộ) của người và động vật có vú đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và rút kinh nghiệm ở những đối tượng này. Nhờ đó mà các tập tính học được ngày càng hoàn thiện và dần chiếm ưu thế so với tập tính bẩm sinh. Ngoài ra, người và động vật có vú còn có tuổi thọ dài hơn hầu hết các nhóm sinh vật dị dưỡng khác, đặc biệt là giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Điều này cho phép các sinh vật này thiết lập nên nhiều phản xạ có điều kiện (nền tảng của tập tính học được) và hoàn thiện các tập tính phức tạp để thích ứng với điều kiện sống luôn biến động.

Câu 2: Vì sao ở động vật có hệ thần kinh dạng lưới và hệ thần kinh dạng chuỗi hạch, hầu hết các tập tính của chúng là tập tính bẩm sinh ?

Hướng dẫn giải:

    Động vật có hệ thần kinh dạng lưới và dạng chuỗi hạch có cấu tạo hệ thần kinh khá đơn giản, số lượng tế bào thần kinh không nhiều nên khả năng học tập, rút kinh nghiệm rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tuổi thọ của chúng thường ngắn nên không có nhiều thời gian cho việc rèn luyện. Hai đặc điểm này là nguyên nhân cơ bản khiến cho hoạt động sống của những loài sinh vật này hầu như chỉ dừng lại ở những tập tính bẩm sinh.

Câu 3: Tập tính bảo vệ lãnh thổ có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống động vật ?

Hướng dẫn giải:

    Ở động vật, bảo vệ lãnh thổ chính là động thái giúp bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản – những yếu tố thiết yếu đối với sự sinh tồn và duy trì giống nòi của một cá thể hoặc một nhóm cá thể. Ở phạm vi loài, bảo vệ lãnh thổ góp phần tạo ra sự phân bố hợp lí của các cá thể trong không gian, giúp loài tồn tại ổn định và phát triển hưng thịnh theo thời gian.

Câu 4: Tại sao chim và cá di cư ? Khi di cư, chúng định hướng bằng cách nào ?

Hướng dẫn giải:

   - Nguyên nhân di cư của chim là do thời tiết thay đổi và khan hiếm thức ăn (Ví dụ : khi trời giá rét, chim én di cư về phương Nam). Nguyên nhân di cư của cá chủ yếu liên quan đến sinh sản (Ví dụ : vào mùa sinh sản, cá hồi bơi về đầu nguồn sông để sinh sản).

   - Khi di cư, chim thường định hướng dựa vào vị trí Mặt Trời, Mặt Trăng, địa hình,…. Khi di cư, cá thường định hướng dựa vào thành phần hoá học của nước và hướng dòng nước chảy.

3. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Tập tính nào dưới đây vừa là tập tính bẩm sinh, vừa là tập tính học được ?

   A. Chim xây tổ

   B. Nhện giăng lưới

   C. Ve sầu kêu vào mùa hè

   D. Ếch kêu vào mùa sinh sản

Câu 2: Hiện tượng xếp chồng các hộp để đứng lên cao với thức ăn của tinh tinh phản ánh hình thức học tập nào ?

   A. In vết

   B. Điều kiện hoá

   C. Học khôn

   D. Học ngầm

Câu 3: Tập tính nào dưới đây không bắt gặp ở mọi loài thú ?

   A. Tất cả các phương án còn lại

   B. Tập tính kiếm ăn

   C. Tập tính sinh sản

   D. Tập tính xã hội

Câu 4: Tập tính bẩm sinh có đặc điểm nào dưới đây ?

   A. Tất cả các phương án còn lại

   B. Sinh ra đã có

   C. Đặc trưng cho loài

   D. Bền vững theo thời gian

Câu 5: Loài chim nào dưới đây có tập tính đẻ trứng vào tổ của các loài chim khác và nhờ ấp hộ ?

   A. Chim ưng

   B. Chim tu hú

   C. Chim cánh cụt

   D. Chim bồ câu

Câu 6: In vết là hình thức học tập dễ nhận thấy nhất ở nhóm động vật nào ?

   A. Bò sát

   B. Lưỡng cư

   C. Chim

   D. Cá

Câu 7: Khi nghe thấy tiếng kẻng báo hiệu, cá trong ao bơi nhanh về gần bờ để chờ chủ cho ăn. Ví dụ trên phản ánh hình thức học tập nào ở động vật ?

   A. Học ngầm

   B. In vết

   C. Điều kiện hóa hành động

   D. Điều kiện hóa đáp ứng

Câu 8: Hiện tượng thỏ sống chung với hổ trong chuồng nuôi phản ánh hình thức học tập nào ở động vật ?

   A. Quen nhờn

   B. In vết

   C. Điều kiện hóa

   D. Học khôn

Câu 9: Động vật nào dưới đây thường đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu ?

   A. Chó sói

   B. Hươu xạ

   C. Ong mật

   D. Tất cả các phương án còn lại

Câu 10: Kiến lính sẵn sàng chiến đấu và hi sinh thân mình để bảo vệ kiến chúa, bảo vệ tổ. Hiện tượng trên phản ánh dạng tập tính nào ?

   A. Tập tính thứ bậc

   B. Tập tính hợp tác

   C. Tập tính vị tha

   D. Tập tính di cư

Đáp án

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

Đáp án

A

C

D

A

B

C

D

A

A

C

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Tổng ôn lý thuyết Tập tính của động vật Sinh học 11. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

​Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON