Học247 xing giới thiệu đến các em Đề thi HK2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2017-2018, Sở GD&ĐT Bắc Giang. Hi vọng với đề thi có đáp án này sẽ giúp các em có thêm tư liệu tham khảo bổ ích để chuẩn bị thật tốt cho kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt!
SỞ GD&ĐT BẮC GIANG ĐỀ THI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018
Bài kiểm tra: NGỮ VĂN LỚP 9
Câu 1 (2.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng sẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối quả chín vàng đốm. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy.
(SGK Ngữ văn 7, tập 1, tr. 33, NXBGD, 2014)
a. Xác định các thành phần biệt lập trong hai câu văn sau:
Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi.
b. Chỉ ra biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích trên.
c. Qua đoạn trích, em hiểu gì về cảnh thiên nhiên nơi làng quê và tình cảm của tác giả?
(Trả lời ngắn gọn, không phân tích).
Câu 2 (3.0 điểm)
Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm trong cuộc sống.
Câu 3 (5.0 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúa dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu - Hữu Thỉnh,
Ngữ văn 9, tập 2,tr.70 NXBGD, 2017)
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1: Về đoạn trích trong SGK Ngữ văn 7, tập 1
a. Các thành phần biệt lập:
- Thành phần phụ chú: những màu vàng rất khác nhau
- Thành phần tình thái: có lẽ
b. Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích: so sánh.
c. Qua đoạn trích ta cảm nhận được:
- Cảnh làng quê tươi đẹp, yên bình, ấm áp, trù phú.
- Tình yêu thiên nhiên, yêu làng quê tha thiết của tác giả.
Câu 2: Suy nghĩ về lòng dũng cảm trong cuộc sống
a. Về kĩ năng
- Xác định đúng vấn đề nghị luận, biết cách viết bài văn nghị luận xã hội.
- Biết bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng bằng lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
b. Về nội dung
Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách. Dưới đây là một số định hướng cơ bản.
- Giải thích: Dũng cảm là sự quả cảm, kiên cường, có ý chí nghị lực cao, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống…
- Bàn luận:
- Biểu hiện của lòng dũng cảm (Dẫn chứng).
- Vai trò, ý nghĩa của lòng dũng cảm.
- Khi có lòng dũng cảm, con người sẽ có nguồn sức mạnh chân chính, đủ niềm tin, sự vững vàng để vượt qua mọi hoàn cảnh để vươn tới thành công.
- Người có lòng dũng cảm luôn khẳng định được khả năng và phẩm chất của mình; luôn sống lạc quan, đem lại nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa cho cuộc đời và được mọi người yêu quý, kính trọng.
- Lòng dũng cảm luôn là phẩm chất cao đẹp được nhân dân ta đề cao từ xưa cho đến nay. (Nêu dẫn chứng phù hợp).
- Mở rộng, lật lại vấn đề:
- Trên thực tế, vẫn còn có những con người sống hèn nhát, nhu nhược; dễ nản lòng, nhụt chí, buông xuôi.
- Cần phân biệt lòng dũng cảm với sự bồng bột, liều lĩnh bất chấp tất cả để làm những việc gian ác, sai trái.
- Bài học kinh nghiệm:
- Lòng dũng cảm là một trong những phẩm chất đáng quý, cần có của con người.
- Thế hệ trẻ ngày nay cần rèn luyện cho mình lòng dũng cảm để vượt qua những thử thách trong học tập và cuộc sống.
Câu 3. Cảm nhận về hai khổ thơ trong bài Sang thu.
a. Về kĩ năng
- Biết làm kiểu bài văn nghị luận văn học.
- Bài viết phải có bố cục 3 phần; văn phong trong sáng, giàu hình ảnh, cảm xúc; hạn chế được lỗi diễn đạt.
b. Về kiến thức
Học sinh có thể trình bày; sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những ý sau:
- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích và nêu cảm nhận chung.
- Thân bài:
- Khổ thơ thứ nhất: Cảm nhận đầu tiên trong tâm hồn thi sĩ về những tín hiệu của mùa thu. Đó là cảm xúc bất ngờ khi nhà thơ “bỗng nhận ra” mùi hương ổi chín quen thuộc của làng quê. Hương ổi thơm mát, ngọt ngào lan tỏa giữa không gian yên tĩnh được diễn tả tinh tế qua động từ “phả”. Đó còn là cảm giác khẽ giật mình của nhà thơ trước sự xuất hiện của “gió se” bắt đầu thổi rất nhẹ, rất khẽ, và màn sương “chùng chình” cũng như có ý chậm lại, quyến luyến, bịn rịn. Tất cả đều diễn ra rất chậm, mơ hồ khiến nhà thơ băn khoăn, bối rối.
- Khổ thơ thứ hai: Cảm nhận của nhà thơ về những chuển biến của đất trời sang thu ở không gian rộng hơn. Dòng sông không cuồn cuộn, gấp gáp mà trôi êm ả, “dềnh dàng”. Nhưng trong từng nhịp cánh chim bay đã “bắt đầu vội vã”. Độc đáo và thú vị nhất là hình ảnh đám mây “Vắt nửa mình sang thu”. Đám mây trở thành nhịp cầu duyên dáng nối hai mùa hạ - thu.
- Đoạn thơ sử dụng thành công các từ ngữ giàu sức biểu cảm, hình ảnh thơ độc đáo gợi nhiều liên tưởng mới mẻ, thú vị, nghệ thuật nhân hóa, đối lập, tương phản… thể hiện những cảm nhận tinh tế của tác giả.
- Kết bài: Khái quát lại nội dung bài thơ, nêu suy nghĩ của bản thân.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm: