YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em học sinh lớp 12 cùng tham khảo tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh dưới đây. Tài liệu này nhằm giúp các em nắm vững kiến thức trọng tâm để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới đạt điểm thật cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT NGUYỄN HỮU CẢNH

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Có thể lâu nay chúng ta vẫn nghĩ về từ “hạnh phúc” như một từ sáo rỗng, bởi không thể xác định được một cách cụ thể nó bao hàm điều gì. Là thành đạt, giàu có? Là được tôn vinh? Là được hưởng thụ bất kỳ điều gì ta muốn? Là chia sẻ và được chia sẻ? Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?

(2) Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”. Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

(3) Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.

(Trích Đơn giản chỉ là hạnh phúc, Sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn…, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, năm 2016, trang 40-41)

Câu 1. Vấn đề chính được trình bày trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1)?

Câu 3. Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn thứ (3).

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người.

Câu 2 (5,0 điểm) 

Nhận xét về truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân có ý kiến cho rằng “Vợ nhặt miêu tả sâu sắc tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945”. Lại có ý kiến khẳng định “Vợ nhặt đã thể hiện cảm động vẻ đẹp tình người và khát vọng sống mãnh liệt của người nông dân ngay trên bờ vực của cái chết”.

Qua nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, anh (chị) hãy bình luận những ý kiến trên? 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm) Vấn đề được trình bày trong đoạn trích: Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, riêng tư mà còn ảnh hưởng, tác động đến nhiều người khác, từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè tới cả những người xa lạ.

Câu 2 (0,5 điểm)

- Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn (1):

Câu hỏi tu từ (học sinh chỉ ra 6 câu hỏi tu từ).

Lặp cấu trúc cú pháp (cấu trúc Là + một tiêu chí, biểu hiện của hạnh phúc? lặp lại 6 lần).

- Tác dụng:

  • Mỗi câu hỏi nêu ra, khẳng định một điều đem lại hạnh phúc cho con người. Biện pháp lặp cấu trúc khẳng định có rất nhiều điều khác nhau đem lại hạnh phúc.
  • Qua đó, tác giả khắc họa nỗi băn khoăn trong suy nghĩ của mỗi người và ngầm bày tỏ suy nghĩ của bản thân: quan niệm nào về hạnh phúc được nhắc đến cũng đúng, nhưng tách riêng từng tiêu chí là chưa đủ, mà phải kết hợp hài hòa tất cả mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn của mỗi cá nhân và cho mọi người.

Câu 3 (1,0 điểm) Các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn (3): bình luận và so sánh.

Câu 4 (1,0 điểm) Đây là câu hỏi mở, cho phép học sinh tự chọn lựa thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Câu trả lời của học sinh cần đạt các yêu cầu:

- Thông điệp được gợi ra từ đoạn trích, có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp đối với nhận thức, quan niệm, lối sống của thí sinh nói riêng và mỗi người nói chung.

- Lí giải lí do lựa chọn và ý nghĩa của thông điệp một cách ngắn gọn, thuyết phục.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ

- Trình bày rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

1. Giải thích vấn đề:

- Sự trung thực

- Vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người

2. Bình luận:

- Quan niệm về “thành công”: Đạt được kết quả, mục đích như dự định trong công việc; Đạt được mong ước trong cuộc sống; Hài lòng, hạnh phúc với những gì mình có được và có ước mơ tốt đẹp trong tương lai

- Sự trung thực là điều kiện đủ để có được thành công, là yếu tố quan trọng đưa con người đến thành công. Bởi vì
+ Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài. Điều này vô cùng quan trọng, giúp công việc thuận lợi, các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa.

+ Sống trung thực sẽ đem đến sự thanh thản trong tâm hồn, giúp con người luôn vui vẻ, thoải mái. Điều này lại đem đến sự tỉnh táo, sáng suốt khi đưa ra những lựa chọn, những quyết định quan trọng trong cuộc sống, trong công việc, góp phần tạo nên thành công.

(Có thể có dẫn chứng cụ thể)

3. Bài học nhận thức, hành động:

- Cần trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống.

---(Để xem đầy đủ đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm) 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy sướt, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.

Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]

Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]

Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]

Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]

Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.

 (Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính? (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? (0,75 điểm)

Câu 3. Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình? (0,75 điểm)

Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai.

Câu 2 (5,0 điểm). Cùng viết về nỗi nhớ nhưng mỗi nhà thơ lại có một cách khám phá, thể hiện của riêng mình.

Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu viết:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

(Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục,2007tr.89)

 Trong bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh viết:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

  (Sóng - Xuân Quỳnh,Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2007, tr.155)

Nêu cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:

- So sánh (cuộc đời như một trò chơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh). Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

- Điệp cấu trúc (bạn … chớ để/ chớ đặt/ chớ quên…..) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai trò của bản thân trong cuộc đời.

Câu 3. Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Vì vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.

Câu 4.

- Cuộc đời không phải là một đường chạy thẳng liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng băng qua.

- Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đời trọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai.

* Yêu cầu về kĩ năng:

Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (khoảng 20 – 30 dòng), xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; khuyến khích sáng tạo; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm)

* Yêu cầu về kiến thức:  Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách song cần đảm bảo một số ý chính sau (1,5 điểm)

a. Giải thích (0,5 điểm)

  • Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ
  • Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất.
  • Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lại rực rỡ như ý.

=> Nó là lời nhắc nhở mỗi bạn trẻ không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hướng để cuộc đời mình có ý nghĩa. ý kiến này là lời khuyên hết sức đúng đắn và ý nghĩa.

b. Bàn luận vấn đề (0,5 điểm)

  • Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại.
  • Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. Tương lại phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai.
  • Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết.

c. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)

  • Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn.
  • Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng mục tiêu, kế hoạch cho tương lai.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu  từ Câu 1 đến Câu 4:

 “… Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa”.

 (Trích Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng nhẽ bó tay? – Th.s Trương Khắc Hà)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại nào của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy cho biết thái độ của tác giả khi bàn về thực phẩm bẩn? (1,0 điểm)

Câu 4. Nêu nội dung khái quát đoạn trích? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị có suy nghĩ gì trước vấn nạn: “…thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc” ? Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình.

Câu 2 (5,0 điểm) Phân tích bức tượng người lính Tây Tiến qua đoạn thơ sau

“…Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá,dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu: 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều; mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống sẽ không đạt kết quả.

Câu 3. Thái độ của tác giả: lo lắng, trăn trở về vấn nạn thực phẩm bẩn; kêu gọi cả xã hội cùng hành động bằng những biện pháp kịp thời.

Câu 4. Nêu lên hiện trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường nước ta, những tác hại của thực phẩm bẩn và lời kêu gọi mọi người cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức: (0,25đ)

- Viết bài văn, khoảng 200 từ

- Bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

* Yêu cầu về nội dung: (1,75đ)

a. Giải thích (0,25 điểm)

- Thực phẩm bẩn là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.

- U ác tính: nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư, là mầm mống hủy hoại hủy hoại sức khỏe của dân tộc, giống nòi.

b. Thực trạng (0,25 điểm)

- Thực phẩm bẩn đang hoành hành tràn lan trở thành quốc nạn…

  • Hầu hết thức ăn ta ăn đều có chứa chất độc hại:thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đỗ,ruốc bằng hóa chất..
  • Thực phẩm bẩn gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe con người: ngộ độc, tiềm ẩn nguy cơ mắc các căn bệnh nan y…

c. Nguyên nhân (0,5 điểm)

- Về phía doanh nghiệp, người sản xuất

  • Vì lợi nhuận đã sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi; thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng và bảo quản thực vật, hóa chất làm chín trái cây...
  • Sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.

- Về phía người tiêu dùng

  • Thiếu hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trên thị trường.
  • Tâm lí ham của rẻ, mẫu mã đẹp...

- Về phía cơ quan có thẩm quyền

  • Chưa xử lí thích đáng đối với các trường hợp sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn
  • Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan pháp luật với các tổ chức khoa học để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn…

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) 

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu:

“Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.

Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi, … Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.

Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân,sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.

Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.

Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài.

Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.

Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam xác định hướng đi; không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va”.

   (Theo Nguyễn Khắc Viện;  Dẫn theo SGK Ngữ văn 11 nâng cao - tập II, NXB Giáo dục- 2007)

Câu 1. Xác  định phong cách ngôn ngữ văn bản (0,5 điểm)

Câu 2. Cho biết văn bản trên bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Trong văn bản tác giả dùng hình ảnh “kim chỉ nam” để chỉ điều gì? Ý nghĩa của hình ảnh? (1,0 điểm)

Câu 4. Trong khoảng từ 5 đến 7 dòng, hãy nhận xét về ý kiến:  “Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào”. (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận.” mà tác giả Nguyễn Khắc Viện đã phát biểu trong văn bản ở phần Đọc hiểu trên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về “sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về Đất Nước” (theo SGK Ngữ văn 12) qua đoạn thơ sau:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…”mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó…

(Trích Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm, dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, Sđd, tr.118)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: chính luận.

Câu 2. Văn bản bàn về vấn đề “Thanh niên và số phận” hoặc “Thanh niên và số phận trong xã hội xưa và nay”.

Câu 3.

- Trong văn bản, tác giả dùng hình ảnh “kim chỉ nam” để chỉ niềm tin và đạo lý.

- Ý nghĩa của hình ảnh (ẩn dụ): Khẳng định vai trò của niềm tin và đạo lý có tác dụng dẫn đường, chỉ lối đúng đắn. Cách nói có hình ảnh, tạo sức hấp dẫn và ý nghĩa cho văn bản.

Câu 4. Học sinh có thể trình bày ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý; không đồng ý hoàn toàn và giải thích được vì sao. Sau đây chỉ là gợi ý các hướng trình bày:

- Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn và khách quan vì: Thanh niên trong xã hội xưa phải tuân theo sự sắp đặt và hoàn toàn thụ động trong cuộc sống do sự quy định của lễ giáo phong kiến và sự hạn chế của quan niệm số phận, định mệnh.

- Ý kiến trên là chủ quan và có phần phiến diện vì:  Tuy trong xã hội xưa còn chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan niệm giáo lý khắt khe nhưng không phải tất cả thanh niên trong xã hội xưa đều an phận, thụ động trong cuộc sống (có thể dẫn chứng một số nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu như Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã có những tư tưởng đối mới so với thế hệ thanh niên đương thời, quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nguy cho dân tộc...) 

- Hoặc kết hợp cả hai ý kiến trên để trả lời.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức: (0,5 điểm0

- Đúng hình thức, bố cục 1 đoạn văn

- Đáp ứng yêu cầu về dung lượng khoảng 200 chữ

- Xác định được vấn đề nghị luận

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về nội dung (1,5 điểm): Trên cơ sở đọc hiểu nội dung đoạn văn ở phần Đọc hiểu, học sinh có thể trình bày, sắp xếp theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính sau:

a. Giải thích: Ý nghĩa của ý kiến và từ đó nêu luận đề của đoạn văn:  

- Ba câu hỏi ám ảnh là ba câu hỏi trăn trở về tình yêu, nghề nghiệp, lối sống luôn lởn vởn, thường trực trong trí óc, khiến phải suy nghĩ, không yên tâm

- Không thể quy cho số phận: không thể đổ lỗi cho số phận, định mệnh.

=> Tình yêu có được hạnh phúc hay đau khổ; nghề nghiệp có được như ý, thành công hay  thất bại; lối sống có thuận lợi may mắn hay bất hạnh, rủi ro… không phải do sự định trước của số phận theo một thuyết duy tâm nào đó mà do chính bản thân con người quyết định.

b. Bàn luận

- Quan điểm trên là đúng đắn, khách quan vì:

  • Cả 3 vấn đề: tình yêu, nghề nghiệp, lối sống đối với mỗi thanh niên trong xã hội ngày nay đều do bản thân mỗi người tự lựa chọn và có quyền được lựa chọn sao cho phù hợp với  điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, năng lực, sở trường… của mình
  • Chính  các yếu tố: năng lực, phẩm chất, tính cách, tâm hồn, ý chí, nghị lực…của mỗi người sẽ quyết định không nhỏ tới cuộc sống của chính họ (cho vd minh họa)

- Tuy nhiên cũng không loại bỏ yếu tố may rủi của khách quan đem lại trong cuộc sống của mỗi người. May mắn giống như một thứ gia vị cho cuộc sống của mỗi chúng ta (cho vd minh họa).

c. Bài học liên hệ của bản thân

- Luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh

- Sống  chân thành, có bản lĩnh, có ý chí, nghị lực; luôn lạc quan và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Con sẽ không đợi một ngày kia

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?

ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

 

...ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

giọt nước mắt già nua không ứa nổi

ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

mấy kẻ đi qua

mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

ta vẫn vô tình

ta vẫn thản nhiên?

(Mẹ - Đỗ Trung Quân)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/ Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

Câu 3: Nhà thơ đã nhận ra được điều gì trong những câu thơ sau:

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

mấy kẻ đi qua

mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

Câu 4: Tình cảm, suy tư nào của nhà thơ được bộc lộ trong đoạn thơ trên khiến anh , chị đồng cảm sâu sắc nhất?

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ lối sống vô tình, thản nhiên của người con với mẹ trong văn bản trên  anh, chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ mình về lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 (5 điểm)

Cảm nhận của anh chị vẻ đẹp bi tráng của nhân vật T nú trong đoạn văn sau. Từ đó hãy bình luận về tư tưởng cơ bản mà nhà văn Nguyễn Trung Thành muốn gửi gắm qua hình tượng nghệ thuật này.

Tnú nằm trong góc nhà. Bóng tối dày đặc. Anh suy nghĩ, ngạc nhiên tự thấy mình rất bình thản:

“Đứa con chết rồi, Mai chắc cũng chết rồi. Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ? Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô-man đánh giặc. Cụ Mết đã già. Được, còn có bọn thanh niên. Rồi con Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó. Không sao… Chỉ tiếc cho Tnú không sống được tới ngày cầm vũ khí đứng dậy với dân làng…”

Thằng Dục không giết Tnú ngay. Nó đốt một đống lửa lớn ở nhà ưng, lùa tất cả dân làng tới, cởi trói cho Tnú, rồi nói với mọi người:

- Nghe nói chúng mày đã mài rựa, mài giáo cả rồi phải không? Được, đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây.

Nó hất hàm ra hiệu cho thằng lính to béo nhất. Chúng nó đã chuẩn bị sẵn cả. Thằng lính mở tút-se, lấy ra một chùm giẻ. Giẻ đã tẩm dầu xà-nu. Nó quấn lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây nứa. Nhưng thằng Dục bảo:

- Để nó cho tau!

Nó giật lấy cây nứa.

Tnú không kêu lên một tiếng nào. Anh trợn mắt nhìn thằng Dục. Nó cười sằng sặc. Nó dí cây lửa lại sát mặt anh:

- Coi kỹ cái mặt thằng cộng sản muốn cầm vũ khí này xem sao nào. Số kiếp chúng mày không phải số kiếp giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không? Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.

Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…” Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!
Tiếng cười giần giật của thằng Dục. Các cụ già chồm dậy, bọn lính gạt ra. Tiếng kêu ré của đồng bào. Tiếng chân ai rầm rập quanh nhà ưng. Ai thế? Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “giết”! Tiếng chân người đạp lên trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết!” Cụ Mết, đúng rồi, cụ Mết, đã đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay.Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Tnú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về…

Tiếng anh Prôi nói, trầm tĩnh:

- Tnú! Tnú! Tỉnh dậy chưa? Đây này, chúng tôi giết hết rồi. Cả mười đứa, đây này! Bằng giáo, bằng mác. Đây này!

Lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú. Nhưng đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ, xác mười tên lính giặc ngổn ngang quanh đống lửa đỏ.

(Trích Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, SGK Ngữ Văn,Tập 2, NXBGD)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2:

- Chỉ ra biện pháp nhân hóa: thời gian ...chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

- Nêu tác dụng:

+ Thể hiện thời gian trôi qua nhanh chóng

+ Làm nổi bật tâm trạng hoảng hốt của nhà thơ

Câu 3: Điều nhà thơ nhận ra trong những câu thơ là: Khi ta thất bại, vấp ngã trên đường đời, trong khi nhiều người xung quanh thờ ơ, dửng dưng thì mẹ dẫu ở cách xa vẫn dõi theo lo lắng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF