YOMEDIA

Bộ 5 đề thi HK1 môn GDCD 10 năm 2021-2022 có đáp án Trường THPT Trần Nhật Duật

Tải về
 
NONE

Hoc247 xin gửi đến các em học sinh Bộ 5 đề thi HK1 môn GDCD 10 năm 2021-2022 có đáp án Trường THPT Trần Nhật Duật nhằm giúp các em có thêm tư liệu để tham khảo cũng như củng cố kiến thức trước khi bước vào kì thi học kì 1. Cùng ôn tập kiến thức và làm quen với cấu trúc đề thi để thi thật tốt các em nhé. Chi tiết tài liệu ngay bên dưới.

ADSENSE

BỘ 5 ĐỀ THI HK1 MÔN GDCD 10 NĂM 2021-2022 CÓ ĐÁP ÁN

TRƯỜNG THPT TRẦN NHẬT DUẬT

1. Đề số 1

Câu 1 (3.0 điểm): Thế nào là vận động? Hãy chứng minh rằng: “Vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất”?

Câu 2 (3.0 điểm): Thế nào là chất; lượng của sự vật, hiện tượng? Lấy ví dụ về chất và lượng?

Câu 3 (4.0 điểm): Bản thân em đã có việc làm nào gắn học với hành? Việc kết hợp giữa học với hành có tác dụng như thế nào đối với quá trình học tập của em?

ĐÁP ÁN

Câu 1 (3.0 điểm):

- Học sinh nêu đúng, đủ khái niệm “Vận động”: là sự biến đổi (biến hóa) nói chung của các SV - HT trong giới tự nhiên và đời sống xã hội (1.0 điểm).

- Chứng minh “Vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất” thông qua ít nhất 2 ví dụ:

+ Ví dụ về sự vận động của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên (1.0 điểm).

+ Ví dụ về sự vận động của các sự vật, hiện tượng trong xã hội (1.0 điểm).

Câu 2 (3.0 điểm):

- Khái niệm: Lượng dùng để chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng, biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp); quy mô (lớn, nhỏ); tốc độ vận động (nhanh, chậm); số lượng (ít, nhiều) … của sự vật, hiện tượng (1.0 điểm).

→ Lấy ví dụ (0.5 điểm).

- Khái niệm: Chất dùng để chỉ những thuộc tính vốn có, cơ bản của sự vật, hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật, hiện tượng đó, phân biệt nó với sự vật, hiện tượng khác (1.0 điểm).

→ Lấy ví dụ (0.5 điểm).

Câu 3 (4.0 điểm):

- Học tập nội quy, nề nếp của nhà trường và việc thực hiện tốt nề nếp, nội quy của bản thân (1.0 điểm).

- Học tập các tri thức khoa học và vận dụng vào các hoạt động lao động và sản xuất (1.0 điểm).

- Ý nghĩa: giúp cho chất lượng học tập, lao động và rèn luyện của bản thân, tập thể lớp và nhà trường ngày càng tốt hơn (2.0 điểm).

2. Đề số 2

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Câu 1: Triết học nghiên cứu nội dung nào sau đây?

A. Nghiên cứu một bộ phận, một lĩnh vực riêng biệt nào đó của thế giới.

B. Nghiên cứu những vấn đề chung nhất, phổ biến nhất của thế giới.

C. Nghiên cứu mọi hiện tượng chung nhất của giới tự nhiên và xã hội.

D. Nghiên cứu mọi sự thay đổi của giới tự nhiên.

Câu 2: Câu nói "Có thực mới vực được đạo" thể hiện nội dung nào của Triết học?

A. Vật chất quyết định ý thức. B. Vật chất có trước ý thức.

C. Quan niệm của con người về thế giới. D. Cách thức đạt được mục đích đề ra.

Câu 3: Vì sao một học sinh chuyển từ cấp THCS lên cấp THPT lại được coi là một sự phát triển?

A. Vì có sự di chuyển địa điểm học ở 2 nơi khác nhau.

B. Vì có sự thay đổi về giáo viên dạy.

C. Vì số lượng môn học nhiều hơn.

D. Vì có sự thay đổi về mặt trí tuệ, nhận thức.

Câu 4: Theo quan điểm Triết học, mâu thuẫn là

A. một mối quan hệ. B. một phạm trù. C. một chỉnh thể. D. một phương pháp.

Câu 5: Năm nay, em Trần Văn An đang học lớp 10. Em học 13 môn học. Em yêu thích nhất môn Thể dục, do thường xuyên luyện tập nên hiện nay em đã cao 1m68 nặng 56 kg. Theo quan điểm Triết học, lượng của em An là gì?

A. Học lớp 10. B. Học 13 môn. C. Yêu thích môn thể dục. D. Cao 1m68, nặng 56kg.

Câu 6: Theo quan điểm Triết học, phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra như thế nào?

A. Do sự phát triển của bản thân sự vật hiện tượng.

B. Do mong muốn chủ quan của con người.

C. Do sự can thiệp, tác động từ bên ngoài sự vật hiện tượng.

D. Do sức mạnh vốn có của giới tự nhiên.

Câu 7: "Việc vận dụng tri thức vào thực tiễn có tác dụng bổ sung hoàn thiện nhận thức chưa đầy đủ", thể hiện

A. thực tiễn là mục đích của nhận thức. B. thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí.

C. thực tiễn là cơ sở của nhận thức. D. thực tiễn là động lực của nhận thức.

Câu 8: Câu tục ngữ nào sau đây không nói về vai trò của thực tiễn là cơ sở của nhận thức?

A. Cái khó ló cái khôn. B. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

C. Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen. D. Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.

II. PHẦN TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 9 (2,0 điểm): Bạn Hùng là một học sinh thông minh nhưng lười học. Đến gần kì thi vào cấp THPT mà Hùng vẫn mải mê đi chơi không học bài. Thấy vậy, Bình khuyên Hùng nên tập trung vào việc ôn thi nhưng Hùng cho rằng việc thi cử là do vận may quyết định, không nhất thiết phải học giỏi mới đỗ vào cấp THPT.

a) Suy nghĩ và biểu hiện của Hùng thuộc thế giới quan nào? Em có nhận xét gì về suy nghĩ của Hùng?

b) Vận dụng kiến thức đã học em hãy đưa ra lời khuyên với Hùng.

Câu 10 (2,0 điểm): Trong lớp 10A có hai bạn B và C có tính cách trái ngược nhau. Hai bạn này nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn nhiều lúc dẫn đến cãi cọ, to tiếng, thậm chí đánh nhau.

a) Theo em mẫu thuẫn trên của hai bạn có phải là mâu thuẫn Triết học không? Vì sao?

b) Theo Triết học Mác- Lê nin mâu thuẫn được hiểu như thế nào?

Câu 11 (1,5 điểm): "Trái Đất này chỉ tồn tại khi tự quay quanh trục của nó và quay xung quanh mặt trời".

a) Theo em, câu nói trên thể hiện vai trò gì của vận động đối với thế giới vật chất?

b) Vì sao mọi sự vật hiện tượng luôn luôn vận động?

Câu 12 (2,5 điểm): Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Lí luận mà không liên hệ với thực tiễn là lí luận suông".

a) Câu nói trên thể hiện vai trò gì của thực tiễn đối với nhận thức?

b) Chúng ta đã vận dụng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nguyên lí giáo dục nào? Hãy liên hệ với quá trình học tập của bản thân em.

ĐÁP ÁN

A. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

1. B 2. A 3. D 4. C 5. D 6. A 7. B 8. A

B. TỰ LUẬN ( 8,0 điểm)

Câu 9 (2,0 điểm)

- Suy nghĩ của Hùng thuộc thế giới quan duy tâm. (0,5)

- Nhận xét về suy nghĩ của Hùng: Suy nghĩ trên không đúng đắn và phù hợp với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nếu Hùng cứ suy nghĩ và lười học ham chơi thì sẽ kéo lùi sự phát triển của bản thân. Dù bạn có thông minh nhưng nếu không nỗ lực cố gắng học tập thì cũng không đạt được kết quả cao trong thi cử. (0,75)

- Lời khuyên: Việc học tập là một quá trình lâu dài và thi là phản ánh kết quả học tập, không phải may rủi. Một người lười học thì không thể có vận may kiến thức đến mới mình một cách tự nhiên được. (0,75)

Câu 10 (2,0 điểm)

- Mâu thuẫn của bạn A và bạn B không phải là mâu thuẫn Triết học mà chỉ là mâu thuẫn thông thường. (0,5)

- Vì đâu là trạng thái xung đột, chống đối nhau của 2 cá thể mà mâu thuẫn Triết học phải nằm trong một chỉnh thể. (0,5)

- Theo Triết học Mác-Lê nin mâu thuẫn được hiểu là: Mâu thuẫn là một chỉnh thể, trong đó hai mặt đối lập vừa thống nhất với nhau, vừa đấu tranh với nhau. (1,0)

Câu 11 (1,5 điểm)

- Câu nói trên thể hiện: Vận động là phương thức tồn tại của thế giới vật chất. (0,5)

- Mọi sự vật luôn luôn vận động do: Chỉ có bằng vận động và thông qua vận động mà sự vật hiện tượng tồn tại được và thể hiện được đặc tính của mình. (1,0)

Câu 12 (2,5 điểm)

- Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện vai trò của thực tiễn đối với nhận thức là: Thực tiễn là mục đích của nhận thức. (0,5)

- Chúng ta đã vận dụng vào nguyên lí giáo dục là: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. (1,0)

- Liên hệ với bản thân.

  • Kết hợp học lí thuyết với thực hành, không coi nhẹ giờ thực hành. (0,25)
  • Luôn vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. (0,25)
  • Ví dụ thực tế. (0,25)

3. Đề số 3

I. Phần trắc nghiệm: (3,0 điểm) Hãy chọn câu trả lời đúng nhất trong các phương án trả lời sau:

Câu 1: Câu nào sau đây nói về tình cảm gia đình?

A. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

B. Qua cầu rút ván.

C. Chị ngã em nâng.

D. Tôn sư trọng đạo.

Câu 2: Người thiếu nhân phẩm hoặc tự đánh mất nhân phẩm sẽ bị xã hội và những người xung quanh?

A. Đồng tình, ủng hộ.

B. Xử lí.

C. Bỏ rơi.

D. Coi thường, khinh rẻ.

Câu 3: ...trong hôn nhân thể hiện qua việc cá nhân được tự do kết hôn theo luật định.

A. Tự nguyện. B. Bình đẳng. C. Tự chủ. D. Tự quyết.

Câu 4: Cá nhân có hành vi nào sau đây được coi là tự ái?

A. Biết kiềm chế được các nhu cầu, ham muốn không chính đáng.

B. Giận dỗi khi bạn bè góp ý.

C. Luôn học hỏi những điều tốt đẹp từ người khác.

D. Tiếp thu, lắng nghe khi có ai khuyên bảo mình.

Câu 5: Thế nào là cá nhân tự điều chỉnh hành vi của mình?

A. Tự điều chỉnh hành vi theo suy nghĩ của mình.

B. Tự diều chỉnh hành vi theo hành động của nhiều người.

C. Tự điều chỉnh hành vi theo lợi ích của bản thân.

D. Tự điều chỉnh hành vi theo các quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội.

Câu 6: Nghĩa vụ là trách nhiệm của...đối với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.

A. Cá nhân. B. Nhà nước. C. Người giàu. D. Cán bộ.

Câu 7: Nhân phẩm là toàn bộ những...mà mỗi con người có được. Nói cách khác nhân phẩm là...làm người của mỗi người.

A. Tình cảm/đạo đức

B. Phẩm chất/giá trị

C. Tình cảm/giá trị

D. Phẩm chất/đạo đức

Câu 8: Hôn nhân...là hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính

A. Được luật pháp bảo vệ.

B. Giữa hai người khác giới.

C. Tự nguyện và tiến bộ.

D. Được luật pháp thừa nhận.

Câu 9: Đánh dầu (X) vào cột tương ứng: (1,0 điểm)

Nội dung

Đúng

Sai

A. Xét về thực chất tự trọng với tự ái là một.

   

B. Vợ chồng chỉ được pháp luật thừa nhận khi có tổ chức đám cưới với nhau.

   

C. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con.

   

D. Khi tự ái con người hay có những phản ứng thiếu sáng suốt.

   

II. Phần tự luận bài tập tình huống: (7,0 điểm)

Câu 10: Tình yêu là gì? Thế nào là tình yêu chân chính? Hãy nêu biểu hiện của tình yêu chân chính? (2,0 điểm)

Câu 11: Hai trạng thái của lương tâm trạng thái nào có ý nghĩa tích cực đối với cá nhân? Vì sao? Cho một ví dụ thể hiện em là người có lương tâm? (2,0 điểm)

Câu 12: Để góp phần xây dựng gia đình mình yên vui, hạnh phúc, em có thể làm được gì? (1,0 điểm)

Câu 13: Thắng là một học sinh lười học, ham chơi, thường xuyên không thuộc bài, làm bài, mất trật tự trong giờ học, hay đi học muộn, nghỉ học không lí do và giao du với đám bạn xấu bên ngoài. Thầy cô và các bạn góp ý nhưng Thắng không sửa chữa khuyết điểm, trái lại còn vô lễ với giáo viên. Chính vì không chịu học hành nên khi kiểm tra 1 tiết môn GDCD bạn Thắng đã sử dụng tài liệu.

  • Em nhận xét gì về hành vi của Thắng? (0,5 điểm)
  • Là học sinh em phải rèn luyện đạo đức, lối sống như thế nào? (1,5 điểm)

ĐÁP ÁN

I. Phần trắc nghiệm

1. C
2. D
3. A
4. B

5. D
6. A
7. B
8. C

9. A: Sai
B: Sai
C: Đúng
D: Đúng

II. Phần tự luận

Câu 10

- Tình yêu là gì: Tình yêu là sự rung cảm và quyến luyến giữa hai người khác giới. Ở họ có sự phù hợp về nhiều mặt...làm cho họ có nhu cầu gần gũi, gắn bó với nhau, tự nguyện sống vì nhau và sẵn sàng hiến dâng cho nhau cuộc sống của mình. 0,5

- Tình yêu chân chính: Tình yêu chân chính là tình yêu trong sáng và lành mạnh phù hợp với các quan niệm đạo đức tiến bộ của xã hội. 0,5

- Biểu hiện của tình yêu chân chính:

  • Có tình cảm chân thực, sự quyến luyến, gắn bó giữa một nam và một nữ. 0,25
  • Có sự quan tâm sâu sắc đến nhau, không vụ lợi. 0,25
  • Có sự chân thành, tin cậy và tôn trọng từ cả hai phía. 0,25
  • Có lòng vị tha và sự thông cảm. 0,25

Câu 11

- Hai trạng thái đều có ý nghĩa tích cực đối với cá nhân: 0,25

  • Thanh thản: Giúp tự tin hơn vào bản thân và phát huy được tính tích cực trong hành vi của mình. 0,75
  • Cắn rứt: Làm sai biết ăn năn, hối hận, từ đó biết điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp yêu cầu xã hội. 0,5

- Ví dụ: Nhường ghế cho phụ nữ mang thai, nhặt của rơi trả lại... 0,5

Câu 12

Để góp phần xây dựng gia đình mình yên vui, hạnh phúc, em có thể làm: Hiếu thảo, vâng lời ông bà cha mẹ, chăm ngoan học giỏi.....1,0

Câu 13

a. Nhận xét hành vi của Thắng: Hành vi của Thắng là vi phạm đạo đức, cụ thể là vi phạm nội quy, kỷ luật của nhà trường, không trung thực trong kiểm tra, đáng nói hơn là không biết tôn sư trọng đạo. 0,5

b. Là học sinh em phải rèn luyện đạo đức: 1,5

- Tuân thủ theo quy định của trường, lớp. Nghiêm túc trong học tập, phấn đấu bằng chính năng lực của mình. Trung thực trong học tập, lao động và trong cuộc sống, học tập....

- Lễ phép với thầy cô...

- Phải biết lắng nghe lời khuyên chân thành từ người khác, biết nhường nhịn, giúp đỡ nhau trong học tập...

4. Đề số 4

Câu 1. (3 điểm)

a. Trình bày khái niệm và đặc điểm cơ bản của phủ định biện chứng.

b. Học sinh phải học tập như thế nào để phù hợp với quan điểm của phủ định biện chứng?

Câu 2. (3 điểm)

a. Trình bày khái niệm nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính trong quá trình nhận thức.

b. Trong 2 giai đoạn của quá trình nhận thức: nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính thì giai đoạn nào quan trọng hơn? Vì sao?

Câu 3. (4 điểm)

a. Thế nào là chất và lượng của sự vật hiện tượng? Cho ví dụ.

b. Sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất khác nhau như thế nào?

c. Cho hình chữ nhật chiều dài 80cm, chiều rộng 60cm, người ta có thể tăng hoặc giảm chiều rộng về hai phía để giải thích sự biến đổi của hình. Hỏi:

  • Lượng thay đổi của hình chữ nhật như thế nào?
  • Độ của chiều rộng là bao nhiêu để nó còn tồn tại là hình chữ nhật?
  • Nút của nó là bao nhiêu? Chất mới của hình chữ nhật là gì?
  • Qua đó, em rút ra kết luận gì?

ĐÁP ÁN

Câu 1 (3đ)

a/ (2đ)

- Khái niệm: Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới. (1đ)

- Phủ định biện chứng có hai đặc điểm cơ bản: (1đ)

  • Tính khách quan: Nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật, hiện tượng. Phủ định biện chứng tạo điều kiện, làm tiền đề cho sự phát triển.
  • Tính kế thừa là tất yếu khách quan, đảm bảo cho sự vật, hiện tượng giữ lại yếu tố tích cực, gạt bỏ các tiêu cực, lỗi thời để sự vật, hiện tượng phát triển liên tục, không ngừng.

b/ Học sinh phải: (1đ)

- Luôn luôn suy nghĩ để đổi mới phương pháp học tập cho phù hợp để đạt kết quả cao.

- Phê phán cái cũ nhưng không phủ định tất cả, tiếp thu cái mới có chọn lọc.

- Giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa.

Câu 2 (3đ)

a/ (1đ)

- Nhận thức cảm tính là giai đoạn nhận thức được tạo nên do sự tiếp xúc trực tiếp của các cơ quan cảm giác với sự vật hiện tượng, đem lại cho con người hiểu biết về các đặc điểm bên ngoài của chúng.

- Nhận thức lý tính là giai đoạn nhận thức tiếp theo, dựa trên các tài liệu do nhận thức cảm tính mang lại, nhờ các thao tác của tư duy như phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa,... tìm ra bản chất, quy luật của svht.

b/ Trong 2 giai đoạn của quá trình nhận thức: nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính thì cả 2 giai đoạn đều quan trọng như nhau. Vì: (2đ)

- Nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu của nhận thức, cho biết vẻ bề ngoài của svht, cung cấp thông tin, tài liệu cho nhận thức lí tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lí tính.

- Nhận thức lí tính là giai đoạn sau của nhận thức, cho biết bản chất, quy luật của svht, giúp con người nhận biết sâu sắc và đầy đủ hơn về sự vật hiện tượng, củng cố, kiểm chứng nhận thức cảm tính.

Câu 3 (4đ)

a/ (1đ) Khái niệm:

- Chất là khái niệm chỉ những thuộc tính cơ bản vốn có của sự vật hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật hiện tượng khác. Nêu 1 ví dụ:...

- Lượng là khái niệm chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật hiện tượng về trình độ phát triển, qui mô, tốc độ vận động, số lượng,... của sự vật hiện tượng. Nêu 1 ví dụ:...

b/ (1đ)

- Cách thức biến đổi của lượng:

  • Lượng biến đổi trước.
  • Sự biến đổi về chất của các svht bắt đầu từ lượng.
  • Lượng biến đổi từ từ, dần dần.

- Cách thức biến đổi của chất:

  • Chất biến đổi sau.
  • Chất biến đổi nhanh chóng, đột biến.
  • Chất mới ra đời thay thế chất cũ và khi chất mới ra đời, lại hình thành một lượng mới phù hợp với nó.

c/ (2đ)

- Lượng thay đổi phụ thuộc vào chiều rộng từ 0cm đến 80cm.

- Độ của chiều rộng: 0cm < Độ < 80cm.

- Nút: 80cm và 0cm.

- Chất mới là hình vuông hoặc đường thẳng, tùy theo chiều biến đổi của chiều rộng hình chữ nhật.

- Kết luận: Thay đổi về lượng đến giới hạn nhất định thì sự vật biến đổi.

5. Đề số 5

I. Phần trắc nghiệm (7,5 điểm): Hãy chọn câu trả lời đúng nhất

Câu 1.  Nội dung vấn đề cơ bản của triết học gồm có

A. Hai mặt            B. Hai vấn đề        C. Hai nội dung          D. Hai câu hỏi

Câu 2. Trong triết học duy vật biện chứng, thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng

A. Thống nhất hữu cơ với nhau                                 B. Tách rời nhau

C. Tồn tại bên cạnh nhau                                            D. Bài trừ nhau

Câu 3. “Sự biến đổi dần dần về lượng sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất và ngược lại” đã chỉ ra:

A. Cách thức của sự phát triển                                   B. Khuynh hướng của sự phát triển

C. Nguồn gốc của sự phát triển                                  D. Xu hướng của sự phát triển

Câu 4. Theo nghĩa rộng, toàn bộ thế giới vật chất là

A. Giới tự nhiên         B. Xã hội nói chung         C. Xã hội loài người           D. Cả tự nhiên và tinh thần.

Câu 5. Con người chỉ có thể tồn tại

A. Trong môi trường tự nhiên                                    B. Ngoài môi trường tự nhiên

C. Bên cạnh giới tự nhiên                                           D. Không cần tự nhiên

Câu 6. Sự vận động của thế giới vật chất là

A. Do một thế lực thần bí quy định                           B. Do thượng đế quy định     

C. Qúa trình mang tính chủ quan                                D.Qúa trình mang tính khách quan

Câu 7. Đối với các sự vật và hiện tượng, vận động được coi là

A. Thuộc tính vốn có                                                  B. Là phương thức tồn tại

C. Cách thức phát triển                                               D. A và B

Câu 8. Sự tồn tại và phát triển của giới tự nhiên

A. Do thượng đế quy định                                          B. Tuân theo ý muốn chủ quan của con người

C. Không theo quy luật nào                                        D. Tuân theo những quy luật khách quan

Câu 9. Các mặt đối lập được coi là đấu tranh với nhau khi chúng

 A. Tương tác với nhau                                               B. Đối đầu với nhau

C. Xung đột, tiêu diệt nhau                                         D. Tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau 

Câu 10. Khi nói đến mặt đối lập của mâu thuẫn là nói đến những mặt đối lập đang cùng tồn tại trong

A. Hai sự vật, hiện tượng khác nhau                          B. Hai sự vật, hiện tượng giống nhau

C. Nhiều sự vật, hiện tượng khác                               D. Một sự vật, hiện tượng cụ thể 

Câu 11. Triết học nghiên cứu những vấn đề

A. Chung của thế giới                                                 B. Lớn của thế giới

C. Chung nhất, phổ biến nhất của thế giới                 D. Lớn nhất của thế giới

Câu 12. Triết học là môn học về

A. Những quy luật                                                      B. Những nguyên lý

C. Phương pháp luận                                                  D. Thế giới quan và phương pháp luận

Câu 13. Triết học Mác-Lênin cho rằng: vận động là mọi sự

A. Biến đổi nói chung                                                 B. Biến hóa nói chung   

C. Phát triển nói chung                                               D. A hoặc B

Câu 14. Quan niệm cho rằng: vật chất có trước ý thức và vật chất quyết định ý thức, được gọi là thế giới quan

A. Duy tâm                                                                 B. Duy vật

C. Thần thoại                                                              D. Tôn giáo

Câu 15. Trong triết học duy vật biện chứng, thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng

A. Tồn tại bên cạnh nhau                                            B. Tách rời nhau

C. Thống nhất hữu cơ với nhau                                  D. Bài trừ nhau                                                              

II. Phần tự luận (2,5 điểm):

Câu hỏi: Lượng là gì ? Em hãy nêu một vài ví dụ nói lên sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất trong quá trình học tập và rèn luyện của bản thân ?

ĐÁP ÁN

I. Phần trắc nghiệm (7,5 điểm): Hãy chọn câu trả lời đúng nhất

Câu 1

A

Câu 9

D

Câu 2

A

Câu 10

D

Câu 3

A

Câu 11

C

Câu 4

A

Câu 12

D

Câu 5

A

Câu 13

D

Câu 6

D

Câu 14

B

Câu 7

D

Câu 15

C

Câu 8

D

 

 

II. Phần tự luận (2,5 điểm):

- Lượng là khái niệm dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật và hiện tượng  biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều)... của sự vật và hiện tượng

- Một vài ví dụ nói lên sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất trong quá trình học tập và rèn luyện của bản thân:

+ Quá trình tích lũy kiến thức dần dần trong học tập từ những năm học cấp II (sự biến đổi về lượng).

+ Thi đỗ vào cấp III (điểm nút), trở thành học sinh THPT (sự biến đổi về chất).

---

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Bộ 5 đề thi HK1 môn GDCD 10 năm 2021-2022 có đáp án Trường THPT Trần Nhật Duật. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể xem thêm tư liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF