YOMEDIA

Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 7 có đáp án năm 2021-2022 trường THCS Bắc Lệnh

Tải về
 
NONE

Một trong những kì thi quan trọng nhất lớp 7 là thi học kì 2, đây là cột mốc đánh giá năng lực học sinh trong cả một học kì. Để chuẩn bị tốt hơn, mời các em học sinh cùng tham khảo tài liệu Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 7 có đáp án năm 2021-2022 trường THCS Bắc Lệnh. Tài liệu nhằm giúp các em có kiến thức và kĩ năng làm bài thi. Chúc các em sẽ đạt điểm cao nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT

BẮC LỆNH

ĐỀ THI HỌC KÌ 2

NĂM HỌC 2021 - 2022

Môn: Ngữ văn 7

Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi.

Lòng biết ơn là đẳng cấp cao nhất của văn minh. Một triết gia cổ đại đã từng nói như vậy.

Nên trong cuộc đời mình, dù có bất đồng quan điểm, hoặc không còn yêu thương, hoặc họ không cho mình nữa, hoặc mình không đủ năng lực lấy cơ hội họ mang đến, thì cũng nên trắng đen mà dùng lí trí phân biệt, rằng họ đã từng cho mình. Dù là 1 xu hay một miếng bánh nhỏ, cũng phải biết ơn.

Luôn nghĩ về ngày xưa, để biết ơn người đó cho mình cơ hội. Nếu không có họ, thì mình hiện giờ sẽ ra sao. Tự tưởng tượng và xóa bỏ những ý nghĩ không hay, nếu có. Văn minh đơn giản là như vậy.

[….] Cám ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cảm ơn xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là một tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ.

(Trích Lòng biết ơn, Tony buổi sáng, 17/10/2017)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau:

…Nên trong cuộc đời mình, dù có bất đồng quan điểm, hoặc không còn yêu thương, hoặc họ không cho mình nữa, hoặc mình không đủ năng lực lấy cơ hội họ mang đến, thì cũng nên trắng đen mà dùng lí trí phân biệt, rằng họ đã từng cho mình. Dù là 1 xu hay một miếng bánh nhỏ, cũng phải biết ơn.

Câu 3 (1,0 điểm). Khái quát nội dung của đoạn trích trên bằng 1-2 câu văn.

Câu 4 (1,0 điểm). Từ đoạn trích trên, em rút ra bài học gì cho bản thân.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm). Từ nội dung của đoạn trích phần Đọc hiểuem hãy viết đoạn văn (khoảng 120 chữ) trình bày suy nghĩ của em về lòng biết ơn.

Câu 6 (5,0 điểm). Hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

-----------HẾT-----------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên: Nghị luận

Câu 2.

Tác giả sử dụng nghệ thuật liệt kê.

Câu 3. Nội dung chính của đoạn văn: Lòng biết ơn.

Câu 4.

- Về hình thức: Học sinh viết (3-5 dòng), không mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt, viết câu.

- Về nội dung: Hs có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau song phải nêu được điều tác giả muốn gửi gắm qua văn bản. Đảm bảo một số ý sau:

Lòng biết ơn là phẩm chất đạo đức cao quý của con người.

- Ghi nhớ công ơn, đền đáp công ơn mà người khác dành cho mình là điều nên làm.

- Cần có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát huy bằng những việc làm cụ thể.

- Sống có trách nhiệm, ân nghĩa, thủy chung với ông bà cha mẹ, với tổ quốc, với những người cho ta cuộc sống hạnh phúc, bình an.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 120 chữ) Hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lòng biết ơn

a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề cần bày tỏ suy nghĩ của em về ý nghĩa của lòng biết ơn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: HS vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai vấn đề nghị luận nhưng cần trình bày các ý sau

*Giải thích: lòng biết ơn có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. “Biết ơn là hiểu và nhớ công ơn của người khác đối với mình”.

- Bàn luận:

+ Biết ơn những người đã giúp đỡ mình, những người có công với dân tộc, đất nước.

+ Biết ơn và bày tỏ lòng biết ơn đối với người giúp đỡ mình thể hiện lối sống có nghĩa có tình, cách ứng xử có văn hóa, văn minh, lịch sự của con người.

+ Bày tỏ lòng biết ơn đâu hẳn chỉ là những thứ vật chất cao sang, có khi chỉ là một câu cảm ơn, một lời hỏi thăm, động viên chân thành, ấm áp tình người.

+ Nếu không có lòng biết ơn, con người trở nên ích kỷ, bạc tình, bất nhân…. (D/C).

- Mở rộng: Trong cuộc sống, đâu đó vẫn còn những kẻ vô ơn đối với cha mẹ, thầy cô, với những người đã giúp đỡ mình mà chúng ta cần phải lên án, phê phán.

- Bài học: Lòng biết ơn thể hiện nhân cách của con người. Nhưng không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người.

Đoạn văn tham khảo: Lòng biết ơn thể hiện phẩm chất đạo đức cần phải có ở mỗi một chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta mang ơn cha mẹ, thầy cô, những người lao động làm ra sản phẩm cho chúng ta dùng… Công ơn của thế hệ đi trước đã cho ta bầu trời tự do và cuộc sống yên bình, Lẽ nào ta sống mà quên ơn những người vì hạnh phúc của mình? Biết ơn sẽ làm cho cuộc sống mỗi người tốt đẹp hơn. Ai cũng sẽ có những hành động tốt đem lại niềm vui cho người khác. Lòng biết ơn là cơ sở bền vững cho những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, thương dân, hiếu thảo với cha mẹ, kính yêu thầy cô… Quả như cha ông ta đã nhắc nhở: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Chúng ta luôn học tập và thể hiện sâu sắc ý nghĩa của sự biết ơn trong cuộc sống thường nhật của mình.

Câu 2. CM làm sáng tỏ câu ca dao:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Có đầy đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu vấn đề nghị luận; Thân bài làm rõ được nhận định, triển khai được các luận điểm; kết bài khái quát được nội dung nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

CM làm sáng tỏ vấn đề: Sức mạnh của tinh thần đoàn kết

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự nhận thức sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Gv có thể tham khảo gợi ý sau

1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận một cách rõ ràng, chính xác, hấp dẫn.

2. Chứng minh bằng lý lẽ, dẫn chứng làm sáng tỏ ý kiến

+ Dẫn dắt nêu vấn đề cần CM

+ Trích dẫn câu ca dao:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

- * Giải thích:

- Câu ca dao dùng hình ảnh ẩn dụ khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết. Đoàn kết là sự gắn bó mật thiết, cùng chung tay góp sức để làm việc lớn.

“một cây” thì không thể làm “nên non”

- “ba cây” gộp lại thì mới có thể làm nên núi cao

=>Thể hiện rằng một khi số lượng thay đổi thì chất lượng cũng thay đổi theo

- “chụm” từ được dùng để thể hiện sự đoàn kết

- “cây” đây là một biện pháp nhân hóa trở thành một biểu tượng sinh động thấm thía về tinh thần đoàn kết.

* Bàn luận:

Tại sao đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công

- Đoàn kết tạo nên sức mạnh, giúp con người làm nên những công việc lớn lao. Đoàn kết tạo nên sức mạnh trong trong cuộc sống lao động, học tập, chiến đấu

Biểu hiện của tinh thần đoàn kết:

- Trong lịch sử chống ngoại xâm: Nhân dân ta đoàn kết chiến đấu chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược: ( D/C)

+ Chống kẻ thù phương Bắc xâm lược: Nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh...

+ 3 lần ta chiến thắng Chống quân Nguyên –Mông nức tiếng hùng mạnh...

+ Chiến thắng TD Pháp và đế quốc Mĩ : kẻ thù giàu có, trình độ kĩ thuật hiện đại, vũ khí tối tân, lực lượng quân đội thiện chiến...

- Sức mạnh của đoàn kết trong đời sống hàng ngày

+Nhân dân ta đoàn kết trong lao động, trong sản xuất:

( D/C) Con đê Sông Hồng ngăn lũ cho cả vùng châu thổ Bắc Bộ...; Công trình thủy điện Sông Đà đưa ánh áng đến mọi nhà...

+ Đoàn kết trong công cuộc đấu tranh chống những âm mưu chia rẽ dân tộc, bôi nhọ chính quyền...

- Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch, là yếu tố quyết định nên thành công. Bác Hồ dã từng khẳng định:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công.

*Bàn luận - mở rộng:

- Thực tiễn cũng như đã cho thấy được rằng, không phải ai cũng có ý thức đoàn kết, chung sức đồng lòng để tạo sức mạnh đi đến thành công.

- Những người có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống sẽ bị sống đơn lẻ, bị tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội, làm việc gì cũng khó thành công, cần phải lên án.

3. Kết bài:

- Khẳng định tính đúng đắn của câu ca dao

+ Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh, là yếu tố quan trọng để thành công.

- Bài học - liên hệ: khuyên mọi người sống phải đoàn kết để tạo lên sức mạnh để thành công.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc vè vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ( đi từ vấn đềlí luận hoặc so sánh với các tác phẩm khác)

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

“Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.

Có người khẽ nói:

- Bẩm, dễ có khi đê vỡ!

Ngài cau mặt, gắt rằng:

- Mặc kệ!

Rồi ngồi xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình bảo thầy đề lại:

- Có ăn không thì bốc chứ!

Thầy đề vội vàng:

- Dạ, bẩm, bốc.”

(Ngữ văn 7, Tập hai)

Câu 1 (0,5 điểm): Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả của văn bản đó là ai?

Câu 2 (0,5 điểm): Nội dung của đoạn văn trên?

Câu 3 (1,0 điểm): Tìm và ghi lại các câu rút gọn có trong đoạn văn.

Câu 4 (1,0 điểm): Ý nghĩa của câu văn “Mọi người đều giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ.”

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Qua học văn bản “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh, em hãy lí giải vì sao tác giả viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có;...” (trình bày thành một đoạn văn khoảng 150 chữ).

Câu 2 (5,0 điểm)

Tục ngữ có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Em hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ đó

-------------HẾT------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Câu 1.

a. Yêu cầu trả lời

- Đoạn trích trên trích trong văn bản “Sống chết mặc bay”

- Tác giả: Phạm Duy Tốn.

b. Hướng dẫn chấm

- Mức tối đa (0,5 điểm): Trả lời đúng câu hỏi.

- Mức chưa tối đa (0,25 điểm): Trả lời đúng ½ yêu cầu.

- Mức không đạt (0 điểm): Trả lời không đúng hoặc không trả lời.

Câu 2.

a. Yêu cầu trả lời

- Nội dung của đoạn văn: Sự tương phản đối lập giữa hành động, thái độ của quan phụ mẫu với hành động, thái độ của mọi người khi nghe tin đê sắp vỡ.

b. Hướng dẫn chấm

- Mức tối đa (0,5 điểm): Trả lời đúng nội dung của đoạn văn.

- Mức chưa tối đa (0,25 điểm): Trả lời chưa đầy đủ yêu cầu.

- Mức không đạt (0 điểm): Làm sai hoặc không có câu trả lời.

Câu 3.

a. Yêu cầu trả lời

- Câu rút gọn:

+ Mặc kệ!

+ Rồi ngồi xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình bảo thầy đề lại.

+ Có ăn không thì bốc chứ!

+ Dạ, bẩm, bốc.

b. Hướng dẫn chấm

- Mức tối đa (1,0 điểm): Trả lời đúng câu hỏi.

- Mức chưa tối đa (0,25-> 0,75 điểm): Tìm được 1 đến 3 câu rút gọn.

- Mức không đạt (0 điểm): Trả lời không đúng hoặc không trả lời.

Câu 4.

a. Yêu cầu trả lời

Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng về cơ bản đảm bảo các ý sau:

- Câu văn giúp cho người đọc có những cảm nhận đầy đủ về viên quan phụ mẫu:

+ Kẻ thờ ơ, vô trách nhiệm: điềm nhiên chờ bốc trúng quân mình cần để hạ bài trong khi mọi người đều giật nảy mình khi nghe tin đê sắp vỡ.

b. Hướng dẫn chấm

- Mức tối đa (1,0 điểm): Học sinh đáp ứng các yêu cầu trên.

- Mức chưa tối đa (0,25 điểm -> 0,75 điểm): Chỉ đảm bảo được một số các yêu cầu.

- Mức không đạt (0 điểm): Không làm bài hoặc lạc đề.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn chứng minh “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”

1.1. Yêu cầu chung

Đảm bảo thể thức đoạn văn; hướng về chủ đề, suy nghĩ mới mẻ, diễn đạt trôi chảy bằng ngôn ngữ của mình, giàu chất văn chương, đảm bảo tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

1.2. Yêu cầu cụ thể

Đảm bảo thể thức đoạn văn.

Học sinh trình bày đoạn văn hoàn chỉnh, có câu chủ đề, có các câu phát triển chủ đề

- Mức tối đa (0,25 điểm): Đáp ứng yêu cầu trên.

Mức không đạt (0 điểm): Không đảm bảo thể thức đoạn văn

Xác định đúng chủ đề: giải thích, làm rõ công dụng của văn chương

Mức tối đa (0,25 điểm): Đáp ứng yêu cầu trên.

- Mức không đạt (0 điểm): Không xác định không đúng vấn đề nghị luận

Triển khai đoạn văn thành các ý phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ, làm nổi bật chủ đề.

a. Yêu cầu trả lời

Học sinh có thể có nhiều cách viết khác nhau nhưng về cơ bản đảm bảo các ý sau:

* Mở đoạn: Dẫn dắt và nêu ra vấn đề cần giải thích: công dụng của văn chương.

* Phát triển đoạn:

- “Văn chương” trong câu văn được hiểu là những tác phẩm văn học.

- “gây cho ta những tình cảm ta không có”: đem tới cho ta những tình cảm mới mẻ ta chưa từng trải qua.

- “luyện những tình cảm ta sẵn có;...”: làm sâu đậm thêm những tình cảm ta đã có.

* Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề: công dụng to lớn của văn chương là làm giàu, làm đẹp cho tình cảm của con người.

Câu 2.

Giải thích nội dung của câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

2.1. Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận chứng minh để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

2.2. Yêu cầu cụ thể:

Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận chứng minh:

- Mức tối đa (0,25 điểm): Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng hướng về vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.

- Mức không đạt (0 điểm): Thiếu mở bài hoặc kết bài, thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có một đoạn văn.

Xác định đúng đối tượng nghị luận: chứng minh nội dung của câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

- Mức tối đa (0,25 điểm): Đáp ứng yêu cầu trên.

- Mức không đạt (0 điểm): Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày sai lạc sang vấn đề khác.

Viết bài văn nghị luận chứng minh theo một trình tự hợp lí

a. Yêu cầu trả lời

Bài làm có thể triển khai theo hướng sau:

a. Mở bài

- Dẫn dắt và nêu vấn đề: Lòng biết ơn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

- Trích dẫn câu tục ngữ.

b. Thân bài

b.1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ

* Nghĩa đen: “quả” là trái cây. Khi ăn một trái cây chín vàng, ngon ngọt, ta phải biết nhớ ơn nguời trồng cây.

* Nghĩa bóng: “quả” là thành quả lao động về vật chất và tinh thần. Được hưởng thụ thành quả lao động phải biết nhớ ơn những người - “kẻ trồng cây” đã có công tạo dựng nên.

=> Thông qua hình ảnh ẩn dụ, câu tục ngữ nêu ra một truyền thống, đạo lí tốt đẹp của nhân dân ta: lòng biết ơn

b.2. Chứng minh

b.3. Mở rộng

c. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề: Bài học sâu sắc về lòng biết ơn, đạo lí làm người thích hợp.

* Lưu ý: Học sinh có thể có những cách trình bày và cách diễn đạt khác nhưng phải hợp lí

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

Câu 1: (1 điểm)

a. Ca dao có câu:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3

Câu ca trên gợi nhắc một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Câu tục ngữ nào em đã học trong chương trình Ngữ văn 7 cũng có ý nghĩa nhắc nhở về truyền thống tốt đẹp này?

b. Ở tục ngữ, thành phần nào của câu thường được rút gọn? Vì sao?

Câu 2: (4 điểm) Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Đêm đã về khuya. Xa xa bờ bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng. Sóng vỗ ru mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng những tiếng đàn réo rắt du dương. Đấy là lúc các ca nhi cất lên những khúc điệu Nam nghe buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn như nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Cũng có

bản nhạc mang âm hưởng điệu Bắc pha phách điệu Nam không vui, không buồn như tứ đại cảnh. Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương, ai oán…

Lời ca thong thả, trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền, gái lịch.

(Hà Ánh Minh, Ca Huế trên sông Hương, Ngữ văn 7, tập 2, trang 101, 102)

Câu 3.

a. Tìm và nêu tác dụng của các phép liệt kê được sử dụng ở ngữ liệu.

b. Từ những gợi dẫn ở ngữ liệu và hiểu biết của bản thân, em hãy giới thiệu với bạn bè về ca

Huế- một nét đẹp văn hóa của quê hương. (Trả lời ngắn gọn, không quá ½ trang giấy thi)

Có ý kiến cho rằng nhà là nơi không cần quá rộng, chỉ cần nơi ấy có đủ yêu thương. Bằng những hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, hãy viết một bài văn nghị luận thể hiện suy nghĩ của em về ý kiến trên.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1: (1 điểm)

a. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

b. Ở tục ngữ, thành phần nào của câu thường được rút gọn? Vì sao?

- Chủ ngữ thường được rút gọn.

- Tục ngữ là những lời khuyên, kinh nghiệm mà ông cha ta truyền lại cho con cháu. Đối tượng
mà nó hướng đến là chung tất cả mọi người chứ không riêng ai => rút gọn chủ ngữ.

Câu 2:

a. Các phép liệt kê:

- buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn

- nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân

Tác dụng: Gợi lên sự phong phú, đa dạng của những làn điệu ca Huế với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ đó mở ra một nội tâm phong phú, âm thầm, kín đáo của con người xứ Huế.

b. HS dựa vào gợi dẫn và hiểu biết của bản thân để giới thiệu được một số nét cơ bản về ca Huế. Sau đây là một số gợi ý:

- Ca Huế là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô.

- Ca Huế là sự kết hợp của nhã nhạc cung đình trang trọng với âm nhạc dân gian bình dị.

Câu 3: (5 điểm)

A. Yêu cầu về kĩ năng

Học sinh biết vận dụng những kiến thức về đặc điểm, cách làm bài văn văn nghị luận: xác lập luận điểm, luận cứ và cách lập luận.

Bài văn có bố cục 3 phần, hệ thống ý sáng rõ, có sự liên kết giữa các phần, các đoạn.

B. Yêu cầu về kiến thức.

HS trình bày sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn của mình về nội dung, ý nghĩa vấn đề được nêu ở đề bài. Kết hợp giải thích với chứng minh bằng những dẫn chứng gần gũi, thuyết phục.

Sau đây là một số gợi ý :

- Nhà là bến đỗ bình yên nhất của mỗi người, là chốn neo đậu của tâm hồn. Sự bình yên ấy
được tạo nên không phải bởi những bê tông, cốt thép, những sang trọng, rộng lớn mà được
tạo nên bởi yêu thương.

- Một căn nhà thật sự là nơi có những yêu thương của bà, của mẹ, có những chở che của bố, có tiếng cười đùa cùng anh em. Đó là nơi bão dừng ngoài cánh cửa để chỉ còn lại ấm áp, yêu thương.

- Yêu thương ấm áp là thứ tài sản quý giá nhất để mỗi người luôn muốn tìm về, muốn được sống những giây phút thoải mãi, hạnh phúc nhất.

- Mỗi người cần học cách để trao đi yêu thương, để căn nhà luôn ấm áp, là chốn bình yên thật
sự ta có thể tìm về.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 7 có đáp án năm 2021-2022 trường THCS Bắc Lệnh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !       

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF