YOMEDIA

Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 6 Kết nối tri thức năm 2021-2022 Trường THCS Tịnh An

Tải về
 
NONE

HOC247 xin giới thiệu đến các em Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 6 Kết nối tri thức năm 2021-2022 Trường THCS Tịnh An. Hi vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích cho các em tham khảo và chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Chúc các em có một kì thi thật tốt!

ADSENSE

TRƯỜNG THCS TỊNH AN

ĐỀ THI HỌC KÌ 1

MÔN: NGỮ VĂN 6 KNTT

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 90 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn dưới đây và khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi:

“Trong hang Én, hàng vạn con chim én vẫn hồn nhiên cư ngụ và chưa phải biết sợ con người. Bốn vách hang, trần hang – nơi nào cũng dày đặc chim én. Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách. Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra ràng chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,... Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, say giấc ngay trên những mỏm đá thấp dọc lối đi. Nếu đặt lên vai, bạn sẽ rúc vào tóc hoặc đậu trên đầu mình để... ngủ tiếp!” 

(Trích Hang Én, Hà My, Ngữ văn 6, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2021) 

Câu 1. Đoạn văn trên giúp em khám phá được hình ảnh nào?

A. Sự chăm sóc của con người dành cho gia đình én. 

B. Cuộc du ngoạn của khách tới thăm hang Én. 

C. Cuộc sống của chim én trong hang.

D. Sự sống của con người và én trong hang. 

Câu 2. Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu: “Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách” nhằm nhấn mạnh điều gì? 

A. Loài én cũng có cuộc đời như những con vật khác. 

B. Loài én cũng có đời sống như con người. 

C. Hãy trân trọng cuộc đời của loài chim én. 

D. Loài én cũng cần sự tự do trong cuộc đời của mình.

Câu 3. Biện pháp tu từ nhân hóa trong câu văn: “Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra rang chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,…” có tác dụng gì? 

A. Giúp người đọc hình dung được cảnh sinh sống của loài én. 

B. Tái hiện sinh động cuộc sống tấp nập của gia đình loài én. 

C. Thể hiện khả năng dùng từ ngữ linh hoạt của tác giả.

D. Cả 3 phương án A, B và C. 

Câu 4. Việc đến khám phá những nơi xa sẽ mở rộng tầm hiểu biết cho chúng ta. Theo em, hành trình đó còn đánh thức những điều gì ở con người? 

A. Sự hiểu biết về loài én 

B. Giúp tinh thần sảng khoái 

C. Tinh thần trách nhiệm với công việc hằng ngày

D. Tình yêu thiên nhiên, đất nước và sự trân trọng những giá trị của cuộc sống

PHẦN II. VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG (8,0 điểm) 

Câu 1 (1,0 điểm). Hãy nêu hiểu biết của em về thể loại du kí? Nêu tên một tác phẩm khác Hang Én) có cùng thể loại đó. 

Câu 2 (2,0 điểm). Việc trải nghiệm và ghi chép lại những kiến thức sẽ trở thành tư liệu quý giá của riêng mỗi người. Trong văn bản Hang Én, tác giả đã chia sẻ những cảm nhận của mình về cuộc sống hoang dã của loài én. Theo em, điều đó có ý nghĩa như thế nào? 

Câu 3 (5,0 điểm). Trong văn bản Hang Én, tác giả đã viết về những trải nghiệm của mình, miêu tả khung cảnh thiên nhiên, sinh hoạt và những con người mình đã gặp gỡ. Cuộc sống thật phong phú biết bao. Em hãy quan sát và miêu tả lại một khung cảnh ấn tượng mà em từng trải nghiệm qua những chuyến đi của mình.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Phần I (2,0 điểm). 

Mỗi câu trả lời đúng cho 0,5 điểm. 

Câu 1. C 

Câu 2. B 

Câu 3. D 

Câu 4. D 

Phần II (8,0 điểm) 

Câu 1 (1,0 điểm) 

- Du kí là thể loại kí ghi chép về những chuyến đi tới một vùng đất, xứ sở nào đó. Người viết kể lại hoặc miêu tả những điều mắt thấy, tai nghe trong hành trình của mình.

- Văn bản cùng thể loại: Cô Tô. 

Câu 2 (2,0 điểm)

- Cách viết của tác giả khiến bạn đọc ấn tượng, thích thú, hình dung được cuộc sống và khung cảnh thiên nhiên kì bí, sinh động và phong phú ở hang Én. 

- Mở rộng vốn hiểu biết, khả năng tìm tòi, khám phá cho mỗi người. 

- Khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã,... 

- Khơi dậy trong chúng ta tình yêu quê hương đất nước,... Cách chia sẻ ấy không làm chúng ta sợ hãi và sống xa thiên nhiên mà khơi gợi trong ta sự hứng thú muốn khám phá thiên nhiên quanh mình. 

Câu 3 (5,0 điểm) 

Gợi ý: bài văn cần đảm bảo:

* Hình thức: 

- Đúng hình thức bài văn có bố cục 3 phần. 

- Diễn đạt rõ ràng, lưu loát, không mắc các lỗi về chính tả.

* Nội dung: Học sinh trình bày sáng tạo trải nghiệm và miêu tả lại những điều đó. 

- Mở bài: Giới thiệu được cảnh ấn tượng mà em từng trải nghiệm qua những chuyến đi. 

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm).

Đọc đoạn trích dưới đây và khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi:

Ngày xưa ta đi học

Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu

Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ

Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ.

Bản đồ mới tường vôi cũng mới

Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao

Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ

Đưa ta đi sông núi tuyệt vời.

Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu

Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh.

(Cửu Long Giang ta ơi, Ngữ văn 6, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2021)

Câu 1. Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi do ai sáng tác?

A. Nguyên Hồng 

B. Nguyễn Tuân

C. Xuân Quỳnh 

D. Lâm Thị Mỹ Dạ 

Câu 2. Biện pháp tu từ nào đã được tác giả sử dụng trong các câu thơ: 

Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ

Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ.

A. So sánh 

B. Ẩn dụ

C. Nhân hoá 

D. Hoán dụ 

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là gì? 

A. Tự sự 

B. Biểu cảm 

C. Miêu tả

D. Nghị luận 

Câu 4. Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi có nhắc đến những địa danh nào ở Việt Nam? 

A. Mê Kông, Cô Tô, Hang Én.

B. Thác Khôn, Trường Sơn, Hang Én 

C. Cô Tô, Trường Sơn, Long Châu 

D. Trường Sơn, Hà Tiên, Cà Mau 

PHẦN II. VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG (8,0 điểm) 

Câu 1 (1,0 điểm). Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ

“Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ/ Đưa ta đi sông núi tuyệt vời”. 

Câu 2 (3,0 điểm). Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi như một bức tranh rực rỡ với các hình ảnh sinh động, giàu sức gợi. Hình ảnh nào đã in đậm trong tâm trí em? Hãy trình bày cảm nhận về hình ảnh đó bằng một đoạn văn (7 – 9 câu). Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một từ láy (gạch dưới từ láy đó). 

Câu 3 (4,0 điểm). Câu thơ “Ngày xưa ta đi học” mở đầu bài thơ đã gợi em nhớ về những gì trong ngày đầu tiên đi học? Hãy sử dụng kết hợp phương thu tự sự và miêu tả để ghi lại phần kí ức tuyệt vời đó bằng một bài văn (khoảng 1 trang giấy thi).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Phần I (2,0 điểm). 

Mỗi câu trả lời đúng cho 0,5 điểm 

Câu 1. A 

Câu 2. A. 

Câu 3. B 

Câu 4. D. 

Phần II (8,0 điểm). 

Câu 1 (1,0 điểm). Học sinh vận dụng năng lực văn học để làm rõ tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong câu thơ 

- Nghệ thuật: Ẩn dụ: 

+ Gậy thần tiên: cây thước của thầy giáo

+ Đạo sĩ: người thầy 

- Tác dụng: Thể hiện cách nhìn mơ mộng, ngưỡng mộ của cậu học trò đối với thầy giáo. Thầy mở ra chân trời mới, đưa học trò đi khám phá khắp mọi miền Tổ quốc, khám phá tri thức, nâng cánh ước mơ. 

Câu 2 (3,0 điểm). Học sinh vận dụng năng lực văn học để trình bày cảm nhận về hình ảnh trong bài thơ để lại ấn tượng nhất.

- Hình thức: Đoạn văn (5 – 7 câu), có sử dụng từ láy và gạch dưới từ láy. 

- Nội dung: Học sinh lựa chọn hình ảnh và nêu cảm nhận, ý nghĩa của hình ảnh đó (nghệ thuật, nghĩa thực, nghĩa biểu tượng). 

---(Đáp án chi tiết những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Phần I: ĐỌC HIỂU VÀ THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT (4 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các bài tập:

Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo.

Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ. Rồi hoa lớn dần thành những trái dẻ xù xì gai góc. Anh chị em chúng tôi ra đời như thế đó.

Chúng tôi lớn lên trong mùa hè nắng lửa, mưa dông. Những cơn mưa ào đến gội ướt đẫm tóc mẹ và tắm mát cho chúng tôi. Nắng làm bỏng rát cả làn da và mái tóc của mẹ.

Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy. Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội.

Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ. Tôi chẳng muốn chui khỏi tấm áo ấm áp, an toàn đó chút nào.

Nhưng rồi những ngày thu êm ả cũng trôi qua.

Gió lạnh buốt bắt đầu thổi ù ù qua khu rừng. Gió vặn vẹo những cánh tay dẻo dai của mẹ. Gió lay giật tấm thân vững chãi của mẹ. Nhưng mẹ vẫn bền gan đứng trên sườn núi cheo leo.

Khi mùa đông đến, tôi cứ thu mình mãi trong tấm áo gai xù ấm áp của họ nhà dẻ gai và nép mãi vào tay mẹ, tóc mẹ. Tôi sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình. Tôi sợ những gì lạ lẫm trong rừng già. Nhưng tôi nghe tiếng mẹ thì thầm:

- Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!

Tôi cố quẫy mình... Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra. Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ. Hoá ra tôi là trái dẻ cuối cùng đang nép trên cánh tay vươn cao nhất của mẹ. Mẹ đưa tay theo chiều gió và thì thầm với riêng tôi: “Tạm biệt con yêu quý, hạt dẻ bé bỏng nhất của mẹ. Dù thế nào con cũng sẽ lớn lên, hãy dũng cảm và đón nhận cuộc sống mới nhé!“ 

Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già... “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!”- tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ...

(Theo Phương Thanh Trang, trích Câu chuyện của hạt dẻ gai, tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 12 (465), 2020)

Câu 1. Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi sau:

1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào?

A. Mẹ Dẻ Gai

B. Một cây dẻ trong rừng già

C. Một nhân vật trong câu chuyện

D. Nhân vật “tôi” - đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai

2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào?

A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em

B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em

C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già

D. Những hạt dẻ gai trong rừng già

3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ."?

A. Ẩn dụ

B. Điệp ngữ

C. Hoán dụ

D. So sánh

4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp?

A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn.

B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp.

C. Vì “tôi” sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến.

D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm.

Câu 2. Trả lời các câu hỏi sau:

1. Nhân vật“tôi” thể hiện được những đặc điểm gì của nhân vật trong truyện đồng thoại?

2. Hãy tìm ba từ mà em cho là phù hợp để nêu bật đặc điểm của nhân vật “tôi”.

3. Nêu bài học cuộc sống mà em có thể rút ra từ câu chuyện của hạt dẻ gai trong đoạn trích.

Phần II: VIẾT (3 điểm)

Câu 1. Em hãy tưởng tượng những điều hạt dẻ gai gặp trong giấc mơ và sau giấc ngủ đông ấm áp. Hãy giúp nhân vật ấy kể tiếp câu chuyện của mình trong rừng già theo cách của em.

Câu 2. Những trải nghiệm của nhân vật “tôi” trong đoạn trích có thể gợi liên tưởng đến điều gì trong cuộc sống của em? Viết đoạn văn chia sẻ điều đó.

Phần III. NÓI VÀ NGHE (3 điểm)

Câu 1. Trong vai hạt dẻ gai, em hãy tưởng tượng và kể lại những điều nhân vật gặp trong giấc mơ và sau giấc ngủ đông ấm áp.

Câu 2. Câu chuyện của hạt dẻ gai có thể gợi liên tưởng đến những trải nghiệm của em. Hãy chia sẻ những trải nghiệm đó với mọi người.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Phần I: ĐỌC HIỂU VÀ THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT (4 điểm) 

Câu 1. Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi sau:

1. D 

2. B 

3. B

4. D

Câu 2. Trả lời các câu hỏi sau:

1. Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm của nhân vật trong truyện đồng thoại: Nhân vật “tôi” được nhân cách hóa với những suy nghĩ, đặc điểm, tính cách giống như con người.

2. Theo em 3 từ có thể phù hợp với đặc điểm của nhân vật “tôi” là: sợ sệt, dũng cảm, đáng yêu.

3. Bài học cuộc sống: Dũng cảm đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhận về những bài học bổ ích cho bản thân, những điều tốt đẹp.

Phần II: VIẾT (3 điểm) 

Câu 1. 

Khi rơi xuống tấm thảm lá trong rừng già, cảm giác êm dịu, trong trẻo khiến tôi khoan khoái lạ thường. Mùa đông đến, cả khu rừng bỗng chốc chìm vào bầu không gian lạnh lẽo. Tấm thảm lá chẳng thể giúp tôi cảm thấy ấm áp như trong vòng tay vạm vỡ của mẹ Dẻ Gai, nhất là khi tấm áo gai xù xì đã chẳng còn bên mình. Đúng lúc này thì tôi phát hiện ra một con côn trùng kì lạ gì đó vừa đi vừa dí sát mũi xuống đất, giống như đang tìm kiếm thức ăn vậy. Tôi vội vã thu mình thật kĩ lại trong những chiếc lá khô, dặn mình không sợ hãi, nín thở chờ con vật đó đi qua. Cứ thế, những ngày tháng sau đó, tôi cũng học được cách sinh tồn và tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm dưới mặt đất này. Rồi mùa xuân cũng đến, những tia nắng ấm áp len lỏi qua từng tán cây rọi xuống mặt đất. Tôi vươn mình đón những tia nắng ấm áp, những hạt mưa mát lành. Từ lúc nào, tôi đã trở thành một cây dẻ gai cường tráng đúng như ước mong của mẹ rồi. Tự bản thân tôi cũng cảm thấy thật vui vẻ, hạnh phúc khi chào đón cuộc đời này với một hình hài mới, khỏe mạnh, giúp ích cho đời.

Câu 2. 

Những trải nghiệm của nhân vật “tôi” trong đoạn trích đã khiến em liên tưởng đến lần trải nghiệm khó quên đó của chính bản thân mình. Ngày hôm đó trên đường đi học về, qua ngõ vắng em đã bắt gặp cảnh một bà cụ bị một nhóm thanh niên chặn đường xin tiền. Bà cụ đưa ánh mắt ra hiệu em đừng lại gần kẻo gặp nguy hiểm. Một trong số những thanh niên trong nhóm còn lao nhanh về phía em, túm lấy cặp sách sau lưng đuổi em đi. Em biết lúc này mà bỏ đi thật thì bà sẽ gặp nguy hiểm mất. Em quay lưng chạy nhanh khỏi ngõ rồi lập tức hô hoán thật to để gọi người lớn xung quanh chạy đến giúp bà cụ. Em còn cố tình hét to hơn: "Công an đến!" làm nhóm thanh niên trấn lột kia sợ hãi bỏ chạy toán loạn. Thật ra chẳng có chú công an nào cả, chỉ có hai bác thanh niên chạy đến mà thôi. Mọi người khen em nhanh trí, dũng cảm mới cứu được bà cụ khỏi cảnh nguy nan. Bà cụ cảm ơn em, còn em, em chỉ cảm thấy vui mừng vì đã giúp được bà. Về nhà, em có kể lại chuyện này cho bố mẹ nghe, cả nhà ai cũng khen em dũng cảm, thông minh. Đây đúng là lần trải nghiệm khó quên của em vì em chưa từng rơi vào hoàn cảnh như thế bao giờ. Dù biết là nguy hiểm, nhưng nếu được chọn lựa, em sẽ vẫn hành động như vậy. Giúp đỡ được mọi người cũng chính là giúp bản thân mình có thêm nhiều bài học bổ ích trong cuộc sống.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 6 Kết nối tri thức năm 2021-2022 Trường THCS Tịnh An. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF