YOMEDIA
NONE

Hình ảnh mùa xuân tuổi trẻ tình yêu trong bài thơ Vội vàng- Mùa xuân chín.

Hình ảnh mùa xuân tuổi trẻ tình yêu trong bài thơ Vội vàng- Mùa xuân chín.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Nhắc đến chủ đề mùa xuân tuổi trẻ và tình yêu trong thơ ca, chúng ta không thể không nhắc đến sáng tác của hai nhà thơ nổi tiếng, đó chính là bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu và bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử. Đây đều là những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, và hai bài thơ đều nói đến mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ, tuy nhiên ở mỗi bài thơ lại mang những phong cách thơ khác nhau, cách nói khác nhau.

    Trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu, ta cảm nhận rõ sự gắn bó mật thiết giữa mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, nhà thơ cảm nhận rất tinh tế những nét đặc trưng của mùa xuân, nhận ra sự tương quan giao hòa trong cảnh vật:

    “Của ong bướm này đây tuần tháng mật,

    Này đây hoa của đồng nội xanh rì.

    Này đây lá của cành tơ phơ phất,

    Của yến anh này đây khúc tình si.”

    Mùa xuân là mùa của cây lá đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ ngát hương, ong bướm tìm mật và chim muông ca hát, tất cả hiện lên với hương sắc đậm đà nhất, sức sống mãnh liệt nhất. Sức sống của mùa xuân cũng chính là tượng trưng cho sức sống của tuổi trẻ, “cành tơ” là sự non tơ mơn mởn, giống như những cô gái chàng trai đang trong độ tuổi xuân thì, hơn thế mùa xuân còn tượng trưng cho sự gắn kết, tình yêu đôi lứa. Chỉ có bằng con mắt và cảm nhận của một người say mê tha thiết với thiên nhiên cuộc đời như Xuân Diệu mới nhìn ra “tuần tháng mật” của “ong bướm”, “hoa” của “đồng nội xanh rì”, “lá” của “cành tơ phơ phất”, và cũng chỉ nhà thơ mới nghe thấy “khúc tình si” của “yến anh”. Xuân Diệu cũng đặt mình vào trong tình yêu ấy, hơn thế còn yêu vồ vập và đắm say, “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” là cách ví von mà chỉ có trong tâm hồn đang say mê của Xuân Diệu. Hiểu rõ mùa xuân chính là tuổi trẻ và tình yêu, hơn thế Xuân Diệu còn nhận thức rõ về quy luật tuần hoàn của thời gian, của đời người, xuân rồi cũng sẽ qua đi, thời gian cũng theo đó mà cướp mất tuổi xuân. Nhà thơ lo sợ rằng nếu không “vội vàng” sẽ để tuổi trẻ trôi vụt qua, chính vì vậy, tác giả muốn ôm trọn, chiếm giữ để tận hưởng vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu:

    “Ta muốn ôm

    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,

    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều.”

    Vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu trong thơ của Xuân Diệu được hiện lên sôi nổi, đắm say và quyến rũ như vậy, còn đối với thơ của Hàn Mặc Tử lại mang những nét nhẹ nhàng, sâu lắng và trầm tĩnh. Mở đầu bài thơ “Mùa xuân chín” chính là khung cảnh thiên nhiên lặng lẽ, êm ái:

    “Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

    Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

    Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

    Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.”

    Từng bước đi của mùa xuân được tác giả cảm nhận rất tinh tế, đó là bước đi nhẹ nhàng, khẽ khàng, từng bước là từng biến đổi của không gian, một bước “khói mơ tan”, hai bước “mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Trong con mắt của Hàn Mặc Tử, thiên nhiên đất trời cũng tình tứ với nhau không kém gì Xuân Diệu, tác giả nghe thấy tiếng gió sột soạt đang “trêu tà áo biếc”, nhìn thấy trên giàn thiên lí “bóng xuân sang”. Sắc màu mùa xuân trong thơ của Hàn Mặc Tử tuy đơn giản nhưng không kém đi nhựa sống tuôn trào:

    Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

    Bao cô thôn nữ hát trên đồi:

    - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

    Trong khung cảnh mùa xuân, thấp thoáng bóng dáng của tình yêu và tuổi trẻ, hình ảnh “cô thôn nữ” chính là đại diện cho tuổi trẻ, họ đang hát say sưa, tác giả không chỉ nhìn thấy mà còn nghe thấy và cảm nhận lấy. Đó chính là cảm nhận về sự hòa hợp giữa mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ, những câu hát về tình yêu về sự gắn kết đôi lứa vang lên giữa không gian xuân xanh bao la, thoáng đãng.

    “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

    Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

    - “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

    Đến đoạn thơ này, ta được thấy rõ bức tranh tương phản về mùa xuân “xanh” và mùa xuân “chín” trong Hàn Mặc Tử, nếu mùa xuân xanh có “sóng cỏ xanh tươi”, có “bao cô gái” đang “hát bên đồi” khúc hát tình yêu, thì mùa xuân chín chỉ còn “bờ sông nắng chang chang”, chỉ còn “Chị ấy năm nay còn gánh thóc”. Một bên là còn xuân xanh đông vui, náo nhiệt, một bên đã qua thời tuổi trẻ, lặng lẽ và một mình, Hàn Mặc Tử cũng góp vào thơ một quy luật của đời người không thể tránh khỏi, đó là “theo chồng bỏ cuộc chơi”, nhà thơ tiếc thầm cho những cô gái đang độ xuân thì vui tươi ấy, theo thời gian sẽ mất đi tuổi thanh xuân mà chẳng bao giờ lấy lại được.

    Như vậy, cùng là mùa xuân tuổi trẻ tình yêu nhưng trong thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu và trong thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử lại mang những nét khác nhau, ở mỗi cách cảm quan lại cho ta những cảm nhận cái hay riêng. Một bên là Xuân Diệu mang những nét mới đầy mãnh liệt và đắm say, một bên là Hàn Mặc Tử với những nét lạ đầy nhẹ nhàng, sâu lắng.

      bởi hà trang 31/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON