YOMEDIA
NONE

Nguyễn Đình Thi cho rằng: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào.

Nguyễn Đình Thi cho rằng: Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Biển cả ngàn năm nay vẫn không ngừng dào dạt sóng, sóng biển có lúc mạnh mẽ ào ạt, lúc lại êm đềm vỗ về bờ cát cũng giống như lớp lớp sóng lòng trong tâm hồn thi nhân vậy. Đứng trước cuộc đời bao la, người nghệ sĩ xúc cảm, những cơn sóng lòng tràn lên con chữ mà thành thơ. Nói về thơ, Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ điều này.

    Thơ là hình thức sáng tác nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu để diễn tả những xúc cảm trào dâng nơi tâm hồn nhà thơ. “Tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất” mà Nguyễn Đình Thi đề cập tới ở đây chính là những rung động mãnh liệt bật ra trong một phút thăng hoa trước thế giới. Thế giới là gì nếu không phải là hiện thực khách quan, nơi sự sống vang lên mạnh mẽ? “Đụng chạm tới cuộc sống” chính là lúc mà người nghệ sĩ đối diện, thâm nhập vào đời sống để hiểu đời, hiểu người, từ đó đưa hơi thở ấm áp ấy vào thơ, tạo nên bao dòng cảm xúc bất tận. Với cách nói hình ảnh, Nguyễn Đình Thi khẳng định vai trò của hiện thực và xúc cảm đối với người làm nghệ thuật nói chung cũng như làm thơ nói riêng. Hiện thực là nguồn cội, là cơ sở làm nảy sinh những tình cảm đẹp để từ đó, thơ được thai nghén, được ra đời. Điều này xuất phát từ đặc trưng của thơ. Quá trình sáng tác thơ là mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực – tác giả - tác phẩm. Lắng nghe “tiếng đời lăn náo nức”, sống giữa cuộc đời muôn hình vạn trạng, hẳn mỗi người đều có cho mình những “hỉ, nộ, ái, ố”. Thế nhưng, ở các nghệ sĩ, đặc biệt là nhà thơ, những “hỉ, nộ, ái, ố” đó không dừng lại ở thứ cảm xúc trung bình chủ nghĩa, nhàn nhạt mà nó thăng hoa để “trong một phút nổ ra như tiếng sét” (Chế Lan Viên), để ngòi bút ghi lên trang giấy không phải là những con chữ mà là “những tiếng lòng đang nhảy múa” (Xuân Diệu) . Làm thơ nghĩa là cuộc hành trình của cảm xúc, những tình cảm sẽ dẫn dắt ngòi bút thi nhân đến những miền thơ mới lạ, đẹp đẽ khác thường. Không có hiện thực thì không có cảm xúc mà không có cảm xúc thì không làm được thơ. Đó là mối tương giao chặt chẽ, có quan hệ hữu cơ với nhau không thể tách rời.

    “Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Đến với trang thơ Cảnh ngày hè, ta cảm nhận được sâu sắc hình bóng cuộc đời trong từng con chữ và những rung động rất thực trong tâm hồn nhà thơ – một vị đại quan về ở ẩn: tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và nỗi niềm yêu nước thương dân. Đứng trước thiên nhiên, ông đã có những cảm nhận thật độc đáo:

    Rồi, hóng mát thuở ngày trường

    Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

    Câu thơ mở đầu với cách ngắt nhịp 1/2/3 sáng tạo đã diễn tả trạng thái ung dung, phong thái của một con người say sưa trước vẻ đẹp thiên nhiên trong những “ngày trường”. Nào, hãy theo chân thi nhân và cùng đắm mình vào không gian hấp dẫn ấy. Mở ra trước mắt người đọc là hình ảnh cây hòe xanh mát, tán ngày càng tỏa rộng khiến ngày hè như dịu lại. Từ láy “đùn đùn” đầy sức tạo hình, diễn tả sức sống căng tràn trong cây hòe cũng như trong cảnh vật khi hè đến. Một sức sống mạnh mẽ như ấp ủ từ cuối đông sang xuân và đến hè thì bừng dậy, trỗi dậy khắp cây cỏ muôn phương. Trong một bài thơ khác, ông viết:

    Có thuở ngày hè trương tán lục

    Đùn đùn bóng rợp cửa tam công

    Ngòi bút Nguyễn Trãi không chỉ tràn ngập hùng tâm tráng chí của thời đại Bình Ngô mà còn hừng hực lửa sống của đời, của người. Không chỉ có cây hòe mà còn cây lựu với những chùm hoa đỏ rực cũng được miêu tả đầy ấn tượng qua động từ “phun”. Một và chỉ một động từ đó thôi cũng đủ để ta hình dung sự sống như có hình khối, màu sắc, có thể cảm nhận trực tiếp bằng thị giác một cách trực tiếp. Sắc đỏ của hoa lựu được đặt cạnh sắc xanh của cây hòe làm nên sự đối chọi nhưng cũng rất hài hòa, tinh tế. Nguyễn Trãi dường như không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà họa sĩ với những nét màu rất sắc, rất hấp dẫn thị giác người xem. Chẳng thế mà có nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Ta bất ngờ nhận ra điều trùng hợp đến kì lạ. Con người Nguyễn Trãi sao thật giống với danh họa Hà Lan Van – gốc. Không phải ở những màu sắc biểu hiện mà ở cách diễn tả chúng. Van – gốc vẽ cánh đồng ta tưởng như cánh đồng bốc cháy, hàng cây bên đường cũng quằn quại vệt lửa. Còn Nguyễn Trãi, những chữ “đùn đùn”, “phun” ... ấy là lửa trong lòng nhà thơ...” Một “cuộc chơi” màu sắc làm bức tranh ngày hè sống động đến vô cùng. Sau này, ta cũng gặp “cuộc chơi” đó trong thơ hiện đại. Xuân Diệu viết:

    Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

    Tố Hữu – một nhà thơ cách mạng lại có cái nhìn tươi mới hơn:

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Có thể thấy, Nguyễn Trãi là người đi tiên phong trong việc đưa những sắc màu sinh động của cuộc sống vào thơ và rất thành công trong việc miêu tả bức tranh cảnh ngày hè. Nhưng như vậy đâu đã đủ. Bên cạnh những hình ảnh, màu sắc rực rỡ đó, mùa hè còn hấp dẫn thi nhân bằng hương sen ngan ngát: “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Lại một lần nữa cách dùng từ của Ức Trai khiến ta thích thú. Động từ “tiễn” như mang hương sen đi khắp không gian, tỏa vào đất trời và thấm vào lòng người. Đọc câu thơ khiến ta như thực sự bước vào thế giới mùa hè sống động đó. Càng sống động hơn khi ta được lắng nghe:

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

    Tâm hồn Nguyễn Trãi như bao trùm lên cảnh vật, cảm nhận và thấu hiểu thế giới xung quanh bằng con mắt âu yếm, trân trọng. Tiếng ve xôn xao, vang động trong không gian được gói trong một từ “dắng dỏi” đầy sức gợi. Vậy là bức tranh thiên nhiên vừa rực rỡ sắc màu, thoang thoảng mùi hương lại náo nức âm thanh. Mọi giác quan đều được bừng thức trước cảnh vật mùa hè, tình yêu thiên nhiên dâng trào qua từng con chữ, đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên, đầy ấn tượng. Đó chính là “tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất” của tâm hồn Ức Trai trước cảnh vật mùa hè.

    Bên cạnh tình yêu thiên nhiên là tình yêu cuộc sống chan chứa. Chỉ với một câu thơ: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”, tác giả đã diễn tả được âm thanh vang động của cuộc sống, âm thanh của ấm no, của yên bình mặc dù nó vọng đến từ rất xa, dù chỉ là những tiếng “lao xao” nhưng bằng tấm lòng gần dân, thương dân, Nguyễn Trãi đã lắng nghe và cảm nhận bằng cả tâm hồn mình, thổi sức sống vào những con chữ tưởng như vô tri. Nếu hẳn là âm thanh “ồn ào trên bến đỗ” của Huy Cận trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” thì ai cũng nghe thấy, cũng cảm nhận được. Thế nhưng với Nguyễn Trãi, dù chỉ là vang âm “lao xao” của cuộc sống, ông đã có thể nắm bắt và đưa vào thơ thành công. Có lẽ đó cũng chính là những điểm làm nên nét hấp dẫn riêng của hồn thơ Ức Trai: tinh tế, nhạy cảm mà cũng rất mãnh liệt.

    “Tiếng nói” sâu lắng nhất, thấm thía nhất trong bài Cảnh ngày hè có lẽ là tiếng lòng ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân hết mực của Nguyễn Trãi:

    Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

    Dân giàu đủ, khắp đòi phương

    Hai câu kết nêu lên một ước mơ, giãi bày một khát vọng mạnh mẽ của tác giả. Ông ước nhưng không ước cho mình, cho cuộc sống vật chất của bản thân mà dành tất cả sự quan tâm mong mỏi ấy cho nhân dân – những con người “đòn gánh xương chín dạn hai vai”. Thương dân, thấu hiểu những khó khăn vất vả trong đời sống người dân lao động nên nhà thơ chỉ mong có cây đàn của vua Ngu Thuấn để gảy khúc Nam Phong mừng cho đời sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân. Ở đây, tác giả đã sử dụng điển tích điển cố nhưng không hề khô khan, gò ép, trái lại rất tự nhiên, diễn tả chân thực khát khao cháy bỏng là nhân dân có cuộc sống bình yên, no đủ, như đương thời vua Lê Thánh Tông cũng mong ước:

    Nhà Nam nhà Bắc đều no mặt

    Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình

    Đặt trong bối cảnh Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn do đắc chí, khát vọng ấy “Dẽ có...” (lẽ ra nên có) còn phảng phất nét buồn, tâm sự ưu thời mẫn thế vì chí lớn chưa thỏa sức thực hiện. Nhưng dẫu sao, câu thơ vẫn ánh lên tấm lòng “sáng tựa sao Khuê” của một con người suốt đời lo cho dân cho nước.

    Chỉ bằng một bài thơ ngắn, ta đã nhận ra tài năng nghệ thuật Nguyễn Trãi. Với thể thơ thất ngôn xen lục ngôn đầy sáng tạo, hệ thống hình ảnh giàu chất gợi hình, gợi cảm và ngôn ngữ thơ Nôm vừa tinh tế, hàm súc lại rất đỗi gần gũi, thân thuộc, bài thơ là một “công trình nghệ thuật” đầy ấn tượng, mang đậm nét tư tưởng Nguyễn Trãi: tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và nỗi niềm yêu nước thương dân. Đó là những “tiếng nói” đầy ý nghĩa vang lên từ tâm hồn Ức Trai trước cuộc đời muôn hình muôn sắc. Tiếng nói ấy vừa đặc trưng lại vừa độc đáo, mới mẻ. Thường trong văn học trung đại, khi miêu tả thiên nhiên, các tác giả nghĩ ngay đến xuân với “Cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du) hay “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” chứ ít ai nhắc tới mùa hè. Vượt ra khỏi cái khuôn mẫu xáo mòn, cái “xương xẩu cứng khô” của tư tưởng phi ngã, Nguyễn Trãi đã tạo nên không không gian nghệ thuật riêng, trong đó âm vang cuộc sống hiện lên thật rõ nét qua từng con chữ, thực sự “đụng chạm tới cuộc sống” bằng chính những giác quan nhạy bén, bằng tâm hồn rộng mở và bằng cả ngòi bút tài hoa, xứng đáng là “người làm nên lòng tin cho ngôn ngữ dân tộc” (Lê Trí Viễn).

    “Thơ ca là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Đọc thơ cũng chính là đến với thời đại của nhà thơ, đồng thời đến với thế giới nội tâm của người nghệ sĩ với bao xúc cảm lạ lùng. Nhận định của Nguyễn Đình Thi mang đến chiêm nghiệm sâu sắc về thơ ca cũng như bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận. Thơ ca là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống cũng như hiện thực tâm hồn, do đó người làm thơ cần phải xúc cảm thực sự trước cuộc đời, con người mới có thể mang những cảm xúc đó vào thơ, như Nguyễn Du thương cô Kiều tài hoa bạc mệnh và làm nên kiệt tác “Truyện Kiều”, như Xuân Diệu với lòng yêu đời và khát khao giao cảm mãnh liệt thổi hồn cho những “Vội vàng”; “Thơ duyên”... Cảm xúc sẽ dẫn dắt nhà thơ tới miền đất của cái đẹp, của chân – thiện – mĩ. Tuy nhiên chỉ cảm xúc thôi thì chưa đủ, cảm xúc mãnh liệt cũng cần một tài năng nghệ thuật đích thực để giúp truyền tải những vang âm đó vào trang thơ, làm nên những tác phẩm thực sự mà như Viên Mai đã nhận xét: “Tài gia tình chi phát, tài thịnh tình đắc thâm” (Cái tài do tình sinh ra, tài cao ắt tình sâu). Đối với người đọc, trong quá trình tiếp nhận văn học cần trân trọng công sức của nhà văn, nhà thơ, đọc để không chỉ thấy cái hay của câu chữ mà còn thực sự đồng điệu, tri âm với tâm hồn, với tiếng nói sâu lắng mà nhà thơ gửi gắm vào tác phẩm, bởi “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu).

    Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

    Cuộc sống trở về bình yên

    Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm

    Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc

    (Xuân Quỳnh)

    Nếu không còn những vấn thơ – những tiếng nói tâm hồn đầy xúc cảm ấy chắc chắn cuộc sống sẽ thiếu đi hẳn một phần niềm vui, vài phần nỗi buồn và rất nhiều phần lãng mạn. Vậy nên hãy cứ làm thơ, yêu thơ – cũng là yêu chính cuộc sống tươi đẹp này.

      bởi thanh hằng 25/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON