YOMEDIA
NONE
  • Câu hỏi:

    Trình bày những đặc điểm cơ bản của thời kì quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Giải thích vì sao nước ta quá độ lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển của CNTB là một tất yếu khách quan?

    Lời giải tham khảo:

    Những đặc điểm cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam

    • Nước ta quá độ từ một nước xã hội vốn là thuộc địa nửa phong kiến, trong đó nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội .
    • Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh ác liệt, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn dư của chế độ cũ còn nhiều. Nền sản xuất nhỏ cũng để lại nhiều nhược điểm, tập quán lạc hậu. Nhưng nước ta cũng đã xây dựng được một số cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
    • Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và nền độc lập của dân tộc ta.
    • Nhân dân ta có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và anh dũng trong đấu tranh, có ý chí tự lực, tự cường để thực hiện công cuộc xây dựng CNXH.

    Nước ta quá độ lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan vì:

    • Một là, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa là phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử. Loài người đã phát triển qua các hình thái kinh tế- xã hội: công xã nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa. Sự biến đổi của các hình thái kinh tế- xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên và hình thái kinh tế- xã hội sau cao hơn, tiến bộ hơn hình thái kinh tế- xã hội trước nó. Sự biến đổi của các hình thái kinh tế- xã hội nói trên đều tuân theo quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
    • Cho dù ngày nay, chủ nghĩa tư bản đang nắm nhiều ưu thế về vốn, khoa học, công nghệ và thị trường, đang cố gắng điều chỉnh trong chừng mực nhất định quan hệ sản xuất để thích nghi với tình hình mới, nhưng không vượt ra khỏi những mâu thuẫn vốn có của nó, đặc biệt là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn này ngày càng phát triển gay gắt và sâu sắc. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và xã hội hóa lao động làm cho các tiền đề vật chất, kinh tế, xã hội ngày càng chín muồi cho sự phủ định chủ nghĩa tư bản và sự ra đời của xã hội mới - chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản không phải là tương lai của loài người. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
    • Hai là, phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội không chỉ phù hợp với xu thế của thời đại, mà còn phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam: cách mạng dân tộc, dân chủ gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trước hết là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, dân chủ... đồng nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Vì vậy, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự tiếp tục hợp lôgíc cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, làm cho cách mạng dân tộc, dân chủ được thực hiện triệt để.
    • Ba là, nước ta có nguồn lao động dồi dào với truyền thống lao động cần cù và thông minh, trong đó đội ngũ làm khoa học, công nghệ, công nhân lành nghề có hàng chục ngàn người ... là tiền đề rất quan trọng để tiếp thu, sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Nước ta có nguồn tài nguyên đa dạng, vị trí địa lí thuận lợi và những cơ sở vật chất - kĩ thuật đã được xây dựng là những yếu tố hết sức quan trọng để tăng trưởng kinh tế. Những tiền đề vật chất trên tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm quản lí tiên tiến của các nước phát triển.
    • Bốn là, quá độ lên chủ nghĩa xã hội không những phù hợp với quy luật phát triển lịch sử mà còn phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hi sinh không chỉ vì độc lập dân tộc mà còn vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những yêu cầu ấy chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đáp ứng được. Quyết tâm của nhân dân sẽ trở thành lực lượng vật chất để vượt qua khó khăn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
    • Hơn nữa ta có Đảng cộng sản lãnh đạo, đó là một Đảng giàu tinh thần cách mạng và sáng tạo, có đường lối đúng đắn và gắn bó với nhân dân, có Nhà nước xã hội Chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng được củng cố vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân, đó là những nhân tố chủ quan vô cùng quan trọng bảo đảm thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
    • Vậy hiểu “bỏ qua” chế độ TBCN như thế nào cho đúng?
    • Sẽ là sai lầm và phải trả giá nếu quan niệm “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” theo kiểu phủ định sạch trơn, đem đối lập chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, bỏ qua cả những cái “không thể bỏ qua” như đã từng xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.
    • Bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa thực chất là phát triển theo con đường “rút ngắn” quá trình lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng “rút ngắn” không phải là đốt cháy giai đoạn, duy ý chí, coi thường quy luật, như muốn xóa bỏ nhanh sở hữu tư nhân và các thành phần kinh tế “phi chủ nghĩa xã hội” hoặc coi nhẹ sản xuất hàng hóa,... Trái lại, phải tôn trọng quy luật khách quan và biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước, tận dụng thời cơ và khả năng thuận lợi để tìm ra con đường, hình thúc, bước đi thích hợp. Phát triển theo con đường “rút ngắn” là phải biết kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được ở chủ nghĩa tư bản không chỉ về lực lượng sản xuất mà cả về quan hệ sản xuất, cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng.
    • Bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng không thể thực hiện quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội mà phải qua con đường gián tiếp, qua việc thực hiện hàng loạt các hình thức quá độ. Thực hiện các hình thức kinh tế quá độ, các khâu trung gian... vừa có tác dụng phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất, vừa cần thiết để chuyển từ các quan hệ tiền tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nó là hình thúc vận dụng các quy luật kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể.
    ADSENSE

 

 

CÂU HỎI KHÁC

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF