YOMEDIA
NONE

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5: Văn tả cảnh - Ngữ văn 6

Qua bài soạn giúp các em rèn luyện năng lực viết bài văn tả cảnh thông qua việc thực hành giải quyết 4 đề tham khảo trong SGK.

 

1. Các đề văn mẫu

  • Bài viết số 5 lớp 6 bao gồm một số bài văn mẫu hay lớp 6 với 4 chủ đề:
    • Đề 1: Hãy tả lại một cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp tết đến, xuân về.
    • Đề 2: Hãy viết bài văn miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve vào một ngày hè.
    • Đề 3: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình, hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp đó.
    • Đề 4: Em hãy viết thư cho bạn ở miền xa, tả lại khu phố hay thôn xóm, bản làng nơi mình ở vào một ngày mùa đông giá lạnh.

2. Gợi ý làm bài

Đề 1: Hãy tả lại một cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp tết đến, xuân về.

 1. Mở bài

  • Hoa đào là loài hoa đặc trưng của mùa xuân miền Bắc
  • Thấy hoa đào nở là thấy xân về.
  • Em thấy lòng mìn náo nức mỗi khi nhìn thấy cây đào trước ngõ.

2. Thân bài

a. Cây đào nhìn từ xa

  • Cây đào do ông em trồng trước ngõ đã nhiều năm.
  • Cây to, gốc sù sì, cành toả rộng.
  • Mùa đông, cành cây đen đúa, khẳng khiu, nhìn gầy gò, không có sức sống.
  • Khi có mưa xuân, cành cây bỗng mỡ màng và dịp tết đến cây như một ngọn đèn hồng rực rỡ thắp sáng ngõ nhà em.

b. Cây đào nhìn cận cảnh

  • Ngày 28 tết, ông lựa cành đào đẹp nhất, cắt lấy cắm vào chiếc lục bình.
  • Sắc hồng của hoa đào làm căn phòng thêm ấm cúng.
  • Cành đào xoè ra với dáng vẻ tự nhiên không bị uốn nắn.
  • Mỗi đoá hoa có năm cánh hồng nhạt mỏng manh.
  • Nhuỵ hoa vàng tươi.
  • Những bông hoa chen với nụ nở chi chít trên cành.
  • Hoa đào cùng nhau trầm đèn nến tạo nên không khí tết thật đầm ấm.

3. Kết bài

  • Em rất yêu cây đào trước ngõ.
  • Loài hoa mang đến niềm vui năm mới.
  • Em chăm sóc cây đào để mỗi mùa xuân nó lại nở hoa.

Bài văn mẫu

Xuân về, trăm hoa đua nở. Hoa nào cũng đẹp, cây nào cũng có ý nghĩa riêng, nhưng duyên dáng nhất là cây mai vàng.

Lá mai nhọn, hao hao giống lá chè. Trời cuối đông, lá mai vàng úa rồi lác đác rụng. Mỗi chiếc lá có một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc lá vô tư rơi xuống đất, không do dự. Có chiếc lá rụng khỏi cành rồi bay lượn một vòng trên không mới xuống gốc. Có chiếc lá ngần ngại, rụt rè hoặc lưu luyến khi phải xa cành, phải đợi người trồng mai tận tay tỉa chúng.

Trước khi đón Tết, cây mai vàng chỉ còn lại những cành khẳng khiu, trụi lá. Duy chỉ có một cái gốc là trông vững chãi. Thân mai có chiều quằn, chiều lượn, thật uyển chuyển. Nhìn cây trút lá em tưởng chừng nó không còn sức sống, nhưng đó là một sự hi sinh cao cả, những chiếc lá già nhường chỗ cho những chiếc lá non chào đời, tiếp tục vươn lên để làm nhiệm vụ đang chờ ở phía trước.

Ngày Tết đến, cùng với cảnh vật giao mùa, cây mai vàng nở rộ, lung linh những đóa hoa vàng tươi, ấm áp. Hoa mai có năm cánh nhưng lớn hơn cánh hoa đào một chút. Những cánh hoa mềm mại, mịn màng, xếp đều quanh cái nhụy tí xíu. Dưới những bông hoa ấy là những đài hoa thật thanh tân, chúng bao bọc lấy hoa, cùng hoa thưởng thức khí trời hửng ấm. Hoa mai nở rộ, lá non cũng mạnh mẽ vươn lên. Lá tuy bé nhỏ, mỏng manh nhưng bám chặt lấy thân, cành. Cây mai vàng thật đẹp, đậm đà hương sắc của ngày Tết cổ truyền. Những câu đối đỏ, những lời chúc mừng đầu năm trong những cánh thiệp nhỏ trên cành mai thì thật ý nghĩa.

Nắng xuân rải nhẹ trên hoa lá, cày mai vàng lại càng đẹp hơn. Vẻ đẹp của cây mai thật giản dị nhưng thanh cao, khí phách như người. Những chú ong rù rì đôi cánh quanh những đóa hoa, những chị bướm rập rờn trong những chiếc lá non xanh càng làm tăng vẻ đẹp của cây mai vàng. Dường như chúng cũng ngợp mắt trước sắc xuân lộng lẫy, ngợp mắt trước màu vàng trù phú của cây mai ngày Tết.

Mai vàng thật đẹp, thật quí. Cây mai có mặt từ miền quê đến thành phố rực rỡ các loài hoa. Mai ung dung đứng trước cửa nhà. Mai được đặt trong phòng khách, mai cùng con người đón Tết, vui xuân. Mai đem đến niềm vui và hạnh phúc cho con người. Mai vui cùng con người những chiều vàng ấm áp:

Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc

Hình ảnh cây mai ngày Tết đã làm cho tâm hồn em thêm phong phú. Em cảm thấy yêu mái ấm gia đình, nhớ ơn tổ tiên, gần gũi với họ hàng, bà con, bè bạn. Mỗi mùa hoa nở em tự nhủ rằng mình đã lớn. Năm mới thêm một tuổi mới, em phải có những thành tích mới trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.

 

Đề 2: Hãy viết bài văn miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve vào một ngày hè.

1. Mở bài

  • Cây hoa phượng được trồng ở đâu?
  • Từ bao giờ?

2. Thân bài

a. Tả cây phượng

  • Cây phượng lớn cỡ nào? Hình dáng nó ra sao?
  • Cây phượng có đặc điểm gì? Rễ, thân, cành, lá, hoa, quả... như thế nào?
  • Hoa phượng nở vào mùa nào trong năm?
  • Màu sắc của cánh hoa, nhụy hoa?
  • Cây phượng gắn bó với học sinh ra sao?

b. Tả tiếng ve

  • Cùng với hoa phượng ve ở đâu cũng kéo về, tiếng ve như thế nào?
  • Mọi người xung quanh có nhận xét gì khi nghe tiếng ve kêu?
  • Tiếng ve đã làm cho mùa hè trở nên như thế nào?

c. Tình cảm học sinh đối với hàng phượng vĩ và tiếng ve

  • Yêu quý, nhớ nhung khi mùa hè qua đi ...
  • Thương cho những chú ve kêu suốt đến khô cả xác.

3. Kết bài

  • Em sẽ làm gì để bảo vệ và chăm sóc cây phượng sau khi mùa hè qua: Dọn dẹp vệ sinh xung quanh cây, tưới nước ...

Bài văn mẫu

Có người học trò nào lại không thương, không nhớ sắc màu đỏ rực của những cánh phượng hồng và âm thanh râm ran của những tiếng ve gọi hè da diết? Và như quy luật của tạo hóa muôn đời này, tuổi học trò, phượng vĩ và tiếng ve lạ kì luôn gắn với mùa thi, mùa hạ.

Hàng phượng vĩ chạy dài theo con phố dẫn đến ngôi trường tôi đang học. Hai bên đường những tán cây rợp mát, đan vào nhau tạo thành vòm. Cái vòm cổng tự nhiên ấy giống như một hành lang dẫn đến cung điện của một vị vua. Vào những ngày hè như thế này, cái cổng vòm xanh mát của mùa hè đã chuyển sang sắc đỏ rực rỡ. Đi dưới lòng đường, tôi mơ màng tưởng tượng những cánh phượng tươi thắm trên cây giống như muôn ngàn chú bướm đang múa lượn quanh tôi – một nàng công chúa. Đặc biệt, những cây phương đã già, thân cây vừa vòng tay ôm của một đứa học sinh lớp 6 như tôi, vỏ cây xù xì và chúng đứng thẳng tắp hai bên đường như những người lính đứng canh gác. Đây chẳng phải con đường dẫn đến hoàng cung là gì?

Mùa hè sang, dấu vết của nhưng tán lá trên cây còn rất ít. Từ xa nhìn lại, chỉ còn lốm đốm vài điểm xanh đủ để điểm tô và làm nền cho sắc đỏ kiêu hãnh của những chùm phượng vĩ. Đi dưới lòng đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp một loạt lá phượng nhỏ li ti theo gió bay mông lung vào không gian. Theo xuống với những chiếc lá nhỏ xinh như muôn hạt tuyết xanh là những cánh phượng đỏ dịu dàng chao nghiêng. Tôi bỡ ngỡ cúi nhặt và cẩn thận ép vào trang vở trắng.

Chợt không gian vang lên tiếng râm ra rào rào. Tôi ngẩng lên sửng sốt như lần đầu nghe cái âm thanh bồi hồi ấy. Rất nhiều chú ve đang ẩn mình trong những vòm cây đang ngân nga tiếng hát. Chúng cất lời ca chào đón mùa hè hay cử hành khúc chào mừng những thành viên của cung điện nhà trường?

Giờ đây tôi mới để ý đến xung quanh. Hóa ra chẳng phải chỉ mình tôi đang tự lự đi dưới hàng cây tuổi thơ này. Lấp ló sau những thân phượng già xù xì nâu đất là những bóng áo trắng vô tư. Các bạn đang đi nhặt những cánh phượng đẹp nhát để ép vào trang vở. Cũng có bạn lang thang trên đường, thình thoảng lại chăm chú nhìn vào thân cây xem có thấy chú ve kim nào không. Khi tiếng ve râm ran cất lên, không ai bảo ai, ngẩng lên nhìn hàng cây sắc thắm. Tiếng ve rộ lên một lúc lâu rồi lại trầm xuống. Nhưng chỉ một lát sau, khi vài ba tiếng ve ngân lên nho nhỏ là cả dàn đồng ca lại râm ran tiếp nối.

Sắc nắng của ngày hè tưởng như càng rực rỡ hơn bởi mày đỏ thắm của hàng phượng vĩ và tiếng râm ran của những chú ve.

Tôi yêu mùa hè không chỉ vì có những ngày nghỉ sung sướng, tự do. Trong kí ức của tôi mùa hạ - mùa thi – mùa phượng – mùa ve đã trở thành một mảng kí ức đẹp đẽ trong tâm hồn bất kì một cô cậu học trò nào.

 

Đề 3: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình, hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp đó.

1. Mở bài

  • Em dự định miêu tả cảnh gì?
  • Đó là cảnh mà em đã trực tiếp được chứng kiến hay đã xem nó trên truyền hình.

2. Thân bài

  • Miêu tả lại trận bão lụt khủng khiếp đó:
    • Cảnh trước khi cơn bão đến.
    • Khung cảnh chung khi cơn bão tràn qua?
    • Xóm làng (thành phố, ...), cây cối, sức vật, con người như thế nào sau cơn bão?
  • Trận bão đã để lại những thiệt hại khủng khiếp như thế nào? (cây cối đổ nát, nhà cửa tốc mái, ...)

3. Kết bài

  • Bài học rút ra sau khi chứng kiến trận bãolà gì? (phải tôn trọng những quy luật của thiên nhiên và có các bước phòng trống bão).

Bài văn mẫu

Đất nước ta nay đã yên bình, nhân dân được tự do, hạnh phúc, mọi người bắt tay vào xây dựng. Thế nhưng cuộc sống của nhân dân ta vẫn còn gặp phải khó khăn, mất mát do thiên tai đem lại. Nào là hạn hán, cháy rừng, sạt lở đất, lũ lụt... dặc biệt là nhân dân ở một số tỉnh miền Trung vừa bị cơn bão lũ hoành hành. Hậu quả thật khủng khiếp.

Hôm ấy bầu trời u tối. Gió quay cuồng, gào rít. Cây cối ngả nghiêng rồi nạp mình bởi những cơn gió xoáy. Những cơn mưa ào ào đổ xuống, xối xả trên sân nhà, mái ngói, ngọn cây. Trận này chưa qua, trận khác kéo đến. Mưa ròng rã suốt ngàv đêm. Thế rồi, nước ở sông dâng cao, đỏ lừ. Nước tràn vào thôn xóm, làng mạc, thành phổ. Nước ngập các con đường. Ruộng đồng chỉ một màu trắng xóa. Gió to. Mưa lớn. Chúng cứ tiếp nối nhau. Nước ồ ạt đổ vào các rảnh cống, kênh rạch. Nước sông sôi sục chảy xiết, cuốn theo bao khúc gỗ từ miền ngược xa xôi. Cơn bão lũ vẫn diễn ra dữ dội, mọi tầng lớp nhân dân ở đây cùng các lực lượng vũ trang ra sức chống đỡ. Hàng nghìn người dùng bao đất và cọc tre để chắn giữ đê, chắn giữ bờ sông, không cho sạt lở, ngăn dòng nước tràn vào thành phố, làng mạc. Tiếng rào rào bất tận của mưa, tiếng ào ào của nước chảy cùng tiếng gọi í ới của bao người đang chống lũ làm thính giác của con người ta như mệt mỏi. Tuy vậy họ vẫn cương quyết chống  chọi với bão lũ. Nước vẫn dâng lên cao, tràn mênh mông. Từng chiếc thuyền lòa nhòa ẩn hiện trong cơn mưa bao phủ. Người dân ở gần bờ sông và tài sản của họ được di dời đến nơi an toàn. Thanh niên cùng các lực lượng cứu hộ phải lênh đênh trong biển nước để làm nhiệm vụ. Từng chiếc thuyền dập dềnh trên sóng nước, mọi người tất bật khẩn trương. Cơn bão lũ vẫn cứ tiếp tục, nước ở các sông ầm ầm đổ ra biển. Gió biển thổi mạnh vào đất liền, từng cơn bão dữ tiếp nhau đe dọa. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, bay loang choảng. Hàng loạt nhà bị sạt móng, ngã vách. Có những ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụn  mặc dù nó là nơi mà mọi người phải làm từ lâu lăm mới có được. Tài sản bị bão lũ cướp đi, mạng người cũng không tránh khỏi. Trường học, bệnh viện, nhà máy đều bị hư hại khủng khiếp vô cùng đến mấy ngày liền.

Cơn bão lũ qua đi, làng mạc, phố phường nơi đây là một màu đơn điệu, quang cảnh thật lặng lẽ trầm buồn, mọi người nhìn cảnh mất mát mà lòng như thôi miên, thất vọng.

Cơn bão lũ đã để lại biết bao nhiêu cảnh màn trời, chiếu đất, đói ăn, thiếu mặc... Cả nước đang hướng về miền Trung, đang dang rộng vòng tay nhân ái dể giúp đồng bào bị nạn đi lên khỏi bờ vực thẳm.

 

Đề 4: Em hãy viết thư cho bạn ở miền xa, tả lại khu phố hay thôn xóm, bản làng nơi mình ở vào một ngày mùa đông giá lạnh.

1. Mở bài

  • Lời xưng hô.
  • Lời chúc.
  • Dẫn dắt để giới thiệu về khu phố, thôn xóm hay bản làng của mình vào một ngày đông.

2. Thân bài

  • Miêu tả những nét đặc trưng của mùa đông (nhất là mùa đông nơi em đang ở).
    • Thời tiết, hình ảnh ông mặt trời, gió, sương, ...
    • Thiên nhiên, cảnh vật
  • Miêu tả những sinh hoạt đời thường ở khu phố, thôn xóm,... của em trong những ngày đông ấy.
  • Những ngày đông giá lạnh ấy gợi cho em những cảm xúc và suy nghĩ ra sao?

3. Kết bài

  • Ấn tượng sâu đậm nhất của em về những ngày mùa đông ấy là gì? (co ro trong áo ấm, xum xoe bên bếp lửa mẹ nấu, ...)
  • Lời chào tạm biệt.
  • Lời chúc và nhắn nhủ.

Bài văn mẫu

Ngọc Linh thân mến!

Mình đang viết cho bạn từ bên khung cửa sổ. Hà Nội đã vào đông, gió từ sông Hồng, từ Hồ Tây thổi vào phía nhà mình lạnh lắm. Mùa đông ở đây vẫn có cái giống quê mình nhưng cũng lại có rất nhiều cái khác. Đó là những điều mới lạ rất đặc trưng tạo nên cái rét ở xứ Hà Thành.

Hình như ở Hà Nội mùa đông đến sớm hơn ở quê mình Linh ạ! Từ cuối thu, cứ mỗi chiều mình lang thang đạp xe trên phố, mình lại được thưởng thích cái cảm giác lành lạnh của gió heo may. Gió đuổi những chiếc lá khô cứ chạy vòng tròn rồi lại xoay mình chạy dọc phố Thanh Niên. Nhưng chỉ cần bạn đạp xe vào lúc chiều đã muộn thì dù có đi giữa mùa thu bạn sẽ cảm giác cái lạnh đã bắt đầu lan trên da thịt.

Hà Nội đông đúc và náo nhiệt. Hình như đó chính là nguyên nhân khiến mùa đông ở đây cũng vẫn rét mà không làm người ta phải cảm thấy xuýt xao và tê tái như ở quê mình. Đường cũng sạch bong ít bụi nên mặt mũi môi cũng ít nứt nẻ hơn. Nhưng có lẽ cái dễ cảm nhận nhất, cái đặc trưng nhất của mùa đông ở đây buồn lắm.

Bạn cứ tưởng tượng xem, dù lúc nào đường cũng đông xe cộ lắm nhưng ai đó đều có công việc của mình. Người thì mau chóng đi về nhà sau một ngày mệt mỏi, mong muốn được ấm áp cùng vợ con trong bữa cơm chiều. Người khác lại trốn vào một quán cà phê nào đó để chống cái lạnh mùa đông. Và còn bao nhiêu người khác cứ đi qua đi lại vội vã lắm chẳng biết họ bận rộn điều gì. Thế là dù đang ở giữa dòng người ầm ầm tiếng còi xe ai cũng thấy giá lạnh vô cùng.

Trường học ở đây cũng lạ. Mình nhớ ngày xưa dù mùa đông chúng mình vẫn thích nô đùa ồn ã nhưng lớp mình ở đây các bạn co mình vào thành nhóm mà trò chuyện. Giờ ra chơi chẳng thấy các bạn bước ra tới cửa.

Ngọc Linh thân mến!

Cũng may ở đây còn có nhiều niềm vui khác nếu không thì buồn lắm.

Linh ạ! ở quê mình mùa đông hầy như chỉ thấy lác đác vài bông hoa cúc nhưng ở thủ đô hoa vẫn bạt ngàn đủ loại. Thế là hàng ngày mình theo mẹ ra chợ chọn hoa. Mình thích nhiều loại nên lọ hoa nhà mình bao giờ cũng nhiều màu sắc. Nhưng có lẽ đối với mình, cái thích nhất và cũng là việc mình hay làm nhất trong những ngày mùa đông ở Hà Thành là chui vào phòng đọc sách hay đến thư viện của trường. Những kiến thức mới đầy thú vị ở nhiều lĩnh vực đã sưởi ấm mình và giúp mình quê đi những ngày mùa đông giá lạnh dài đằng đẵng.

Linh thân! Dù ở đây mình sống sung sướng lắm nhưng cái cảm giác đứng giữa những ngày đông ở quê mình vẫn in sâu trong trái tim của Bảo Trang. Mình hứa với cậu. Mùa đông năm sau mình sẽ về quê. Lúc ấy mình với cậu sẽ lại cùng tung tăng ra đồng nhé. Thôi chào Ngọc Linh! Chúc cậu luôn thành công trong cuộc sống.

Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Viết bài tập làm văn số 5: Văn tả cảnh để củng cố hơn cách làm bài.

3. Hỏi đáp về bài Viết bài tập làm văn số 5: Văn tả cảnh

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF