YOMEDIA
NONE

Soạn bài Chiều tối của Hồ Chí Minh - Ngữ văn 11

Hướng dẫn soạn bài Chiều tối của Hồ Chí Minh giúp các em hiểu hơn về con người, nhân cách của Hồ Chí Minh - tác giả của tập thơ Nhật kí trong tù. Mong rằng từ bài soạn này các em không chỉ thêm phần nào về tác giả, nắm được những nội dung trọng tâm của bài học mà còn tìm cho mình những quan niệm, suy nghĩ mới trong cuộc sống. Chúc các em có một bài soạn hay, chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp.

 

2. Tóm tắt nội dung bài học 

2.1. Nội dung

  • Bức tranh thiên nhiên núi rừng được khắc họa lúc chiều tà cho thấy tâm hồn nhạy cảm, sự cảm thông thương yêu vạn vật của nhân vật trữ tình. Sự đồng cảm, tâm hồn lạc quan bên cạnh hoàn cảnh đầy khó khăn gian khổ đã thể hiện ý chí, nhân cách cao cả của người chiến sĩ cách mạng, tấm lòng nhân hậu của người thi sĩ, vượt lên trên hoàn cảnh cá nhân để đồng cảm và sẻ chia.
  • Bức tranh sinh hoạt con người cho thấy rõ rõ sự vận động của hình ảnh thơ, mang đến hình ảnh mới mẻ mang tính chất hiện đại đồng thời thể hiện được bản lĩnh, ý chí cách mạng, chất thép trong thơ Bác, tinh thần hiện đại. Sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai lại lần nữa khẳng định bản lĩnh vững vàn của người chiến sĩ cách mạng

2.2. Nghệ thuật

  • Hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế
  • Bút pháp cổ điển, hiện đại kết hợp hài hòa.

3. Soạn bài Chiều tối chương trình chuẩn

Câu 1: Phân tích bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, tìm những chỗ chưa xác với nguyên tác

  • Những chỗ chưa xác với nguyên tác:
    • Câu thơ thứ 2: Nguyên tác "man mạn" nghĩa là "trôi lững lờ", nhưng bản dịch thơ lại không chuyển tải hết nét nghĩa trạng thái của từ này mà dịch thành "trôi nhẹ"
    • Câu thơ thứ 2: Nguyên tác có từ "cô" nghĩa là "lẻ" trong từ "lẻ loi", nhưng bản dịch thơ lại bỏ xót từ này
    • Câu thơ thứ 3: Nguyên tác và bản dịch nghĩa là "thiếu nữ", nhưng bản dịch thơ lại dịch thành "cô em" làm mất đi sắc thái trang trạng, thể hiện sự tôn trọng
    • Câu thơ thứ 3: Nguyên tác và bản dịch nghĩa không có từ nào nghĩa là "tối", nhưng bản dịch thơ lại dịch thừa từ "tối" làm lộ ý thơ.

Câu 2: Phân tích bức tranh thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trong hai câu thơ đầu.

  • Bức tranh thiên nhiên:
    • Hình ảnh cánh chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ → hoạt động kết thúc một ngày cánh chim bay về tổ ấm của mình. → Đây là hình ảnh cổ điển trong thơ xưa, cánh chim như trở nặng trời chiều.
    • “cô vân” nghĩa là cô độc của áng mây bản dịch đã làm mờ nghĩa khi dịch là chòm mây.
    • Sự chuyển động lặng lẽ của cánh chim và áng mây mang trạng thái buồn.
    • Thiên nhiên vận động theo sự sống.

→ Cảnh chiều hiện lên vừa có cái êm ả vừa có cái mơ hồ bảng làng buồn của một buổi hoàng hôn xuống, tất cả các sự vận đang chuyển động về đêm, cánh chim tìm về tổ ấm kết thúc một ngày kiếm ăn vất vả, đám mây cô đơn cũng lững lờ như níu kéo ngày lại.

  • Cảm xúc nhà thơ 
    • Qua bức tranh thiên nhiên ta thấy được tâm trạng của Bác, tình yêu thiên nhiên luôn tìm đến sự hòa hợp với thiên nhiên.
    • Cảnh được nhìn bằng tâm trạng nên cũng nhuốm màu tâm trạng: chim thì về nghỉ còn bác thì vẫn phải đi, cô vân kia giống như một mình Bác trên đường chuyển lao cô đơn.
    • Tâm hồn Bác luôn hướng về sự sống: cánh chim chỉ về ngủ để bắt đầu sáng mai lại hành trình kiếm ăn chứ không bay vào cõi vĩnh hằng "Chim bầy vút bay hết - mây lẻ đi một mình".
    • Đó còn là một tâm hồn luôn hướng về đất nước, vì đất nước Bác cô gắng đi hết con đường chuyển lao chờ ngày tự do hoạt động cách mạng. Đó chính là tinh thần thép của Bác.

Câu 3: Bức tranh đời sống được cảm nhận trong hai câu sau như thế nào?

  • Cảnh:
    • Trong thơ cổ dưới áng chim chiều mây nổi thì xuất hiện con người đó là những đạo sĩ, ẩn sĩ lánh đời còn trong thơ lãng mạn: xuất hiện những con người là mỹ nhân tuyệt đẹp
    • Trong thơ bác lại chính là người lao động
    • Hoạt động gắn liền với cô gái ấy chính là hoạt động say ngô tối, cái chữ tối bộc lộ sự chăm chỉ cần mẫn của con người. Đây là một hình ảnh tuyêt đẹp về cuộc đời người thiếu nữ vất vả đáng quý đáng yêu
    • Phép điệp vòng “ma bao túc” cho thấy công việc diễn ra thường xuyên hàng ngày
    • Từ “hồng” như làm sáng cả bài thơ, nhãn tự của bài thơ, có tác dụng mang lại tươi sáng niềm ước vọng cho ngày mai
  • Tình:
    • Nhà thơ phải là người yêu cuộc sống lắm mới có thể làm cảm nhận được cái đẹp trong công việc lao động thường ngày
    • Không những thế còn phải có một trái tim nhân hậu và một sự lạc quan tin vào tương lai tươi sáng hơn

Câu 4: Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh và ngôn ngữ trong bài thơ:

  • Nghệ thuật tả cảnh: vừa có những nét cổ điển (bút pháp chấm phá, ước lệ với những thi liệu cũ) vừa có nét hiện đại (bút pháp tả thực sinh động với những hình ảnh dân dã, đời thường). Bài thơ chủ yếu là gợi tả chứ không phải là miêu tả, vì thế mà có thể cảm nhận được tính chất hàm súc của thơ rất cao.
  • Ngôn ngữ trong bài thơ: sử dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Một số từ ngữ vừa gợi tả lại vừa gợi cảm (quyện điểu, cô vân). Biện pháp láy âm vắt dòng ở câu 3 và câu 4 tạo nhịp thơ khỏe khoắn. Ngoài ra bài thơ có những chữ rất quan trọng, có thể làm "sáng" lên cả bài thơ, ví như chữ "hồng" trong câu thơ cuối chẳng hạn.

Trên đây là những gợi ý trả lời hệ thống câu hỏi trong SGK để giúp các em soạn bài Chiều tối của Hồ Chí Minh được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, để củng cố kiến thức đã học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Chiều tối.

4. Soạn bài Chiều tối chương trình Nâng cao

Câu 1: Dựa vào cảnh ngộ của tác giả (xem phần tiểu dẫn), hãy nhận xét nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong hai câu đầu của bài thơ.

Gợi ý:

1. Trước hết phải hiểu hoàn cảnh của tác giả, sau đó mới quan sát cảnh thiên nhiên trong bài thơ và phân tích nghệ thuật diễn tả của nhà thơ.

a) Hoàn cảnh của tác giả lúc Chiều tối:

  • Đây là cảnh ngoài nhà tù, vậy tất nhiên là Hồ Chí Minh chỉ có thể quan sát được trên đường chuyển lao.
  • Thường Hồ Chí Minh bị giải đi từ sáng sớm (Giải đi sớm), vậy ở đây là đã ở cuối hành trình chuyển lao và Người đã phải qua một ngày đường vất vả.
  • Chiều tối (Mộ) tức là chiều muộn, trời đang chuyển sang tối hẳn, và qua bài thơ, ta biết nhà thơ đang đứng giữa cảnh núi rừng (chim mỏi về rừng, cô em xóm núi).

b) Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của nhà thơ như thế để nhận xét nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong bài Chiều tối.

  • Giữa chốn núi rừng, tất nhiên bốn phía chân trời đều bị che khuất, ánh sáng cuối cùng của một ngày tàn chỉ có thể nhìn thấy trên đỉnh trời để nhận ra một cánh chim bay về rừng và một chòm mây lững lờ trôi qua. Nhưng khi trời tối hẳn, nghĩa là khi ánh sáng của thiên nhiên không còn nữa, thì con mắt nhà thơ tự nhiên phải hướng về nơi có ánh lửa của con người ở những thôn xóm quanh vùng. Ấy là lò lửa rực hồng của nhà ai bên xóm núi: "Cô em xóm núi xay ngô tối - Xay hết, lò than đã rực hồng”.

c) Vậy là thoạt đầu đọc bài thơ ta tưởng như tác giả tả cảnh theo công thức ước lệ: chiều thì chim bay về tổ, chòm mây lững lờ bay ngang trời. Hai hình ảnh này thường thấy trong thơ cổ khi tả cảnh chiều “Chim hôm thoi thót về rừng” (Nguyễn Du), “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan), v.v. Nhưng đặt trong hoàn cảnh cụ thể của nhà thơ thì thấy tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên một cách chính xác, tự nhiên, đúng như cảnh thật mà mình quan sát được chứ không gò theo công thức ước lệ.

Câu 2: Anh (chị) hãy nêu nhận xét về thủ pháp nghệ thuật mà tác giả dùng để diễn tả màn đêm đã buông xuống ở câu cuối của bài thơ.

Gợi ý:

  • Bài thơ dịch có câu “Cô em xóm núi xay ngô tối”. Thực ra câu thơ thứ ba này trong nguyên tác không có chữ tối (“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”: Cô gái ở xóm núi xay ngô). Như thế là tác giả không hề nói - đến sự vận chuyển của thời khắc mà tả được sự vận chuyển ấy. Khi trời còn ánh sáng thì nhìn lên cao thấy chim và mây bay qua, khi tròi tối hẳn thì thấy lò lửa ở xóm núi rực sáng (trời chưa tối thì không thể nhìn thấy ánh lửa ở tận một xóm núi nào đó).
  • Vậy là không nói tối mà tả được trời tối – tác giả dùng ánh sáng để tả bóng tối. Đây là một thủ pháp nghệ thuật, mượn cái này để tả cái kia – “Vẽ mây nẩy trăng”, “Hoạ vân hiển nguyệt”, lấy động tả tĩnh, lấy sáng tả tối,…

Câu 3: Hình ảnh lò than rực hồng ở cuối bài thơ có ý nghĩa như thế nào trong bức tranh chiều tối của tác giả? Điều này thể hiện đặc điểm gì của tâm hồn Hồ Chí Minh?

Gợi ý:

  • Nhưng hai câu cuối lại có hình ảnh “lò than rực đỏ” và “cô gái xay ngô” xua tan đi cái lạnh lẽo, cô quạnh của núi rừng cũng như trong lòng người, thể hiện niềm vui của nhà thơ sẵn sàng chia sẻ với niềm vui giản dị đời thường của người dân lao động, quên hẳn cảnh ngộ riêng của mình không có gì đáng vui cả.
  • Có thể gọi đây là tinh thần nhân đạo đến mức quên mình.

Câu 4: Màu sắc cổ điển của bài thơ thể hiện ở đâu và như thế nào? Vì sao người ta thường nói thơ nghệ thuật của Hồ Chí Minh tuy rất cổ điển nhưng vẫn là thơ hiện đại? Hãy phân tích bài Chiều tối để giải thích và chứng minh.

Gợi ý:

  • Bài thơ một mặt có màu sắc cổ điển : bút pháp chấm phá vài nét đơn sơ cốt ghi lấy linh hồn của tạo vật
  • Sử dụng những hình ảnh quen thuộc của cổ thi, không khác gì sự sử dụng ước lệ trong thơ cổ.
  • Nhưng mặt khác lại có tinh thần hiện đại:
    • Quan hệ giữa con người với thiên nhiên khác cổ thi. Con người, sự  sống, ngọn lửa của con người là trung tám của bức tranh thiên nhiên. Con   người không ẩn đi mà hiện ra, con người là chủ thể trong bức tranh đó.
    • Tâm hồn nhà thơ hướng, về sự sống và ánh sáng, thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng trong bất kì tình huống nào.
5. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1: Nêu cảm nghĩ của anh (chị) về sự vận động của cảnh vật và tâm trạng nhà thơ trong bài Chiều tối

Câu 2: Trong bài thơ, hình ảnh nào thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh

Câu 3*: Trong bài Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông viết:

"Vần thơ Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình."

  • Điều đó thể hiện trong bài thơ Chiều tối như thế nào?

Gợi ý trả lời

Câu 1: cảm nghĩ của về sự vận động của cảnh vật và tâm trạng nhà thơ trong bài Chiều tối:

  • Mạch cảm xúc, sự vận động của cảnh vật đi qua các cung bậc:
    • Từ chiều đến tối (nhờ ngọn lửa hồng rực lên mà biết trời đã tối).
    • Từ cảnh chiều tối buồn hiu quạnh nơi núi rừng đến cảnh sinh hoạt tươi vui, ấm áp, đầy sức sống của người lao động xóm núi
    • Mở đầu có chút buồn, chút mệt mỏi trước hoàn cảnh, thể hiện kính đáo hình ảnh thiên nhiên nhưng chủ thể trữ tình vẫn toát lên phong thái ung dung lạc quan
    • Hình ảnh vận động theo chiều hướng về cuộc sống con người để tiếp thêm nghị lực
    • Bài thơ kết thúc trong niềm tin tưởng lạc quan

Câu 2: Trong bài thơ, hình ảnh thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh: là hình ảnh cô gái xay ngô tối và bếp lửa hồng. Nó toát lên vẻ gần gũi, giản dị, trẻ trung, khỏe mạnh, sống động của cuộc sống lao động bình dị.

Câu 3: 

  • Chất thép: Tinh thần Chiến sĩ chủ động, bình tĩnh trước gian khổ, biết vượt lên hoàn cảnh bằng niềm lạc quan.
  • Chất tình: Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống bình dị của người lao động.

6. Một số bài văn mẫu về bài thơ Chiều tối

Chiều tối là bài thơ được viết trong thời điểm gần kết thúc của một chuyến chuyển lao. Bài thơ là một bức tranh vẽ cảnh chiều tối nơi núi rừng- cảnh đẹp bởi nó ánh lên sự sống ấm áp của con người. Qua đó, bộc lộ một tâm hồn thi nhân nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, một tấm lòng nhân hậu đối với con người, một phong thái ung dung luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Để cảm nhận sâu sắc hơn về những nội dung này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu dưới đây:

7. Hỏi đáp về bài thơ Chiều tối

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF